Saturday, February 26, 2022

GIỌT HỒI SINH - NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

 

Cô Phụng” thời son trẻ
(Tư liệu của gia đình Cô Phụng)

1.   Những ngày cuối đời của má tôi, khi tôi ở Mỹ về thăm, má tôi đã nhớ quên lẫn lộn. Thường thì bà cứ đòi về nhà mình ở Phan Thiết, có lẽ đó là những tháng năm đẹp nhất của bà. Theo bà thì có hai con Ngọc, một con ở ngoài Phan Thiết, một con sang Mỹ lấy chồng. Rồi bà nói với chị tôi, chắc nó bị chồng bỏ, nên mới về đây mà dấu cả nhà. Cũng có lúc bà ngồi đếm tuổi rồi thở than: “Sao tuổi của má nhiều quá vậy?” Lúc buông câu đó, bà đã trên tám mươi. Tuổi tôi bây giờ cũng đã gần bảy mươi, vậy là cũng khá bộn rồi. Trong thời gian đại dịch, bạn bè gọi hỏi, biết tôi bận rộn còn hơn thời chưa dịch, ai cũng chúc mừng, cho là làm việc liên tục như vậy, hy vọng là sẽ tránh bị vướng vào bịnh… Alzheimer’s. Nếu biết những chuyện tôi đang làm, má tôi sẽ lắc đầu: “Nó lại vướng vào những việc tào lao chi thiên.”

Khi còn tỉnh táo, má tôi ưa dặn: “Mấy đứa phải chờ má chết thiệt rồi muốn làm gì làm, má sợ nhứt là mở mắt ra, biết còn sống nằm trong hòm mà hỏng biết sao kêu cứu.”

Tôi biết có một trường hợp nằm bất động mấy ngày liền, chung quanh tụng kinh, chăng cờ dựng phướn, cùng chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho một đám tang, nhưng rốt rồi người mà ai cũng tưởng chết rồi ấy lại mở mắt, ngồi bật dậy, ngơ ngác như vừa từ cõi khác trở về, hỏi đám tang ai hóa ra đám tang của chính mình. Tôi không chứng kiến tận mắt giây phút ấy mà chỉ nghe chính Cô Phụng kể lại. Cô cho là mình gần như đã được gặp Diêm Vương, nhưng còn nhiều tâm nguyện chưa xong nên Cô phải trở lại cõi thế này.


2. Có một thời gian, một tuần hai buổi, tôi được ngồi chung bàn với Cô mà tính từ tuổi đời tới kinh nghiệm nghề, tôi ở dưới Cô cả chục bậc mới xứng. Cô thường bận áo dài khi tới trường. Tóc Cô cuộn cao, choàng quanh cổ rồi buông quanh vai là chiếc khăn san (shawl) hợp màu với sắc màu hay những hình hoa in lên áo. Dáng Cô thanh mảnh, khi khoác vào bộ áo dài, lưng Cô thẳng tưng giữ dáng khiến tôi là cái đứa bằng ½ tuổi Cô đang ngồi bên cạnh rất dễ mang “nhục” khi không cố ngồi thẳng thớm được như Cô. Lúc đó là vào những năm 90, thế kỷ trước.

Cô Phụng (đeo kính râm) và nữ nghệ sĩ Kim Chưởng ở Ba Lê (1966)

(Nguồn: Báo Người Việt)

Cô Phụng đến lớp chúng tôi không chỉ dạy nghề. Cô nói mơi mốt các em thành đào kép hát, sẽ dự tiệc với thân hào nhân sĩ, thậm chí nhân vật nước khác, phải biết cách ăn, cách nói sao cho ai nhìn vào vẫn thấy mình là người có tư cách, hành xử lịch sự chỉn chu và thông hiểu văn hóa trong ngoài nước. Một buổi dạy có những lúc nghỉ giữa các tiết, Cô còn ưa kể riêng cho tôi nghe chuyện hồi Cô mới vào nghề, và cuộc đời thăng trầm của Cô.


(clockwise) Nguyễn thị Minh Ngọc, Hữu Quốc, Kim Tiểu Long, Cô Phụng, Ngọc Huyền, thầy Trần Văn Khê (vào dịp sinh nhật Cô ngày 30 tháng 4 năm 2001)

(Tư liệu của tác giả)

Người được Cô nhắc nhiều nhứt là Thầy Nam, người bạn diễn ưng ý và cũng là người thầy chỉ dạy Cô khi Cô mới vào nghề. Có một thời giới kịch trường gọi hai người là đôi tình nhân trên sân khấu. Nhiều nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương được học từ Thầy và Cô đến độ nhiều người xem hai vị là những bậc tổ nghề còn sống. Có khá nhiều bài báo, in thành sách, chuyển thành phim kể về cuộc đời của Cô, thậm chí họ còn đi sâu vào mối tình dang dở được cho là kéo dài hơn nửa thế kỷ của hai nghệ sĩ có mặt từ lúc nghệ thuật cải lương khởi đầu.

Cảm hứng từ những mẫu chuyện thật được nghe trực tiếp từ Cô, tôi đã soạn thành một vở kịch. Khi đài truyền hình thu và phát sóng, tôi mang in một bản mang tặng Cô. Người cháu cận kề Cô kể, Cô thường khoe với nhiều người là “cô Ngọc viết về cuộc đời của tôi đó.” Trong vở kịch này, nhân vật chánh của tôi là một cô nhỏ bán chè giúp gia đình, có giọng rao lảnh lót, vừa khi ông bầu cần đào chánh rước về để anh kép chánh kiêm thầy tuồng đào tạo. Nhân vật nam chánh tôi ghép từ ba người: Thầy Nam, ký giả Thanh Tâm–người đã tặng bút hiệu mình cho giải thưởng lớn của cải lương do ông sáng lập ra, và ông Trần–một soạn giả được đặt tên cho Nhà Hát cải lương có Trường Đào Tạo mà tôi đã được cùng ngồi dạy với Cô. Hai nhân vật nam và nữ chánh của tôi có tình cảm dành cho nhau nhưng đành giữ kín trong lòng vì chưa bao giờ họ độc thân cùng thời điểm, để khi Cô ôm được người Thầy của mình trong tay thì đó lại là cái đầu vô hồn của ông khi vừa bị bom phạt đứt lìa.


3. Khi phỏng viết về cuộc đời Cô Phụng, tôi phải hết sức thận trọng vì hai vị cố vấn cho trường ngoài Cô Phụng ra còn có Cô Hai, người vợ góa của Thầy Nam. Nếu Cô Phụng ra ngoài luôn áo dài, khăn san thì Cô Hai dung dị áo bà ba, cầm theo chiếc giỏ bàng có ghi to bên ngoài chữ MÁ. Có năm, được ngồi cạnh Cô Hai trong ngày giỗ tổ, tôi “phỏng vấn”: “Theo cô, khi trở thành người vợ thứ ba của Thầy Nam, điều gì giúp cô chiến thắng bao mỹ nhơn hát hay ca giỏi khác, để chinh phục trái tim của Thầy?” Bằng chiếc miệng móm mém nhưng đầy tự hào, Cô Hai đã buông ra nhẹ nhàng ba chữ: “Bằng tài năng!”


Hình cô Phụng (ngồi giữa, đeo kính), với Cô Hai với giỏ bàng thêu chữ “Má” và các học viên khóa 3 trường đào tạo của Nhà Hát Cải Lương Trần Hữu Trang (1988), với Nguyễn thị Minh Ngọc (đứng hàng hai, rìa bên phải) là chủ nhiệm trường

(Tư liệu của tác giả)

Theo tôi biết thì, ngoài tài năng, để giữ được một gia đình hạnh phúc, Cô Hai còn là tri âm, tri kỷ, là người đồng hành không mêt mỏi cạnh người chồng rất mực tài hoa kia, trên đường đời lẫn đường hành đạo giữ nghề. Thầy Nam mất đi rồi, một vở tuồng có giá trị của Thầy bị mang ra “chỉnh sửa” mà người ta cho là phải vậy mới hợp với thời thế hơn. Khi những người có quyền và cả người sửa tuồng nhận là học trò của Thầy Nam mang tiền tới nhà, Cô Hai ngồi quay lưng, không nhận. Sau đó, gần như gia đình không muốn tác phẩm của Thầy bị dựng bừa bãi. Chỉ khi chúng tôi xin phép được dựng làm bài thi cho học viên trong trường, gia đình mới chấp thuận với lời hứa không được xâm phạm bản gốc. Mấy năm gần đây, khi kịch bản của Thầy bị nhiều nơi, đặc biệt các game show lấy đại trên mạng rồi mang ra xào nấu vô tội vạ, Cô Hai đã mất nhưng các con của Thầy và Cô Hai cũng theo chí hướng của cha mẹ, yêu cầu tuyệt đối không cá nhận tập thể nào được dùng tới tuồng của Thầy, bất cứ với lý do nào.

Giây phút Thầy Nam ra đi, tôi được nghe Cô Phụng kể lại: “…Tôi chạy vào nhà thương vấp té mấy lần. Thấy ảnh nhắm mắt, xuôi tay nằm đó, tôi níu vai, nắm tay ảnh, kêu anh khoan đi, phải nghe em nói hết những lời mà lẽ ra em phải nói từ khi cả anh và em đều còn son trẻ. Từ lúc mới gặp, em đã thương anh… nhưng vợ của anh dù có thế nào cũng còn sống đó, anh luôn dạy em phải luôn giữ hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ mà, nên em đành ‘tự xử’ nén chặt mối tình này, giờ hãy cho phép em nói thiệt, trải bao chìm nổi, tới phút này, em vẫn một dạ thương anh.”

Tôi không phải là người độc nhất được nghe Cô Phụng kể lại. Đã có vài bài báo ghi lại điều này và nhiều người khen ngợi Cô Hai có tâm hồn cao cả, đã cùng nhau chia sẻ nỗi đau và an ủi “cố nhân” của chồng mình khi cho biết trước đó Thầy Nam đã luôn nhắc tới, gọi tên Cô Phụng và hỏi Cô Phụng ở đâu. Tôi còn nhớ khuôn mặt đầy xúc động và hạnh phúc của Cô Phụng khi kể thêm: “Tôi vừa dứt lời thì từ khóe mắt ảnh ứa ra một giọt lệ. Ai cũng tưởng ảnh đi rồi, vậy mà tôi đã níu ảnh ở lại dương thế này thêm được vài giây ngắn ngủi đó, nhưng rất quan trọng với đời tôi.”


4. Trong vở kịch của tôi viết từ chuyện thiệt của Cô, ít nhiều ghi lại hoàn cảnh éo le của Cô Phụng và Thầy Nam, chưa bao giờ hai người nầy độc thân cùng lúc, cùng thời. Thầy chưa kịp ly dị thì Cô đã kết hôn. Cô mới có chút tự do thì Thầy khởi đầu một cuộc hôn nhân mới. Sau các cuộc hôn nhân, Thầy Nam có vài dòng con. Phần Cô Phụng từng kết hôn với một nghệ sĩ tài giỏi khác, có một mụn con gái, xinh đẹp, giỏi giang nhưng chết vì ung thư máu ở tuổi thanh xuân. Khi lập gia đình với một công tử dân Tây nức tiếng giàu sang, mê cải lương mà cưới Cô và bỏ tiền cho Cô lập gánh, Cô cũng có hai đứa con nhưng một chết yểu trong hoàn cảnh bi thương, cha coi như bỏ phế, không lo thang thuốc, một rồi cũng lìa đời không lâu sau đó.


Cô Phụng với con gái Bửu Chánh (đã mất), và con gái nuôi Lili

(Tư liệu của gia đình cô Phụng)

Bù lại, Cô Phụng có khá nhiều con nuôi, và thường là người nổi tiếng. Trước và sau khi Cô mất, họ cũng ra đi gần hết rồi. Một trong những người con nuôi của Cô là một nhà văn có nhiều truyện được chuyển thành tuồng và phim từ trước năm 1975. Ông cũng là bạn vong niên của tôi. Có một dạo, ông ưa đi ăn sáng với bọn tôi, mà ông thường gọi là những Nữ Tặc. Chúng tôi thường trao đổi những vở kịch dự định sẽ viết và tung tóe cãi nhau các cảnh tuồng từ cảnh khai từ cho chí tới vĩ thanh. Ông thường khoe đang viết hồi ký về sân khấu mà bà má nuôi của ông là Cô Phụng sẽ là nhân vật trung tâm. Ông thường nói: “Ê, Ngọc, để rồi mày coi, có nhiều sự thật mang tính lịch sử chưa ai biết, sẽ được tao đưa hết vào cuốn đó!” Tiếc là ông mất trước Cô Phụng và tôi hỏi thăm thân nhân của ông thì cũng chưa ai tìm ra bản thảo. Có lần ông kể, ngày Cậu Công Tử rước Cô Phụng rời gánh có Thầy Nam về biệt thự của mình với lời hứa lập gánh mới cho Cô, Thầy Nam đã đi lòng vòng bên ngoài suốt đêm kêu khản giọng: “Cậu Hai ơi, trả Cô Phụng lại cho tôi.”


Công Tử “George” Lê Công Phước, người chồng thứ hai của cô Phụng

(Nguồn: Vietnamnet)

5. Từng có lúc ở trên đỉnh cao sự nghiệp, trong bốn ghe hát của Cậu Công Tử sắm cho Gánh thì Cô và Cậu ngự riêng chiếc ghe lớn có tầng lầu dẫn dầu với cờ xí giăng đầy, từng là mẹ nuôi của một ông Tướng kiêm Thủ Tướng đầy quyền lực của thời Việt Nam Cọng Hòa, từng được bao vương tôn công tử quỵ lụy đắm say và rồi cũng Cô nếm mùi ôm con chạy thuốc không ra, chồng ham chơi ngoảnh mặt. Khác với những tấn tuồng có hậu Cô từng đóng, đời Cô có lúc tạm vãn tuồng, thấm thía khúc kết vô hậu với hai tay trắng, mất sạch chồng con lẫn tài sản. Chắc vì vậy nên trong Cô luôn đau đáu những nỗi lo âu: Nghệ sĩ về đâu khi xế chiều tắt tiếng hạ màn, con cái học hành ra sao (con gái của Cô Phụng giỏi bốn thứ tiếng nhờ Cô gởi cho chị mình nuôi giúp), thân mình có đất chôn không? Cô nói, có lẽ vì chưa kịp làm hết mấy chuyện lo cho anh chị em nghệ sĩ mình khi tàn đời thất thế mà khi nằm thiếp mấy ngày, tôi đã xin Diêm Vương cho tôi trở lại trần gian thêm vài niên nữa.

Những ngày cuối đời, Cô chọn nơi sống là vào chùa Nghệ Sĩ, miếng đất mà Cô đã dùng tiền riêng của mình mua. Cạnh chùa Cô đã dành đất làm nghĩa trang để chôn cất những nghệ sĩ, đa phần là nghệ sĩ cải lương. Nhiều nghệ sĩ chết ở hải ngoại cũng xin về gởi cốt trong chùa. Cô Phụng và Cô Hai, hai người phụ nữ đã ôm nhau khóc trong giây phút Thầy Nam lìa đời, nay Cô Hai hào sảng nhượng thêm một bước nữa, vẫn để phần mộ của Thầy Nam cách nơi Cô Phụng ở có vài bước chân.

Đó cũng là những năm tháng hạnh phúc của Cô Phụng. Ai cho tặng gì Cô, Cô gom lại mang đi làm quà tặng lại những nơi xa xôi hẻo lánh. Có lần tôi kéo được một số Mạnh Thường Quân tới ủng hộ Cô. Người phụ nữ ấy đã gần 90 năm sống, vẫn muốn đi cùng đoàn mang quà tới tận Sóc Bom Bo ở Bù Đang Bù Đốp, nơi đời sống người thiểu số vẫn còn thấp dù hòa bình đã lâu. Chiều chiều, nếu không có việc gì làm, Cô thường tản bộ ra mộ… nói chuyện với Thầy Nam. Có lần, tôi đưa nhóm quay phim muốn làm phim về Cô, Cô thơ trẻ làm sao khi xin đờn, chuẩn bị ra mộ Thầy hát mấy câu vọng cổ mà Thầy soạn riêng để tặng Cô. Đang hát, bỗng lỡ một nhịp, Cô ngừng ngay, chẳng buồn ngó tới đám chúng tôi, mà chỉ như nói riêng với người dưới mộ: “Quýnh quá, trật một nhịp rồi, để hát lại nghen!” Tiếc là khi dựng vào phim, đã không còn đoạn lỗi nhịp rồi hát lại đó nữa.


Brochure chương trình văn nghệ Trọn Đời Trả Nợ Dâu (2001) (đạo diễn Nguyễn thị Minh Ngọc), để gây quỹ cho các sinh hoạt từ thiện của Cô Phụng

(Tư liệu của tác giả)


6. Cô Hai mất sau Thầy Nam mười ba năm, hài cốt gởi ở một ngôi chùa khác. Đầu thế kỷ 21, tôi dự đám tang một soạn giả cải lương nổi tiếng–trước đây sáng tác dưới một liên danh mà ông và người cộng tác đã cống hiến nhiều kịch bản hay cho sân khấu, cho đến bây giờ các hãng phim vẫn săn đón để xin chuyển làm phim. Khán giả ở quận Gò Vấp bu tới Chùa Nghệ Sĩ đón chờ và thất vọng khi chẳng thấy nghệ sĩ nào–nhờ kịch bản hai ông mà nổi tiếng–đến tiễn. Họ buông lời trách: “Thấy đời bạc chưa!”

Lác đác trong giới chỉ có tôi cùng H. một đạo diễn khác, từng phục dựng và chuyển sang thể loại thoại kịch từ tuồng của đôi cố soạn giả này. Vì chúng tôi không phải là những gương mặt chường ra game show nên khán giả chẳng nhận ra. Chúng tôi ghé thăm Cô và được biết gia đình Thầy Nam sắp bốc mộ của Thầy, đưa về nằm cạnh Cô Hai. H nói riêng với tôi, dời mộ Thầy vậy không chừng Cô sẽ “đi” theo. Thấy Cô vẫn khởi đầu một ngày bằng những động tác tập thể dục thẩm mỹ rồi trang điểm nhẹ, chuẩn bị ra thắp hương cho người soạn tuổi trẻ hơn mình, tôi tin Người Phụ Nữ gần chạm tới tuổi bách tuế này, đã một lần trôi sang cõi khác vài ngày rồi hồi sanh lại, đã chất ngất phù vân danh ảo, đã lặn sâu đáy vực khổ đau mất trắng, đã trơ trọi sống giữa những mộ bia đồng nghiệp và hậu sanh, đã níu được hồn người tri kỷ bằng lời tỏ tình dấu kỹ sau sáu mươi năm, đã được nhượng việc chiều chiều ra mộ hát những lời Người Ấy soạn cho mình…giờ có đi lúc nào thì với Cô, có lẽ cũng là sống đủ.


Austin, October 31, 2021

Nguyễn Thị Minh Ngọc

No comments:

Post a Comment