Sunday, April 29, 2012

Ngưới Đàn Bà Bên Khung Cửa Sổ - Truyện Ngắn





Tôi đến khách sạn này cách đây một tuần.  Đây là một khách sạn cổ kính lâu đời,  nằm trong một vùng hẻo lánh ở miền Bắc nước Mỹ vốn nổi tiếng với phong cảnh mùa thu tuyệt vời.  Tôi đến đây mỗi năm từ miền Nam, khi trời đất đang vào giai đoạn giữa thu, chỉ để được ngắm nhìn và thưởng thức sự phôi phai và tàn úa của một mùa mà tôi yêu thích nhất trong bốn mùa của năm.  Đó cũng là cái cách mà tôi dùng để làm mới lại con người mình, giúp mình thoát khỏi cái nhịp điệu sống tuy có phần hối hả nhưng lại đều đặn và tẻ nhạt của cuộc sống ở đất Mỹ này.

Tôi chú ý thấy rằng đã bảy ngày trôi qua, ngày nào cũng vậy, có một phụ nữ trung niên dáng vẻ quí tộc, cứ mỗi chiều về, lại đến đứng cạnh khung cửa sổ trong phòng khách của khách sạn mà nhìn về rặng núi ngoài kia ở phía xa xa vốn đang trùm phủ một màu quan san buồn tê tái.  Mắt bà buồn chi lạ!  Đúng hơn, phải nói là toàn bộ con người bà được bao phủ bằng một nỗi buồn huyền bí.  Nỗi buồn ấy như chất đầy trên chiếc mũ có màng lưới bao phủ và phần nào buông rũ xuống, che khuất ít nhiều gương mặt xinh đẹp nhưng không biểu lộ nhiều cảm xúc của bà.  Nỗi buồn ấy như phảng phất trên bộ y phục luôn là màu đen mà bà mặc.  Tôi đồ chừng rằng bà chắc hẳn sẽ nhìn khác lạ lắm nếu bà khoác lên mình một bộ y phục với màu sắc khác, không phải là màu đen.  Và dáng đi của bà nữa, cũng vương vấn một nỗi buồn khó hiểu:  bà cúi gầm mặt mà bước đi, những bước đi nhanh như trốn chạy.





Chiều nay, khi ánh hoàng hôn khẽ khàng hắt những tia sáng yếu ớt cuối ngày qua khung  cửa sổ ở phòng khách của khách sạn, tôi lại bắt gặp bóng dáng người đàn bà ấy đứng đấy im lìm, bất động, bên cạnh khung cửa sổ, mắt dõi về phía rặng núi âm u ngoài xa.  Không kiềm được sự tò mò, tôi quyết định đến ngồi ở chiếc ghế cạnh cửa sổ, vờ như để đọc sách, nhưng thực ra là đợi dịp thuận tiện để bắt chuyện với bà.  Một hồi lâu sau, cơ hội cũng đến khi bà mở ví lấy ra một gói thuốc, rút ra một điếu và loay hoay tìm bật lửa.  Có lẽ bà đã bỏ quên nó ở đâu đó nên tìm mãi mà chẳng thấy. Thấy thế, tôi nhanh chân tiến đến bên bà, chìa bật lửa ra trước mặt bà mà nói: 
-  Có phải bà đang tìm bật lửa không, thưa bà? 
-  Ồ, đúng vậy, thưa ông.  Tôi đã vô tình bỏ quên nó ở đâu rồiTôi thật đãng trí quá
Nói xong, bà nhanh tay đón lấy bật lửa và châm mồi cho điếu thuốc của bà.  Sau một cái hít thật sâu, vẫn với điếu thuốc trên tay, bà tiến đến ngồi vào cái ghế ở phía trước mặt tôi.  Không bỏ lỡ cơ hội, tôi vội vàng gợi chuyện: 
Xin cho được hỏi, bà từ đâu đến vậy, thưa bà? 
-  Ồ, tôi từ nước Anh đến, thưa ông.  Cũng đã gần một tháng rồi.  Năm nào tôi cũng đến đây, ông à. 
-  Thế à, thưa bà. 
Lời tiết lộ của người đàn bà đã khẳng định hoài nghi trong tôi rằng, qua giọng nói, bà không phải là một phụ nữ Mỹ, mà chắc hẳn là phải đến từ một quốc gia nói tiếng Anh nào khác.  Tôi không gặp khó khăn gì trong việc hiểu tiếng Anh của bà, nhưng thú thật, cái "accent" (giọng nói) của bà nghe rất xa lạ và bí ẩn.  Tôi đã sống ở Mỹ khá lâu và quá quen thuộc với "accent" của người Mỹ nên khi nói chuyện với họ, tôi không cần phải tập trung gì cả mà vẫn có thể dễ dàng hiểu được những gì họ nói.  Nhưng riêng với bà thì có lẽ tôi cần có chút tập trung.


Sự chăm chú của tôi vô tình làm cho người phụ nữ thấy tôi trở nên gần gũi hơn và có lẽ vì vậy, bà dễ dàng để mở lòng hơn.  Hít thêm một hơi thuốc nữa, bà nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nhẹ nhàng buông một câu hỏi nghe như tiếng thì thào: 
Có lẽ ông thắc mắc là tại sao nhìn tôi có vẻ cô đơn quá, phải không?  Tôi nhìn thấy được điều đó trong ánh mắt của ông khi ông nhìn tôi.  Vâng, đúng vậy!  Tôi quả thực cô đơn lắm, thưa ông.  Cuộc sống của tôi là một chuỗi những giây phút cô đơn kết nối lại với nhau.  Nỗi cô đơn thân quen, gần gũi và thậm chí là cần thiết cho đời sống của tôi như không khí vậy, tôi không thể sống mà không có nó. 
Thế sao, thưa bà?  Bà không có người thân nào hay sao?  Tôi thực sự ngạc nhiên với sự thổ lộ tâm tình bất ngờ của bà và do đó, bất giác thốt lên những câu hỏi mà không hề có dự tính trước.   
-   Vấn đề ở đây không phải là có người thân hay không, thưa ông.  Tôi có nhiều người thân sống ở Anh chứ, nhưng họ và tôi đã trở nên xa lạ từ lâu lắm rồi.  Nguyên nhân chính là họ quan tâm quá nhiều đến đồng tiền và chẳng biết gì khác ngoài đồng tiền.  Điều đó thật đáng xấu hổ biết bao, phải không ông?   Tôi cũng đã từng lập gia đình với một thương gia giàu có ở Luân Đôn, người mà tôi yêu thương đắm đuối.  Sau đám cưới, cứ mỗi giữa thu thì anh ấy và tôi lại đến thành phố nhỏ này.  Tôi thì mê ngắm cảnh mùa thu tuyệt đẹp ở đây, còn anh ấy thì mê săn bắn ở khu rừng xa xa đằng kia.  Nhưng rồi vào một mùa thu nọ cách đây cũng đã mười năm, anh ấy đi vào đó để săn bắn như thường lệ, nhưng không bao giờ trở lại nữa.
-  Ồ, ông ấy đã bị mất tích à, thưa bà?  Thế bà có cho người vào khu rừng đó để tìm kiếm không ạ?  Tôi kêu lên thảng thốt, trong khi ánh mắt bà dõi về khu rừng ngoài kia với một tia nhìn thật u uẩn.  Khẽ lặng hồi lâu, bà quay lại nhìn tôi nói tiếp:   
Dĩ nhiên là có chứ, thưa ông.  Tôi đã báo cảnh sát và họ đã làm một cuộc lục soát khu rừng rất kỹ lưỡng nhưng không tìm ra manh mối.  Tôi thậm chí còn mướn thêm người để tìm dấu vết của chồng tôi, nhưng cũng không có kết quả gì.  Sự mất mát ấy đến với đời tôi bất ngờ và ngẫu nhiên quá, khiến tôi cứ mãi băn khoăn về tính vô thường của cuộc sống này.  Ông có chia sẻ ý nghĩ này với tôi không?  Giọng của bà khi hỏi tôi câu hỏi này nghe thật lạ, không có vẻ gì là hỏi, mà như đang kiếm tìm một sự đồng cảm rất thiết tha.  Không chần chờ, tôi đáp trả bà ngay với một giọng nhiệt thành: 
Tôi cũng nghĩ như bà vậy, thưa bà.  Đúng hơn là tôi đã từng trải qua và chiêm nghiệm điều đó.  Những gì chúng ta có đều có thể ra đi bất kỳ lúc nào, ngay cả sinh mạng của chính chúng ta.  Bà không nghĩ là tôi đang quá bi quan chứ? 
-  Không, thưa ông.  Đúng như vậy.  Chúng ta thực sự không thể biết được ngày mai chúng ta ra sao, có còn sống hay không và sẽ như thế nào.  Và do đó, thực là vô lý quá đi nếu chúng ta cứ mãi phung phí thời gian chúng ta còn sống vào những điều vô nghĩa, như những quan hệ xã giao đãi bôi hay những lời nói dối không cần thiết.  Tôi nhận ra rằng tôi sống trọn vẹn nhất là vào những giây phút tôi cô đơn đó, thưa ông.





Càng lúc bà càng có vẻ cởi mở với tôi hơn và gương mặt bà lộ rõ một vẻ nồng ấm thật bất chợt.  Tôi cảm thấy mình hoàn toàn bị lôi cuốn vào cuộc đối thoại về sự cô đơn với bà: 
Bà hoàn toàn có lý.  Nhưng có khi nào bà thấy nỗi cô đơn đè nặng lên người bà đến mức bà cảm thấy nghẹt thở, không thể chịu đựng nổi nữa không, thưa bà?  Gương mặt bà thoáng lộ nét đăm chiêu khi nghe câu hỏi này của tôi.  Sau khi im lặng vài phút như để nghĩ ngợi, bà trả lời tôi với một giọng thật trầm, trong khi mắt bà lại hướng về phía bên ngoài cửa sổ:
Thú thật là có, thưa ông.  Nỗi cô đơn đôi khi như một vệt dầu loang, mà lòng tôi là một tờ giấy chấm.  Nó loang ra và thấm đẫm cả lòng tôi, làm lòng tôi ướt sũng và trĩu nặng.  Những giây phút như thế đôi khi làm tôi cảm thấy nặng nề và có cảm giác như mình không thể sống qua nổi.  Nhưng công bình mà nói, những giây phút như thế không nhiều, thưa ông.  Thường thì tôi sống hòa bình và an vui với nỗi cô đơn của tôi.  Với nó, tôi có dịp chiêm nghiệm lại những ngày tháng, cũng như những niềm vui và nỗi buồn mình đã sống qua.  Điều đó thật thú vị.  Cũng với nó, tôi mới có thể bình tâm mà nhìn lại chính bản thân mình, ý thức được một cách rõ ràng là mình đang làm gì và nghĩ gì.  Lâu dần rồi thành quen, nói ông đừng cười tôi, tôi không thể sống mà không có nó, ông à.  Đó là lý do vì sao, cứ mỗi năm, sau những ngày căng thẳng điều hành công việc kinh doanh mà chồng tôi bỏ lại, tôi lại tìm về nơi này để được sống với nỗi cô đơn của riêng mình. 
Chợt nhận ra rằng mình đã nói một hơi khá dài, bà khẽ dừng lại với chút bối rối, ngượng ngùng, rồi bẽn lẽn nhìn tôi và hỏi : 
Hình như tôi đã bắt ông lắng nghe khá lâu, phải không ông?  Tôi thành thật xin lỗi ông về điều đó.  Tôi nghĩ là ông sẽ sẵn lòng tha thứ cho tôi nếu ông biết được rằng tôi hầu như chẳng bao giờ mở lòng với bất kỳ ai, nhưng nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như tôi đang đối thoại với chính bản thân mình.  Một cảm giác rất thân thuộc, thưa ông.  Trút được nỗi lòng của tôi với ông chiều nay, cái gánh nặng mà nỗi cô đơn cứ thỉnh thoảng lại làm trĩu nặng lòng tôi dường như đã tan biến vĩnh viễn.  Bây giờ thì tôi có thể an tâm mà bầu bạn với nó trong suốt những tháng ngày còn lại.   

Khi bà nói tới những lời sau cuối, khuôn mặt bà biểu lộ một sự biết ơn thật thành kính và trang nghiêm.  Điều đó bất giác làm tôi cảm thấy ngượng ngùng vì thực ra tôi có làm gì cho bà đâu, ngoài việc lắng nghe bà nói.  Để bà khỏi áy náy, tôi vội trấn an bà:
-  Không có gì đâu, thưa bà.  Câu chuyện của bà thật sự làm tôi thích thú.  À, nói chuyện nãy giờ mà tôi vẫn chưa được hân hạnh biết được quí danh của bà. 
Ho Họ và tên của tôi là Liz Taylor, thưa ông.  Taylor là một cái họ khá phổ biến ở nước Anh đó, thưa ông.  Nhân tiện, ông có thể cho tôi biết ông làm nghề gì và đến thành phố nhỏ này để làm gì không ạ?  Bà trả lời tôi với một giọng thật ấm áp và trìu mến, tưởng chừng như có cơn nắng hạ nào đó vừa sưởi ấm giọng nói của bà.  
 -  Tôi là một nhà văn, thưa bà.  Tôi đến thành phố nhỏ này hàng năm vào giữa mùa thu chỉ để ngắm lá thu, và tìm cảm hứng sáng tác.  Rất có thể bà sẽ là nhân vật chính trong tác phẩm sắp tới của tôi đó, thưa bà.
Gương mặt bà trở nên rạng rỡ khi nghe tôi nói điều đó. 
Ôi, hân hạnh cho tôi quá.  Sao tôi lại không có dịp tiếp chuyện với ông sớm hơn nhĩ?  Tiếc là chiều tối ngày mai tôi phải ra sân bay để trở về Anh rồi.  Tôi đã ở đây một tháng rồi còn gì.  Sẵn đây, tôi xin được gửi lời tạm biệt ông nhé.  Hy vọng là sẽ có dịp gặp lại ông. 
Tôi có thể cảm thấy rất rõ sự hối tiếc trong giọng nói của bà.  Tôi đáp lời bà với một giọng hối tiếc không kém: 
Tôi thậm chí phải rời nơi đây sớm hơn cả bà đấy.  Tôi phải có mặt ở sân bay để trở về nhà vào khoảng 9 giờ sáng ngày mai.  Trước khi tôi ra đi bà có thể cho phép tôi gửi tặng bà một bó hoa tạm biệt được không bà? 
-  Dĩ nhiên là được chứ, thưa ông.  Điều đó quả thực là hân hạnh cho tôi quá.  Nó chứng tỏ là ông đã yêu quí tôi biết dường nào.  Tiếc là vào giờ đó có lẽ tôi chưa dậy, ông có thể để lại bó hoa ở quầy tiếp tân nhé.  Ông cứ nói với viên tiếp tân là ông gửi hoa cho bà Liz Taylor ở phòng số 303 nhé. Thôi trời cũng đã tối rồi, có lẽ tôi phải từ giã ông để trở về phòng thôi.  Chúc ông thượng lộ bình an nhé. 
Vừa dứt lời bà vội đứng dậy thật nhanh, nhanh như một ngọn gió và bước lầm lũi về phía cầu thang rồi biến mất ngay lập tức trên đỉnh của những bậc thang hình vòng xoắn.  Tôi cũng trở về phòng mình để chuẩn bị hành lý.  Ngoài kia, bóng tối đã buông xuống bao trùm cả không gian.  Rặng núi âm u ngoài xa cũng lọt thỏm vào trong khoảng không gian tối đen dày đặc. 



Sáng hôm sau, tôi thức dậy khá sớm, lội bộ đến một hiệu bán hoa gần đấy để mua một bó hoa tặng bà Taylor.  Cân nhắc mãi rồi cuối cùng tôi quyết định chọn một bó hoa Tulip màu tím thẫm.  Tôi cho là màu tím này thích hợp với vóc dáng và gương mặt bí ẩn của bà.  Trở về phòng để lấy va-li xong, tôi ôm bó hoa xinh đẹp đến quầy tiếp tân để làm thủ tục check-out khỏi khách sạn.  Thủ tục khá đơn giản, anh chàng tiếp tân chỉ cần kiểm tra lại xem tôi còn có khoản tiền dịch vụ nào chưa thanh toán không mà thôi.  Kiểm tra xong, anh ta vui vẻ bảo tôi: 
Tất cả ổn cả ông ạ. Bây giờ chỉ cần trao lại cho tôi chìa khóa phòng là ông có thể rời khỏi nơi đây.  Chúc ông thượng lộ bình an nhé . 
Vừa trao lại chìa khóa phòng cho anh chàng tiếp tân, tôi vừa nhỏ nhẹ bảo anh ta:
Xin lỗi anh, anh có thể làm giúp tôi một việc được không ạ?
-  Tôi rất sẵn lòng ạ.  Việc gì thế, thưa ông?  Anh ta trả lời tôi với một giọng thật nhẹ nhàng và nhiệt thành.
-   Cũng không có gì lớn lao đâu ạ.  Tôi chỉ nhờ anh chuyển giùm bó hoa này cho bà Liz Taylor ở phòng 303 khi bà ta thức giấc thôi ạ.  Vừa nói tôi vừa trao lại bó hoa cho anh chàng tiếp tân.  Anh ta đón nhận nó với một thái độ rất cung kính rồi khẽ đặt nó lên trên quầy, gần bên chiếc máy computer.  Xong, anh ta bảo với tôi: 
Ông vui lòng đợi tôi kiểm tra lại danh tánh của vị khách ở phòng 303 nhé. 
Chăm chú vào màn hình computer trong vài phút, đột nhiên anh ta ngẩng mặt lên và nói với tôi với một giọng chứa đầy ngạc nhiên:   
Xin lỗi ông, cả tháng nay phòng 303 trống, không có ai ở cả ông ạ.  Cả khách sạn hiện giờ cũng không có vị phu nhân nào tên là Liz Taylor cả, thưa ông.
Những lời nói của anh tiếp tân làm tôi bàng hoàng kinh ngạc.  Một ý nghĩ kỳ lạ chợt nảy ra trong tâm trí tôi.  Run rẫy nhận lại bó hoa từ tay anh chàng tiếp tân, tôi nói vội lời cảm ơn rồi nhanh chân rời khỏi khách sạn trước sự ngỡ ngàng của anh ta về sự hấp tấp quá bất ngờ của tôi.

Bước dọc theo lề đường với những bước chân đi vội vã như trốn chạy, mắt tôi dáo dác liếc nhìn chung quanh để tìm một chiếc taxi.  May mắn quá, có một chiếc đang đậu phía  bên kia lề đường với dấu hiệu xe trống trên nóc xe.   Băng qua đường, tôi tiến đến gõ cửa xe và nhìn thy bên trong một anh tài xế đang ngồi đợi khách.  Nghe tiếng tôi gõ cữa, anh vội bật khóa cửa để tôi lách vào bên trong xe.  Đợi tôi yên vị xong, anh cất giọng cung kính hỏi tôi, mắt nhìn vào tấm gương chiếu hậu: 
Dạ thưa ông bà muốn đi đâu ạ? 
-  Anh chở tôi đến phi trường quốc tế gần đây nhất nhé.   À mà này, tôi vừa nghe trong câu hỏi của anh có đề cập đến "bà".  "Bà" nào đấy?
-  Dạ thưa ông, có lẽ ông đùa cho vui, phải không ạ?  Thì chính là quí bà đang ngồi cạnh ông ở ghế sau chứ còn quí bà nào nữa, thưa ông.  Ông quả là người vui tính!
 ....

                                                                              23/11/2011
                                                                             Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment