Khái niệm thần tượng là một khái niệm được dùng phổ biến trong mọi nền văn hóa trên trái đất. Để giải thích cho sự phổ biến đó, có thể viện dẫn đến thiên hướng luôn muốn vươn đến “chân, thiện, mỹ” của con người. Ở trong bất cứ xã hội nào, ở bất kỳ tầng lớp giai cấp nào và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, con người luôn muốn mình trở nên tốt đẹp hơn ngày hôm qua và hoàn hảo hơn ở ngày mai. Để chạm được đến cái đích rất chính đáng đó, ý thức của mỗi con người tự hoạt động và lựa chọn cho mình một hình mẫu hay nhiều hình mẫu để ngưỡng mộ, để noi theo và để làm đích phấn đấu. Nhu cầu về thần tượng ra đời từ đó.
Khái niệm thần tượng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển của xã hội. Lý do là vì sự phát triển của xã hội được quyết định phần lớn bởi giới trẻ, mà giới trẻ thường lại bị chi phối và tác động rất mãnh liệt bởi những đại diện thần tượng mà họ chọn cho cuộc sống của mình. Nếu những đại biểu thần tượng của đa số giới trẻ là thuộc về lãnh vực tri thức (như giáo sư Ngô Bảo Châu, chẳng hạn) hay những anh hùng dân tộc của quá khứ hay của hôm nay (như Trần Quốc Toản, chẳng hạn), hay thậm chí là những nhân vật bất hủ trong các tác phẩm văn học cổ điển (như nhân vật Ruồi Trâu, chẳng hạn) thì đó là một biểu hiện tốt cho sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Thường thì sự ngưỡng mộ và tôn sùng đối với những thần tượng thuộc dạng này bao giờ cũng được bộc lộ với một cách thức chừng mực và có hiểu biết hơn, có thể là do người hâm mộ là những người ít nhiều có vốn tri thức và văn hóa hơn. Người hâm mộ biết mình hâm mộ thần tượng ở điểm gì và không bao giờ nhầm lẫn giữa phương diện mà mình tôn sùng ở thần tượng với con người nói chung của thần tượng. Nếu họ có hâm mộ giáo sư NBC thì họ chỉ hâm mộ và tôn sùng vị giáo sư này ở khả năng tư duy toán học hay những đóng góp mà ông ta đã cống hiến cho đất nước, chứ không ai lại ngớ ngẩn đến mức đòi hỏi ông ta phải trông hấp dẫn như một tài tử điện ảnh hay ăn nói bặt thiệp như một chính khách thứ thiệt.
Những đại biểu thần tượng của giới trẻ trong một xã hội phần nào phản ánh sự phát triển về nhân cách và suy nghĩ của giới trẻ trong xã hội đó. Có một điều đáng lo lắng diễn ra trong xã hội Việt Nam trong một, hai thập niên gần đây là sự lên ngôi thần tượng một cách ồ ạt và dễ dàng của các nhân vật trong ngành giải trí (Việt cũng như Hàn) và sự tôn sùng, ngưỡng mộ quá cuồng nhiệt, thậm chí đến mức điên cuồng, của một bộ phận lớn giới trẻ và một bộ phận không lớn của giới không còn trẻ. Góp phần cho sự phát triển của khuynh hướng này có lẽ không thể không kể đến các chương trình sản sinh thần tượng, như chương trình truyền hình thực tế Vietnam Idol, chẳng hạn.
Hãy xét điển hình trường hợp lên ngôi thần tượng của ca sĩ trẻ Uyên Linh sau cuộc thi Vietnam Idol năm ngoái, để thấy giới trẻ hôm nay đã nhận thức về khái niệm thần tượng lệch lạc như thế nào. Không phủ nhận rằng sự xuất hiện của giọng ca Uyên Linh là một cú đột phá của cuộc thi và bản thân cô sở hữu một giọng ca có nội lực, đầy hứa hẹn và một phong cách trình diễn rất quyến rũ và thu hút. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức triển vọng và sự thành công phía trước còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thế nhưng, một bộ phận lớn giới trẻ và cả một số người không còn trẻ đã “hùa nhau” để thổi bùng nó lên thành một hiện tượng và cùng nhau đưa cô lên ngôi thần tượng một cách ầm ỹ, dễ dàng và vô cùng hời hợt.
Động thái tôn xưng thần tượng ấy đã chỉ ra một sự suy nghĩ nông cạn và bồng bột nơi giới trẻ hâm mộ. Một khi thần tượng được tôn vinh một cách bộc phát như thế thì việc hạ bệ thần tượng có thể được đếm từng ngày. Quả thực như vậy. Ngay sau đó, cô ca sĩ này đã phải hứng chịu vô số chỉ trích vô căn cứ về những phát biểu, những suy nghĩ, cũng như những ứng xử của cô trong lãnh vực ca hát và trong đời sống. Cho dù những điều đó là có thực đi nữa (huống hồ gì là không) thì người hâm mộ nên hiểu rằng đúng ra họ chỉ nên thần tượng cô ở phương diện ca hát và trình diễn sân khấu, chứ không nên nhập nhằng giữa nó với con người riêng của cô - một sự nhập nhằng thật lệch lạc và vô thức.
Mọi sự việc trên đời này đều có tính hai mặt của nó, nhưng hiếm có khái niệm nào mà hai mặt của nó lại đi liền sát nhau như khái niệm thần tượng trong xã hội VN hiện nay. Thường thì ngay sau khi đưa thần tượng lên ngôi, người hâm mộ không đợi lâu để thốt lên những câu cảm thán đầy tuyệt vọng và ngỡ ngàng, bày tỏ sự hụt hẫng của mình về chính thần tượng đó. Liệu là “thần tượng” có lỗi gì trong việc này? Có thể có, có thể không, tùy trường hợp. Nhưng dù có hay không, vấn đề chính ở đây là: Người hâm mộ đã mong chờ và đòi hỏi thần tượng của họ phải là một con người hoàn hảo - một sự mong đợi mù quáng.
Liệu có hay không một con người hoàn hảo trên thế gian này để “thần tượng” không bao giờ phải sụp đỗ? Câu trả lời chắc chắn là: “Không”.
Mỗi con người luôn là một tổng thể của những điều tốt đẹp và những điều không hay. Chúng luôn tồn tại song hành như ngày và đêm, như mặt trăng và mặt trời, vừa đối kháng, vừa hỗ trợ cho nhau. Nói chúng đối kháng vì chúng hoàn toàn khác nhau một cách cực đoan: đêm không thể xuống nếu ngày chưa đi, mặt trời thuộc về ngày và mặt trăng thuộc về đêm. Nói chúng hỗ trợ cho nhau bởi vì chúng ta không thể nhận ra ngày sáng như thế nào, nếu chúng ta không có bóng đêm để đối chiếu.
Vì mỗi con người là một tổng thể chứa đựng hai phần cực đoan như thế, họ có một quyết định tối thượng, nhất thiết phải thực hiện trong đời sống: sống hướng thượng hay hướng hạ. Nếu một con người không ngừng phát huy những điều tốt đẹp trong bản thân mình và trấn áp những điều không hay thì đó lối sống hướng thượng và ngược lại. Quá trình chiến đấu với bản thân đó là một quá trình rất lâu dài, trong khi đó, đời sống của con người thì lại quá ngắn ngủi để có thể biến tất cả mọi điều xấu xa trở thành tốt đẹp. Như một hệ quả, sẽ chẳng thể nào có được một con người mà chúng ta có thể gọi là hoàn hảo.
Luôn một mực đòi hỏi và mong chờ thần tượng của mình là một người hoàn hảo, vô hình trung, người hâm mộ đang làm một điều cực kỳ phi lý. Và càng phi lý hơn nữa, khi ngay sau khi đưa thần tượng lên ngôi, cũng chính là lúc họ tự ban cho mình cái quyền lên án và nguyền rũa thần tượng, mỗi khi thần tượng của họ hành động hay ứng xử theo một cách mà họ không thấy vừa ý hay thỏa nguyện. Không có một nhân vật của công chúng nào lại muốn được trở thành thần tượng theo kiểu đó. Chỉ do, vì là người của công chúng, họ không còn có sự lựa chọn nào khác và phải trân mình chấp nhận.
Không chỉ dễ dàng đưa các nhân vật trong ngành giải trí lên ngôi thần tượng, giới trẻ Việt hôm nay còn làm dấy động một sự quan ngại về cái cách mà họ biểu lộ lòng tôn sùng và ngưỡng mộ đối với thần tượng của mình. (Mà các thần tượng ở đây cũng không chỉ là các ngôi sao Việt. Chiếm một số lượng lớn hơn lại là các ngôi sao Hàn Quốc, với ưu thế về sắc diện và hình thức nổi trội.) Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm băng, đĩa, lập fan-club hay ăn mặc, để tóc, đi đứng giống thần tượng; việc thể hiện sự ngưỡng mộ còn tiến đến những mức cao hơn, đôi khi kỳ quái.
Điển hình và gần đây nhất là việc cúi xuống ngửi và hôn lên chiếc ghế mà ngôi sao Hàn Quốc Bi Rain vừa ngồi trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Hàn vào ngày 15-03 vừa qua. Không phủ nhận là tầm vóc của ngôi sao này đã vượt quá giới hạn của châu Á để vươn lên tầm quốc tế, nhưng hành động ngưỡng mộ thô thiển, nếu không muốn nói là thô tục và vô văn hóa ấy, đã cho thấy người hâm mộ trẻ thực sự có một nhận thức lệch lạc trong việc ngưỡng mộ thần tượng.
Phạm Công Thiện
Luận về thần tượng qua mắt nhìn của những con người trẻ hôm nay, có thể thấy một không khí phần nào bi quan bao trùm lên toàn diện bức tranh. Nhưng liệu là có công bằng không, khi chúng ta gán hoàn toàn trách nhiệm về những sự lệch lạc và vô thức trong việc ngưỡng mộ và tôn sùng thần tượng này lên những con người trẻ. Xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy có nhiều điều đáng được quan tâm, thay đổi, cũng như có nhiều câu hỏi nảy sinh:
- Một xã hội phát triển lành mạnh là một xã hội có khả năng sản sinh ra những mẫu hình thần tượng có giá trị thực sự, có đủ sức thuyết phục và quyến rũ giới trẻ bằng chân giá trị của nó. Chúng ta có bao giờ nhẩm tính là đã bao lâu rồi xã hội không còn đủ khả năng để làm việc đó? Để phục hồi khả năng đó, xã hội cần được cải tạo và thay đổi ở những điểm gì?
- Một nền giáo dục hợp lý, nhân bản và hiệu quả là một nền giáo dục định hướng được giới trẻ tìm đến những mẫu hình thần tượng đích thực có khả năng dìu dắt, chỉ lối, đồng thời động viên và khuyến khích họ trên từng bước đường sống gập ghềnh của thời tuổi trẻ, vốn còn nhiều nông nổi và khờ dại. Chúng ta có bao giờ nhìn lại để thẩm định xem là nền giáo dục đã thực thi được bao nhiêu phần trăm trong việc định hướng ấy?
01/04/2012
Jeffrey Thai
Đọc bài viết Luận Về Thần Tượng trên Vietnamnet Đọc bài viết Luận Về Thần Tượng trên Thời Luận
No comments:
Post a Comment