Tin Tức Mạng: Thấy Gì Qua Các Trang Báo Hôm Nay?
Báo tin tức mạng Việt Nam ra đời cách đây không lâu. Còn nhớ trước năm 2005, hầu như rất khó tìm được một mạng tiếng Việt, nói chung, hay một mạng tin tức tiếng Việt, nói riêng, trên Internet. Chỉ sau thời điểm đó thì các trang mạng tiếng Việt mới xuất hiện rầm rộ với một tốc độ khá vũ bão. Chính vì có một lịch sử phát triển không lâu như vậy, việc điểm lại bộ mặt của các trang báo tin tức mạng tiếng Việt không phải là một việc làm quá khó khăn, nhất là ở thời điểm hiện tại, khi mà hầu hết chúng đều có một “dung nhan” khá giống nhau, giống như những nhan sắc được chỉnh sửa tại cùng một thẩm mỹ viện. Câu hỏi được đặt ra trong bài viết này là: Chúng ta thấy gì qua các trang báo mạng tin tức hiện nay?
Có lẽ chưa có một câu hỏi nào được đặt ra mà lại dễ dàng trả lời đến thế. Nó dễ đến mức một em bé chỉ vừa mới biết đọc thôi cũng có thể trả lời chính xác. Thế thì chúng thấy gì nhỉ? Xin thưa, chúng thấy: tội ác và scandal.
Trước tiên, xin nói về tội ác. Tội ác có cần thiết để được nói đến không? Xin thưa, rất cần thiết chứ. Tội ác cần phải được phơi bày lên trên mặt báo để mọi người biết đến, suy ngẫm và từ đó, học cách để đề phòng và tránh né. Có nhận thức được cái xấu, cái tàn ác và tính phạm pháp nghiêm trọng của tội ác thì người dân mới biết quí trọng và nâng niu những điều thiện lương diễn ra trong đời sống xã hội quanh mình, cũng như biết cách răn mình để đừng bao giờ phạm pháp. Có biết được tình trạng tội ác đang diễn ra với mức độ và cường độ như thế nào, thì người dân mới ý thức được những gì đang thực sự diễn ra trong xã hội và từ đó, có những thái độ trách nhiệm thích hợp, nhằm duy trì và bảo vệ xã hội.
Với tư cách là một kênh thông tin, chẳng có gì sai trái khi các trang báo mạng đăng tải những câu chuyện về tội ác. Làm điều đó, các trang báo mạng chỉ đang thực thi một trong những chức trách của mình mà thôi. Nhưng điều cần nói ở đây là chúng đã bị lạm dụng một cách vô trách nhiệm và gây tác hại về mặt định hướng đạo đức xã hội. Trên các trang báo mạng ngày nay, tội ác không còn xuất hiện với cái dáng vẻ đáng ghê sợ và gây kinh tởm như chúng vốn thường phải vậy nữa. Từ một thời điểm nào đó, chúng đã được “trang trọng” đặt vào vị trí nổi bật nhất trên trang chủ của mỗi tờ báo như một món “thực đơn” chính hấp dẫn, nhằm gây kích thích và lôi cuốn người đọc. Và mỗi ngày, các tờ báo đều tranh thủ để có ít nhất một “món ăn” chính hấp dẫn như thế để đảm bảo lượt view cho tờ báo của mình.
Đầu tiên, người ta chỉ thấy tội ác giết chóc lẫn nhau xảy ra giữa những con người không có liên hệ máu mủ gì với nhau trong xã hội. Chuyện ấy, xét ra, vẫn là chuyện thường thấy trong mọi xã hội của nhân sinh khi cái ác luôn song hành cùng cái thiện. Nhưng có điều có thể nhận thấy rất rõ là càng ngày tội ác giết hại lẫn nhau đó càng xảy ra nhiều hơn trong nội bộ gia đình: cha mẹ, anh em, chồng vợ… giết hại lẫn nhau bằng mọi hình thức tàn nhẫn nhất. Các tội ác không bình thường đó, đáng lẽ, phải được tường trình như một tiếng kêu báo động hay một hồi chuông cảnh tỉnh. Đằng này, chúng cứ xuất hiện lần lượt và bình thản từ ngày này sang ngày khác ở vị trí nổi bật nhất của các trang báo, như những “món ăn đặc sản”. Chúng xuất hiện với dáng vẻ rất bình thường, chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể không hơn, không kém. Không có gì ngoa khi nói rằng các trang báo đã và đang làm cái công việc “bình thường hóa” tội ác.
Đã có quá nhiều những điều không bình thường trong xã hội được bình thường hóa, và cứ mỗi lần như thế, xã hội ngày càng thỏa hiệp nhiều hơn với cái xấu và cái ác. Và bây giờ, nếu tội ác đang được dần dần bình thường hóa theo cái cách mà nó đang diễn ra, xã hội rồi sẽ về đâu? Một câu hỏi gieo nhiều lo lắng cho những ai còn có ý thức về trách nhiệm xã hội. Đồng thời cũng có thể dễ đoán biết là giới trẻ là giới tiếp cận với thông tin ấy nhiều nhất trên các trang báo mạng. Việc tiếp cận thường xuyên và không hề được định hướng ấy, vô hình chung, đã làm tê liệt ý thức ở giới trẻ về cái xấu và cái ác, và đó là một trong những nguồn gốc sâu xa định hình nên thái độ sống vô cảm trong giới trẻ. Từ lối sống vô cảm đó, những tội ác kiểu Lê Văn Luyện đã được hình thành và ngày càng phát triển, gây nguy hại cho xã hội và làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.
Điều thứ hai, xin được nói đến là scandal - scandal của các sao trong giới showbiz Việt - luôn xuất hiện tràn lan như nấm trên các trang báo mạng. Công bình mà nói, giới nghệ thuật showbiz luôn là giới được quan tâm và khai thác thông tin ở mọi xã hội và mọi thời đại, chứ không chỉ riêng ở VN. Nhu cầu tò mò về cuộc sống đời thường của sao và những câu chuyện phía sau hậu trường là một nhu cầu có thực của một bộ phận công chúng. Do đó, việc các trang báo mạng thông tin tìm cách lôi kéo độc giả bằng các loại thông tin đó, cũng chẳng có gì là bất thường hay sai trái. Nhưng, một lần nữa, cách các trang báo mạng này lạm dụng chúng đến một mức độ quá giới hạn, cách giới truyền thông ứng xử thô bạo với đời tư của những người của công chúng đã cho thấy có một sự lệch lạc nghiêm trọng, cần được uốn nắn.
Người ta gọi giới showbiz là giới nghệ thuật, vì những con người trong giới đó hoạt động cho nghệ thuật chứ không phải cho bất kỳ một lãnh vực nào khác. Vì nó là giới nghệ thuật nên hẳn nhiên điều đáng nói nhất là các tác phẩm nghệ thuật mà họ đã ấp ủ và sản sinh ra, chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Dĩ nhiên, sau khi đã thỏa mãn với những thông tin ấy, nhu cầu tò mò bản năng của con người sẽ thúc đẩy con người muốn biết nhiều hơn về những thông tin ngoài lề, những chi tiết riêng tư của những ngôi sao mà họ thần tượng, yêu mến. Từ nhu cầu đó, việc sản sinh ra các bài báo “lá cải” là việc tất nhiên, không có gì phải bàn đến. Điều đáng nói ở đây là, đã có sự hoán chuyển vị trí giữ cái chính yếu và cái thứ yếu: cái đáng được nói đã không được nói, những điều nhảm nhí lại cứ tiếp tục được lập đi, lập lại.
Bây giờ, người ta (các trang báo mạng) không tha thiết với những gì nghiêm túc và đáng nói nữa, mà đã nghiễm nhiên biến mình thành những “bà tám” chuyên nghiệp, chuyên chĩa mũi vào những khía cạnh nhạy cảm nhất trong đời sống riêng tư của các sao mà moi móc thông tin, hay rình mò những sơ hở của họ trong biểu diễn nghệ thuật hay trong đời sống mà chộp lấy những khoảnh khắc tế nhị. Tệ hại hơn nữa, với đặc tính “nhiều chuyện” của mình, các trang báo mạng cũng đã gián tiếp tạo điều kiện cho một số nghệ sĩ không chân chính nương vào họ mà quảng bá hình ảnh, cũng như danh tiếng chưa lấy gì làm nổi tiếng lắm của mình. Nếu không có sự giúp sức của các trang báo mạng “bà tám”, chúng ta có thể tin rằng chẳng có ai rỗi hơi đâu để, hết người này đến người khác, tìm cách khỏa thân, khoe “hàng” để được chú ý.
Mang trên mình chức năng của một kênh thông tin, nhưng với lối ứng xử thông tin như thế, các trang báo mạng này đã góp phần định hình nên một thế giới showbiz Việt ngày càng xuống cấp và bát nháo. Không ai còn quan tâm nhiều đến việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân chính và có giá trị, vì công sức “thai dưỡng” và “đẻ đau” quá nặng nhọc mà khi ra đời, những đứa con tinh thần này lại bị rẻ rúng và lạnh nhạt đến mức đau lòng. Thay vào đó, các diễn viên, nghệ sĩ đã học được cách để nổi tiếng nhanh mà không cần phải lao động nghệ thuật vất vả: tạo ra những scandal vớ vẩn về tiền, về tình, về phát ngôn, về hình ảnh. Họ chỉ cần ra tay hành động thôi, ngay lập tức, đã có sự hậu thuẫn nhiệt tình của các trang báo mạng để truyền tải những thông tin nhảm nhí ấy đến độc giả. Hệ quả chúng ta đã thấy là, thay vì sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật, là sự xuất hiện tràn lan của các “thảm họa”.
Thêm điều tệ hại này nữa là: các trang báo mạng đã từ bỏ văn hóa tin tức để chuyển sang văn hóa tin đồn - một việc làm đi ngược lại với chức năng của báo chí, định hướng sai lệch công luận và trên hết, là một việc làm thiếu đạo lý. Tin tức là những gì có thật đã được kiểm chứng và xác minh trước khi thông tin đến công luận. Tin đồn, không cần định nghĩa, ai cũng có thể hiểu là những thông tin thu nhặt được qua việc nghe nói lại, có thể có, có thể không, và thậm chí là những thông tin do một ai đó tự sáng tác hay bịa ra. Không khó để tìm ra những minh chứng cho loại văn hóa tin đồn trên các trang báo mạng hôm nay.
Sau đây là một ví dụ. Trong thời gian diễn ra chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”, lúc mà cái tên Quách Ngọc Ngoan đang là một cái tên hot, lập tức tin đồn “Diễn viên QNN đánh thai phụ” lan tràn trên các trang mạng thông tin ở vị trí “trang trọng” nhất. Chỉ cần căn cứ vào thời điểm xuất phát và đọc tựa đề thôi, một độc giả với trí óc bình thường cũng có thể dễ dàng suy ra mà không sợ nhầm lẫn rằng: Đây là một tin đồn vớ vẩn để câu khách. Đọc nội dung bài viết thì quả là như vậy. Người viết đã không ngần ngại để nói ra là đây là những điều nghe nói lại. Điều buồn cười và đáng ngạc nhiên hơn nữa là, dựa trên một thông tin nhảm nhí như vậy, nhiều người đọc đã vô tư, nhiệt tình bình luận về nhân cách của anh chàng diễn viên này
Không khó để hiểu được tại sao các trang báo mạng hiện nay đang chạy đuổi theo thông tin về tội ác hay sử dụng văn hóa tin đồn. Họ đang chạy đuổi theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả, vốn luôn là số đông nếu so sánh với bộ phận tinh hoa trong xã hội, để tăng nhanh chóng lượng truy cập và qua đó, nhanh chóng thu được lợi nhuận kinh doanh cho mình. Và sử dụng văn hóa tin đồn, họ đang áp dụng chiến lược “ngon, bổ, rẻ”: họ không phải tốn kém gì cả cho các phóng viên như khi muốn có các thông tin nghiêm túc giá trị. Xét về mặt ngắn hạn, đây quả là một chiến lược rất thông minh, nếu chúng ta bỏ qua phương diện trách nhiệm đạo lý và xã hội của người kinh doanh. Nhưng, thực tế là, kinh doanh luôn phải đi đôi với lương tâm và trách nhiệm xã hội. Điều đó vừa là mặc định, vừa là qui định. Không một người kinh doanh nào mà không biết điều này. Nó thậm chí còn là một môn học chính thức trong các trường đại học trên thế giới, chuyên ngành thương mại, mà tên tiếng Anh là Business Ethics.
Về mặt lâu dài, có thể thấy cái chết được báo trước của các trang báo mạng dạng này. Điều đó cũng chẳng có gì lạ, chỉ đơn thuần là tuân theo quy luật cung cầu – qui luật cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường. Ngay bây giờ, chúng ta đã có thể thấy được sự dư thừa của các trang báo mạng tội ác và tin đồn. Chúng có mặt đầy rẫy ở khắp mọi nơi và bắt đầu gây “bội thực” cho một số độc giả. Đã có một số độc giả lên tiếng rằng, họ chán ngán đến mức họ không buồn liếc qua các trang chủ của các trang báo mạng ấy nữa. Con số này đang ngày càng tăng lên. Sẽ đến một lúc mà cơn khát những tin tức chính thống và nghiêm túc sẽ trỗi dậy. Đó cũng chính là lúc mà người ta đã nhận rõ ra sức tác hại mãnh liệt mà những dạng tin tức tội ác và tin đồn đã gây ra cho sự phát triển lành mạnh của xã hội, nói chung, và đạo đức xã hội, nói riêng.
Ngày ấy rồi sẽ đến.
No comments:
Post a Comment