Sunday, August 12, 2012

Tản Mạn về Chính Tả, Học và Dạy



Tôi vừa đọc xong một bài báo than phiền về bức thư xin nghỉ học của một học sinh lớp mười.  Bức thư sai nhiều lỗi chính tả và hành văn lủng củng đến nỗi không thể nào tin được đó lại là bức thư được viết bởi một học sinh lớp mười.  Thiết nghĩ một học sinh chỉ cần học đến lớp năm thôi đã có thể viết tốt hơn như thế gấp nhiều lần.  Việc viết sai lỗi chính tả, cũng như lối hành văn lủng củng, là điều mà tôi xem là một trong những vấn nạn cơ bản nhất của nền giáo dục hiện nay.  Dễ dàng bắt gặp vấn nạn này trên các trang blog của mạng xã hội hay hiếm hoi hơn, trên các trang thông tin, báo chí.


Việc giữ gìn sự trong sáng và chuẩn xác của tiếng Việt là điều thiết yếu nhất trong việc giữ gìn bản sắc của nền văn hóa Việt.  Căn bản của việc ấy là tiếng Việt phải được viết đúng và diễn đạt đúng.  Có thế thì nó mới được hiểu đúng.  Và thông qua việc hiểu đúng đó, tầm nhận thức của người viết cũng như người đọc được nâng cao.  Dựa trên yếu tố cơ bản đó, ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao chỉ một bức thư viết sai chính tả như thế của một học sinh lớp mười được phơi bày ra đã làm dấy lên một sự quan ngại sâu sắc về chất lượng đào tạo của ngành giáo dục. 

Tôi là người sống xa xứ đã lâu, gần hai thập kỷ, và đã có một khoảng thời gian rất dài không có điều kiện để đọc chữ Việt, cho mãi đến khi chúng xuất hiện trên mạng Internet những năm gần đây.  Khi đọc lại tiếng Việt của ngày hôm nay, tôi đã "choáng váng" mà nhận ra rằng:  Nó đã xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể nhất ở khâu chính tả và diễn đạt, ở những bài viết mà tôi có dịp được đọc qua.  Tham gia các trang mạng xã hội Việt trong thời gian hơn một năm, tôi hiếm hoi đọc thấy một bài viết mà không có sai phạm về mặt chính tả và việc diễn đạt hoàn toàn trôi chảy theo đúng ngữ pháp tiếng Việt. 


Việc sai lỗi chính tả không chỉ xảy ra ở những từ ngữ ít sử dụng mà cả ở những từ ngữ rất thông dụng như:  ràng buộc (thường bị viết sai là "ràng buột"), hối tiếc ("hối tiết"), dành dụm ("giành dụm"), giành giật ("dành giật"), kiềm chế ("kìm chế"), chiều chuộng ("chìu chuộng"), đám giỗ ("đám dỗ").... Nó không chỉ xảy ra rất thường xuyên ở các học sinh hay sinh viên đang còn đi học, mà thậm chí, còn có thể bắt gặp, dù hiếm hoi hơn, ở các cây bút chuyên nghiệp (như các nhà giáo, nhà văn...).  Tôi vẫn còn nhớ vào những ngày còn đi học ở VN, tôi vẫn luôn được dạy để nhớ rằng:  Việc viết sai chính tả là một điều cực kỳ đáng xấu hổ.  Thế mà, giờ đây dường như mọi người "thoải mái" viết sai chính tả một cách rất... vô tư. 


Bên cạnh đó, việc sử dụng sai dấu hỏi, ngã đã trở thành một điều phổ biến đến nỗi tôi có cảm giác rằng không có nhiều người thực sự quan tâm đến nó.  Dấu hỏi, ngã là một đặc thù chỉ có trong tiếng Việt.  Ngoài qui luật phổ biến được giảng dạy trong nhà trường là "ngang, sắc:  hỏi"*, "huyền, nặng:  ngã"*; tất cả các trường hợp ngoại lệ còn lại đều phải học thuộc.  Điều không may là các trường hợp ngoại lệ này lại khá nhiều nên việc học thuộc không phải là điều dễ dàng.  Tuy vậy, đó là điều nằm trong tầm khả năng của mỗi học sinh Việt, và qua đó, phần nào phân biệt đẳng cấp cao, thấp, cũng như trình độ học vấn của mỗi người.  Qua kinh nghiệm, tôi thấy việc học thuộc này cũng không khó hơn việc học thuộc tất cả các động từ bất qui tắc trong Anh Ngữ. 

Việc chấm ngắt câu cũng là một điều làm tôi băn khoăn không kém trong việc diễn đạt của những người viết tiếng Việt.  Phần lớn người viết không hiểu và không ý thức được tầm quan trọng của chúng.  Đó là lý do tôi thường thấy mình "khổ sở" khi cố gắng đọc một bài viết nào đó để bình luận:  Nó rối rắm và khó hiểu quá.  Người viết chấm ngắt câu một cách tùy tiện; không hiểu được khi nào nên dùng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu chấm than, dấu ba chấm...  Thí dụ như việc sử dụng tràn lan dấu ba chấm đã làm cho bài viết trở nên rời rạc và mang hơi thở của những lời hấp hối.  Nó khiến người đọc có cảm giác người viết không ý thức được mình đang viết gì.  Việc sử dụng không đúng chỗ dấu chấm, dấu phẩy và dấu chấm phẩy gây cảm giác "đâm hơi" hay "cụt hứng", đồng thời gây khó cho việc cảm nhận.   

Cũng nằm trong khía cạnh chính tả và diễn đạt là vấn đề viết hoa.  Vấn đề này là vấn đề cơ bản nhất trong tiếng Việt (cũng như trong hầu hết các ngôn ngữ khác cùng dùng mẫu tự La tin).  Vấn đề này cơ bản đến nỗi tôi thấy mình thật sự "bất mãn" khi đọc phải quá nhiều vi phạm.  Việc sai phạm tệ hại đến nỗi nó xảy ra ngay cả trong tiêu đề của bài viết.  Tôi thường thấy mình "gai mắt" không muốn đọc tiếp và mất đi phần nào thiện cảm với người viết ở các vi phạm quá đỗi cơ bản như sau:  đầu câu không viết hoa, sau dấu chấm không viết hoa, sau dấu chấm hỏi không viết hoa... Việc không viết hoa các danh từ riêng cũng là điều người đọc thường gặp phải.



Việc đọc thấy quá nhiều sai phạm mà tôi vừa kể chưa phải là điều làm tôi ngạc nhiên nhất.  Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là thái độ của người đọc đối với chúng.   Đa số xem đó là điều...  bình thường, là... chuyện nhỏ.   Thậm chí có điều này làm tôi "choáng váng":  Chúng được chọn làm "Bài viết xuất sắc", được đăng tải ở vị trí Trang Chủ ở các trang mạng xã hội để phổ biến rộng rãi đến người đọc.  "Người Việt (có học) viết sai tiếng Việt" mà lại được xem là chuyện nhỏ thì quả thực là nhận thức về ngôn ngữ, về văn hóa dân tộc đã lệch lạc đi nhiều lắm! 

Phân tích khá tỉ mỉ như trên, cũng như phê phán có vẻ khắt khe như thế, dễ gây cảm giác rằng tôi là một nhà ngôn ngữ học cũng nên.  Thực tế không phải như vậy và cũng không nhất thiết phải là như vậy.  Tôi chỉ nhìn vấn đề dưới lăng kính cá nhân của bản thân - một người Việt (có học) bình thường, xem trọng việc viết và hiểu đúng tiếng Việt.  Việc này đối với nhiều người có vẻ như không quá quan trọng, nhưng tôi lại thấy nó có liên quan mật thiết với một hệ lụy:  Việc sút giảm nghiêm trọng trong khả năng nhận thức của những người trẻ hôm nay.  Nói ra điều này, tôi xin được xin lỗi trước:  Đôi khi, tôi chợt nhìn thấy, qua những gì mà một số người trẻ viết và bày tỏ, thấp thoáng bóng dáng của cái điều được đặt tên là "thiểu năng trí tuệ". 



Sở dĩ tôi có cảm giác như vậy là vì tôi cứ băn khoăn đặt mãi cho mình những câu hỏi:  Tại sao có một số lớn những người trẻ không thể đọc và hiểu được, cảm nhận được những bài viết sâu sắc một chút hay ít nhiều mang tính ẩn dụ; họ chỉ thích thú với những bài viết, những chủ đề hời hợt, dễ đọc và không cần suy nghĩ hay không mang tính chất gợi mở suy nghĩ?  Tại sao có những người không còn quá trẻ (từ 25- 30 tuổi, hay thậm chí lớn hơn) lại chỉ có thể say mê đọc, viết và thưởng thức những bài viết, những chủ đề chỉ thích hợp cho lứa tuổi teen từ 14 đến 16 tuổi (một sự trì trệ về trí tuệ thật xa)? 


Tất cả những điều tôi vừa nói trên về chính tả và tiếng Việt (những điều cơ bản nhất), cùng với những hệ lụy liên quan, đã phản ánh cho thấy rằng chức năng đào tạo của ngành giáo dục đã sa sút nghiêm trọng.  Thực ra, sự sa sút đó không phải mới diễn ra đây.  Nó đã diễn ra trong khoảng thời gian tôi hành nghề một giáo viên trung học trước khi rời VN, cách đây gần hai thập kỷ.  Dù rằng khoảng thời gian ấy không dài, chỉ một vài năm, nhưng với tư cách một người trong cuộc, tôi đã là chứng nhân để thấy rất rõ cứ mỗi một năm trôi qua, chất lượng của lớp học sinh mới nhập vào trường lại giảm đi một bậc.  Và đi kèm theo đó, ý thức học của học sinh, và ý thức dạy của giáo viên cũng giảm đi một cách tương ứng. 

Vốn là một giáo viên nghiêm túc trong việc giảng dạy, nhân đây, tôi xin được chia sẻ một vài kinh nghiệm "xót xa" này của bản thân.  Kinh nghiệm đầu tiên là:  Làm một người thầy đàng hoàng thật... khó!  Ngày ấy, vì nhiều học sinh học yếu quá nên tôi thường đánh rớt chúng theo như kết quả khách quan của các bài làm.  Nhưng những giáo viên hành xử như tôi lại không nhiều.  Kết quả là đa số học sinh phải ở lại lớp chỉ vì thiếu điểm môn tôi dạy.  Và vì thế, cứ cuối mỗi năm học, tôi lại phải "đối phó" với nhiều phụ huynh học sinh đến thăm chỉ với mục đích xin điểm để con lên lớp.  Mặc dù tôi đã cố công giải thích rằng tôi  không thể làm điều đó và để góp phần giải quyết vấn đề, tôi tự nguyện phụ đạo không công cho các em vào mùa hè để các em có cơ hội thi lại thành công.  Thế nhưng họ đã phớt lờ đề nghị hợp lý ấy và cảm thấy "phẫn uất" chỉ vì tôi không chiều lòng họ.  

Thêm một kinh nghiệm "xót xa" nữa là:  Làm một thầy giáo đàng hoàng nghĩa là... cô đơn!  Đến bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ kinh nghiệm của một kỳ gác và chấm thi tốt nghiệp cấp ba tại một hội đồng thi lớn.  Đó là những ngày thật... cô đơn!  Thật ra, sự cô đơn này chỉ là do tôi lựa chọn để tránh khỏi dính vào các vụ cà phê, nhậu nhẹt, quà cáp mà các học sinh dự thi và gia đình đang tìm cách " bao vây" các thầy cô giáo.  Thay vì ở chung tập thể theo sự bố trí của nhà trường, tôi đã nhờ người quen để xin ở trọ tại một nơi riêng biệt không ai biết.  Trong suốt khoảng thời gian gác và chấm thi đó, để được yên thân làm đúng nhiệm vụ của mình, tôi đã phải biệt lập chính mình, chẳng giao tiếp với ai, đi ăn hay đi uống cà phê đều đi một mình.  Có lẽ dưới mắt của nhiều người ngày ấy, tôi là hình ảnh của một ông thầy khá... lập dị.  Nhưng tôi đã chẳng thể có một sự lựa chọn nào khác khi mà việc học và dạy, ngay thậm chí ở thời điểm ấy, đã xuất hiện những điều không hay như thế. 

Nhân đọc thấy sự quan ngại chung về khả năng viết chính tả và diễn đạt tiếng Việt của học sinh ngày nay, tôi chỉ xin được chia sẻ một số suy nghĩ và tâm tình tản mạn của mình về chính tả tiếng Việt, về việc dạy và học ở VN như trên.  Thực tế, qua phản ánh của các trang mạng thông tin, hiện trạng của ngành giáo dục VN bi đát hơn nhiều với quá nhiều bất cập trong việc giảng dạy và quá nhiều tệ nạn nảy sinh trong nội bộ ngành.  Điều cuối tôi muốn nói là:  Cải cách giáo dục là một điều trở nên cấp thiết hiện nay, đòi hỏi một sự quan tâm lớn của toàn xã hội, và một sự mổ xẻ sâu của các chuyên gia chuyên ngành. 

12/08/2012
Jeffrey Thai


Qui luật "ngang, sắc:  hỏi":  Trong một từ kép (gồm hai từ đi liền với nhau), nếu một từ không có dấu hay có dấu sắc thì thường từ còn lại có dấu hỏi. 

*  Qui luật "huyền, nặng:  ngã":  Trong một từ kép (gồm hai từ đi liền với nhau), nếu một từ có dấu huyền hay dấu nặng thì thường từ còn lại có dấu ngã.  

No comments:

Post a Comment