Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người chạy đua không ngừng
với những tiện nghi vật chất ngày càng có nhiều hơn trong đời sống, được mang lại
từ sự tiến bộ vượt bực của khoa học và kỹ thuật. Ngay từ lúc mới sinh ra, và trong suốt quá trình
lớn lên, những đứa trẻ luôn bị bao vây và, không ngừng bị tác động bởi cuộc sống
vật chất ngày càng tiến triển chung quanh mình.
Gia đình và giáo dục càng góp phần tôn cao giá trị của đời sống vật chất
thông qua việc rèn luyện cho trẻ em từ rất sớm ý thức kiếm sống và làm giàu. Chẳng có gì sai trái trong việc cấy trồng vào
vùng tâm thức hoang sơ của trẻ em những ý thức ấy, vốn chính đáng và cần thiết
cho cuộc sống của chúng mai này.
Vấn đề chỉ nảy sinh khi việc giáo dục ấy trở nên mất cân bằng: Người ta quá chú trọng đến việc giáo dục cho
con trẻ làm giàu, nhưng lại phần nào lãng quên, hay hoàn toàn lãng quên, việc
giáo dục chúng trở thành những con người tử tế.
Bi kịch của xã hội ngày hôm nay xuất phát từ đấy: Chúng ta ngày càng có rất nhiều hơn những con
người giàu có, nhưng những con người tử tế đúng nghĩa cũng ngày càng trở nên hiếm
hoi hơn. Cuộc sống ngày càng được nâng
cao và đáng sống hơn, nhưng đồng thời, tội ác cũng được sinh sản nhiều hơn, với
những cách thức mới hơn. Mỗi phút, mỗi
giờ, mỗi ngày trôi qua luôn có những tội ác nào đó đang được thực hiện đâu đó. Có những tội ác chỉ làm tổn hại một hoặc ít
người. Có những tội ác làm băng hoại cả
một xã hội, một thế hệ con người, một dân tộc.
Nhắc đến sự tử tế theo quan niệm của người xưa, người ta nghĩ
ngay đến tư tưởng nho giáo (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín), vốn là tư tưởng chủ đạo
thống trị sinh hoạt văn hóa và đời sống dân tộc. Nhân là đạo làm người. Đạo ấy dạy con người phải biết thương yêu
nhau, yêu dân tộc, yêu nòi giống. Lễ là
cách hành xử của con người. Cách hành xử
ấy nhất thiết phải hợp với đạo lý ở đời, và hợp với lòng trời. Nghĩa ràng buộc con người lại với nhau. Mối ràng buộc ấy chính là trách nhiệm của con
người với con người và xã hội. Con người
sống không thể chỉ nghĩ đến riêng bản thân mình. Trí là sự hiểu biết. Để sống một đời sống đúng đắn, và để có thể
giúp được cho người, cho đời, con người nhất thiết phải trau giồi sự hiểu biết
của mình về mọi phương diện của đời sống.
Tín là lòng tin con người dành cho con người. Con người phải sống làm sao để có được lòng
tin nơi những người khác. Nói chung, một
con người luôn gìn giữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín là một con người tử tế.
Dẫu rằng xã hội và thời thế của ngày hôm nay đã thay đổi rất
nhiều so với ngày xưa, nhưng khi nhìn lại những giá trị xưa cũ ấy (loại bỏ những
ý nghĩa ràng buộc kèm theo, không còn thích hợp), chúng ta thấy rằng chúng vẫn đủ
để cấu thành nên khái niệm tử tế cho con người hiện đại: Một con người tử tế nhất thiết phải là con người
biết yêu thương đồng loại như chính bản thân mình, biết cư xử với đồng loại
theo đúng phẩm giá cần có của một con người, sống có trách nhiệm với đời sống,
có óc thông hiểu mọi lẽ đúng sai, và luôn giữ được niềm tin ở người khác nơi mình
như là một con người thiện lương. Nếu ở
xã hội còn sơ khai của ngày xưa , việc sống như một người tử tế là điều xem chừng
khá đơn giản, thì ở xã hội phức hợp của ngày hôm nay, để tử tế, lại đòi hỏi con
người phải biết học cách sống tử tế, phải đấu tranh với nhiều thách thức, và phải
luôn nhắc nhở mình không được thỏa hiệp với cái xấu và cái ác đang tràn
lan.
Có lẽ chưa bao giờ có nhiều con người vô cảm như trong xã hội
ngày hôm nay. Một người vô cảm khó lòng
có thể là một con người tử tế. Con người
ấy không có lòng nhân, cũng không có lễ, nghĩa; vì họ trơ lỳ trước nỗi đau của
người khác, và hành xử đó được xem là hành xử của loài động vật cấp thấp, không
xứng đáng là con người. Con người ấy cũng
không có trí, không có tín; vì người có trí luôn biết hành xử sao cho đúng lẽ,
chẳng bao giờ lại có thể bỏ mặc người khác với nỗi đau; và vì thế, dĩ nhiên là,
chẳng ai lại đi gửi lòng tin cho một con người vô cảm.
Người ta luôn có thể viện dẫn nhiều lý do để bào chữa cho sự
vô cảm của mình, vì mọi sự đều có lý do của nó.
Chẳng hạn như, những phiền toái mà họ có thể gặp, hay thậm chí là, những
nguy hiểm mà họ có thể sẽ phải đối diện.
Nhưng cho dù chúng có hợp lý đến thế nào đi chăng nữa, người vô cảm đã mất
phần lớn tư cách để định vị mình như là một người tử tế trong xã hội. Nếu sự tử tế dễ dàng thể hiện, như cho đi một
vật dụng mình không cần đến nữa, thì thử hỏi, nó còn có ý nghĩa gì. Để làm người tử tế, con người nhất thiết không
thể vô cảm. Để không vô cảm, con người
nhất thiết phải dấn thân vào cuộc sống, để gánh vác trách nhiệm là một công dân
đối với xã hội, và trách nhiệm là một con người đối với bản thân mình. Sự dấn thân nào cũng đòi hỏi ít nhiều sự hy
sinh. Nhưng cũng chính sự hy sinh đó làm
nên ý nghĩa đích thực của đời sống, và định tính nên sự thiêng liêng của giá trị
con người.
Sự vô cảm thường đi đôi với sự hèn nhát, và có mối liên hệ hỗ
tương với nó, vừa như một nguyên nhân, vừa như một hệ lụy. Có nghĩa là, có khi vì vô cảm mà con người tự
biến mình thành một kẻ hèn nhát, trốn tránh dấn thân để thực hiện những nghĩa cử
và hành động nhân bản. Có khi chính sự hèn
nhát lại khiến người ta trở nên vô cảm.
Trong trường hợp đó, thái độ vô cảm chính là một hệ lụy mang tính lựa chọn,
xuất phát từ sự hèn nhát. Trong quá
trình sống dài lâu của mình, con người thường khi được đặt trước những lựa chọn
không thể thoái thác, và lựa chọn để trở nên vô cảm là một trong những lựa chọn
phi nhân bản nhất và tồi tệ nhất. Chỉ một
mình thái độ vô cảm đã có thể làm què quặt sự tử tế nơi con người. Vô cảm song hành cùng hèn nhát giết chết sự tử
tế và chôn vùi thân xác nó.
Sự trung thực và sự tử tế có một mối liên quan vô cùng mật
thiết và chặt chẽ: tuy hai mà một, tuy một
mà hai. Người trung thực thường là người
tử tế, và hiếm có người tử tế nào mà lại không trung thực. Người trung thực và tử tế luôn gìn giữ điều
quí giá này trong cuộc sống: tôn trọng sự
thật, và chỉ nói sự thật. (Ở đây, xin được
mở ngoặc để lưu ý rằng sự thật đang được nói đến là sự thật chân chính, để phân
biệt với thứ “sự thật” được tạo nên từ sự lặp đi, lặp lại nhiều lần của những điều
giả dối trong một khoảng thời gian đủ dài).
Có một người nổi danh thế giới vừa chứng minh, thêm một lần
nữa, cho thế giới thấy rằng mình là người thực sự tử tế và dành cho sự thật một
sự tôn trọng lớn. Người đó chính là nữ diễn viên Mỹ Angelina Jolie. Thông tin về sự việc cắt bỏ cả hai bầu ngực để
tránh ung thư vú do di truyền, được cô tiết lộ trực tiếp và thẳng thắn cho giới
truyền thông trong những ngày vừa qua, đã làm không biết bao nhiêu người trên
thế giới, cũng như cả những đồng nghiệp của cô, sửng sốt và ngưỡng mộ. Người ta sửng sốt vì đó là một hành động quá
dũng cảm đối với một phụ nữ. Nhưng quan
trọng hơn, người ta ngưỡng mộ cô vì cô vốn là biểu tượng của sắc đẹp, nhưng đã
dám công khai sự thật đó ra để truyền đến thế giới một thông điệp mang đầy tính
nhân văn trong việc phòng chống ung thư.
Có lẽ chẳng có một thí dụ nào có
thể minh họa tốt hơn nữa cho mối liên kết giữa sự tử tế và trung thực như sự việc
này.
Thực tế cho thấy là, ở xã hội nào mà sự thật chân chính được
tôn trọng và đề cao, thì ở xã hội đó có nhiều hơn những người tử tế. Những người tử tế này khi được sản sinh, lại
đến lượt họ, luôn tôn trọng và đề cao sự thật như một phẩm chất tối thượng của
con người và không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp. Ngược lại, ở xã hội nào mà sự giả dối đã lên
ngôi, những con người tử tế phải chật vật đấu tranh để sống còn, và để nói lên…
sự thật.
19/05/2013
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment