Monday, July 22, 2013

(Audio + E - Book): Tình Yêu Thời Thổ Tả - Grabriel Garcia Marquez


Tiểu thuyết: Tình Yêu Thời Thổ Tả
Tác giả: Gabriel Garcia Marquez
Người dịch: Nguyễn Trung Đức
Người đọc: Hải Yến
Đài Tiếng Nói Việt Nam thực hiện




Tình Yêu Thời Thổ Tả - tác phẩm của tác giả đã từng đoạt giải Giải Nobel Văn Chương 1982 với Trăm Năm Cô Đơn


Tình yêu thời thổ tả là một trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thập kỷ 80 vừa qua (theo đánh giá của báo chí Mỹ) đã đem lại niềm vinh quang mới cho nhà văn được giải Nôbel Văn học năm 1982 người Côlômbia, Gabrien Gacxia Mackêt, tác giả của Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận đã được dịch ra tiếng Việt và nhà xuất bản chúng tôi ấn hành, được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Ông là người bạn lớn của chúng ta.

Tình yêu thời thổ tả là câu chuyện tình say đắm giữa một người đàn ông (Phlorênhtinô Arixa, con một bà bán hàng vặt) với một người đàn bà (Phecmina Đaxa, con một nhà buôn hãnh tiến, giàu có mới phất nhờ ăn cắp và gian lận). Khi mới lớn lên, họ yêu nhau nồng nàn nhưng không lấy được nhau vì họ quá trẻ, không có kinh nghiệm sống cũng như nghị lực lớn để chiến thắng quan niệm môn đăng hộ đối trong hôn nhân.

Hơn năm mươi năm họ sống xa mặt nhưng không cách lòng với bao sóng gió cuộc đời. Phecmina Đaxa nhẫn nhục sống làm vợ - một thứ đồ trang sức và một thứ nàng hầu - của bác sĩ Ucbino Đê la Cadê, một thân hào đầy thế lực của giới thượng lưu. Phlorênhtinô Arixa vì thất tình nên một mặt lao vào làm giàu bằng mọi thủ đoạn, cả tốt lẫn tàn nhẫn, để trở thành chủ hãng tàu thủy như điều ông ta mong ước và mặt khác để thỏa mãn nhục dục ông ta lao vào chơi gái đủ mọi hạng: gái chưa chồng, gái muộn chồng, gái chê chồng và chồng chê, gái nạ dòng và cả gái tơ, nhưng không lúc nào không mơ tới Phecmina Đaxa và chỉ chờ ngày Đê la Cadê chết để nối lại quan hệ với nàng. Dịp ấy đã đến khi cả ông lẫn bà đã ngoài bảy mươi tuổi.

Bằng sự từng trải của mình, bằng địa vị xã hội đã đạt được, cả hai nối lại tình yêu và yêu nhau đắm đuối. Nhưng vì quá già nên hai người đã không đủ sức thắng nổi những định kiến, thành kiến của xã hội hủ lậu từng bóp chết mối tình đầu của họ. Và thế là họ trốn lên tàu thủy và chỉ hai người sống với nhau trên chiếc tàu treo lá cờ vàng - dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả - chạy ngược rồi chạy xuôi trên dòng sông Măcgơđalêna - dòng sông của Đêmôcrit.

Có thể nói Tình yêu thời thổ tả là một lời cáo trạng đanh thép đối với một xã hội hủ lậu dựa trên sự đánh giá con người không bằng phẩm giá người mà bằng số của cải anh ta có được, do đó nó đã bóp chết bao mối tình trong sáng và tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc tình yêu, con người nhất thiết phải được giải phóng khỏi xã hội đó. Nhưng tác giả đã không dừng lại ở chỉ một thông điệp này, ông còn đi xa hơn nữa khi nói rằng Tình yêu thời thổ tả là sự suy nghĩ về tình yêu của con người ở mọi lứa tuổi.

Con người không chỉ yêu nhau khi đang độ thanh xuân, khi đang ở tuổi tráng niên mà còn yêu nhau khi đã tóc bạc răng long và chính ở tuổi này họ yêu nhau chân thực hơn và vì thế cũng da diết hơn, si mê hơn. Vậy tình yêu là chiếc chìa khóa vàng giúp con người mở tâm hồn mình để hòa đồng với nhau, đi đến với nhau trong cuộc đấu tranh chống nỗi cô đơn muôn thuở. Đồng thời, với nụ cười hóm hỉnh, dường như tác giả cảnh tỉnh những ai đang đùa bỡn với ái tình, đang lợi dụng tình yêu để thỏa mãn nhục dục của mình.

Những người đó hãy coi chừng với nỗi cô đơn vì sớm muộn gì thì nó cũng nuốt chửng bọn họ sau khi nhục dục đã được thỏa. Thiết nghĩ đó là lời cảnh tỉnh mang tính thời đại trong đó bên cạnh những thành tựu vẻ vang chưa từng có mà nhân loại hôm nay đã giành được trên phương diện văn minh vật chất thì chính nó đã thụt lùi so với cha ông mình trên phương diện văn minh tinh thần, chí ít là ở hai điểm hiển nhiên: tinh thần lãng mạn và nỗi thảng thốt trong mối tình đầu.



Nguồn: digibook.vn

Đọc “Tình yêu thời thổ tả”

Tôi đã đọc quá nhiều câu chuyện tình yêu, cũng có nhiều câu chuyện đã khiến tôi đồng cảm xúc động, day dứt buồn bã, nhưng thực sự chưa bao giờ có một câu chuyện tình nào đem lại cho tôi trọn vẹn những xúc cảm như “Tình yêu thời thổ tả”. Đọc “Tình yêu thời thổ tả” tôi chìm ngập trong một tình yêu nồng say, si mê trẻ dại của một người đàn ông tên Phlôrentinô Arixa và một người đàn bà tên Phecmina Đaxa. Mối tình của họ làm đắm say bao nhiều người xung quanh nhưng sống giữa cái xã hội rối ren khi mà tư tưởng môn đăng hộ đối còn ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của tất cả mọi người thì chuyện tình yêu của họ lại như một cái u nhọt cần được cắt bỏ. Một kẻ có xuất thân nghèo hèn như Phlôrentinô thì có tư cách gì để mà yêu con gái của một gia đình giàu có như Phecmina Đaxa. Tình yêu của họ dù mãnh liệt vô cùng nhưng họ còn quá trẻ dại để có thể chiến thắng được sự ngăn cản của cả xã hội. Bởi thế, cuộc đời họ đã bị đẩy về hai hướng trái ngược nhau, họ lìa xa đời nhau khi cả hai đều mang trong mình những u uất, căm hận không thể nói thành lời.

Cô gái Đaxa xinh đẹp ngày ấy đã cam chịu số phận làm vợ đau đớn, căm lặng suốt cả cuộc đời mình khi cô chỉ giống như một món đồ trang sức bên cạnh người chồng giàu có thuộc giới thượng lưu môn đăng hộ đối của mình. Trong khi đó, người đàn ông yêu cô đắm say đã ôm trong mình một mối hận thù khi để mất cô, đã lao vào cuộc đời chỉ với mục đích kiếm thật nhiều, thật nhiều tiền. Người đàn ông nghèo khổ ấy đã không từ mọi thủ đoạn để có thể ngoi lên trong giới thượng lưu, và trở thành chú hàng tàu thủy như ông ta luôn mong muốn. Cuộc sống đã cuốn trôi hai người về phía xa xôi vô tận để lại một khoảng giữa là những hố đen mà tưởng chừng như họ sẽ không bao giờ còn có thể nghĩ, còn có thể nhớ về nhau nữa. Nếu họ quên nhau, và cuộc đời họ chỉ có thể, tôi sẽ chẳng phải ngồi hàng giờ để ngẩn ngơ suy nghĩ, để chìm đắm vào họ, theo những khát khao với họ, và trên hết là yêu mến, khâm phục họ.



Suốt khoảng thời gian xa nhau ấy, giữa chất chồng những buồn bã của cuộc đời, họ chưa một giây phút nào ngừng nghĩ về những kỉ niệm ngày xưa, và nối nhớ cứ theo đó mà đầy lên đầy lên mãi. Chính sự nhớ thương ấy càng khiến Phlôrentinô quyết tâm thay đổi đời mình. Dù cho ông có lao vào những cuộc tình dục điên cuồng với đủ loại đàn bà trong xã hội, nhưng trong tận cùng trái tim ông, cơ thể ông chưa bao giờ khuất lấp đi hình ảnh của người yêu năm xưa. Trái tim tôi nghẹn đắng lại khi chứng kiến nỗi buồn bã xót xa và thương nhớ của hai người. Họ vẫn âm thầm sống cho nhau. Tôi bất chợt có một cảm giác rằng, giữa cái thời đại bẩn thỉu đủ đẩy thủ đoạn, bon chen, hận thù, rác rưởi, giữa những dập vùi của cuộc đời và số phận, thì điều duy nhất còn lại vẫn luôn luôn trong sáng đó chính là tình yêu mà hai người đã giành cho nhau.

Năm mươi năm xa cách trong dập dềnh những đau thương, bị xã hội quất cho những lằn roi đau đớn, nhưng Đaxa và Phlôrentinô cuối cùng lại vẫn có thể vượt trở về bên nhau, khi cuộc đời đã sắp tàn. Họ ở chập chững ở cái tuổi bảy mươi khi mà dường như mọi ham muốn, mọi ý nghĩa trong cuộc đời đếu trở nên vô nghĩa. Thế nhưng họ vẫn không ngừng yêu nhau. Trên từng con chữ của ngày đoàn tụ ấy, tôi có cảm giác rõ ràng như bản thân mình đang chứng kiến hai mái đầu đã bạc ngồi bên nhau trong một căn nhà nhỏ, trước mặt là hoàng hôn tuyệt diệu. Cảnh tượng ấy khiến tôi hạnh phúc, nhưng tôi thực sự tiếc nuối, khi mà có lẽ quãng thời gian bên nhau của họ cũng gần đến ngày kết thúc. Thế nhưng, trong tôi vẫn đậm sâu một niềm tin tưởng rằng, họ nhất định sẽ yêu nhau mãi, sẽ yêu nhau ngay cả khi đã chết đi.

“Tình yêu thời thổ tả” lại chính là thứ tình yêu thủy chung, tình yêu trong sáng nhất. Chứng kiến mối tình của họ tôi mới hiểu rằng, trong tình yêu chỉ tồn tại duy nhất tình yêu. Còn tất cả những điều thuộc về xã hội, với những quy tắc, lý thuyết, dư luận…. và ngay cả thời gian cũng đều trở nên vô nghĩa. Tình yêu bất tử là một tình yêu mãi mãi vẫn là tình yêu. Cuộc sống chóng tàn, hữu hạn nhưng tình yêu là một ngọn nến cháy mãi, vô cùng. Câu chuyện “Tình yêu thời thổ tả” vẫn còn mãi trong cuộc đời này chỉ đến khi nào tình yêu kết thúc, nhưng tôi tin tình yêu không bao giờ có điểm dừng lại, cũng giống như tình yêu của hai nhân vật chính trong câu chuyện này.

Nguồn : carviet.com









No comments:

Post a Comment