Wednesday, June 4, 2014

(Video + Audio) Tianamen Square - The Tank Man [Thiên An Môn - Người Chặn Tăng] (Viet. Sub)



Người Chặn Tăng (Tank Man) là biệt danh của một con người vô danh – người trở nên nổi tiếng toàn thế giới khi hình ảnh và phim về anh được bí mật ghi và chuyển ra ngoài Trung Quốc trong vụ biểu tình Thiên An Môn vào ngày 5 tháng 6 năm 1989.  Người thanh niên này đã đứng chặn trước đoàn xe tăng của Quân đội Trung Quốc, ngăn không cho xe tăng tiến lên.  Phim và những bức ảnh về người thanh niên này đã được đưa lên tin chính của nhiều tờ báo, nhiều kênh truyền hình lơn trên toàn thế giới – và được TIME xem là 1 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20.

Người dịch: Marine
Biên Tập : HĐP






25 năm biến cố Thiên An Môn


Thứ Tư, ngày 04.06.2014     


Ngày 4 tháng 6 năm 2014 kỷ niệm đúng 25 năm đảng CS Trung Hoa đã đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, giết chết hàng ngàn sinh viên. Chúng tôi kính gửi đến quí thính giả bài tóm lược về sự kiện kinh hoàng này qua bài bình luận "25 năm biến cố Thiên An Môn" của Đằng Giang qua sự trình bày của Hướng Dương.

Năm 1989 Trung Cộng dưới sự lãnh đạo tối cao của Đặng Tiểu Bình, mặc dù ông ta chỉ nắm chức vụ Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương. Còn Dương Thượng Côn trên danh nghĩa là Chủ Tịch Nước, và cũng là Tư Lệnh tối cao Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa. Triệu Tử Dương đương kim Tổng Bí Thư Đảng đảng CS Trung Hoa, người kế nhiệm Hồ Diệu Bang đã bị buộc ngưng chức trước đó.

Ngày 15 tháng Tư, Hồ Điệu Bang,một nhân vật thuộc khuynh hướng cải cách qua đời ở tuổi 73 vì bệnh tim. Nhiều người có cảm tình với ông yêu cầu nhà nước tổ chức quốc tang cho ông, nhưng đảng CS tỏ ra lạnh nhạt. Từ sự bất bình ấy nhiều nhóm đã tổ chức biểu tình để bày tỏ lòng quí mến, nhưng đồng thời cũng để phản đối tình trạng tham nhũng trong chính phủ và nạn lạm phát lên cao. Trong lúc chính sách kinh tế do Đặng Tiểu Bình phát động chưa có những thành quả đáng kể.

Ngày 16 và 17 sinh viên và giới trí tổ chức biểu tình, đã có hàng ngàn người tham dự, họ kêu gọi Đảng CS Trung Hoa sửa đổi quan điểm đối với Hồ Diệu Bang. Sang ngày 18, có đến trên 10,000 sinh viên biểu tình ngồi tại quảng trường Thiên An Môn, và vài ngàn người khác tụ tập trước tòa nhà chính phủ gần đó, nhưng đã bị lực lượng an ninh giải tán.

Cơ quan truyền thông nhà nước có bài xuyên tạc mục đích của nhóm biểu tình, như thêm dầu vào lửa. Tình trạng phẫn nộ mỗi lúc mỗi gia tăng. Hai ngày trước tang lễ Hồ Điệu Bang,sinh viên kêu gọi bãi khóa, đã có trên 100,000 sinh viên biểu tình tuần hành. Ngày 22-4 sinh viên yêu cầu gặp thủ tướng Lý Bằng, người đối thủ của Hồ Diệu Bang, nhưng đã bị từ chối.

Các cuộc biểu tình lan rộng đến nhiều thành phố, thành phần chủ lực không còn là sinh viên và giới trí thức nữa mà đã có đông đảo giới công nhân lao động tham gia trước viễn ảnh kinh tế hết sức ảm đạm.


Mặc dầu chính quyền cố gắng ngăn chận thông tin, kiểm duyệt báo chí, giới hạn tự do ngôn luận, nhưng tin tức phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Bắc Kinh đã được gửi ra bên ngoài, khiến cả thế giới hồi hộp theo dõi. Đặc biệt là chuyến viếng thăm cấp nhà nước của ông Milhail Gorbachyov sẽ diễn ra vào ngày 15/5/1989 được rầm rộ chuẩn bị.

Hai ngày trước đó 13, 14 tháng 5, sinh viên đã chiếm giữ quảng trường Thiên An Môn, và phát động giai đoạn tranh đấu mới bằng các cuộc tuyệt thực tập thể. Lời kêu gọi đã có hàng ngàn sinh viên hưởng ứng, và quần chúng lên tiếng ủng hộ. Nhiểu trường đại học, cao đẳng ở bắc Kinh đã hướng ứng. Sinh viên từ các tỉnh cũng bỏ học kéo vể Bắc Kinh nhập cuộc tranh đấu.


Đứng trước nguy cơ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, Bộ Chính Trị họp để tìm cách giải quyết, nhưng vì chuyến viếng thăm của ông Gorbachoyov, lại có sự hiện diện của nhiều thông tín viên quốc tế, nên Bắc Kinh một mặt muốn chứng tỏ cho thế giới thấy tại Trung Hoa có dân chủ, nên không có động thái nào. Đổng thời cũng để thách thức người lãnh đạo Nga với chính sách mở cửa tại Liên Xô.



Cuốc tuyệt thực mỗi lúc mỗi đông người hưởng ứng, lại được dân chúng ở Bắc Kinh yểm trợ. Yêu sách của sinh viên cũng mỗi lúc mỗi cụ thể hơn, trọng điểm đòi hỏi là mở rộng dân chủ, cải tổ thể chế chính trị, bài trừ tham những. Những đòi hỏi này rất chính đáng, và được nhiều người hưởng ứng, kể cả những đảng viên CS cấp tiến. Tin tức nhận được trên toàn quốc đã có biểu tình tuần hành ở hơn 400 thị trấn, chưa kể vùng Ngoại Mông, Hồng Kông và Đài Loan cũng biểu tình lên tiếng ủng hộ.



Lúc 4g50 sáng ngày 19 tháng 5, 1989 ông Triệu Tử Dương và Ôn Gia Bảo đến Quảng Trường gặp sinh viên để thuyết phục họ đàm phán với chinh phủ bằng những lời lẻ ôn hòa. Nhưng các cuộc thương thảo chưa có kết quả gì. Hôm sau, ngày 20 chính phủ ban lệnh thiết quân luật .


Tại Thượng Hải, sinh viên cũng rầm rộ xuống đường hưởng ứng sinh viên Bắc Kinh, Giang Trạch Dân lúc ấy là bí thư thành ủy, một mặt diễn thuyết để trấn an sinh viên, một mặt huy động công an triệt hạ những đảng viên CS ủng hộ sinh viên.



Để có một biểu tượng, ngày 30 tháng 5, sinh viên đã dựng một bức tượng "Nữ Thần Dân Chủ" ngay trước bức ảnh lớn của Mao Trạch Đông, na ná như tượng Nữ Thần Tự Do ở New York. Hình ảnh này đã nhanh chóng truyền đi khắp thế giới, lại càng làm cho đảng CSTC lúng túng hơn.


Bộ chính trị họp, phe cứng rắn thắng thế, Triệu Tử Dương có khuynh hướng ủng hộ sinh viên, bị gác ra bên lề, và cũng vắng bóng cho tới lúc qua đời. Biện pháp đàn áp được sử dụng, dĩ nhiên tiếng nói quyết định là Đặng Tiểu Bình.



Thay vì huy động quân đoàn 38 có nhiệm vụ an ninh vùng thủ đô, nhưng lực lượng này không tiến vào được, một phần vì các cuộc biểu tình tuần hành ngăn chận, nhưng lý do chính là tướng lãnh quân đoàn này không muốn tàn sát sinh viên. Đặng Tiểu Bình đã điều quân đoàn 27 và 28 từ ngoại biên về thi hành lệnh.



Đêm mồng 3 tháng 6, màn đen trùm xuống Bắc Kinh, tất cả đèn điện bị tắt, xe tăng và quân đội với súng gắn lưỡi lê đã tiến vào quảng trường, vượt qua những thứ vật dụng do người biểu tỉnh dựng lên làm rào cản. Tiếng súng chát chúa, tiếng la hét thất thanh, thây người gục ngã, xác người bị nghiền nát dưới xích xe, máu chảy đầm đìa, thịt xương vung vãi. Một cảnh tượng hãi hùng ghê rợn trên khắp quảng trường.

Những người biểu tình người bị bắt, người chạy thoát thân. Người bị thương cũng tìm đường lẩn trốn.

Sau cuộc tàn sát, xác người chết bị đem đi nơi nào không ai biết, xe vòi rồng đến phun nước rửa sạch những dấu vết diễn ra trong đêm. Sáng ngày 4-6 quảng trường vắng lặng không một bóng người, nhưng mùi thuốc súng, trộn lẫn mùi máu thịt vẫn còn tanh nồng bao trùm một không gian tang tóc.

Cho đến nay số người bị giết không ai biết rõ, các nguồn tin độc lập ước đoán khoảng 2600 đến 3000, thân nhân những người biểu tình tin rằng có đến gần 5000 người bị giết và hơn 10000 bị thương tích?

Chính quyền TC cấm tất cả người dân Trung Hoa, cũng như các cơ quan truyền thông tuyệt đối không được nhắc đến biến cố này.

Ở VN tuy không có một biến cố Thiên An Môn, nhưng lại có hàng trăm hàng ngàn những Thiên An Môn khác cũng có chung một tính chất phi nhân như vậy.

Đằng Giang (Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi)







Suy ngẫm về Quảng trường Thiên An Môn

Hàng trăm ngàn người đứng chật kín quảng trường Thiên An Môn trong thủ đô Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 5, 1989 trong vụ biến động lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa trong thập niên 60

Hàng trăm ngàn người đứng chật kín quảng trường Thiên An Môn trong thủ đô Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 5, 1989 trong vụ biến động lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa trong thập niên 60.


Thông tín viên VOA Al Pessin bị trục xuất khỏi Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An môn năm 1989. Ông ngẫm lại về thời đó, về những thay đổi to lớn ở Trung Quốc và hành trình ông đã đi sau đó.

Từ Bắc Kinh đến Kyiv cách nhau khoảng 7 ngàn kilomet, nhưng tôi đã đi một con đường vòng xa hơn nhiều, và đã phải mất 25 năm.

Khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ khách sạn của tôi vào tháng 5 này, ngó xuống quảng trường Ðộc lập ở Kyiv, tôi nhìn thấy những túp lều và những đài kỷ niệm tạm bợ chứng kiến cảnh những người đã đứng lên tranh đấu cho các giá trị dân chủ khi phải đối đầu với cuộc tấn công tàn bạo của lực lượng an ninh chỉ cách đầy có vài tháng.

Tôi không thể tránh khỏi nghĩ tới một quảng trường khác, ở một nước khác, vào một thời điểm khác.

Năm 1989, đó là năm thứ nhì tôi làm thông tín viên cho đài VOA ở Bắc Kinh. Và Thiên An Môn chủ yếu là một thắng cảnh dành cho du khách.

Ðó là một thời kỳ thật sôi động ở Trung Quốc, với những cải cách kinh tế mở rộng và những bước nhỏ bé về cải cách chính trị đang được thử nghiệm. Từ Bắc Kinh, và từ nhiệm sở trước đó của tôi ở Hong Kong, tôi đã theo dõi các nỗ lực của Trung Quốc thoát ra khỏi cái bóng của những kinh nghiệm Bước Nhảy vọt và cuộc Cách mạng Văn hóa thời Mao-ít.

Vào cuối thập niên 80, mọi sinh hoạt chính trị nào của sinh viên Trung Quốc dường như đều bị vô hiệu hóa vì một cuộc trấn át nhắm vào những vụ biểu tình năm 1987. Chính phủ dán cho bọn họ là “cách mạng tư sản” và bãi chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Hồ Diệu Bang.

Sau đó, sinh hoạt mang tính chính chính trị nhất mà sinh viên dường như có thể quy tụ được là một số cuộc biểu tình nhỏ nhoi đòi thực phẩm tốt hơn và điều kiện sinh hoạt tốt hơn tại các trường đại học. Mối quan tâm chính của họ dường như là lấy được các bằng cấp để có thể cưỡi những con cọp của cuộc bùng phát kinh tế theo dự kiến. Lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng cộng sản năm 1949, họ được khuyến khích đi ra ngoài và kiếm tiền.

Ðó là lý do những gì mà họ làm kể từ giữa tháng 4 năm 1989 gây kinh ngạc cho những người theo dõi tình hình Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc và có thể chính các sinh viên nữa.

Vào ngày 15 tháng 4, ông Hồ Diệu Bang qua đời, và sinh viên tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ ở quảng trường Thiên An Môn để tuyên dương ông và đòi đảng Cộng sản đánh giá lại di sản của ông. Họ coi ông Hồ là người đi tiên phong về cải cách, và việc bãi chức cùng cái chết của ông là một mối đe dọa cho việc thực thi cải cách.

Phong trào nhỏ phát triển mau chóng và mở rộng các mục tiêu để bao gồm những yêu sách đòi thêm cải cách kinh tế, chấm dứt nạn tham nhũng và đòi minh bạch hơn trong thế giới mù mờ của chính quyền và đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như những yêu cầu cũ của sinh viên đòi cải thiện tình trạng tại các trường đại học.

Nhưng điều thường bị quên đi khi viết về “phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo” là phong trào này đã bành trướng để bao gồm cả những người thuộc mọi lãnh vực sinh hoạt khác trên cả nước. Ðến tháng 5, dã có những cuộc biểu tình lớn ở mọi thủ phủ tỉnh và nhiều thành phố khác, và có sự tham gia của công nhân, những người có nghề chuyên môn và thậm chí cả những người làm việc cho chính quyền.

Tôi còn nhớ rõ đã đi về phía quảng trường Thiên An Môn và bị kẹt trong một con hẻm khi những đám đông người biểu tình ùa ngang qua và xung quanh chiếc xe của chúng tôi. Ðồng sự của tôi, cô Heidi Chay, một người Mỹ trẻ tuổi nói tiếng Hoa rất giỏi, đã hết sức khích động.

Cô nói, “Chờ một phút nào. Hãy nhìn vào những biểu ngữ kia kìa.”

Cô chỉ vào những biểu ngữ được nhiều đám người đi diễu hành giương lên. Họ tự nhận là nhân viên của các nhà máy, văn phòng, bệnh viên và các “đơn vị công tác” khác. Và người biểu tình cỡ tuổi trung niên - những công nhân nhà máy bụng phệ và những người trí thức đeo kính. Một số mặc áo khoác phòng thí nghiệm hay đồng phục bệnh viện.

Ngay khi đám đông tản ra, Heidi đã xuống xe đi bộ đến quảng trường Thiên An Môn và nói chuyện với mọi người. Tôi bảo người lái xe quay xe lại và đưa tôi trở về văn phòng. Tôi có một bài tường thuật mới tinh để gửi đi.

Các cuộc biểu tình tiếp tục mở rộng, và các cơ quan truyền thông nước ngoài ước tính lên đến hơn 1 triệu người ở quảng trường và những con đường xung quanh trong 2 ngày liên tiếp. Họ ra đường để ủng hộ các lãnh tụ sinh viên đang tuyệt thực để vận động cho các yêu cầu của mình.
  


Al Pessin (phải), thông tín viên tường trình về Trung Quốc trong thời gian biến cố Thiên An Môn. Ông xuất hiện trong băng video của viện nghiên cứu US - China Institute của Đại học Nam CaliforniaAl Pessin (phải), thông tín viên tường trình về Trung Quốc trong thời gian biến cố Thiên An Môn. Ông xuất hiện trong băng video của viện nghiên cứu US - China Institute của Đại học Nam California

VOA cực kỳ phổ biến tại quảng trường, và sinh viên giơ cao các máy thu thanh để các đám đông có thể nghe các chương trình phát thanh của chúng tôi bằng tiếng Quan thoại. Những người khác ghi lại các bài tường thuật của chúng tôi và dán lên các cột điện khắp thành phố. Dân chúng hỏi tôi có biết một số phát thanh viên nổi tiếng của các chương trình phát thanh bằng tiếng Quan thoại của chúng tôi. VOA đã rút một đồng sự trong ban Hoa ngữ là Betty Tsu về, sau khi bà đến để tường thuật về các cuộc biểu tình, vì lo sợ cho sự an toàn của bà nếu như xảy ra một vụ đàn áp.

Cuộc chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn là một sự bẽ mặt cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng họ hơi bị bó tay vào giữa tháng 5.

Họ quyết định hoãn lại mọi cuộc trấn át cho đến sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Sô viết Mikhail Gorbachev để bình thường hóa quan hệ Trung – Nga sau 3 thập niên băng giá.

Tôi thuộc nhóm báo chí chứng kiến cuộc bắt tay giữa ông Gorbachev và nhà lãnh đạo cấp cao Ðặng Tiểu Bình của Trung Quốc tại Ðại sảnh đường Nhân dân ở quảng trường Thiên An Môn. Phu nhân nhà lãnh đạo Sô viết, bà Raisa, đến trước và có người đã hỏi bà nghĩ gì về cuộc tụ tập ngoạn mục bên ngoài. Bà nói bà không nhìn thấy nhiều bởi vì bà dành phần lớn thời gian trong ngày trong các mạng lưới các đường hầm được đồn đại nhiều nhưng cho đến lúc đó còn bí mật bên dưới khu vực trung tâm Bắc Kinh.

Ngay khi vợ chồng ông Gorbachev ra về, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thiết quân luật, cấm chỉ các vụ biểu tình, hội họp trên một vài người và hầu hết các sinh hoạt có liên quan đến tường thuật tin tức. Ðường lối tương đối ôn hòa của người kế nhiệm ông Hồ Diệu Bang là ông Triệu Tử Dương đã bị đảo ngược, và kết thúc sự nghiệp của ông. Ông Triệu đã thực hiện chuyến thăm đầy xúc động đến quảng trường vào ngày 19 tháng 5 để hô hào sinh viên về nhà, nhưng họ đã từ chối.

Tiếp theo đó là 2 tuần lễ căng thẳng. Binh sĩ được lệnh chiếm lại quảng trường, nhưng đã bị hàng ngàn dân thường chận lại dọc đường. Sau nhiều lần cố gắng, binh sĩ không vũ trang đã tìm cách chiếm lại quảng trường vào ngày 2 tháng 6, nhưng đã bị sinh viên đẩy lui. Binh sĩ trở lại vào đêm 3 tháng 6 đem theo vũ khí và lệnh nổ súng nếu cần.

Họ đã khai quang quảng trường và những con đường xung quanh, và đốt trại tụ tập của sinh viên trước sáng ngày 4 tháng 6.

Không ai biết được có bao nhiêu người dân thường chết trong đêm đó, nhưng các con số ước lượng của quốc tế tính rằng con số lên đến hàng trăm có lẽ là hàng ngàn.

Quân đội chiếm quyền kiểm soát trung tâm thành phố, bố trí binh sĩ và xe thiết giáp. Một đơn vị tăng đã chiếm các vị trí trên các lối vào và cầu của một giao lộ chính ngay bên ngoài cửa số căn hộ của tôi, cách quảng trường chừng 6 kilomet.

Tôi đã từng đến quảng trường Thiên An Môn nhiều lần, kể cả một chuyến thăm vào tối ngày 1 tháng 6, khi tôi và một đồng sự làm cho một nhật báo Mỹ kết luận rằng việc 2 ký giả nước ngoài ở giữa đám đông, với một cuộc tấn công dự kiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không phải là một việc nên làm. Chúng tôi tiến ra ngoài và sau đó về nhà.

Ðó là lý do vì sáo tôi không có mặt ở đấy 2 đêm sau, khi binh sĩ thực sự đến nơi. Nhưng tôi đã nói chuyện với những người sống sót sau vụ tấn công, kể cả một giáo sư người Mỹ đã trốn dưới một cây cầu khi binh sĩ tiến vào Thiên An Môn, và nhìn thấy những viên đạn lia qua mình.

Những ngày sau đó cũng rất căng thẳng, với các bản tin về những mưu đồ chính trị trong đảng và tin về một số đơn vị quân đội Trung Quốc từ chối các mệnh lệnh có liên quan đến vụ trấn áp. Khi binh sĩ đã chiếm quảng trường được thay thế, và đi ngang qua các tòa nhà nơi nhiều ký giả nước ngoài và các nhà ngoại giao sinh sống, họ đã lia đạn vào khu nhà. May thay, không có ai bị thương. Phần lớn các gia đình người nước ngoài đã ra đi.

Gần như ngay tức khắc, chính phủ Trung Quốc đã mở một chiến dịch tuyên truyền yếu ớt, tìm cách thuyết phục mọi người rằng sinh viên đã gieo rắc bạo loạn, và rằng chỉ có một số ít cái chết, không co ai chết ở ngay quảng trường.

Chính người đồng nghiệp tôi đã gặp ở quảng trường vào ngày 1 tháng 6 đã trở lại vào đêm ngày 3. Vài tuần lễ sau, bà kể cho tôi bà đã cảm thấy nhẹ nhõm cỡ nào khi nhận được ảnh bà chụp từ tiệm rửa ở Hong Kong bởi vì bộ máy thông tin Trung Quốc đã khiến bà nghi ngờ những gì bà thấy tận mắt.

Trong những ngày sau vụ thảm sát, chúng tôi nhận được một loạt những cú điện thoại kỳ lạ tại Văn phòng VOA ở Bắc Kinh. Một cuộc gọi tới lúc tôi và thông dịch viên của tôi đang xem tin tức buổi tối. Khi nhấc điện thoại lên, tôi nghe thấy tiếng phát ra từ chương trình tin tức mà không lâu sau đó đến đoạn chỉ trích VOA. Khi bản tin kết thúc, một giọng nói cất lên trong điện thoại bằng tiếng Anh. "Nghe thấy chưa! Nghe thấy chưa! " Sau đó đường dây im bặt.

Còn thêm những cuộc gọi khác nữa, và có vẻ như chúng được soạn sẵn. Người gọi nói: " VOA phải không ? " Và khi tôi xác nhận thì người gọi văng tục một tiếng và cúp máy.

Đến ngày 14 tháng 6, tình hình đang dịu xuống thì điện thoại lại đổ chuông.

Tiếng người ở đầu dây bên kia nói rằng tôi được "triệu tập để phỏng vấn" tại văn phòng chính quyền thành phố Bắc Kinh, cách Quảng trường Thiên An Môn không xa. Tòa nhà của chính quyền thành phố được sử dụng để thi hành thiết quân luật. Nhiều cơ quan của chính phủ toàn quốc bị đình chỉ, trong đó phần lớn cơ quan của Bộ Ngoại giao, nơi thường xử lý các vấn đề liên quan đến phóng viên nước ngoài.

Tôi đến nơi được hẹn và được dẫn vào một phòng tiếp nhỏ, có đèn TV đang rọi và một máy quay phim đang ghi hình. Tôi được mời ngồi trên một chiếc ghế sofa, với một quan chức Trung Quốc trước giờ tôi chưa hề gặp ngồi trên ghế phía bên kia chiếc bàn thấp. Nhìn thấy máy quay, tôi đặt máy ghi âm lên bàn khi người đàn ông bắt đầu nói chuyện.

Ông ta đọc một tuyên bố cáo buộc của VOA xuyên tạc sự thật và vi phạm những điều hạn chế của thiết quân luật về tường trình tin tức. Ông ta cáo buộc tôi "thu thập tin tức bất hợp pháp" và "xúi giục bạo loạn phản cách mạng." Ông ta ra lệnh cho tôi phải rời khỏi Trung Quốc trong vòng 72 tiếng đồng hồ.

Tôi phản bác tuyên bố đó, phủ nhận các cáo buộc và nói với ông ta rằng, tôi và cả đài VOA, đã đưa những bản chính xác nhất và cân bằng nhất có thể trong suốt phong trào dân chủ và cuộc đàn áp. Sau đó buổi gặp mặt kết thúc.

Khi tôi đứng dậy toan đi, ông ta đòi lấy cuộn băng cát-xét mà tôi đã ghi âm buổi làm việc. Sau một hồi thương thảo, tôi ngồi xuống và chép tay đoạn thu âm của tôi vào sổ, giao cuộn băng cho ông ta và ra về.

Trước đó ông ta cũng đã ra lệnh cho tôi phải xuất trình hộ chiếu ở đồn cảnh sát địa phương trước cuối ngày. Khi tôi trình hộ chiếu, một sĩ quan cảnh sát đóng dấu hủy vào thị thực cư trú của tôi và cấp thị thực mới có hiệu lực trong vòng 72 tiếng. Nếu tôi nhớ không lầm thì sĩ quan này bắt tôi trả phí dịch vụ tương đương 3 USD.

Vụ trục xuất mang lại cho tôi "15 phút nổi tiếng" khi bạn bè đổ tới văn phòng của tôi tối hôm đó cho một cuộc họp báo không chuẩn bị trước, và các cuộc gọi phỏng vấn từ các hãng tin khắp thế giới.

John Pomfret, khi đó làm cho hãng tin AP và bây giờ cho tờ Washington Post, cũng bị trục xuất cùng ngày hôm đó. Anh đến văn phòng của tôi để chụp ảnh.

Có vẻ như tôi bị trục xuất vì những bản tin của đài VOA đã tới được người dân Trung Quốc một cách trực tiếp với chuyện có thật về những gì đã xảy ra. John bị điểm mặt vì giới chức Trung Quốc cho rằng AP có dính dáng tới Mỹ, và bởi vì anh nói tiếng Trung Quốc rất thạo và có mấy mối liên lạc rất tốt trong giới sinh viên.

Khi chúng tôi rời đi 3 ngày sau đó trên một chuyến bay đến Hong Kong, nhiều đồng nghiệp đến sân bay để đưa tin về sự ra đi của chúng tôi, và một đoàn quay phim của chính phủ Trung Quốc quay cảnh tượng này từ một lối đi lên cầu thang.

Tôi đã có cơ hội tuyệt vời làm chứng nhân cho lịch sử tại Bắc Kinh vào năm 1989, nhưng vai trò của tôi trong câu chuyện này không có gì đáng kể. Điều tôi nghiệm ra được từ trải nghiệm này là một niềm tin mới nơi tinh thần của người dân Trung Quốc, được minh chứng bởi sự sẵn sàng đánh liều tất cả mọi thứ để khẳng định quyền của mình - ngay cả khi đối mặt với sự trấn áp của nhà nước và cuối cùng là lực lượng quân sự.

Trong những năm qua tôi có cơ hội đưa tin về những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở những quảng trường khác – như Quảng trường Tahrir ở Cairo và Quảng trường những Người Tuẫn đạo ở Tripoli, và những quảng trường khác.

Năm nay, tôi có cơ hội đưa tin về Quảng trường Độc lập ở Kiev, nơi người biểu tình cũng đi trên đường tương tự. Luôn là một trải nghiệm xúc động khi nói chuyện với người dân về mong muốn của họ có được một tương lai tự do và dân chủ, và nhìn thấy họ bất chấp tất cả mọi thứ để đạt được điều đó.

Trong bối cảnh đó, tôi nhớ lại cú điện thoại cuối cùng gọi tới khi tôi đang thu dọn bàn làm việc của mình. Nó bắt đầu cũng như những cuộc gọi khác, "VOA phải không?" "Đúng rồi," tôi trả lời có phần uể oải. Nhưng sau một hồi lặng thinh, đầu dây bên kia cuối cùng cất tiếng: "Đừng nản chí. " Tôi nói, "Cái gì?" Và ông này lặp lại, "Đừng nản chí."

Tôi nín thở. Tôi không biết phải nói gì. Cuối cùng tôi gắng một câu: "Bạn cũng đừng nản chí. " Giọng đầy âu lo, ông này đáp, "OK, OK." Và sau đó gác máy.

Trung Quốc ngày nay rất khác so với năm 1989, hiện đại và năng động, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và hàng triệu người dân được giáo dục tốt mong muốn xây dựng đất nước của mình. Cải cách chính trị một lần nữa có vẻ không được bàn tới. Nhưng tôi không chút nghi ngờ rằng một ngày kia người dân Trung Quốc sẽ tiếp bước cuộc tuần hành hướng đến nhiều quyền và quyền tự do hơn mà họ đã cố sức với tới 25 năm trước.


VOA (02/06/2014)


No comments:

Post a Comment