Monday, September 22, 2014

Giang Tử - Chàng Lãng Tử Đã Đi Xa (Jeffrey Thai)


Giang Tử đã qua đời…

Đọc dòng tin ấy cách đây vài ngày mà tôi có phần sững sờ, không tin nổi đó là sự thật. Không tin vì mới đây thôi mà, ông còn ca hát rộn ràng lắm, và trông khỏe mạnh, yêu đời.

Thế nhưng, không tin cũng phải tin: Ông đã thực sự ra đi.  Chàng giang hồ lãng tử, chàng lãng tử tên Giang đã thực sự đi rồi.  Không còn nữa.

Không dưng, tôi thấy buồn buồn và …. tiếc nuối. Tôi chắc là cũng có rất nhiều người có cùng cảm giác buồn buồn như tôi.  Còn tiếc nuối thì không phải tiếc nuối cho tôi, mà là cho ông, cho đời.

Còn nhớ cách đây mấy năm, vào năm 2010, ông xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu của trung tâm Asia, ngay sau khi vừa đến định cư ở Mỹ. Cũng vào ngày ấy, tôi mới biết được rằng ông còn tồn tại trên cõi đời này.

Bẵng đi thật lâu, lâu lắm rồi, tính từ cái ngày tôi còn nhỏ xíu và nghe văng vẳng đây đó tiếng ca của ông vang vọng qua bài Giọt Buồn Không Tên:

Vừa chiều hôm nao anh với em đi dạo phố
Hai đứa vòng tay âu yếm như đôi tình nhân
Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tin xuân
Chúng mình thân quá thân…


Thì đến nay, tôi mới lại được biết về ông. Biết ông cuối cùng rồi cũng được định cư ở Mỹ, tôi thấy thật mừng cho ông, nhưng có xen chút bùi ngùi: Sao ông qua muộn thế! Ngày ấy, tôi đi, chỉ sau mười bốn năm của ngày định mệnh của đất nước, mà tôi đã thấy mình muộn màng xa lơ, xa lắc. Còn ông, ông phải ở lại đến những 35 năm. Còn ai có thể muộn hơn thế nữa chứ?

Trễ nãi là thế, muộn màng là thế, mà trong lần xuất hiện đầu tiên, nỗi vui sướng hiện rõ trên gương mặt ông, trong phong cách trình diễn của ông, trong giọng nói của ông làm tôi cảm thấy ông thật là người …. hồn nhiên, lãng tử. Chỉ có người thật sự hồn nhiên, lãng tử mới có thể có được nét vui mừng vô tư, chân thành và tỏa sáng như thế.

Ông không tỏ ra có chút gì buồn, có chút gì tiếc nuối về sự muộn màng ấy, nhưng tôi, với tâm sự nặng nề và chán chường của những ngày còn ở lại mà tôi đã từng sống trong ký ức xa xưa, không thể không có chút bùi ngùi và chạnh lòng cho ông.

Thế nhưng, có lẽ cuộc đời này đã cố tỏ ra công bình với ông, khi sự trễ nãi của ông đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và tràn đầy tình thương mến bởi những “cố nhân” đã từng biết đến ông, dù nhiều hay ít; nhiều như những bậc cao niên, hay ít ỏi như tôi. Mà những “cố nhân” như thế thì ở hải ngoại này nhiều lắm, nên từ đó về sau, ông được mời xuất hiện liên tục và tiếng hát của ông như vừa hồi sinh sau một giấc ngủ đông rất dài. Có lẽ người ta không hề sai khi gọi ông là “hoa nở về đêm”.

Ông của ngày hôm nay như cá gặp nước. Như chim về lại khu rừng xưa. Nhìn ông trình diễn vẫn thấy vẹn nguyên sự nồng nàn trong cảm xúc, vẫn đậm đà phong cách lãng tử của thuở thanh xuân.

Cũng lạ. Thường thì tiếng ca của người ta mòn mỏi, hao hụt theo thời gian. Còn với ông, thì không. Nghe ông hát ngày hôm nay, thật lòng, khi so với các bản thu âm trước 1975, thì có vẻ như quyến rũ hơn, nồng nàn hơn, theo kiểu “rừng càng già, càng cay”. Ông hát vẫn còn nghe lồng lộng, hào sảng đầy khí phách lắm.

Với phong độ ấy, ông còn thừa sức hát đôi ba năm nữa, nếu ông muốn; vẫn còn rất nhiều người mong ngóng để được nghe, được xem ông hát. Nghe để mừng cho ông của buổi hôm nay. Nghe để nhớ lại mình của một thuở xa xưa.

Với phong độ ấy, ông còn thừa sức sống nhiều năm nữa, nếu định mệnh đừng chơi “kỳ”; vẫn còn nhiều điều ông muốn làm cho mình, cho gia đình mình sau khi giã từ nghiệp cầm ca kia mà. Đáng lẽ ra, ông phải sống nhiều năm hơn nữa ở đất Mỹ này để bù đắp lại cho những ngày còn ở lại.

Chuyện đời, thật lòng, khó nói trước được. Có đó, mất đó. Sắc sắc, không không. Ông ra đi rồi… Tôi tiếc cho ông một.  Đời tiếc cho ông mười.

Đời tiếc ông không chỉ vì ông là người hát hay, là người sống có tấm lòng đối với tha nhân, mà còn vì một lẽ này nữa: Ông là một trong những chứng nhân còn sót lại của khoảng đời êm ấm ngắn ngủi của người dân Việt ở miền Nam.

Điểm lại 20 năm ấy (1954-1975), dẫu chiến sự lan tràn ở nhiều tỉnh thành, nhưng người dân vẫn kịp có một đời sống ấm êm, sung túc; nền tân nhạc miền Nam vẫn kịp đặt bệ phóng thăng hoa cho cả một thế hệ ca sĩ vừa có tài, vừa có đức, trong đó có ông.

Một vài người trong số đó đã ra đi: Hùng Cường, Duy Khánh, Nhật Trường… Thêm sự ra đi này của ông như một lời nhắc nhở nữa cho những mất mát sẽ diễn ra mai này. Buồn lắm chứ! Ký ức ấy là ký ức êm ấm, vàng son; mà các “cố nhân” của nó đã lần lượt ra đi thế này, ai mai này sẽ còn lại để nhắc nhở với đời về một khoảng thời gian “nhung gấm” của người dân miền Nam, của nền tân nhạc miền Nam.

Ngẫm lại, người đời và ông chia sẻ với nhau cũng nhiều. Trong 20 năm ngắn ngủi ấy, có biết bao người đã đêm đêm lắng nghe ông hát, cùng ông sống thăng hoa trong khoảng trời tự do bát ngát. Rồi 40 năm sau này, họ phải lũ lượt lưu vong, ông cũng chìm nổi phong trần cùng theo.

Gặp lại ông đây, nơi đất lạ quê người, chỉ mới có mấy năm thôi, chưa kịp ấp cho nồng ký ức cũ, ông lại ra đi nữa rồi. Mà lần này là đi luôn nữa, không về. Thử hỏi mấy ai không buồn.

20/09/2014
Jeffrey Thai



No comments:

Post a Comment