Tuesday, March 5, 2019

Phượng Liên Collection









Giới Thiệu Nghệ Sĩ Phượng Liên

Nghệ sĩ Phượng Liên sinh ra ở Cần Thơ, ba cô mất lúc cô hơn một tháng tuổi. Phượng Liên họ Nguyễn nhưng được một người cha nuôi tên Lữ Văn Đức nhận làm con đỡ đầu, vì vậy Phượng Liên mang họ Lữ, tên khai sinh là Lữ Phụng Liên. Ba nuôi của nghệ sĩ Phượng Liên có một người bạn là bác ba Sâm làm việc ở ban văn nghệ Tây Đô – Cần Thơ thời đó. Ông sang nhà chơi, thấy nghệ sĩ Phượng Liên đưa võng ru em, ca hát nghêu ngao những bài tân nhạc nên được nhận vào ban văn nghệ để ca tân nhạc và đóng kịch. Trong ban văn nghệ còn có Mộng Tuyền và NS Phước Hậu.



Phượng Liên học trường Tiểu học Đạt Đức ở Cần Thơ. Năm cô 12 tuổi, Phượng Liên tham gia Ban Văn nghệ Tây Đô của nhà trường, nổi danh ca sĩ trong các chương trình văn nghệ học đường do nhà trường tổ chức gây quỹ giúp học bổng cho các sinh viên nghèo trong tỉnh. Nghệ sĩ Phước Hậu phát hiện giọng ca khỏe và lạ của Phượng Liên nên dạy cho Phượng Liên ca vọng cổ. Sau đó soạn giả Điêu Huyền giới thiệu cho Phượng Liên gia nhập đoàn hát cải lương Kiên Giang. Ông trưởng ban cổ nhạc đoàn Kiên Giang dạy cho Phượng Liên ca vọng cổ và các bài bản cổ nhạc khác. Phượng Liên rất sáng dạ, đêm đêm ngồi bên cánh gà coi hát, học theo cách ca cách diễn của các nghệ sĩ trong đoàn, Phượng Liên thuộc nhiều vai tuồng nên khi có nghệ sĩ bịnh hay vắng mặt, Phượng Liên được yêu cầu hát thế vai, những lần thế vai cấp bách đó, Phượng Liên đều hát thành công.



Năm 1960, Phượng Liên gia nhập đoàn hát Tinh Hoa của bà Bầu Mười Cơ, hát vai đào nhì.



Năm 1963, nữ nghệ sĩ Phượng Liên ký hợp đồng với bà bầu Kim Chưởng về hát vai đào chánh thế cho nữ nghệ sĩ Ngọc Hương.Người trong giới nói là Phượng Liên được tổ đãi, ngay bước đầu khởi nghiệp Phượng Liên đã được nhiều may mắn. Giọng ca có sức truyền cảm đặc biệt và vang lộng của Phượng Liên cộng với cái nhan sắc trời cho của cô gái đẹp Tây Đô là bệ phóng đưa ngôi sao Phượng Liên vút cao trên bầu trời nghệ thuật.



Giải Thanh Tâm năm 1966



May mắn lớn nhất của Phượng Liên là có được các danh sư truyền nghề hát. Lần thứ nhấtt Phượng Liên được soạn giả lão thành Điêu Huyền dạy hát và bố trí cho các nhạc sĩ dạy cho cô ca. Sau đó Phượng Liên được sự chỉ dạy của soạn giả Nhựt Quang, chồng của bà bầu Mười Cơ. Và khi Phượng Liên đi gánh hát Kim Chưởng thì chính bà bầu kiêm nghệ sĩ Kim Chưởng dạy hát cho Phượng Liên. Năm 1966, qua ba vai diễn: Túy Lữ Lam Kiều (vở Mùa trăng nhiều nước mắt) – một vai gom ba tính cách: độc, lẳng, mùi; vai Đông Phương Huệ (vở Quỷ bảo) – vai giả trai và vai Quách Phù (vở Song long thần chưởng) – vai võ hiệp kỳ tình nghệ sĩ Phượng Liên đã được trao HCV giải Thanh Tâm cùng với nghệ sĩ Phương Quang.



Phượng Liên cao ráo, dáng điệu khoan thai, phong cách sang trọng, da trắng như tuyết, mịn như nhung, miệng cười như hoa nở, đôi mắt tình tứ, liếc bén như dao, một cô đào hội đủ các ưu điểm về “thinh” và “sắc”, lại được danh sư truyền nghề hát, Phượng Liên đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm là một điều có thể thấy trước. Vì được rèn luyện trong lò sân khấu tuồng chưởng và hương xa nên diễn xuất của Phượng Liên ồ ạt, sợ nguôi sân khấu. Trong thập niên 60, Phượng Liên diễn các vai đào lẳng, đào mùi, quyến rũ, duyên dáng.  Kể từ đầu thập niên 70 trở về sau, Phượng Liên diễn các vai đào mùi, đào chánh trong nhiều tuồng xã hội. Cô diễn đạt tâm lý nhân vật một cách tinh tế, lối diễn thâm trầm, sâu lắng, đào sâu tâm lý nhân vật. Phượng Liên và Thành Được xuất sắc trong các trích đoạn tuồng Tuyệt Tình Ca.



Phượng Liên từng diễn vai đào chánh, hát cặp với các nam nghệ sĩ tài danh Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Tú… Giọng ca của Phượng Liên vẫn giữ âm sắc tươi mát và truyền cảm, làm nên một phong cách rất riêng của Phượng Liên nên khách mộ điệu cải lương ở Hoa Kỳ gọi Phượng Liên là giọng ca vàng miền Nam Cali.



Về gia đình, năm 1964, Phượng Liên kết hôn với nghệ sĩ Diệp Lang, sanh một trai, một gái. Đến năm 1968, hôn nhân gãy đổ. Phượng Liên bước thêm bước nữa với ông Nguyễn Đình Vinh, đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nữ nghệ sĩ Phượng Liên cộng tác với đoàn hát Dạ Lý Hương, có những vai hát để đời qua các tuồng Trăng Thề Vườn Thúy, Cho Trọn Cuộc Tình, Cánh Hoa Chùm Gởi, Tuổi Hồng Cho Em, Tuyệt Tình Ca, Nắng Thu Về Ngõ Trúc…



Nỗi buồn duyên phận lỡ làng cuối thập niên 60 ảnh hưởng sâu sắc đến giọng ca và phong cách diễn xuất của Phượng Liên, giọng ca ngọt ngào của Phượng Liên thêm sâu lắng, ngậm ngùi và lấy được nước mắt của khán giả qua các cảnh bi thương của nhân vật mà Phượng Liên thủ diễn.



Năm 1976, Phượng Liên gia nhập đoàn cải lương Saigon 1, hát xuất sắc qua các tuồng Phụng Nghi Đình, Đời Cô Lựu, Bình Tây Đại Nguyên soái, Nghêu Sò Ốc Hến…Năm 1993, gia đình nghệ sĩ Phượng Liên sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.



Hiện nay vợ chồng cô Phượng Liên có một ngôi nhà khang trang ở gần khu Phước Lộc Thọ, cuộc sống tự do, sung túc, Phượng Liên cùng các bạn nghệ sĩ định cư ở Hoa Kỳ hát những trích đoạn cải lương hoặc ca vọng cổ gợi nhớ quê hương, có thêm thu nhập và gây quỹ từ thiện.Phượng Liên tổ chức kỷ niệm 45 năm sân khấu, thành công rực rỡ về nghệ thuật và tài chánh. Giọng hát của Phượng Liên vẫn vang lộng, truyền cảm và thể hiện được cái hay và sức hút của bài ca vọng cổ, một điệu hát tiêu biểu cho cổ nhạc Việt Nam.



Theo:Nguyễn Phương-RFA





Vẫn quê nhà ở xứ xa

"Khi Phượng Liên đã diễn vai đó xuất sắc rồi, cô để lại một ấn tượng rất sâu sắc. Tại vì giọng ca của Phượng Liên quá hay cho nên người khác có thể đóng khác hơn, có thể đẹp hơn nhưng khó có thể thay thế Phượng Liên. Bởi vì khán giả của cải lương là khán giả nghe ca, họ nghe ca trước cho nên những vai diễn nào mà Phượng Liên xuất sắc, người khác khó mà đóng lại, khó mà làm phai mờ giọng ca của Phượng Liên trong lòng khán giả..."

NSND Bạch Tuyết

30 năm trước, Phượng Liên chia tay với người chồng đầu tiên là NSND Diệp Lang. Năm 1994, giữa lúc tài năng và nhan sắc đang tỏa sáng, Phượng Liên sang Mỹ cùng người chồng sau theo diện đoàn tụ gia đình.

Công việc đầu tiên của chị nơi xứ lạ là hai vợ chồng cùng ngồi... cắt chỉ cho những bộ quần áo may sẵn. Cũng từng ngồi két thu tiền trong một quán cà phê, kể cả bưng bê phục vụ. Nhưng Phượng Liên chưa bao giờ có cảm giác hụt hẫng. Ngôi sao của một thời lý giải một cách đơn giản là mình sinh ra cũng vốn là con nhà nghèo, cái sự khó khăn có lạ gì đâu! Cha chị, một nông dân hiền lành, đã qua đời khi chị vừa 2 tháng tuổi. Mẹ chị lần hồi tần tảo rau cháo nuôi con. Trở thành ngôi sao trong những năm tháng thịnh vượng nhất của sân khấu cải lương, được mệnh danh là một trong những bà hoàng đĩa hát, Phượng Liên cũng chưa từng thấy cách sống, cách suy nghĩ của mình đổi khác.

Cũng như tại chốn quê nhà, chị kể căn nhà của vợ chồng chị ở thành phố Santa Ana miền nam California nằm giữa một vườn tre trúc và mười mấy gốc mai. Chị ăn cơm trên bàn tre sau vườn, dùng đũa tre và mê mắm ruốc. Lần này Phượng Liên về nước, NSƯT Lệ Thủy ân cần tính toán: “Cái vụ mua dép, mua bánh tráng để em lo cho nghe. Em đã đặt kho chục ký cá cơm rồi. Đừng có ngọt quá, cũng đừng mặn quá. Chị qua bển chia cho mọi người nghe”. Phượng Liên nói: “Em nhớ dặn đừng bỏ bột ngọt. Với lại mua cho chị thêm một ít hột điều...”.

Phượng Liên nấu ăn ngon, những món vùng quê Phụng Hiệp (Cần Thơ) vẫn có mặt trong mâm cơm nhà chị. Canh chua, cá kho tiêu, khô, mắm... 20 năm rồi vẫn là quê nhà giữa xứ xa.

An lành... đó là điều còn lại trong chị sau một cuộc đời thăng trầm nhiều cảnh. Lúc mới sang Mỹ chị bảo không bị quá hụt hẫng vì nỗi xa quê. Có lẽ bởi từ lúc thiếu thời, chị đã dấn thân vào bước đường lăn lóc của một cô đào hát, qua nhiều vùng đất vốn đã biết lấy nơi mình tới làm quê hương. Nay, chị đã mang theo quê hương trong trái tim mình, đủ để ấm những mùa đông lạnh giá...

Chìa khóa của sự đằm thắm

Sự lôi cuốn, trên cái hình còn có cái thần. Trên cái thần còn có cái khí. Với Trưng Trắc, thiếu khí chất uy lẫm không thể thành được. Từ sàn tập bước xuống, Phượng Liên muốn té. Chị bị huyết áp mà sân khấu nhiều đèn quá nóng. Vũ đạo, cảm xúc, thần thái, bi kịch lớn lao, trọng trách đè nặng lên vai vị nữ tướng... Quả quá sức. Nhưng, sự hụt hơi chỉ là khi đã bước xuống bậc thềm.

Trên sân khấu, Trưng Trắc hôm nay có thể xem là sự kết tụ tất cả những thế mạnh trong tài năng của chị. Vô cùng cẩn trọng, dồn nén, giờ đây mỗi lớp diễn là một khoảnh khắc cuộc đời. Với cái nhìn sâu thẳm và nỗi xót xa trong đáy mắt. Phượng Liên cũng có lối diễn rất lạ. Chị điềm tĩnh đến có những lúc tưởng chừng có vẻ thản nhiên. Nhưng chị lại sở hữu một cái nhìn chăm chú. Cái nhìn xoáy vào lòng bạn diễn, vào trái tim người xem ở những đoạn cao trào. Đó cũng là cái nhìn của chính chị ngược vào sâu tâm hồn mình, làm bật lên những cảm xúc sâu sắc, có sức nặng. Chính sự chăm chú ấy làm nên sức hấp dẫn của chị. Là chìa khóa sự đằm thắm nơi chị.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là giọng ca. Người ta tự hỏi sau chừng ấy năm, sao Phượng Liên vẫn giữ được chất giọng trong trẻo, ngọt ngào đến thế? Chất giọng mà năm tháng chỉ làm đầy lên, nồng lên, thắp sáng lên mãi.

Phượng Liên vốn nổi tiếng với chất giọng “đồng” cá biệt về xử lý hơi - giọng với những thanh điệu nhuần nhuyễn và những âm sắc ca ngâm mềm mại. Chị là người sáng tạo cách buông hơi và ngân giọng lạ, có một nét riêng chinh phục lòng nguời. Với kỹ thuật rung, luyến, chị ngân nga kéo dài hơi một chút thì nghe như âm sắc ấy dặt dìu trong gió thoảng. Nói về “diễn trong ca” thì Phượng Liên thuộc hàng xuất sắc.

Nhưng Phượng Liên thần tượng nghệ sĩ Thanh Nga. Chị vẫn giữ nguyên vẹn trong lòng mình cảm xúc của gần nửa thế kỷ trước, khi Thanh Nga xem chị diễn Mạnh Lệ Quân rồi nói “Hay lắm cưng...”.

Hôm nay chị đứng trên sân khấu, nhìn lên hình ảnh Thanh Nga vẫn diễm lệ trong một cuốn băng đã cũ lắm vì thời gian mà lòng vẫn rộn lên tình yêu thuở ấy. Như một sự tiếp nối chưa bao giờ dứt. Dù tuổi chị bây giờ đã gấp đôi tuổi Thanh Nga ngày đó nhưng nét diễn, hơi ca còn quá mềm mại, ngọt ngào hơn cả thời thanh xuân của chính chị.

Một người giữ lửa

Phượng Liên được khán giả kiều bào mệnh danh là “người giữ lửa cải lương trên đất Mỹ”. Ở một nơi mà cải lương chỉ có thể được xem như một nghề tay trái, Phượng Liên vẫn miệt mài cùng anh em nghệ sĩ hải ngoại và nghệ sĩ ở VN sang cùng hợp sức gầy dựng những suất diễn hiếm hoi. Có khi một tuần, có khi một tháng, có khi một năm mới có hai lần... Tổ chức nhiều sô diễn, tháng 5-2010 chị mới thực hiện live show “Phượng Liên - 50 năm sân khấu”. Đến tháng 5-2012, Phượng Liên lại cùng New Saigon Entertainment làm chương trình “Nửa thế kỷ huyền sử bài tân cổ giao duyên” - vinh danh soạn giả Viễn Châu tại California.

20 năm xa xứ, càng làm người nghệ sĩ thêm nặng lòng với khúc hát quê hương.

Theo Tuổi Trẻ


Nghệ sĩ Phượng Liên: Mỗi lần thèm hát tôi thấy như ai bóp nghẹt cổ mình

Một Thế Giới - 05/03/2014 14:00

Từ đỉnh cao danh vọng của một “đào nữ” tài hoa được hàng triệu khán giả mến mộ, nghệ sĩ Phượng Liên từ bỏ tất cả để sống một cuộc sống lặng lẽ nơi xứ người. Có lúc bà trở về đúng nguyên mẫu của một phụ nữ bình dân, hài lòng với vai trò người nội trợ. Dù vậy, thi thoảng bà nhớ sân khấu da diết và cô đơn như chú chim lạc tổ…




Từ thập niên 60 đến đầu thập niên 90, cái tên Phượng Liên được xếp vào hàng ngôi sao của sân khấu cải lương. Nhưng đã quá lâu rồi cô không còn hát ở trong nước nên nhiều người của thế hệ 9x không biết Phượng Liên là ai. Có khi nào cô hoài niệm về những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề đến khi thành danh?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Tôi sinh ra ở Cần Thơ, miền đất rất gần với cái nôi của đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương. Cha mất sớm tôi sống với mẹ trong hoàn cảnh nghèo. 10 tuổi tôi đã biết phụ người lớn để kiếm tiền độ nhật. Những lúc rảnh rỗi tôi nghe cải lương trên đài phát thanh, cũng như ở máy hát phát ra từ nhà hàng xóm. Tôi say mê đến mức thuộc rất nhiều bài hát của danh ca Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh, Thành Được... Niềm đam mê nghệ thuật ngày càng lớn dần đến năm 13 tuổi, tôi đăng ký tham gia Ban văn nghệ Tây Đô trong vai trò ca sĩ tân nhạc và diễn viên kịch. Một lần nghe tôi ca vọng cổ, nghệ sĩ Phước Hậu đã khuyên tôi theo cải lương.

Nhờ có tiếng hát trời phú nên tôi có cơ hội đầu quân về đoàn Tinh Hoa. Từ đây, tôi được thế hệ đi trước chỉ dạy khả năng ca diễn một cách kỹ lưỡng. 18 tuổi tôi đã được hát chính cho đoàn lớn Dạ Lý Hương. Tại đây tôi nổi danh với vai Liễu trong vở Lấy chồng xứ lạ. Sau này tôi còn được khán giả yêu mến qua rất nhiều vai, trong đó có Mạnh Lệ Quân trong vở Mạnh Lệ Quân, vai Thị Hến trong vở Thị Hến.

Đang là một trong những ngôi sao lớn của cải lương vì sao cô từ bỏ danh vọng để định cư tại một nơi rất xa vùng đất sản sinh ra bộ môn nghệ thuật này, thưa cô?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Những năm 70 đến 90, theo tôi biết Việt Nam có khoảng 30 đoàn cải lương lớn nhỏ, thế mà có ngày chúng tôi phải hát hai, ba suất. Rạp Hưng Đạo lúc nào cũng đông nghẹt khán giả đến thưởng thức những tài danh của cải lương như: Thanh Nga, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thành Được, Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu… Cho dù một số nghệ sĩ lớn đã mất, người khác xuất cảnh nhưng thế hệ tài năng tiếp nối cũng khiến khán giả say mê như Vũ Linh, Châu Thanh, Phượng Hằng, Phương Hồng Thủy… Nhưng chẳng hiểu sao, sau đó tất cả rơi vào khủng hoảng một cách kỳ lạ. Cũng những ngôi sao ấy trình diễn nhưng sân khấu thưa vắng người xem đến nao lòng. Tôi cảm thấy mình như con chim không còn khu vườn lý tưởng để cất tiếng hót. Ngoài ra, hoàn cảnh lúc đó buộc tôi phải xuất cảnh, tôi đã chọn cách tốt nhất để bảo toàn hạnh phúc gia đình.



Nghệ sĩ Phượng Liên thời trẻ khi còn là ngôi sao của các sân khấu cải lương 

Đã nhiều năm sống trong vị thế của một ngôi sao được nhiều người tôn trọng và phục vụ, cuộc sống của cô thế nào vào những ngày đầu đặt chân đến Mỹ?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Nước Mỹ quá rộng lớn và tập trung rất nhiều tài năng trên thế giới tụ về nên tôi đã xác định mình không là gì cả ở quốc gia siêu cường đó. Tôi chuẩn bị tâm lý để quên mình là ai trước đây. Những ngày đầu tôi nhận hàng may mặc về gia công tại nhà, thời gian rảnh tôi còn đi bán hàng cho các cửa hàng của người Việt. Tôi trải qua một cuộc sống bình lặng trong vai trò mới, dù vậy, có lúc quá thèm được hát tôi cảm giác như ai đó bóp nghẹn cổ họng của mình. Những lúc nhớ sân khấu da diết, người đàn bà ngoài 40 tuổi trong tôi đã hát nghêu ngao trong nhà tắm như cô bé mới lớn. Đó là cách duy nhất tôi có thể làm để vơi đi nỗi cô đơn của riêng mình.

Những lúc như thế cô có nhớ Việt Nam cùng một sự tiếc nuối nào chăng, bởi vì, nếu ở lại, dù khó khăn nhưng cô vẫn còn cơ hội được hát?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Bất cứ một người con xa xứ nào cũng nhớ về quê hương của mình. Tôi cũng vậy. Sau những giờ làm việc vất vả, thi thoảng tôi hồi tưởng về những gì êm ả nhất mình từng được có. Rồi tôi tranh thủ về thăm nhà. Lúc đó, tôi được biết vài anh em nghệ sĩ cải lương phải hát trong quán rượu để mưu sinh. Tôi nghĩ cơ hội được hát ở quê nhà không còn. Tôi càng đau đớn hơn. Đáng buồn hơn nữa là Sài Gòn trở nên quá ồn ào. Trở về Mỹ, tôi không thôi hoài niệm về những góc phố rất yên tĩnh và thi vị của Sài Gòn trước kia, thời điểm mà tôi vẫn còn sinh sống và cải lương trong giai đoạn hoàng kim.

Đúng là không gì có thể gọi là buồn hơn khi người nghệ sĩ không còn cơ hội được cất tiếng hát, tuy nhiên, được biết rằng sau này cô đã có dịp trở lại với nghề trên đất Mỹ?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Thời kỳ tôi mới qua Mỹ, lực lượng nghệ sĩ cải lương còn ít lắm nên không ai đứng ra tổ chức. Sau này, tôi có dịp được tham gia chương trình Thanh âm triều mến do nghệ sĩ Chí Tâm tổ chức. Đây là chương trình định kỳ hằng tháng bao gồm hát trích đoạn và tuồng dài rất được bà con kiều bào ủng hộ. Nhưng vì mâu thuẫn nội bộ nên đã đứt đoạn sau hai năm tồn tại. Sau đó, nghệ sĩ đàn em Mai Thế Hiệp mời tôi tham gia chương trình cải lương trên đài phát thanh chủ đề Cổ nhạc tinh hoa. Dạo gần đây Mai Thế Hiệp hay về Việt Nam nên giao lại cho một người khác quản lý, vì thế tôi cũng cộng tác ít đi. Dẫu sao việc được hát trở lại giúp tôi như cây khô được tưới nước và hồi sinh.

Điều đáng mừng là tôi đã có cơ hội đứng ra tổ chức nhiều chương trình lớn và gây được tiếng vang trong cộng đồng như Live show 40 năm và live show 50 năm ca hát của Phượng Liên. Năm 2012, tôi tổ chức chương trình Nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên của nghệ sĩ Viễn Châu, song hành việc thu hình. Album này sẽ đến tay khán giả trong năm 2014.

Cô phải chấp nhận làm những công việc phổ thông để mưu sinh, thế thì, kinh phí tổ chức các chương trình kể trên đến từ đâu, thưa cô?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Bạn biết không, hầu hết chương trình do tôi tổ chức đều lỗ vốn mà tiền đầu tư được trích ra từ tiền tiết kiệm của cá nhân tôi. Tôi ngại ngùng khi phải đi xin tài trợ từ một ai đó để thực hiện một chương trình nghệ thuật thuần túy tinh thần. Cũng may ở Mỹ, mọi người có thể xài tiền trước theo thẻ ngân hàng và trả dần dần. Tôi đã cống hiến cho cải lương theo cách như thế. Tôi dấn thân vào cải lương để thỏa mãn niềm đam mê ca diễn và đồng thời muốn góp sức duy trì giá trị văn hóa dân tộc. Tôi không dám tính toán thiệt hơn.


Theo quan sát của mình, cô nhận thấy tương lai của cải lương ở hải ngoại thế nào?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Đến hiện tại, không chỉ riêng ở hải ngoại mà cả trong nước cải lương đang trong tình trạng tre đã già mà măng chưa mọc mạnh. Ngày xưa lực lượng tài năng đông đảo còn bây giờ thưa thớt quá. Điều may mắn còn lại là cải lương vẫn còn một lực lượng người hâm mộ rộng lớn. Tôi hy vọng họ chính là động lực để thế hệ trẻ cố gắng hơn để đền đáp sự kỳ vọng của công chúng.



Nghệ sĩ Phượng Liên và nghệ sĩ Thanh Sang trong vở Bên cầu dệt lụa 

Cô đã được nghệ sĩ Bảo Quốc tin tưởng mời hát vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa và vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh. Đây là hai vai diễn mà nghệ sĩ Thang Nga gặt hái được thành công. Cảm giác của cô thế nào ?

Nghệ sĩ Phượng Liên: Đã 7 năm rồi tôi không trở về Việt Nam. Lý do là vì tôi bị bệnh cao huyết áp nên việc đi lại không tiện. Lần này tôi quyết tâm về để làm lễ sinh nhật lần thứ 91 của mẹ tôi chứ không chuẩn bị cho việc ca diễn. Nhận lời mời của Bảo Quốc tôi rất bất ngờ vì không nghĩ mình sẽ đảm nhiệm vai diễn quá thành công của chị Thanh Nga. Thú thật tôi bị áp lực đến mất ngủ. Ngược lại, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì lâu rồi mình mới được diễn trên quê hương, trong một chương trình quá quy mô thế này.

Sau chuyến trở về Việt Nam lần này, cuộc sống của cô có thay đổi hay vẫn như những gì đã diễn ra suốt 21 năm qua?
Nghệ sĩ Phượng Liên: Tôi sẽ trở lại Mỹ và an phận với những gì mình có. Trong ngôi nhà của tôi có vườn cây rộng lớn rất yên tĩnh cùng một bàn thờ Phật. Tôi đã bước vào tuổi 68, gần thất thập rồi nên sự tĩnh lặng phù hợp với tôi hơn. Tôi sẽ hạnh phúc nếu thỉnh thoảng được mời ca hát, hay có đủ tài lực và con người để tổ chức những chương trình thật sự có ý nghĩa.

Cảm ơn cô về buổi trò chuyện và chúc cô luôn viên mãn với cuộc sống!
Bài và ảnh: Nguyễn Huy




No comments:

Post a Comment