Tuesday, December 23, 2014

Thiên Đường Đôi Ta (Our Paradise) - Bộ Phim Về Cái Ác Nhân Sinh và Thiên Đường Hoang Tưởng [Jeffrey Thai]



Our Paradise (Thiên Đường Đôi Ta) là bộ phim đồng tính được ra mắt vào năm 2011 của đạo diễn Pháp Gael Morel (đồng thời là người viết kich bản).  Dòng phim đồng tính Pháp là một dòng phim nổi trội trên thế giới và đã từng ghi được nhiều dấu ấn.  Gần đây nhất, trong năm nay, có hai bộ phim đã tạo nên sự sôi nổi trong dư luận điện ảnh quốc tế là Khách Lạ Ven Hồ (Stranger by The Lake) Màu Xanh Là Màu Nồng Ấm Nhất (Blue Is The Warmest Color).  Đặc điểm của dòng phim này (nói riêng), và điện ảnh Pháp (nói chung) là sự trầm lắng, sâu sắc và trần trụi (nghệ thuật hay không nghệ thuật).  Mỗi bộ phim thường để lại trong lòng người xem nhiều điều để suy ngẫm và nhiều ấn tượng khó quên. 

TĐĐT cũng là một bộ phim như thế.  Xem xong, người ta không khỏi bị ám ảnh về cái ác của nhân vật chính đồng tính Vassili (do diễn viên Stéphane Rideau đóng) khi hắn ta giết quá nhiều người (đa phần là khách hàng của hắn) mà không hề có động cơ gì rõ ràng lắm.  (Và cái ác đó, thậm chí, còn được sự đồng lõa và hỗ trợ của gã người yêu nhỏ tuổi trông như một thiên thần - do diễn viên trẻ tuổi Dimitri Durdaine đóng - của hắn).  Với những nhân vật được xây dựng nên như thế, sau khi xem phim xong, người ta băn khoăn tự hỏi cái thứ thiên đường mà đạo diễn và tác giả kịch bản đề cập đến ở tựa đề là thứ thiên đường gì và đường nào để đi đến đó.  



Ngay từ khung hình đầu tiên, với đặc tả cận ảnh gương mặt biểu hiện nhiều sắc thái nghề nghiệp của nhân vật chính Vassili (trong khi lão khách hàng huyên thuyên về vấn đề tuổi tác và rao giảng triết l‎ý), người xem đã ngay lập tức được đưa vào không khí của câu chuyện:  Sự hận đời của một gã điếm đồng tính sắp hết thời.  Cái sự hết thời ấy được đạo diễn khắc họa qua nhiều cảnh phim và chi tiết như sự xuống cấp của thân thể, sự đối xử tệ bạc và xem thường của các khách hàng...  Do đó, càng xem, người ta càng thấy chua xót và bẽ bàng cho gã.  Nhưng sự chua xót và bẽ bàng ấy có đủ là duyên cớ cho hành động giết người hàng loạt của gã không, dẫu người xem hiểu rằng, thân phận đĩ điếm bao giờ chẳng mang trong lòng mình nhiều nỗi ưu uất.    

Cướp tiền được đưa vào phim như là một l‎ý do cho sự ra tay không thương tiếc của Vassili trong một hay hai trường hợp, nhưng bao trùm hơn, người ta thấy gã dường như vốn đã có một sự thù hận dữ dội với những kẻ mua vui trên thân xác gã.  Sự thù hận ấy vốn chất chứa từ lâu và nay bộc phát bạo tàn hơn vào cái thời điểm xế chiều, khi gã bước vào lứa tuổi trên 30 (bụng bắt đầu hơi phệ và tóc bắt đầu thưa hơn); gã không còn có được cái vẻ trẻ trung, hấp dẫn cần có cho nghề nghiệp, nhưng lại không biết làm gì khác để kiếm sống.  Trong khi đó, các khách hàng của gã, vốn đa phần là những gã già đồng tính nhiều tiền lắm bạc, thì sao?  Họ hợm hĩnh, nhẫn tâm và vô tình, thậm chí, ác độc, trong một số trường hợp.  Điều được khắc họa rất rõ là:  Họ chỉ xem gã là một thứ đồ chơi không hơn, không kém.   Xét dưới góc cạnh nhân bản, chỉ điều ấy không thôi đã là một sự ác độc.    



Vì bộ phim không khắc họa rõ nét gốc gác và cuộc sống quá khứ của Vassili, nên ta có thể suy đoán là sự độc ác của con người (mà cụ thể là của các khách hàng) là tiền đề và là nguyên nhân sâu khởi cho sự phát sinh sự độc ác trong con người hắn.  Sự độc ác ấy tích tụ và cộng hưởng với tính vô luân cố hữu của nghề nghiệp, đã khiến hắn trở thành một kẻ giết người không gớm tay và không hề ân hận.  Thế thì, câu hỏi nảy sinh ra ở đây là, nếu trong số các khách hàng, có ít nhất một kẻ hay nhiều kẻ, đối xử tử tế hơn với hắn thì sao?  Liệu là hắn có bớt ác độc đi hơn chăng?  Hơn nữa, có phải kẻ nào bị đối xử ác độc đều trở thành ác độc như hắn hay không?  

Câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên đều là:  Không chắc.  Nghĩa là, có thể là mầm ác độc đã ẩn tiềm sẵn trong con người hắn.  Cũng như nó vốn đã ẩn tiềm trong bản thân con người của những khách hàng của hắn.  Chung qui, tất cả đều là con người thôi.  Dĩ nhiên, hiển nhiên là không phải trong bản thân mỗi con người tồn tại trên trái đất này đều có chứa mầm ác độc như thế, nhưng điều không thể phủ nhận trong thực tế là có nhiều, rất nhiều những kẻ độc ác.  Sự độc ác ấy sinh sôi nảy nở như loài nấm một cách khó lý giải, và trong rất nhiều trường hợp, không thể hoán cải được.  

Trong bộ phim TĐĐT, đạo diễn (và tác giả kịch bản) đưa cái ác ấy ra trình diện với người xem, và lưu ‎ý là (cũng như trong nhiều bộ phim Pháp khác), ông ta chỉ làm công việc trưng bày và giới thiệu mà thôi.  Không lên án.  Không phán xét.  Không dạy dỗ.  Không có bài học đạo đức nào ở đây cả.  Người xem muốn hiểu và nghĩ sao cũng được.  Có thể đồng tình hay không đồng tình.  Có thể thích hay không thích.  Nhưng có một điều rất chắc chắn và không bao giờ có thể chối bỏ là:  Dẫu cường độ và hình thái của cái ác trong đời sống thực có thể khác đi đôi chút, nhưng hiện thực đời sống là thế.  Cái ác ấy là có thật và nó hiện diện rất thật ở con người, ở các tập đoàn người.  

Để làm công việc trình diện ấy, đạo diễn (và tác giả kịch bản) đặt cái ác ấy vào trong một nhân vật đồng tính và thế giới của hắn.  Việc đặt để ấy xem ra là một sự ngẫu nhiên, vì cái ác ấy là cái ác hiện thân của cả nhân sinh, chứ không riêng gì của nhóm người nào. Một nhân vật như thế và một thế giới con người bao quanh như thế chỉ là một sự đặt để đơn thuần trong nỗ lực tạo nên một bộ phim hấp dẫn và lôi cuốn.  Quả thật, bộ phim cuốn hút người xem ngay từ giây phút đầu và duy trì được sự cuốn hút ấy cho đến lúc cuối.  

Rõ ràng, cái ác là điều bao trùm bộ phim và khiến người xem hồi hộp dõi theo.  Nhưng không chỉ có thế (và nếu chỉ có thế, bộ phim có thể không có được sự hấp dẫn và lôi cuốn như nó đã có và nó sẽ không khác gì nhiều bộ phim về tội ác khác).  Vượt lên trên cả cái ác, tình yêu giữa hai nhân vật đồng tính (gã điếm sắp hết thời Vassili và gã trai chỉ mới vào nghề Angelo) mới là điều bộ phim hướng đến và hình thành nên dáng vẻ cho nó.  Đó là một tình yêu đẹp được xây dựng khá thành công, và ít nhiều làm người xem cảm động.  



Điều làm người xem cảm động nhất ở câu chuyện tình này có lẽ nằm ở dáng vẻ và tâm hồn tinh khôi của nhân vật trẻ tuổi Angelo, qua phần diễn xuất rất đạt và ngoại hình rất  phù hợp của diễn viên trẻ Dimitri Durdain.  Angelo chỉ là biệt danh của cậu điếm trẻ do Vassili đặt, vì sau khi bị tấn công, cậu ta không còn nhớ được gì.  Thực ra, việc mất trí nhớ chỉ là một cái cớ.  Những con người như Angelo làm gì có tên, làm gì có quá khứ nào đáng để nhớ.  Có thể có những hoàn cảnh và những lý do khác nhau, nhưng hầu như ở đâu trên khắp quả địa cầu này, không khó để người ta hình dung ra con đường nào đã dẫn dắt những cậu trai trẻ trông hồn nhiên và thánh thiện như thế vào cái nghề không lối thoát này. 

Tình yêu vừa ngây thơ, hồn nhiên, vừa chung thủy và tự nguyện mà Angelo đặt để ở Vassili cũng là điều khiến người xem xúc động.  Vassili chẳng còn lại gì nhiều ở thời điểm này:  một ngoại hình có phần xuống cấp của người đàn ông lớn gấp đôi tuổi cậu và một sự nghiệp làm điếm về chiều.  Vậy mà cậu vẫn yêu vô điều kiện, không tính toán, không so đo.  Tình yêu đó, vô hình chung, đã tạo nên được một sức mạnh cứu rỗi chút ít phần thiện lương còn sót lại nơi con người Vassili.  Tuy vậy, sức mạnh của nó chẳng thể nào so bì được với sức mạnh của cái ác, và do đó, việc một nhân vật như Angelo bị hủy diệt (mang cùng chung số phận như Vassili) khiến người xem không tránh khỏi ít nhiều thương cảm.  



Người thường ít ai nghĩ đến thiên đường, vì họ hiểu rất rõ rằng, đó chỉ sản phẩm của sự tưởng tượng.  Nhưng với những con người như Angelo hay Vassili, thiên đường lại là một khái niệm có thật, và có thể đạt tới được.  Sỡ dĩ như thế là vì, thiên đường đối với họ đơn thuần chỉ là một ước mơ - một ước mơ, đôi khi, có phần đơn giản, nhưng họ lại không thể nào với tới được.  Ở thiên đường ấy, họ sẽ được tự do để sống bên nhau, yêu nhau và sống một cách đủ đầy.  Họ sẽ không còn phải bán xác thân cho ai nữa, và vì thế, chẳng ai còn có l‎ý do gì để chà đạp lên con người họ nữa.  Đơn giản thế thôi, nhưng đôi khi, và rất nhiều khi, thiên đường đó vẫn muôn đời chỉ là ảo vọng.  

Sống trong thế giới bán dâm, mà còn nghĩ đến thiên đường là một điều vừa chua xót, vừa đáng thương.  Thế giới ấy là thế giới chứa đựng song hành cả niềm khoái lạc, lẫn tội ác.  Mà dòng xoáy của cái ác lại mạnh mẽ khôn lường, con người trong thế giới ấy khó mà tồn tại vẹn nguyên cho dù là chủ thể của cái ác, hay chỉ là nạn nhân.  Việc trốn chạy tất cả để tìm đến cõi thiên đường của riêng mình của Vassili và Angelo tưởng là đơn giản nhưng chẳng bao giờ có thể thành được, nếu không vì một lý do này, thì sẽ là vì một lý do khác.  Ở phần kết của bộ phim, cái ác đã sinh sôi và nảy nở quá lớn trong con người Vassili đến nỗi hắn ta không còn dừng tay giết người được nữa, mà Angelo ngày càng trở nên là hậu thuẫn vững chắc và nhiệt tình.  Và vì thế, cái kết cuộc của bộ phim có thể khiến người ta ít nhiều hụt hẫng và cảm thấy buồn, nhưng là kết cuộc chẳng thể nào khác được.    


23/12/2014
Jeffrey Thai


No comments:

Post a Comment