Wednesday, December 23, 2015

HHHVTG 2015: Phạm Hương & Nỗi Buồn Nhược Tiểu - Jeffrey Thai



1) 

Phút giây ấy – cái phút giây mà MC Steve Harvey công bố danh sách top 15 của cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế Giới năm 2015 - là phút giây có cả triệu người Việt ở khắp mọi nơi cùng hồi hộp đợi chờ. Họ đợi chờ cái tên Phạm Hương được vang lên cùng với cái tên đất nước Việt Nam thân thương và yêu dấu của mình. Đã từ lâu rồi họ mới thấy mình có một sự mong ngóng và hồi hộp dữ dội và mãnh liệt đến như thế. Sự kỳ vọng chứa đầy nhiều hy vọng ấy không phải là điều tình cờ, cũng không phải là không có những cơ sở vững chắc của nó. Ngược lại nhiều là đằng khác. Đã từ lâu lắm rồi, hay chưa bao giờ là như thế, VN mới có một đại diện nhan sắc đầy thuyết phục đến như thế: xinh đẹp, tự tin, bản lĩnh, thông minh… Những phẩm chất ấy không chỉ nhìn đã thấy, mà còn được sự chứng nhận và ngưỡng mộ của những chuyên gia sắc đẹp hay những nhân vật đầy uy tín.

2)



Hầu như bây giờ các cuộc thi hoa hậu (tầm thế giới) chỉ còn được chú ý ở các nước đang phát triển. Ở các nước phương Tây giàu có, người ta không quan tâm nhiều về chúng. Có nhiều lý do để giải thích cho điều ấy, mà một trong những lý do đó là chúng không còn giữ được sự công tâm, nghiêm túc và hấp dẫn ban đầu. Tuy vậy, dầu có quan tâm hay không, thì các cuộc thi tầm thế giới ấy vẫn có những ảnh hưởng to lớn nhất định lên trên hình ảnh của những quốc gia có đại diện nhan sắc tham dự. Nhan sắc là cái đẹp - cái đẹp đại diện cho người phụ nữ của một quốc gia. Khi nhan sắc ấy được vinh thăng cũng là lúc quốc gia ấy hiển nhiên được khoác lên mình sự quyến rũ và hấp dẫn của một nàng con gái đẹp. Nói một cách đơn giản nhất thôi, có nàng con gái đẹp nào mà không có nhiều người tìm đến bao quanh ve vản hay ngắm nhìn.

3)



Tôi sống ở nước ngoài, nên cũng như người dân bản địa, tôi không quan tâm gì đến các cuộc thi hoa hậu. Cuộc sống ở phương Tây này vốn rất thực tế và đầy thực dụng, nên việc chiêm ngưỡng những nhan sắc xem ra có vẻ rất phù phiếm. Có một năm duy nhất tôi quan tâm sát sao đến nó với nhiều sự nhiệt thành, đó là năm cuộc thi HHHV được tổ chức tại Việt Nam và đại diện nhan sắc cho VN năm ấy là hoa hậu Thùy Lâm. Tôi nhớ năm ấy, người ta không có nhiều kỳ vọng lắm, vì nhan sắc Thùy Lâm vốn chỉ ở tầm trung, không đủ khả năng gây xôn xao. Thế mà, năm ấy VN cũng được xếp vào top 15; dĩ nhiên, có thể hiểu đó là ân huệ được ban phát cho chủ nhà. Riêng năm nay thì khác. Tôi vô tình đọc và biết về nhan sắc Phạm Hương trước khi cuộc thi diễn ra; và có thể nói đó là nguyên nhân chính khiến tôi (và có lẽ rất nhiều người khác nữa) bị cuốn hút và thấy mình háo hức đón chờ đêm chung kết, với sự kỳ vọng hầu như chắc chắn là ít nhất VN cũng sẽ được xướng tên ở top 15.

4)


15 người là một danh sách không ngắn. Khi hơn phân nửa đã được xướng tên, có lẽ cũng như tôi, rất nhiều người đang nghĩ rằng nó sắp đến đây, nó đang ở rất gần. Nó ở đây là cái giây phút nhan sắc diễm lệ và thần thái kiêu sa ấy của đại diện VN mang tên Phạm Hương sẽ ung dung tiến về phía trước với dáng vẻ thanh tao và nụ cười làm say đắm lòng người. Thế nhưng… phút giây ấy – phút giây tưởng chừng như chắc chắn sẽ đến ấy – đã chẳng bao giờ đến. Tôi chưa bao giờ thấy mình hụt hẫng đến như thế, hụt hẫng đến nỗi không thể tin được rằng đó là sự thật. Và tôi tin chắc rằng, cũng có hàng triệu người Việt đâu đó cùng chung nỗi hụt hẫng, bàng hoàng như tôi. Tôi tự hỏi mình, điều gì đang diễn ra đây. Đã ngắm kỹ các nhan sắc của top 15, tôi có cảm giác cuộc thi này có dáng vẻ của một vở kịch đã được dựng sẵn; và không ngờ cảm giác ấy đã được khẳng định ở phút thứ 89.

5) 






Bàng hoàng và hụt hẫng. Đó là những tính từ có thể dùng để miêu tả tâm trạng chung của rất nhiều người Việt vào cái lúc mà đại diện VN đã bị gạt khỏi top 15 một cách khá phũ phàng. Riêng tôi, còn có một cảm giác khác nữa dâng lên cuồn cuộn - một nỗi buồn dân tộc thẳm sâu: nỗi buồn nhược tiểu. Không phải không có lý do mà nỗi buồn ấy chợt dâng trào trong tôi vào đúng ngay thời khắc ấy. Gần hai thập kỷ sống ở đất Mỹ này, điều tôi học được kỹ nhất đó chính là đừng bao giờ tin vào sự chính trực của bất kỳ ai, của bất kỳ điều gì, của bất kỳ tổ chức nào; ở bất cứ nơi đâu, quyền lợi, quyền lực và những thế lực đen luôn chi phối tất cả; chúng biến trắng thành đen, sai thành đúng; kẻ nghèo và yếu, hay đơn độc luôn là nạn nhân…

6)


Nhược là yếu. Tiểu là nhỏ. “Nước VN mình xưa nay vốn là một nước nhược tiểu”; đó là nguyên văn câu nói của ông thầy dạy Sử tiểu học của tôi, đã nói cách đây vài thập kỷ. Không hiểu sao câu nói ấy đeo đẳng tôi dài lâu đến như thế. Thế nhưng, cho dẫu đã là một khoảng thời gian dài lâu, xa thế, mà giờ nhìn lại đất nước VN, không chua xót sao được khi nó vẫn chưa hề thoát khỏi được kiếp phận “nhược tiểu” năm nào. Nhỏ thì đã đành là nhỏ, nhưng nhỏ không nhất thiết luôn là yếu. Có những đất nước thậm chí còn nhỏ hơn, mà chẳng hề yếu bao giờ. Đã là nhỏ yếu thì sao lại có thể thoát khỏi thân phận bị chèn úp, rẻ rúng thua người. Cũng nhan sắc ấy, cũng tài trí ấy của Phạm Hương, nếu được sinh ra ở một cường quốc, tình thế có lẽ đã không là như thế. Thấy thương và tiếc cho một nhan sắc Việt.

7) 






Nói về sự không đạt được danh hiệu này của Phạm Hương, người Việt có nhiều phân tích. Nhưng cho dẫu có phân tích theo hướng nào thì điều không thể phủ nhận là nhan sắc, phong thái, thần thái và trí tuệ của Phạm Hương đã được công chúng Việt và một phần thế giới công nhận và quan tâm. Quan trọng hơn thế nữa, sự cố gắng miệt mài không miệt mỏi và bản lĩnh vượt qua cảnh “tay trắng” với một lối ứng xử đẹp và ung dung còn nói được nhiều điều thực sự có ý nghĩa hơn nữa về đại diện nhan sắc này của VN. Đôi khi, vinh quang chỉ là điều dối trá, còn những gì nằm ở những góc khuất ẩn sâu lại tỏa sáng lung linh hơn nhiều với những giá trị nội tại thực sự. Phạm Hương nằm ở vào trường hợp đó. 

8)


Bất chấp sự thua thiệt và thân phận khiêm nhường của VN trên đấu trường nhan sắc quốc tế, sau cuộc thi HHHV năm 2015 này, nhiều người Việt vẫn tin tưởng chắc nịch rằng rồi một ngày nào đó tên của đất nước VN sẽ được vinh danh ở vị trí cao nhất. Đó là một điều tốt và sự tin tưởng ấy không hẳn là không có căn cứ. Thế nhưng, ngày nào đất nước VN vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thân phận nhược tiểu của mình thì ngày ấy niềm tin ấy sẽ chẳng bao giờ có tính khả thi. Nếu đất nước ấy không nhận ra được thân phận mình để thực sự lột xác và biến đổi, thì có một câu hỏi rất thiết thực cần phải được trả lời ngay trước mắt là: Đến bao lâu nữa thì VN mới có được một Phạm Hương thứ hai?

22/12/2015
Jeffrey Thai



No comments:

Post a Comment