Saturday, December 26, 2015

Ngẫm Nghĩ Về Cuộc Đời Và Con Người Sau HHHVTG 2015 - Jeffrey Thai



Cuộc thi HHHVTG 2015 đã kết thúc vào ngày 20/12/2015 (giờ USA) với một ít dư chấn dữ dội từ sự cố trao nhầm vương miện được cho là lỗi của MC kỳ cựu Steve Harvey. Bất chấp đẳng cấp quốc tế và danh tiếng toàn cầu từ bấy lâu nay, nói cho cùng, đây cũng chỉ là một cuộc thi nhan sắc (vốn không còn là sự quan tâm lớn ở các quốc gia phương Tây). Chẳng có gì gọi là đúng hay sai đối với mức độ quan tâm mà mỗi cá nhân trên quả địa cầu này dành cho nó. Bạn có quyền theo dõi sát sao và ủng hộ cuồng nhiệt,hay bạn có thể tỏ thái độ thờ ơ như nó chẳng hề tồn tại. Cái quyền quan tâm hoặc thờ ơ đó, xét ra, là một trong những quyền sống của con người. Tuy nhiên, nếu bạn là người đã có theo dõi cuộc thi năm nay, và có một khối óc không quá lười biếng, thì có khá nhiều điều bạn có thể rút ra cho mình về con người và cuộc sống ở thời điểm hôm nay hay ở mọi thời điểm.

1) Sự thật chỉ có một và luôn là điều bí ẩn chẳng dễ gì khám phá. 





Sau cuộc thi, dưới góc nhìn của khán giả Việt, cũng như của khán giả quốc tế, có hai điều bí ẩn mà họ cảm thấy băn khoăn. Thứ nhất là việc hoa hậu VN Phạm Hương lọt ra khỏi top 15 và sự cố công bố nhằm tên người thắng giải HHHVTG của MC Steve Harvey.

Về việc Phạm Hương lọt khỏi top 15, bên cạnh cảm giác hụt hẫng và bàng hoàng của những người đặt nhiều kỳ vọng và tin yêu vào ứng cử viên này, đã có nhiều phân tích với những lý lẽ khá xác đáng giải thích sự thất bại này. Nói chung, cả hai bên đều có lý, kèm theo đó là một vài lý lẽ cần xét lại.

Việc đặt kỳ vọng và tin yêu vào PH, sau tất cả những gì cô đã phô bày và chứng tỏ, là một việc làm đúng đắn và hợp lý dựa trên những cơ sở có thật. Nói một cách công tâm, bất chấp tất cả những phản biện, PH hoàn toàn xứng đáng và nên được đưa vào top 15 bởi bất kỳ dàn giám khảo nào, và bởi uy tín của cuộc thi. Không phải ngẫu nhiên mà trong suy nghĩ của rất nhiều khán giả theo dõi đêm chung kết (VN hay quốc tế), sau khi top 15 được xướng lên mà không có tên PH, cuộc thi này đã lộ rõ nguyên hình là một trò đùa không hơn không kém, mà ở đó, mọi thứ đều có thể bị thao túng. Dựa trên mặt bằng chung của các thí sinh, có thể biện minh cho việc PH không lọt được vào top 10 hay top 5; nhưng sẽ không có lý lẽ nào có thể thuyết phục được một cách mạnh mẽ việc PH lọt ra khỏi top 15.

Có giả thuyết được đặt ra là PH đã bị gạt bỏ khỏi top 15 một cách cố tình để việc đăng quang hoa hậu cho Phillippines trở nên dễ dàng hơn. Kết hợp các thông tin được đưa xuyên suốt cuộc thi, giả thuyết này không hẳn là không có căn cứ, nhưng việc đưa ra chứng cớ thuyết phục không bao giờ là việc dễ dàng. Ai có thể biết được sự thật này? Dĩ nhiên là ban tổ chức hoàn toàn biết rõ, và dĩ nhiên là đó là điều mà họ chẳng đời nào tiết lộ. Còn ai nữa? Có thể là PH. PH có thể không biết rõ hoàn toàn 100%, nhưng khả năng là trên 80%. Nhưng cho dù có biết rõ đến mức độ nào thì cũng không tiện và không nên nói ra, nếu xét đến những hệ lụy kèm theo.

Việc công bố nhằm tên hoa hậu thắng giải là việc đưa đến nhiều nghi vấn mang tính chất trầm trọng hơn. Tựu trung, có ba giả thuyết: kết quả bị thao túng bất ngờ ngay sau khi công bố, lỗi đọc nhầm của MC, và âm mưu tạo scandal của BTC cuộc thi nhằm gây chú ý. Giả thuyết thứ nhất là phản ứng tự nhiên phát sinh đối với khán giả, khi chưa kịp suy nghĩ gì, đặc biệt đối với những ai đã lỡ bất bình đối với danh sách top 15; nhưng nếu xét đến khoảng thời gian ngắn ngủi mà sự thao túng có được, điều này thật khó lòng diễn ra. Đối với lỗi lầm này, MC đã hoàn toàn công khai gánh trách nhiệm, và bất chấp những chứng cớ về việc đánh bạc, uống rượu, và không diễn tập; xác xuất cho lỗi lầm này xảy ra cũng thật rất thấp đối với một MC kỳ cựu như Steve Harvey. Nếu giả thuyết này là có thật thì tác phong làm việc và cả đạo đức của MC này chắc hẳn đang trong thời kỳ “thoái trào” nghiêm trọng, nhưng khi đó thì nó lại mâu thuẫn với việc ông là người đã được chọn lựa để gửi gắm trọng trách quan trọng này.

Trong cả ba giả thuyết thì giả thuyết thứ ba có vẻ có lý hơn cả, đặc biệt khi xét đến bối cảnh chung của ngành giải trí toàn cầu là: bất chấp scandal là tốt hay xấu, nó đều có khả năng thu hút sự chú ý của khán giả một cách mãnh liệt. Tuy nhiên, nếu giả thuyết này thành sự thật thì cũng có nghĩa là cả MC Steve Harvey và dàn giám khảo đều đã bị mua chuộc để thông đồng; và khi đó, vấn đề sự suy thoái đạo đức ở con người dưới áp lực của đồng tiền lại là một vấn đề nghiêm trọng khác nảy sinh. Sự cố này đã đi vào lịch sử của HHHV và MC cũng như BTC sẽ mang theo bí mật này suốt đời. Các thí sinh hoa hậu có thể biết được ít nhiều, nhưng sẽ không bao giờ là đủ nhiều để đưa ra kết luận, và sẽ không bao giờ đủ tiện để nói ra.

2) Sự tha hóa đạo đức nơi con người và sự lên ngôi của đồng tiền.




Điều thứ hai được nêu ra này nghe thật nhàm chám và cũ kỷ. Thật vậy, khó có thể tìm được một ai đã trưởng thành lại tin vào điều ngược lại; có nghĩa là tin rằng hầu hết con người đều cư xử một cách chính trực và không bị đồng tiền chi phối. Cũng sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng sư tha hóa và sự lên ngôi đó chỉ xảy ra trong xã hội đương đại ngày nay mà thôi, và chẳng hề bao giờ xuất hiện ở các thời đại trước. Thật ra, đời luôn luôn là thế (đầy rẫy những bất công), con người luôn luôn là thế (tham lam và vị kỷ), đồng tiên luôn luôn là thế kể từ khi nó bắt đầu xuất hiện (thống trị tất cả, bao gồm hành động và suy nghĩ của con người). Sở dĩ ngày nay người ta nghe nó được cất lên nhiều hơn, chẳng qua là vì sự phát triển bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng.

Sẽ thật là không công bình nếu đem định kiến hay thành kiến đó (tạm gọi như vậy) áp dụng vào chương trình HHHVTG 2015 ngay từ đầu, nhưng sau những gì đã diễn ra, không khó để người ta có thể hình dung ra được những gì ẩn khuất đã diễn ra phía sau hậu trường và trong những cuộc thương lượng thầm kín. Dĩ nhiên, đó là một đánh giá hay nhận xét, hay cảm nghĩ không dễ chứng minh đối với những ai không hiện diện vật lý nơi ấy (hay tạm gọi là người trong cuộc). Nhưng nếu thử làm một cuộc khảo sát qui mô nào đấy với những người quan tâm về độ tin cậy của cuộc thi, có thể tin rằng đó sẽ không là một con số tích cực. Một chi tiết nổi bật hỗ trợ cho việc thiếu tin cậy ấy là số lượng giám khảo ít ỏi và giảm xuống một cách bất ngờ, cùng với uy tín và chuyên môn không có gì là nổi trội xuất sắc của họ. Mướn một dàn giám khảo như thế, hiển nhiên là chi phí sẽ thấp đi rất rất nhiều.

Được đặt trong bối cảnh xã hội đương đại, điều cần lưu ý là, cho dù đây là một cuộc thi thuần nhan sắc (kèm theo trí tuệ), các yếu tố về thương mại, kinh tế và chính trị chi phối sâu sắc kết quả cuộc thi; nói cho cùng, điều người cầm đầu tổ chức quan tâm nhất vẫn là lợi nhuận họ thu về. Dựa trên cơ sở được hầu như mọi người đồng ý ấy, bài học về sự tha hóa nơi con người và sự lên ngôi của đồng tiền là một bài học được áp dụng một chính xác và hợp lý vào trong trường hợp này; nhưng xa hơn thế nữa và nghe như có vẻ có chút gì đó hơi nghịch lý, nó được đón nhận trong một cung cách mà người ta có thể tạm dịch ra là: biết rồi, nói mãi. Đúng đấy, thật đúng đấy; nhưng vì nhiều lẽ, cái đúng ấy tuy đúng nhưng không còn được coi trọng và quan tâm.

3) Thói đời: kẻ thương, người ghét. 




Đây là bài học rất cũ, nhưng lại không bao giờ cũ, nghĩa là nó tuy đã có từ ngàn xưa nhưng sẽ luôn đúng cho hôm nay và ngày sau. Tuy là bài học “vượt thời gian”, nhưng luôn sẽ có những người học thuộc được nó, có những con người (vô tình hay cố ý) chẳng bao giờ chịu hiểu nó, và cũng sẽ luôn có vô số người cứ học thuộc rồi lại quên trong suốt cuộc đời nông nổi của mình.

Cứ tưởng một người con gái đẹp như hoa hậu Phạm Hương thì có điều gì khiến cho ai đó phải sinh lòng không ưa (thậm chí thù ghét) nhỉ; nhất là sau những nỗ lực và những ứng xử minh chứng một nhan sắc có trí tuệ và tâm hồn. Biết thêm về sự thật bên trong chặng đường thi thố đầy cam go và thử thách ấy, có rất nhiều người không khỏi cảm thấy thương và phục người con gái VN đẹp đẽ và đầy nghị lực ấy. Tiếng nói cất lên của những con người ngưỡng mộ ấy nghe thật vang và đầy, tràn ngập khắp nơi, và cứ tưởng là cuộc đời này quá đẹp khi chỉ có duy nhất một tiếng nói đồng vọng ấy của hàng triệu con người.

Nhưng không, tràn lan đây đó trên các diễn đàn mạng ảo, có nhiều gương mặt ẩn khuất đâu đó không ngừng buông ra những lời thật cay nghiệt và tức tối nhắm vào một người con gái đẹp cùng chung số phận máu đỏ, da vàng và cùng chung một quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn. Số đó không hẳn là một con số nhỏ và âm ba họ tạo ra không hề thua kém bất cứ tiếng gọi tru hồn dữ dội nào ở những nghĩa địa hoang vắng.

Vì sao họ lại tức tối đến thế nhỉ? Vì sao họ lại căm hờn đến thế nhỉ? Vì sao họ lại cay nghiệt đến thế nhỉ? Cứ tưởng là dễ để trả lời, nhưng có thể là không dễ gì để hiểu được những câu trả lời ấy đối với những ai chưa từng học qua được ở trường đời bài học nhận diện bản chất thực sự của con người. Điều trớ trêu của cuộc đời này nằm ở chỗ: sẽ có vô số người cảm thấy những câu trả lời ấy hợp lý và hợp lẽ. Cái vô số con người ấy chính là hậu thuẫn mạnh mẽ, hình thành nên một góc khuất tối tăm trong đời sống dư luận của mọi xã hội con người.

4) Xã hội VN mất cân bằng, nhàn rỗi và nhốn nháo.

                                                                                           


Không phải lúc nào xã hội thật và xã hội ảo cũng đồng nhất với nhau. Nhưng không thể phủ nhận là giữa chúng có một mối tương quan hỗ tương nhất định nào đấy. Dựa trên mối tương quan có thể có được nhiều đồng thuận ấy, người ta có thể hình dung ra được xã hội VN ở thời điểm hiện tại thông qua cái được gọi là cộng đồng mạng VN. Cộng đồng mạng VN này không những chỉ nổi danh ở VN mà còn lan truyền tiếng tăm mình ra phạm vi thế giới.

Tiếng tăm ấy là gì? Nói một cách chung và thẳng thắn, dựa trên những phản ánh, nó có thể được diễn tả bởi sự tập hợp của những tính từ không tích cực: bốc đồng, thô tục, hùa bè và kém văn hóa. Không phải ai trong cộng đồng mạng VN cũng vậy, cũng như trong đời thực, có rất nhiều những con người VN lịch sự và có văn hóa. Nhưng nếu nói chung, thì hình ảnh xã hội và con người VN bị bôi bẩn khá nhiều bởi thành phần này. Thời gian gần đây, có một danh từ khá ngộ là “sửu nhi” được ra đời để thay thế cho danh từ “trẻ trâu” được dùng bấy lâu nay để ám chỉ thành phần này. Qua hai danh xưng này, có thể đoán mà không sợ lầm rằng thành phần này bao gồm những con người rất trẻ.

Thanh niên hay những con người trẻ là rường cột của nước nhà. Nhìn vào số đông “sửu nhi” này, người ta không khỏi không băn khoăn cho tương lai của đất nước VN. Dĩ nhiên là trong xã hội nào cũng có người tốt và chưa tốt, nhưng nếu khi nhìn vào xã hội VN, những thành phần trẻ quá rãnh rỗi và vô công rồi nghề này chiếm thế áp đảo thì không lo lắng cho tương lai của xã hội VN cũng không được.

Sự băn khoăn ấy khi được kết hợp với những dữ liệu thực trong đời sống về tình hình tội phạm, giao thông và thái độ sống tiêu cực có thể khiến nó leo thang mức độ trong suy nghĩ của nhiều người Việt để trở thành những tên gọi khác gieo rắc nỗi lo lắng và hoang mang.




25/12/2015
Jeffrey Thai



No comments:

Post a Comment