Sunday, August 21, 2016

Chị Bán Rau - Jeffrey Thai




“Phải người Việt không?”

Câu hỏi nhẹ nhàng, trống không, không có chủ từ ấy được phát ra từ một người phụ nữ trung niên có vẻ mặt khắc khổ.  Khi tôi vừa ra đến bãi đậu xe từ trong một siêu thị thực phẩm quốc tế, thì chị tiến đến gần tôi, dè dặt hỏi như thế.  Chị dè dặt cũng phải.  Chị hỏi trống không cũng phải.  Vì tôi vốn không có cái dáng vẻ “thuần Việt” quen thuộc của đa số người Việt khác, nên khi tôi chưa mở lời nói tiếng Việt, thường thì người ta cho rằng tôi đến từ một đất nước Đông Nam Á nào khác.  Mà khi đã chưa chắc đối tượng mà mình tiếp cận là người Việt thì việc đặt chủ ngữ vào câu hỏi, há chẳng phải là một điều thừa thải hay sao.

Có một chút giật mình, vì cũng đã khá lâu rồi mới có một người Việt tiếp cận tôi theo một cách thức “đường đột” như thế, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra đó là chị bán rau quen thuộc ở bãi đậu xe này.  Nói là quen thuộc, là vì đã có vài lần tôi nhìn thấy chị bán rau ở đây, và cũng đã có lần tôi mua rau của chị.  Lần ấy cách đây cũng đã mấy năm nên có lẽ chị không còn nhớ tôi.  Cái lần ấy tôi còn nhớ là tôi mua rau càng cua của chị thì phải - thứ rau mà khi tôi nhìn thấy ở nơi đây, cả một mảnh tuổi thơ chợt ùa về trong tâm trí.  Còn nhớ ngày còn nhỏ ở quê nhà, khoảng 7 hay 8 tuổi gì đó, dẫu được sinh ra trong một gia đình giàu có, khá giả, thịt thà thừa mứa; thế mà, không hiểu sao tôi lại thích lần mò vào những khu đất hoang để nhổ loại rau này đem về nhà mà ăn một cách thích thú.  Ngày ấy, tôi gọi nó là rau cần cua; chỉ đến khi nghe một bài hát dân ca gần đây có nhắc đến nó, tôi mới biết tên đúng của nó là rau càng cua.



Lần này, chị không chỉ bán thứ rau đó mà còn có cả rau muống, rau khoai lang và mướp.  Dẫu đã lỡ mua rất nhiều rau quả chất đầy tủ lạnh ở nhà rồi, nhưng với lời mời gọi có phần tha thiết của chị, cộng với sức hấp dẫn của loại rau ký ức không dễ gì tìm được ở trên đất Mỹ này, nên tôi vẫn nhiệt tình mua giùm chị.  Rau được chị nhét đầy trong những bịch ny-lông vốn được dùng để đựng hàng ở đây, và rồi chúng được chị chất đống vào phần cốp xe ở phía sau mà lái đi bán ở bãi đậu xe này;  mỗi bịch là $5.  Thấy túi rau to lớn như thế mà chị vẫn bán giá $5 như trước đây, tôi thực lòng ái ngại lắm, và nói với chị rằng:  “Sao chị không bán mắc hơn một chút, bán như thế này đâu có được bao nhiêu tiền?”.  Vẫn với nét mặt tội nghiệp cố hữu của một người khốn khó, chị trả lời mà như than:  “Bán vậy, chỉ bằng phân nửa giá trong siêu thị, mà người ta còn chê mắc, chê rẻ không chịu mua nữa đó cậu!”

Tiếng “cậu” chị gọi tôi nghe như có một chút gì đó trìu mến, thân quen.  Theo văn hóa xưng hô của người Việt, “cậu” ở đây có nghĩa là “cậu em”, chứ không phải là cậu – là người em của mẹ mình.  Giọng chị trìu mến có lẽ vì tôi là người hiếm hoi duy nhất, trong vô số những người Việt mà chị đã từng bán hàng qua, không mặc cả giá cả thấp cao với chị, không kỳ kèo, so đo – người Việt vốn vẫn vậy.  Tôi còn nhớ những ngày còn là một anh thanh niên thật trẻ sống ở quê nhà, cứ mỗi lần nói chuyện với những người phụ nữ trung niên là mỗi lần tôi lại được nghe từ “cậu” vừa có vẻ ân cần, vừa có vẻ gì đó rất gia đình này.  Tiếng “cậu” chị gọi tôi ở đây, ngay giây phút này, nghe như âm vang của một thứ dĩ vãng thật xa vời; nó khiến tôi chợt cảm thấy như mình vẫn là cậu thanh niên mới lớn của nhiều năm về trước.

Tuy vậy, thực tế là tôi không còn trẻ nữa, và chị cũng không quá đỗi già nua; chỉ là cuộc sống mưu sinh của một người phụ nữ Việt không dễ kiếm được tiền trên đất Mỹ này đã khiến chị già nua đi nhanh chóng.  Ấy thế mà, chị cứ tự tin gọi tôi là “cậu” với cái giọng điệu mà người chị trong gia đình gọi đứa em trai nhỏ hơn nhiều tuổi của mình.  Chị không có vẻ gì băn khoăn về lối nói chuyện ấy có lẽ vì chị cho rằng mình đã quá già, riêng tôi thì có chút cảm giác là lạ, như thể chị đang nói chuyện với một người nào khác, chứ không phải mình.  Thực lòng, tôi không ảo tưởng gì về một sự bất lực nào đó của thời gian lên diện mạo của mình, mà chỉ đoán chừng là cái lối ăn vận giống hệt như 20 năm trước của mình có lẽ đã gây ra sự ngộ nhận.  Biết sao được!  Có lẽ cho đến cuối đời tôi vẫn ăn vận như thế như là một điều chẳng thể nào đổi khác.  Tôi quên lãng thời gian hay thời gian không đuổi kịp mình?  Câu hỏi ấy, tôi không băn khoăn nhiều lắm.

Nghe thấy giọng chị cảm thán quá, tôi không biết làm cách nào khác để chị vui, nên nói với chị là, thôi thì, chị lấy cho tôi thêm vài bịch nữa đi để chị bán mau hết hàng mà còn về nhà.  Thấy có rau muống, tôi bảo chị lấy cho mình hai bịch.  Nhìn mỗi bịch to phình, tôi nói đùa với chị là không biết làm cách nào mà ăn cho hết được.  Chị bảo, không sao đâu, cứ lấy giấy báo gói chúng lại rồi để trong tủ lạnh, giấy báo sẽ hút hết nước và giữ cho chúng tươi lâu.  Như thế là, với chừng ấy rau mà tôi cũng chỉ mới mua cho chị có $15, nên tôi bảo chị thôi thì lấy thêm cái bịch mướp kia vậy.  Mướp gì mà cứ rẻ như cho, bốn, năm quả to thế mà chị cũng chỉ bán có $5.

Bỏ tất cả vào trong cốp xe sau, tôi lên xe rồi quay vòng xe để rời bãi, kết thúc cuộc mua bán chóng vánh mà tôi có cảm giác như vừa về ghé lại thăm quê nhà trong vài phút.  Vì trời nóng nên tôi quay kiếng xe xuống, và vì thế, nghe được tiếng chị bán rau gọi với lại ở đằng sau.  Chị gọi với lại, chỉ để ân cần nhắc nhở tôi rằng, rau muống kia phải nhớ gói giấy báo để giữ chúng được lâu.  Rồi chị cứ đứng thế mà nhìn tôi lái xe xa dần với cái dáng vẻ như tạm biệt một người thân.



Câu chuyện mua bán rau tưởng chỉ là đơn giản thế thôi; thế mà, có điều gì đó cứ vương vấn mãi trong suy nghĩ của tôi.  Cái chị bán rau ấy, cái nét khốn khó lâu đời ấy, cái sự chân chất, thật thà đến tội nghiệp ấy… gợi lên trong tôi thật mãnh liệt cái thứ khái niệm được gọi là quê hương mà chúng ta thường hay quên mất giữa nhịp sống đời hối hả.  Phải, cái dáng hình của chị bán rau ấy, trong tôi, là hình ảnh của một quê hương Việt Nam vẫn mãi còn trong tâm trí.  Cái đất nước ấy, cái quê hương ấy, qua bao thăng trầm rồi, vẫn mãi còn điêu linh.  Vẫn còn đó thật nhiều những mảnh đời khốn khó tận cùng, vẫn còn đó vô vàn những tiếng oán than ngất trời, vẫn còn đó khắp đó đây những tiếng kêu gào công lý làm xé nát lòng người…

Người dân Việt Nam vốn chân chất, hiền hòa, cần cù, chăm chỉ, cuộc sống thắm đẫm tình người, tình làng, nghĩa xóm…, dẫu họ là người dân của một đất nước nhược tiểu nhiều ngàn năm sống trong khốn khổ.  Bốn mươi năm đã trôi qua -  bốn mươi năm hủy diệt đất nước, bốn mươi năm tàn phá con người.  Người dân Việt hôm nay không dễ dàng gì để sống gần, không dễ dàng gì để nói chuyện với…, nhưng hình ảnh chị bán rau trên đất Mỹ ấy đã khơi gợi trong tôi một niềm tin (dẫu bé nhỏ và mơ hồ) rằng, rồi một ngày nào đó người dân Việt lại trở về với bản chất nguyên thủy hiền lương và chân chất thuở ban đầu.

20/08/2016
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment