Friday, October 25, 2019

Giới Thiệu Nữ Nghệ Sĩ Mỹ Châu - Nguyễn Phương



Thưa quý thính giả, nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do ở Pháp, Úc và vùng Nam Cali gởi điện thư hỏi Nguyễn Phương tại sao nữ nghệ sĩ Mỹ Châu có biệt danh là giọng hát Liêu Trai và trước năm 1975, cô Mỹ Châu còn được gọi là Lolita Mỹ Châu.

Phải chăng vì người ta gọi tắt hai chữ đầu của Liêu Trai, L T thành ra Lolita cho có vẻ giống tiếng Mỹ như thói thời thượng trong những năm thập niên 60 ở Saigon?

Thưa quý thính giả, Lolita Mỹ Châu và giọng hát Liêu Trai Mỹ Châu là hai biệt danh khác nhau mà khán giả ái mộ và các ký giả kịch trường dùng để nói về nữ nghệ sĩ tài danh Mỹ Châu. Hai biệt danh đó do hai giai thoại khác nhau, chớ không phải là nói tắt hai chữ LT của Liêu Trai thành ra Lolita như có nhiều thính giả lầm tưởng.

Năm 1964, rạp Rex Saigon chiếu phim Mỹ, tựa đề Lolita của đạo diễn Stanley Kubrick; nữ diễn viên tuyệt đẹp Sue Lyon đóng vai Lolita. Phim kể chuyện một lão già có tên là Humbert Humbert, lão có sự ám ảnh về tình dục với một cô gái 12 tuổi tên Dolores Haze, và ông già mê gái vị thành niên gọi cô gái là Lolita. Ông ta cắt tiếng gọi Lolita, thành ra ba âm Lo, Li và Ta, mỗi âm là đầu của một câu hát để ca ngợi cô gái.

Lúc nữ nghệ sĩ Mỹ Châu hát chánh trên sân khấu Kim Chung, cô mới được 14 tuổi nhưng vóc người nhỏ nhắn, khiến cho người ta tưởng cô chỉ mới khoản 12 tuổi. Lúc đó giọng hát của Mỹ Châu đã được nhiều khán giả và ký giả kịch trường nhiệt liệt tán thưởng.

Lolita Mỹ Châu

Một ông đại xì thẩu ở Chợlớn xem nữ nghệ sĩ Mỹ Châu hát, ông ta mê Mỹ Châu, đêm nào cũng đến xem Mỹ Châu hát và nhiều lần ông cho tài xế mang hoa và quà biếu kèm danh thiếp của ông vào hậu trường tặng cho Mỹ Châu. Ông mời Mỹ Châu đi ăn tối sau khi vãn hát nhưng ông ta không được toại nguyện vì lúc nào Mỹ Châu cũng được mẹ và chị Tư của cô đi kèm, vừa để giúp việc, vừa để bảo vệ, canh chừng để tránh cho cô khỏi bị những người ái mộ quá trớn quấy nhiễu. Thêm nữa, hoạt động nghệ thuật chiếm hết thì giờ của Mỹ Châu: 9 giờ sáng tập tuồng tại rạp Olympic; 12giờ trưa, nghĩ, dùng cơm; 2 giờ chiều thu thanh ở hãng dĩa; 7 giờ tối ra rạp hát; sau khi vãn hát, Mỹ Châu phải đi thu thanh cho hãng dĩa có khi đến hơn hai, ba giờ khuya, Mỹ Châu mới được trở về nhà ngủ. Mỹ Châu được các hãng dĩa Asia, Continental, Việt Nam, Quê Hương mời thu thanh hầu như hàng ngày, chỉ trừ ngày chúa nhựt và những ngày Tết. Có thể nói là nữ nghệ sĩ Mỹ Châu ở Saigon trong cả chục năm nhưng cô chưa được rảnh lấy một ngày để mà đi du ngoạn trong Thảo Cầm Viên, hay đi chợ Bến Thành mua sắm, hay là đi hóng gió ở bờ sông Saigon. Thì giờ của Mỹ Châu không có rỗi rãnh để mà đáp ứng lời mời của ông đại xì thẩu, nhất là mẹ của Mỹ Châu và chị Tư của cô luôn luôn là cái lá chắn bảo vệ Mỹ Châu quá kỹ.

Vì ông lão đại xì thẩu mê Mỹ Châu, đeo đuổi theo Mỹ Châu một thời gian dài nên các ký giả kịch trường, nhân xem phim Lolita, bèn tặng cho Mỹ Châu biệt danh Lolita Mỹ Châu để ghi dấu một giai thoại về lão xì thẩu đeo đuổi theo Mỹ Châu giống như lão Humbert đeo đuổi theo Lolita, một cô gái 12 tuổi trong phim Lolita.

Lão đại xì thẩu thất vọng, ông ta đành rút lui êm. Mỹ Châu được yên tĩnh với khung trời nghệ thuật cải lương yêu thích, vì vậy mỹ hiệu Lolita Mỹ Châu không được nhắc đến nữa và được thay thế bằng biệt danh mới: Giọng hát Liêu Trai Mỹ Châu.

Giọng hát Liêu Trai

Theo nhận xét của ký giả kịch trường Hoài Ngọc trên nhật báo Lẽ Sống, giọng hát của Mỹ Châu được gọi là giọng hát Liêu Trai vì ngay như những bạn trẻ chỉ thích tân nhạc, một khi đã nghe một vài dĩa vọng cổ do Mỹ Châu ca, họ sẽ ghiền nghe như nghe một giọng ca huyền bí trong truyện liêu trai ma quái của nhà văn Bồ Tùng Linh, hàm ý là người nào đã nghe giọng ca của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu thì sẽ bị mê hoặc, sẽ bị thu hút như có một sức mạnh huyền bí nào đó, không thể lấy lý lẽ thông thường để mà giải thích được.

Giọng ca não nùng của Mỹ Châu đã một thời gian dài được nhiều hãng dĩa lớn ở Saigon, Chợ Lớn khai thác triệt để. khởi từ bài ca Nửa Đêm Sầu Hận đến bài vọng cổ Hòn Vọng Phu, cổ nhạc Viễn Châu, tân nhạc Lê Thương. Giọng hát của Mỹ Châu ca bài Hòn Vọng Phu nghe như oán như than cho số kiếp của con người trong thời loạn, số kiếp những thân phận bấp bênh, trôi dạt, không biết có ngày mai. Đó là tâm tình của bao nhiêu người chịu cảnh ly tan vì chiến họa, xa cha xa mẹ, xa vợ xa chồng…Giọng ca thê thiết của Mỹ Châu đã bộc bạch giùm họ cái tâm tư chua xót thầm kín đó.

Nữ nghệ sĩ Mỹ Châu tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sanh ngày 21 tháng 8 năm 1950, tại quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Khi cô được 11 tuổi, má cô bắt cô nghỉ học để theo bà đi gánh hát Tiếng Chuông của Bầu Cang vì bà đang giúp việc cho gánh hát, gia đình nghèo và đơn chiết, không thể gởi Mỹ Châu cho ai nuôi nấng.

Mỹ Châu cũng như các con em của nghệ sĩ khác, hằng đêm Mỹ Châu ngồi bên cánh gà xem hát, tự học theo những vai tuồng mà cô ưa thích. Mỹ Châu có giọng tốt nên các nhạc sĩ trong đoàn dạy cho em ca vọng cổ và nhiều bải bản cổ nhạc khác, để cho Mỹ Châu ca tài tử ngoài màn trước khi đoàn hát tuồng chính trong đêm.

Năm 12 tuổi, Mỹ Châu vào đoàn Út Bạch Lan – Thành Được, học hát và ngâm thơ hậu trường. Nhạc sĩ Hai Long trong ban cổ nhạc Thành Công phát hiện giọng ca lạ của Mỹ Châu, tập cho cô ca vọng cổ và giới thiệu thu thanh trên Đài Phát Thanh Saigon. Mỹ Châu ca bài vọng cổ Bá Nha Tử Kỳ, được nhiều đoàn hát chú ý mời về cộng tác.

Năm 14 tuổi, Mỹ Châu đi gánh hát Thủ Đô, hát vai đào ba.

Năm 15 tuổi, bầu Long Kim Chung ký contrat, đón Mỹ Châu về cộng tác với đoàn Kim Chung 2, hát với nghệ sĩ Minh Cảnh và nữ nghệ sĩ Diệu Hiền. Từ một cô gái chỉ biết ngâm thơ hậu trường và hát các vai đào ba, Mỹ Châu trở thành đào nhì trong gánh hát đại ban Kim Chung.

Nhờ nghệ sĩ Minh Cảnh chỉ cách luyến láy khi ca vọng cổ, nghệ sĩ Diệu Hiền dạy Mỹ Châu về diễn xuất nên một thời gian ngắn sau đó, Mỹ Châu được đóng vai chánh, hát cặp với nghệ sĩ Minh Cảnh, Diệu Hiền được bố trí hát ở đoàn Kim Chung 3 với kép Thanh Hải.

Tết năm 1965, Mỹ Châu và Minh Cảnh hát tuồng Trinh Nữ Lầu Xanh, Mỹ Châu vào vai Mai Thảo, cô gái ngây thơ bị quan Huyện cưỡng hiếp mang thai rồi lại bị vợ lão huyện quan đánh đập tàn nhẫn. Minh Cảnh thủ vai Trọng Nghĩa, một nông dân chất phác, thương người cô thế nên cứu giúp, nhận là cha đứa bé trong bụng Mai Thảo nên nàng khỏi bị vợ của lão tri huyện giết. Mỹ Châu và Minh Cảnh trong hai nhân vật trên đã thi thố tài năng ca ngâm thật tuyệt vời.

Chất giọng của Mỹ Châu thật độc đáo, không ai giống mà cũng chẳng giống ai. Giọng hát của Mỹ Châu có giọng thổ như Thanh Nga, giọng ca trầm, rất trầm, xuống thấp hơn hò tư dây đào, giọng quá trầm nên càng xuống thấp lời ca nghe càng rõ. Vọng cổ là một bài ca tự sự, kể chuyện nên càng tỉ tê, lời ca nghe như rót mật vào lòng khiến cho người ta có cảm giác như Mỹ Châu tâm sự với riêng mình nên mới bị say mê. Mỹ Châu ca trầm tới mức khó ai ca được và chính vì vậy mà giọng ca độc đáo đó thu hút người nghe như có một sức mạnh huyền bí.

Sau năm 1975, Mỹ Châu hát với nghệ sĩ Tuấn Thanh trong đoàn cải lương Trúc Giang với vở tuồng Vòng Cưới Anh Trao. Mỹ Châu cũng thâu hút một số khán giả kỷ lục. Sau đó, Mỹ Châu hát qua các đoàn cải lương Saigon 2, đoàn Phước Chung, đoàn 2/84, đoàn Trần Hữu Trang. Năm 1992, Mỹ Châu từ giã sân khấu về ở nhà số 152 đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh.

Mỹ Châu thành hôn với nghệ sĩ Đức Minh vào năm 1989. Nghệ sĩ Đức Minh được con riêng của anh bảo lãnh sang định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2001, và Đức Minh bảo lãnh cho Mỹ Châu cùng định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2003.

RFA



No comments:

Post a Comment