Monday, July 14, 2014

Tự Truyện ME của Ricky Martin (Chương V: Âm Thanh Của Sự Im Lặng)



Bản dịch của Jeffrey Thai
                                                    (Bản dịch này chưa được sự đồng ý của tác giả.  Xin vui lòng đừng sao chép và phát tán.  Thành thật cám ơn.)


TÔI 

CHƯƠNG V
ÂM THANH CỦA SỰ IM LẶNG

Người ta học được những bài học quí giá nhất trong cuộc đời mình thông qua sự im lặng tuyệt đối.  Chính khi chúng ta đắm mình trong sự im lặng đó là lúc chúng ta có khả năng để nghĩ về và kết nối với bản chất thuần thành nhất của mình, thể chất tinh thần của chúng ta.  Tất cả chúng ta đều đi qua đời sống - một số người vội vã hơn những người khác - để mưu tìm hạnh phúc.  Điều đó có vẻ đơn giản quá, phải không?  Nhưng chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng trước khi chúng ta tìm được hạnh phúc, thậm chí trước khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm nó, chúng ta cần hiểu rằng chúng ta đã được kết tạo ra sao.  Chúng ta phải kết nối với cậu nhóc hay cô bé mà mỗi chúng ta đều có bên trong mình để khám phá những ước mộng sâu thẳm nhất và những phương thức để khiến chúng xảy ra.   

Tôi thật may mắn khi có được một đời sống tuyệt vời. Đặc biệt.  Nhưng nếu có những lúc tôi cảm thấy mình ở trên đỉnh thật cao, thì cũng có những lúc tôi cảm thấy như mình đã chìm xuống vực thẳm, và khi sự cuồng nhiệt mà album “Livin’ La Vida Loca” tạo ra kết thúc, tôi đã đang trải qua một trong những lúc như thế.  Tôi cảm thấy rất mệt mỏi và buồn bã.  Tôi không có hứng thú để làm gì cả, và cho dù là với thế giới bên ngoài có vẻ như tôi là người có mọi thứ, nhưng thực ra tôi chẳng quan tâm gì đến vật chất cả.  Điều duy nhất tôi muốn là ở nhà và không làm gì cả.  Tôi đã đạt được đến đẳng cấp cao trong kỹ nghệ âm nhạc – điều mà để có nó tôi đã phải làm việc không mệt mỏi – nhưng giờ đây tôi cảm thấy chán ngấy và không quan tâm gì đến quyền lực mình có được.  Sự thật là tôi kiệt sức, rã rời, và tôi không muốn làm gì nữa cả.  Vì thế, tôi biệt lập chính mình đến mức tối đa có thể.  

Điều tôi đã không nhận ra lúc ấy là tôi đang thực sự ở bên bờ của thật nhiều sự việc thần kỳ sắp sửa xảy đến với mình.  Mặc dù là tôi cảm thấy mình đã đánh mất niềm hy vọng, mọi việc trong cuộc đời tôi cứ như phối hợp lại với nhau để mang tôi đến chính điểm tuyệt vọng này, để từ đó thúc đẩy tôi hỏi những câu hỏi và tìm những câu trả lời mà tôi chưa từng nghĩ tới.  Điều tôi nhận ra sau này là tôi đã tiêu quá nhiều thời gian nhìn ra thế giới chung quanh, thay vì quay lại nhìn vào nội tại con người mình.  Tôi thực hiện những quyết định chỉ đơn thuần dựa trên những gì lý trí mình mách bảo - một cách máy móc – hay chỉ đơn thuần theo những cảm nhận của trái tim - một cách mê muội.  Về mặt cá nhân, cả hai cách xử lý đời sống ấy đều không đúng, và điều tôi cần là tìm sự cân bằng giữa hai thứ đó.  Tôi cần tìm điểm giữa của mình.  Tôi cần nhìn sâu vào lòng mình để tìm thấy những xúc cảm bị lãng quên, vùi lấp và hủy diệt bởi sự cuồng ngông và hời hợt mà tôi đã sống trong vài năm qua.  

Sau khi đã trải qua quá nhiều cũng như có được quá nhiều, điều tôi muốn giờ đây là thái cực đối lập:  Tôi muốn tìm một sự giản đơn tuyệt đối.  Luôn luôn là thế, cuộc đời đã gửi đến tôi chính điều tôi cần vào lúc tôi cần nó nhất.   

CHÀNG YOGI NHỎ 
(Yogi:  người theo thuyết du già)

Vào cuối năm 1998, khi tôi đang ở giữa mọi cuộc xáo động của album “La Copa de la Vida” và đang chuẩn bị cho album tiếng Anh đầu tiên của mình, tôi trình diễn một buổi nhạc ở Bangkok.  Vào lúc đó, sau khi đã xong cuộc họp với báo chí, tôi đi ngang qua nhà bếp của khách sạn để lên lại phòng tôi nhằm không cho ai thấy, và đột nhiên, giữa mọi sự bề bộn của nhà bếp, tôi trông thấy một gã đàn ông phát tiết ra một thứ tinh anh thật đặc biệt.  Anh ta trông giống như vị thánh Gandhi nhỏ.  Bình thường, có lẽ tôi sẽ đi lướt qua anh ấy, nhưng có một điều gì đó ở anh ta đã thu hút sự chú ý của tôi.  

“Hello,” tôi chào bằng tiếng Anh.

Và anh ta trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha:  “Hola!”

“Hola à?  tôi nói.  “Anh nói tiếng Tây Ban Nha à?”

“Dĩ nhiên,” anh ta nói.  “Tôi cũng là người Puerto Rico mà.”

“Anh đang đi nghỉ mát à?”  Tôi hỏi anh ta với vẻ ngạc nhiên.  

Chung quanh chúng tôi, các đầu bếp bưng các bát đĩa đến cùng với những đĩa lớn đựng đầy thức ăn.  Các viên an ninh đang đợi tôi ở cạnh thang máy, chờ giúp tôi trở về phòng nhanh chóng để ăn và nghỉ một chút trước buổi trình diễn.  Nhưng vào khoảnh khắc đặc biệt đó, tôi cảm thấy thời gian như đông cứng lại.  Người đàn ông tỏa ra một thứ an bình và tĩnh lặng đến mức mà chung quanh chúng tôi dường như không còn gì tồn tại.

“Không, không,” anh ta trả lời, “tôi là người Puerto Rico nhưng tôi đã từng sống ở Bangkok đến 18 năm.”

Anh ta bảo tôi rằng anh ta từng là một nhà sư và từng sống ở Ấn Độ.  Khi còn là nhà sư, anh ta đã du hành đến Nepal và Tây Tạng, và sau đó sống nhiều năm ở trên những ngọn núi của Thái Lan.  Nhưng một ngày kia, anh ta phải lòng một phụ nữ người Trung Quốc và quyết định không là nhà sư nữa để kết hôn và tạo dựng một gia đình.  Giờ đây, anh ta đang làm việc ở khách sạn này.  

“Những con khỉ được sinh ra là những con khỉ vì chúng đã được định để sống trên những thân cây,” anh ta nói, “và con người được sinh ra là để tái tạo.  Do đó, tôi không làm nhà sư nữa, và bây giờ tôi kết hôn rồi và có hai đứa con gái xinh đẹp.  Cho dù tôi không còn là nhà sư nữa, kinh nghiệm đã giúp tôi tìm được đường đi của mình.”

Những lời anh ta nói đã chạm đến linh hồn tôi.  Câu chuyện cũng như sự thông thái của anh ta khiến tôi thích thú, nhưng trên hết tôi cảm thấy một điều gì đó đặc biệt ở sự hiện diện của người đàn ông này và không muốn anh ta rời đi nhanh quá.  Tôi muốn hỏi tiếp anh ta và muốn nghe hết phần còn lại của câu chuyện.  Tôi không biết điều đó là do anh ta cũng là người Puerto Rico giống như tôi, hay là do thứ tinh hoa mà anh ta phát tiết ra, nhưng tôi cảm thấy giữa chúng tôi có một sự nối kết thật mạnh mẽ.  Cũng có thể đó chỉ là trực giác, nhưng thực tế là tôi đã chẳng sai.  

“Đợi một chút nào!”, tôi bảo anh ta.  “Anh và tôi phải nói chuyện mới được.  Anh có rảnh một lúc để đi với tôi không?  Tôi muốn nói chuyện thêm với anh.”

Anh ta trả lời tôi bằng một nụ cười thật rạng rỡ, rồi đi lên cầu thang với tôi, đến phòng tôi.  Khi đã ở trong phòng, chúng tôi tiếp tục cuộc đàm thoại.  

Gần đây, tôi bắt đầu nhận ra rằng có cả một thế giới của những sự rèn luyện tâm linh mà từ trước đến nay tôi đã thờ ơ.  Một người bạn của tôi, cũng là một trong những ca sĩ hỗ trợ của tôi, rất quan tâm đến chủ đề về sự bí truyền, và anh ta đã chậm rãi giới thiệu tôi đến thế giới ấy.  Vào thời điểm ấy, chỉ cần ai nói đến chữ “yoga” hay “nghiệp chướng” hay “thiền” là tôi lập tức bị thu hút ngay.  

“Thật tuyệt diệu.  Ngay bây giờ, tôi đang rất quan tâm đến những chủ đề này, và anh xuất hiện trong thế giới của tôi ngay chính vào khoảnh khắc này,” tôi nói với chàng trai đã từng là nhà sư.  

Sau khi ngồi với nhau được một lúc, tôi gọi người bạn là ca sĩ hát hỗ trợ cho tôi đến và cùng tham gia.  Và cả ba chúng tôi bắt đầu để nói về đời sống.  Chúng tôi nói về thật nhiều điều đến nỗi tôi không còn nhớ được bất kỳ chi tiết nào, nhưng tôi biết chúng có tác động rất lớn đến tôi.  Vào lúc chúng tôi được gọi để đi kiểm tra âm thanh, đầu óc của tôi quay cuồng.  Tôi bảo người bạn mới này ở lại cùng chúng tôi trong khi chúng tôi thực hiện việc kiểm tra âm thanh, và một lần nữa, anh ta đồng ý.  

Tôi thật sự thích thú với cuộc nói chuyện với người bạn tôi và anh chàng từng là nhà sư đến nỗi tôi cố để ghi khắc từng lời họ nói và mọi khái niệm họ giải thích.  Mặc dù tôi biết chút ít về triết học mà họ đang bàn luận, chiều sâu của những điều họ nói hoàn toàn mới mẻ với tôi.  Khi họ đang nói thì đến giờ dùng buổi tối và đồ ăn được mang từ bếp lên.  Tôi hỏi anh chàng từng là nhà sư:  “Anh không dùng bữa sao?”

“Đừng lo gì chuyện đó,” anh ta bảo tôi.  “Nói chuyện thế này thật bổ ích cho tôi.  Ngồi đây nói chuyện và chia sẻ với anh thế này, tôi cũng thấy thỏa nguyện rồi.”

Tôi đề cập đến điều này như là một trong những suy nghĩ thông thái mà chàng trai này đã gửi đến tôi ngày hôm ấy.  Anh ta là một người thật đặc biệt, đã mở mắt cho tôi thấy cả một thế giới mới mà trước đây tôi chẳng hề biết gì, và anh ta đã dạy tôi phải làm gì để có thể biết thêm nữa.  

Khi chúng tôi càng biết về nhau hơn, mối liên kết tinh thần tôi cảm thấy với anh ta từ lúc đầu hóa ra càng thực hơn.  Tôi cảm thấy như thể chúng tôi đã biết nhau suốt cuộc đời.  Cũng giống như việc người ta thường nói có tình yêu phát khởi ngay từ cái nhìn đầu tiên, tình bạn của chúng tôi cũng giống như thế - tình bạn phát khởi từ cái nhìn đầu tiên.  Ngày nay, tôi nhắc đến anh ta như một là một yogi nhỏ, không phải vì anh ta có danh hiệu chánh thức là “yogi” trong việc tập luyện yoga, mà chỉ đơn giản là muốn trao ban cho anh ta danh hiệu của một người thầy, sau những gì mà anh ta đã chỉ dạy tôi.  Anh ta đã trở thành người dẫn dắt tâm linh của tôi.   

Tôi cảm thấy rằng trong phần lớn cuộc đời mình tôi đã đi trên một cuộc hành trình tâm linh.  Tôi luôn tìm kiếm sự tĩnh lặng, sự thảnh thơi, sự yên bình nội tại, Thượng Đế - bất chấp danh xưng mà người ta trao tặng cho Ngài.  Do đó, khi tôi hội ngộ người đàn ông thông thái và có sự hiểu biết sâu sắc về những chủ đề này, chẳng bao lâu tôi đã cảm thấy rằng cả ba chúng tôi (bản thân tôi, ca sĩ hát hỗ trợ cho tôi, và người bạn mới của chúng tôi) cần thực hiện một chuyến đi đến nơi khởi nguồn của những kiến thức của anh ta.  

MỞ RỘNG ĐÔI MẮT PHƯƠNG TÂY CỦA TÔI

Tám ngày sau cuộc gặp gỡ với chàng yogi nhỏ ở Bangkok, tôi bay về nhà ở Miami để tham dự lễ khai trương của một nhà hàng.  Nhưng chúng tôi không xa nhau quá lâu, vì quyết định đã được thực hiện:  Chúng tôi dự trù du hành đến Ấn Độ cùng nhau; tất cả những gì tôi phải làm giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng trước khi chúng tôi khởi động chuyến đi xa.  Trước tiên và trên hết, điều làm tôi hứng khởi nhất là cơ hội lấy thời gian nghỉ để đeo ba lô rong ruổi Ấn Độ.  Tôi chưa bao giờ có cơ hội để làm điều gì như thế.  Lần đầu tiên từ rất lâu rồi, tôi mới hồi hộp về viễn cảnh của một chuyến đi như thế, nhưng điều tôi đã không biết là chuyến đi này sẽ hoàn toàn khác biệt với tất cả mọi chuyến đi từ trước đến nay.  

Tôi đáp máy bay xuống Miami vào buổi sáng, và ngay tối đó vào lúc bảy giờ, chúng tôi tổ chức lễ khai trương nhà hàng đối với quần chúng và báo chí.  Chỉ ba giờ đồng hồ sau đó, vào lúc mười giờ, tôi lên máy bay một lần nữa, lần này đến Ấn Độ.  Nếu đó là chuyến đi có dính dáng đến công việc, có lẽ tôi sẽ không hứng khởi như thế, nhưng lần này khác hẳn:  Tôi cảm thấy một loại năng lượng đặc biệt.  Như theo hoạch định, người bạn là ca sĩ hỗ trợ của tôi đi cùng với tôi, và cùng nhau chúng tôi đến thành phố Calcutta để gặp người bạn mới.            

Tôi đã đến Ấn Độ vài lần, nhưng đó là những chuyến đi công việc và luôn trong một khoảng thời gian rất ngắn.  Mặc dù đó là một quốc gia luôn gợi cảm hứng và hấp dẫn tôi, tôi chưa bao giờ được khám phá nó một cách đàng hoàng cả.  Mỗi lần viếng thăm một thành phố nào đó lần đầu tiên, tôi thường cố hết sức để viếng thăm càng nhiều danh lam thắng cảnh càng tốt, nhưng chưa bao giờ đủ để tôi có được một cảm nhận thật sự về nơi chốn đó hay con người ở đó.    

Có một điều gì đó về Ấn Độ tạo hứng khởi sâu sắc cho tôi, và cuốn hút tôi, và tôi luôn muốn được nhìn thêm về nó.  Là một quốc gia, Ấn Độ chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi, nhưng chỉ đến khi tôi đến đó với người bạn từng là nhà sư của tôi, tôi mới nhận ra tôi biết về nó ít ỏi như thế nào. Chỉ đến khi tôi đến đó với chiếc ba lô đeo lủng lẳng trên vai để gặp người dẫn dắt tinh thần của tôi, tôi mới có thể cuối cùng khám phá được vẻ đẹp của Mẹ Ấn Độ.  

Chàng yogi nhỏ đã hoạch định tất cả.  Chúng tôi sẽ ở đêm thứ nhất ở Calcuta, và rồi sẽ du hành đến ngôi làng nhỏ Puri bằng đường xe lửa.  

Tôi luôn nói rằng ai đến Ấn Độ mà chưa ghé qua trạm xe lửa thì không thực sự đã ghé thăm Ấn Độ.  Các trạm xe lửa Ấn Độ là những nơi trong những nơi kỳ thú nhất mà tôi từng thấy, tràn ngập con người, hoạt động, âm thanh, mùi vị, và màu sắc.  Điều quan trọng nhất là bạn phải quên mình là một người nước ngoài đi, để xem bạn như là một phần của bức ảnh được chụp nhanh và hiện thực của khoảnh khắc đó.  Bởi vì nếu không như vậy, sự hỗn loạn của nó đủ để khiến người ta bỏ chạy về hướng ngược lại.  Hàng trăm người chen lấn và hối hả để giành một chỗ trên toa xe lửa.  Người ta la hét và cãi cọ, và tất cả những gì bạn muốn làm là ôm ba lô đến ngồi chỗ của bạn.  Trẻ em trên đường phố chạy dọc theo hai bên của xe lửa, hét lớn:  “Chào, chào ngài ạ!”

Vào ngày chúng tôi đáp xe lửa đến Puri, ở giữa cảnh chen lấn giành giật, có bốn đứa trẻ giật mạnh ba lô của tôi và kép ống quần tôi.  Tôi bảo chúng không nhiều lần, cho đến khi tôi cuối cùng phải dỡ ba lô khỏi lưng và nói, “Ngưng lại!”

Chúng nói tiếng Bengali. Và tôi nói với chúng bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.  Nhưng chúng không nói được cả hai thứ tiếng đó, và tôi, dĩ nhiên, không nói được tiếng Bengali.  

Vì thế, tôi nắm lấy bốn đứa trẻ và nói với chúng:  “Ngừng lại nào!”, và tôi bắt đầu hát:  “Palo, palo, palo, palo, palito, palo es…”

Đó là một bài hát tiêu biểu của trẻ em người Mỹ La-tinh, loại bài hát người ta dạy những đứa trẻ còn rất nhỏ.  

Những đứa trẻ như bị thôi miên.  

“Eh?” chúng nói với vẻ mặt ngạc nhiên.  Nhưng ngay đó chúng bắt đầu bắt chước những từ của bài hát.  

"Palo, palo, palo, palo, palito, palo es . . .   "  chúng  lặp lại.

Ngay lúc đó và hoàn toàn bất ngờ, tôi dạy những đứa trẻ đó một thứ xuất phát từ phần thế giới của tôi.  Một lần nữa, âm nhạc vượt qua những rào cản ngôn ngữ giữa chúng tôi.  Và mặc dù chúng không hiểu một từ nào trong tất cả những gì tôi đang nói, tôi cảm thấy chúng tôi đã nối kết qua âm nhạc.  Đó là khoảnh khắc phi thường mà chúng tôi đã thu ngắn được khoảng cách giữa các nền văn hóa và chạm dược vào một điều gì đó rất sâu thẳm bên trong con người.   
                                                                                  
Sau khi đùa giỡn với lũ trẻ một lúc lâu, cuối cùng tôi nói lời chào chúng và lên xe lửa giữa sự huyên náo, và chúng tôi hướng về phía ngôi làng Puri.  

Puri là một thị trấn nhỏ nổi tiếng bởi vì một trong những ngôi đền thiêng liêng của văn hóa Hind tọa lạc ở đây.  Ngôi đền, vốn đã tồn tại hàng nghìn năm, được gọi là Shree Jagannath, vì nó được dâng tặng đến thần Hindu là Jagganatha, vốn là hiện thân của Krishna.  Chỉ có người Hindu mới được phép vào ngôi đền.  Mỗi năm, hàng ngàn người sùng bái thần Krishna và Vishne đến ngưỡng cửa ngôi đền này để tham dự một ngày hội, lúc mà họ đặt bức tượng của thần Krishna trên một chiếc xe ngựa khổng lồ và mang nó đi qua mọi ngã đường của ngôi làng Puri.  

Thành phố này cũng được biết đến với cái tên Bãi Biển Vàng, do những bãi cát vàng trên bờ biển đối diện Vịnh Bengal.  Đó là một nơi có tầm nhìn độc nhất vô nhị, nơi mà bạn có thể ngắm mặt trời mọc và lặn từ cùng một nơi, mà không phải di chuyển gì cả, và là nơi vào lúc mặt trời lặn bạn có thể nhìn chằm chằm trực tiếp vào ánh mặt trời mà không bị bỏng mắt.  

Ngoài tất cả những điều đó ra, Puri còn là một nơi ẩn dật tâm linh để thực tập yoga và là trung tâm của nhiều tôn giáo.  Có nhiều mathas (các tu viện Hindu) thuộc nhiều nhánh khác nhau của đạo Hindu, cũng như đạo Cơ Đốc, đạo Do Thái, và các nhà cầu nguyện của đạo Hồi.  Nhìn cách tất cả những tôn giáo này cùng tồn tại với nhau thật là ấn tượng làm sao.  Tất cả chúng cùng chia sẻ ngôi làng nhỏ thần kỳ này, và mỗi tôn giáo có đền thờ riêng của nó, nơi người ta có thể hành đạo trong sự yên bình và sự tĩnh lặng tuyệt đối.  Thị trấn này cũng là một nơi chốn thiêng liêng mà người ta đến để chết và được hỏa táng.  

Trong riêng một ngày, tôi nhìn thấy cuộc hỏa táng của một người đạo Hồi; một buổi lễ của người theo đạo Hindu ở đó người ta liệng xác người chết xuống dòng sông; và có một người đạo Phật, một người đạo Cơ đốc, và một người đạo Hindu cùng nhau uống trà trong một quán nhỏ:  vị sư đạo Phật có một tràng hạt nơi cổ tay, người theo đạo Cơ đốc có một cây thánh giá treo trước ngực, và người theo đạo Hindu có một vết son trên trán.  Tôi không thể nào tin nổi điều đó.  Cảnh tượng thần kỳ như thế khiến cho đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng.  Làm sao mà ở thế giới phương Tây, chúng ta lại bị giới hạn vô cùng?  

Chúng tôi đến từ một xã hội bảo với chúng tôi rằng một người là tốt hay xấu là do tôn giáo của họ.  Chúng ta chất nạp vào trong mình những thành kiến và dấu hiệu văn hóa dựa trên điều gì thế?  Không gì cả.  Chúng ta được dạy để sợ hãi bất kỳ ai khác biệt với chúng ta...  Tại sao?  Bởi vì sự thiếu hiểu biết vô cùng.  Thay vì tập trung vào những khác biệt tồn tại giữa con người, chúng ta đáng lẽ nên tập trung vào những điểm tương đồng - và thực tế là có rất nhiều!  Đó là điều tôi làm từ góc nhìn tâm linh cũng như trong đời sống hàng ngày.  Tôi luôn tìm kiếm một mẫu số chung, và sự thật là tôi hầu như luôn tìm thấy một điều gì đó.  Có hàng triệu nền văn hóa trên thế giới, phải không?  Tất cả chúng ta khác biệt nhau theo thật nhiều cách, nhưng điều quan trọng tối thượng là tất cả chúng ta đều là con người.  Điều duy nhất chúng ta thực sự cần để có thể sống là nhu cầu thở.  Và khi chúng ta bị cắt, máu trào ra từ cơ thể chúng ta luôn có cùng màu sắc.  

Điều duy nhất tôi khao khát trong cuộc đời tôi, và trong cuộc đời của mọi con người, là tìm thấy sự an bình nội tại.  Việc bạn chọn con đường nào để đạt được điều đó là không thành vấn đề.  Cho dù là theo đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Phật, đạo Hindu, đạo Cơ đốc, đạo Juda, thuyết vật lý lượng tử, đạo Lão, thuyết vô thần - điều quan trọng là chúng ta phải tìm những gì có hiệu quả cho mỗi chúng ta, và vì mỗi đầu óc chúng ta là một vũ trụ riêng biệt, chẳng có gì ngạc nhiên khi mỗi chúng ta sẽ cần tìm một cách riêng để đạt được trạng thái an bình nội tại cho riêng mình.  Không có cách nào tốt hơn cách nào; không có tôn giáo nào hiệu quả và vững chắc hơn tôn giáo nào.  Điểm then chốt là tìm được cách riêng cho mình.  Trong đạo Phật, có một lời dạy cho rằng điều tệ hại nhất bạn có thể làm đối với tâm linh của mình là bảo một ai đó rằng niềm tin của họ là sai.  Hành động đó không chỉ là điều vô cùng ngạo mạn đối với người khác, mà còn là điều tệ hại nhất bạn có thể làm đối với nghiệp chướng của riêng mình.  Đây là một khái niệm rất huyền nhiệm mà nếu tất cả chúng ta cùng áp dụng thì có thể biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.  

Đối với tôi, một trong những thất bại lớn nhất của con người là chúng ta luôn tìm cách để định nghĩa con người, để xếp loại họ và dán nhãn họ.  Và trong vòng những chủng loại mà con người tạo ra này, dĩ nhiên, có những điều tốt và xấu.  Để không phân loại con người hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực khi chúng ta gọi họ là "tốt" hay xấu, tôi thay vào đó cố hình dung họ như là những tần số hoặc tương hợp hoặc không tương hợp với những tần số của tôi.  Tôi đơn giản chỉ quyết định để nắm bắt lấy những tần số tương hợp, có thể giúp ích cho tôi và nuôi dưỡng tâm linh tôi, và tôi cố để đừng tập trung vào bất kỳ điều gì lấy mất đi sự yên bình của tôi và làm hãm lại sự phát triển của linh hồn tôi. 

Tôi luôn tìm kiếm những điều gì hiệu quả nhất cho mình, xứng hợp nhất với những niềm tin cá nhân, tôn giáo và triết lý của mình.  Tôi cố duy trì sự cởi mở với mọi thứ và tôi thực hiện một sự nỗ lực phối hợp để luôn tìm thấy những lời giáo huấn mới và những con đường mới ở mọi nơi tôi đến và mọi hoàn cảnh tôi sống.  Nếu tôi giới hạn bản thân mình chỉ là một người theo đạo Phật, hay theo đạo Thiên Chúa hay theo đạo Hindu, ở một mức độ nào đó, tôi sẽ khép chặt bản thân không nhận được những bài học khác từ những niềm tin và triết lý khác.  Tôi có một số kinh nghiệm tuyệt vời với đạo Thiên Chúa và tôi cũng có một sự ham thích mạnh mẽ với những lời giảng dạy của đạo Phật nào đó.  Thực ra, tôi nhìn thấy nhiều sự giống nhau giữa đạo Hindu và đạo Cơ đốc, và tôi cảm thấy trong mỗi một đạo như thế tôi đều tìm thấy những câu trả lời cho những thách thức mà tôi đối diện trong đời sống cá nhân.  

Có một câu chuyện bằng tiếng Phạn kể rằng chúa Jesu - trong suốt những năm được cho là mất tích mà theo Kinh Thánh, ngài biến mất và tiến hành thiền tập - du hành qua mọi nơi ở Ấn Độ và băng qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn để đến Tây Tạng.  Người ta nói rằng ngài đã gia nhập cùng một đoàn bộ hành và du hành xuyên qua Trung Đông (băng qua Iraq, Iran, Afghanistan, và Pakistan) cho đến khi ngài đến Ấn Độ, Nepalk và sau đó là Tây Tạng.  Có hàng tá những dữ kiện ủng hộ sự khẳng định này, nhưng dữ kiện thú vị nhất đối với tôi là khi trở về sau cuộc du hành, Chúa Jesu đã rửa bàn chân cho những đồ đệ của ngài.  Điều đó không đáng tò mò lắm sao?  Chúa Jesu giải thích với các tông đồ rằng rửa bàn chân cho một chúng sinh khác là dấu hiệu của sự khiêm tốn và sự qui phục.  Thực ra, phong tục này tồn tại cả trong những tôn giáo khác, như đạo Hồi và đạo Sikh, và trong đạo Hindu việc chạm vào chân của một người khác là dấu hiệu của sự kính trọng.  Tôi không nghĩ rằng một điều như thế này có thể là một sự trùng hợp tình cờ.  Với tôi, mẫu tin đó có lý do của nó, và nó củng cố mối liên kết mà bản thân cảm thấy tồn tại giữa tất cả các tôn giáo.   

THẦY GIẢNG ĐẠO 

Ở làng Puri, vị yogi nhỏ đưa chúng tôi đến một ashram - một nơi để thực tập thiền - ở đó, chúng tôi học tập yoga và trao đổi với thầy giảng đạo Yogeshwarananda Giri, nhà hiền triết bậc thầy đã đạt đến được trình độ rất cao trong việc thực tập yoga.  

Vị thầy này là một người rất trầm lặng, tỏa ra một thứ ánh sáng thật đặc biệt, một nguồn năng lượng tốt đẹp.  Tôi được hân hạnh gặp ngài, vì vào một lúc nào đó trong cuộc đời của mình, vị yogi nhỏ người Puerto Rico đã sống ở trong ashram đó và học thầy Yogeshwarananda Giri, người được gọi là Paramahamsa Hariharananda.  Cũng giống như việc bản thân vị thầy này đã học tập dưới sự dạy dỗ của các bậc thầy vĩ đại khác, bây giờ một học trò nữa - vị yogi nhỏ - đang mang đến cho ngài một thế hệ học trò mới - chúng tôi.  Trước vị thầy này, đã có một vị thầy khác, và một vị thầy khác nữa trước ngài; thật là vui sướng khi nghĩ rằng có một dây chuyền dài lâu của các bậc thầy và các môn đệ mà bây giờ tôi đang được tiếp cận.  Nhưng điều quan trọng là phải làm rõ rằng chỉ vì tôi là một học trò của vị thầy này không có nghĩa là tôi có thể giảng dạy những kỹ thuật mà ngài đã dạy tôi, vì tôi không được huấn luyện để làm điều đó.  Vị thầy này được sinh ra để làm một yogi:  Ngài đã trải qua suốt cả cuộc đời học tập và chuẩn bị thân thể để làm một yogi, và đó là định mệnh của ngài.  Tôi, mặt khác, chỉ có được đặc ân là học cùng ngài trong một khoảng thời gian ngắn.  

Lần đầu tiên tôi gặp vị thầy Yogeshwarananda, tôi lưu ý rằng vị yogi nhỏ - đồ đệ của ngài - đã không hôn chân ngài, nhưng anh ta có chạm chúng và đọc lời cầu nguyện.  Tôi xem cử chỉ của anh ta như là chứng minh đẹp đẽ cho lòng khiêm tốn và sự kính trọng.  Vì thế, tôi đã làm như anh ta và quì xuống để chạm vào chân của ngài.  Vì tôi không biết mình phải nói gì và nghĩ gì trong khi chạm vào chân của vị thầy, tôi bắt đầu đọc lời cầu nguyện Thượng đế.  Tôi nghĩ đó là lời cầu nguyện "Cha của chúng ta" nhanh nhất mà tôi từng đọc trong cuộc đời mình, vì tôi cảm thấy kỳ lạ khi tiếp tục quì trước vị thầy thật lâu.  Đó là một tình huống hoàn toàn mới đối với tôi và tôi không biết phải làm gì.   Rất nhiều điều lướt qua tâm trí tôi, bao gồm, "Các bạn bè tôi sẽ nghĩ gì nếu họ nhìn thấy tôi quì như thế này?"  Tôi thậm chí có thể hình dung được gương mặt của viên quản lý, khi anh ta cố ngăn mọi người không được chụp ảnh khung cảnh có thể cuối cùng sẽ xuất hiện trên một tờ báo nào đó như tạp chí People.  

Bên trong tôi đang cười phá lên, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng cử chỉ khiêm tốn nhỏ mọn này thật nhiều ý nghĩa.  Tôi đã trải qua nhiều năm sống trong thế giới xa hoa, các cuộc du hành sang trọng, những căn phòng khách sạn hạng sang, và những chiếc phi cơ cá nhân  đến nỗi chỉ một hành động khiêm tốn đơn giản như thế là một điều gì đó tôi cần một cách tha thiết.  Quì xuống trên đôi gối mình và chạm vào bàn chân dơ bẩn của một người đàn ông khác là một nghĩa cử biểu tượng và mạnh mẽ đối với tôi, vì nó có nghĩa là gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên cũng như hình ảnh quyền lực có được sau những thành tựu.  Tôi đã dễ dàng có thể chỉ cần bắt tay người đàn ông và nói:  "Chào, ngài như thế nào ạ?"  Nhưng không.  Tôi đã quì xuống trên sàn nhà và chạm vào đôi chân ông ấy, và từ giây phút đó tôi cảm thấy một điều gì đó rung động ở bên trong mình.  Tôi cảm thấy tôi đang làm một điều đúng đắn, và đó là cách tôi bắt đầu con đường dài trở lại kết nối với phần sâu thẳm nhất của con người mình.  Tôi đã trải qua quá nhiều năm tách biệt con người công chúng của mình khỏi con người cá nhân, và tôi cuối cùng đang bắt đầu tìm cách  hòa giải hai mặt đối cực ấy của sự tồn tại của mình.  

Với vị thầy này, tôi nghiên cứu kriya yoga, một hình thức rất thụ động của yoga liên quan nhiều đến việc suy ngẫm.  Nó không phải là loại yoga đòi hỏi những nỗ lực thân xác nhiều, mà thay vào đó là một tiến trình khám phá nội tại.  Chính qua quá trình này mà vị thầy đã giúp tôi mở ra cái được gọi là kundalini - một năng lượng tiến hóa, không nhìn thấy và không đo lường được, mà đi lên qua cột sống, di chuyển qua bảy luân xa của thân người.  Khá là kỳ lạ, bởi vì qua việc thực hành kriya yoga này người ta cho là con người cuối cùng sẽ bắt đầu nghe được những thanh âm tự nhiên của cơ thể.  Theo triết lý của kriya yoga, cơ thể chứa đầy những âm thanh và chất lỏng là nơi năng lượng đến và đi; điều xảy ra là chúng ta, trong cuộc sống vội vã điên cuồng của thế giới hiện đại, phớt lờ chúng.  Nhưng những thanh âm cơ thể này là điều họ thực sự gọi là âm thanh của sự im lặng, mà một khi đã nghe được nó, bạn có kết nối bạn với trung khu của chính mình, nơi bạn sẽ tìm thấy sự tĩnh lặng, sự thanh thản và sự yên bình.  

Sự im lặng thật sự là một nốt đơn lẻ, chỉ một nốt thôi.  Nó là thứ âm thanh bạn nghe được khi bạn tắt bỏ mọi ngọn đèn và mọi vật dụng trong nhà mình, khi bạn một mình hay nằm xuống giường để ngủ.  Những gì bạn nghe trong những khoảnh khắc ấy là âm thanh của sự im lặng.  Và nó là thứ âm thanh con người tìm kiếm để nghe qua viêc thực hành.  Nó là thứ nốt tôi đang tìm kiếm trong việc thiền tập của mình, thứ nốt cho phép tôi tập trung và buông bỏ tôi khỏi mọi thứ chung quanh.  Đó là những gì vị thầy đã dạy tôi.  

Khi tôi đến ashram này, trong ngôi làng nằm cạnh biển ở một góc của Ấn Độ, tôi không biết gì về điều này.  Tôi đã du hành đến Ấn Độ vì tôi nghĩ đó là một đất nước thú vị, vì tôi cần nghỉ ngơi, vì vị yogi nhỏ đã đánh thức sự tò mò trong tôi.  Nhưng tôi chẳng hề biết gì về những điều mình đang tìm kiếm.  Tôi không tưởng tượng được tôi sẽ học được những điều gì.  Thực ra, tầm nhìn của tôi đơn giản đến nỗi khi được bảo vị thầy là một bậc thầy về yoga, tôi tưởng tượng ngài sẽ dạy tôi cách duỗi người hay chạm ngón chân cái lớn vào lỗ tai.   

Như chúng ta biết, ở phương Tây, việc thực tập yoga đã được hoàn toàn thương mại hóa.  Ngày nay, nó là một ngành thương mại, và bất kỳ ai cũng có thể trở thành người dạy yoga chỉ bằng cách tiêu tốn nhiều trăm đô la để được chứng nhận.  Nhưng ở Ấn Độ, quốc gia mà yoga được khai sinh, những người dạy nó phải trải qua cả cuộc đời chuẩn bị cho điều đó.  Bây giờ, tôi không đang nói là yoga thương mại là một điều xấu - nếu nó có hiệu quả với bạn và cho bạn sự yên bình và tĩnh lặng bạn cần, thì bạn cứ tiếp tục.  Nhưng bởi vì tôi may mắn được học từ một bậc hiền triết người đã giải thích toàn bộ triết lý nền tảng của nó, đó là thứ yoga mà tôi thực tập.  

Tôi chỉ trải qua bốn ngày với vị thầy đó trên chuyến đi ấy, nhưng bốn ngày ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi hoàn toàn.  Mỗi ngày tôi sẽ thực hiện những nghi thức bằng việc lặp đi lặp lại những thần chú tiếng Phạn với mục đích là giúp tôi tìm thấy âm thanh thiêng liêng, âm thanh của sự im lặng.  Một khi bạn đã tìm thấy âm thanh của sự im lặng và bạn có thể nghe nó trong bất kỳ tình huống nào, ở trạm xe lửa khi bao quanh bạn có thật nhiều người hay một mình trong phòng riêng, bạn đạt được đến gần việc nhìn thấy được quả lắc thiêng liêng và cảm nhận được sự rung động thần thánh.  Quả lắc thiêng liêng là điều mà chúng ta luôn mang theo bên trong mình; nó là tần số di chuyển từ tai này sang tai kia khi chúng ta nhắm mắt lại.  Chỉ qua thực tập chúng ta mới có thể hiểu hết được điều này.  Và sau đó, khi thực tập thêm, bạn có thể cảm nhận được sự rung động thần thánh tuần hoàn khắp thân thể.  

Mọi thứ đều bắt đầu bằng sự im lặng.  Một khi bạn đã tìm được âm thanh của sự im lặng, bạn có thể tách biệt bản thân mình khỏi mọi vật chất và mọi thứ chung quanh.  Đó là lúc bạn có thể tiến tới mức độ kế tiếp - sự rung động thần thánh và quả lắc.  

Khi ông ấy dạy cho tôi điều này tôi không chỉ tin rằng mình đã tìm được trung khu của mình, mà còn kết nối với năng lượng của vũ trụ.  Ngài ngồi xuống bên cạnh tôi và đặt tay ngài lên đôi tai tôi và tôi nghe nó ngay lập tức - cái nốt cao đến từ sâu thẳm bên trong tôi.  Sau đó, vị thầy đặt một tay lên cột sống của tôi và tay kia lên ngực tôi và bảo:  "Anh có cảm thấy nó không?"

Và vào chính giây phút ấy, tôi cảm thấy sự rung động.  Sau đó ngài đặt đôi tay lên mắt tôi và tôi có thể thấy được quả lắc, giống hệt như những gì ngài đã diễn tả.  

Tôi nghĩ, "Gì thế này?  Ông ta quả thực là phù thủy!"

Sau đó, tự tôi cố để làm điều đó lần nữa, nhưng không thể. Vì thế, ngài bảo tôi:  

"Hãy cứ cố.  Cứ thiền tập, vì bằng cách thực tập anh sẽ đạt được điều đó.  Bằng thực tập, mọi việc đều có thể.  Khi kết cuộc đến, mọi người sẽ quăng mình xuống đất mà cầu nguyện.  Khi sự xáo trộn đến, khi thế giới đến hồi kết cuộc với các cơn sóng thần, bão táp và giông tố, tất cả mọi người sẽ tập trung lại với nhau và bắt đầu cầu nguyện.  Đó sẽ là cách họ đối mặt với những gì nằm ở phía trước.  Nhưng bạn...  bạn sẽ ngồi và tìm âm thanh của sự im lặng.  Bạn sẽ cảm thấy sự rung động thần thánh trong cơ thể mình và bạn sẽ thấy quả lắc.  Thế giới này có thể vỡ vụn quanh bạn, nhưng bạn sẽ vẫn tập trung và an bình."  

Tôi chẳng bao giờ cảm thấy được lần nữa những gì tôi đã trải qua với vị thầy, có thể là do thiếu thực tập, nhưng điều vẫn tiếp tục rung động bên trong tôi là giáo lý sâu sắc của ngài.  Áp dụng những điều tôi học được từ chuyến đi ấy, tôi cảm thấy ý nghĩa to lớn thực sự của những lời của ngài là cho dù có bao nhiêu tiếng động hay con người bao quanh bạn đi nữa cũng không thành vấn đề; nếu bạn cân bằng và bình an, bạn có thể ngồi và nói với một người nào đó và vẫn tìm thấy âm thanh của sự im lặng.  Nếu bạn cho phép nó, một chiếc xe cảnh sát có thể vượt qua ngay cạnh bạn với tiếng còi hú ở mức độ tốc đa, và bạn thậm chí vẫn không nghe thấy.  Một chiếc phi cơ có thể đáp trên nóc nhà bạn và bạn thậm chí còn không để ý.  Đó là sức mạnh của âm thanh của sự im lặng.  Khi bạn nghe nó, bạn có thể tách rời mình khỏi cơ thể và ngay lập tức kết nối với linh hồn của bản thân.  

Trước khi đi Ấn Độ, tôi hiếm khi trải qua thời gian một mình hay trong sự im lặng.  Khi tôi bước vào một căn phòng, tôi thường mở ti vi ngay lập tức, nhưng không phải để xem, mà chỉ để có sự bầu bạn.  Tiếng động, những âm thanh, làm tôi không còn suy nghĩ, và bằng cách đó tôi giữ cho bản thân mình xa cách với những gì đang diễn ra bên trong tôi, vì tôi sợ phải nhìn thấy những điều tồi tệ mà tôi có thể khám phá ra.  Nhưng khi tôi trở về từ Ấn Độ, tôi bắt đầu tìm kiếm điều ngược lại.  Tôi muốn sự im lặng.  Tôi cần sự im lặng.  Mỗi sáng, tôi thường trải qua ba mươi lăm phút đến một giờ thực tập yoga và thiền tập, và tôi sẽ làm tương tự như thế vào những buổi chiều.  Những giây phút đó trở thành phần thiêng liêng của ngày, và biết rằng tôi có được chúng giúp tôi cảm thấy bình tĩnh hơn khi tôi ở giữa trung tâm của mọi sự biến động.  Chúng dạy tôi đối mặt bản thân, để mà tôi có thể bắt đầu hủy diệt từng cái một, chính những nỗi sợ hãi đã khiến tôi trốn lánh khỏi sự thật của riêng mình.  

Thật chẳng may, khi tôi trở về nhà được một lúc, tôi trở về với những thói quen cũ.  Nếu tôi bình thường dành ra ba mươi phút đến một tiếng để tập thiền, dần dần nó trở thành hai mươi, rồi mười, cho đến khi tôi dừng hết mọi thiền tập.  Có phải là những khoảnh khắc ấy trong sự im lặng đã mang tôi đến gần hơn sự thật của mình, cái sự thật mà tôi sớm muộn gì cũng phải đối diện?  Có thể lắm.  Nhưng nếu có điều gì đó là hiển nhiên, điều đó chính là việc vẫn chưa đến lúc thích hợp.  

BA CÔ GÁI NHỎ 

Lần gặp gỡ thứ hai của tôi với những giáo lý tuyệt trần của Ấn Độ xảy ra vào cuối năm 2000.  Tôi đã làm việc không ngừng nghỉ trong hai năm:  Kể từ chuyến đi cuối đến Ấn Độ, tôi đã giành được giải thưởng Grammy, phát hành album Ricky Martin (bằng tiếng Anh), sự thành công đến từ album "Livin' La Vida Loca," việc thu âm album Sound Loaded, và mọi công việc quảng bá cho album thứ hai bằng tiếng Anh đó.  Bây giờ, tôi đang ở giữa khoảng thời gian nghỉ, không thực sự biết là mình muốn làm điều gì tiếp theo.  

Một lần nữa, tôi đã không có thời gian để nghĩ về vấn đề này bởi vì định mệnh đã an bài bước đi kế tiếp của tôi.  Một ngày kia, trong khi tôi đang ở nhà - một trong những ngày mà tôi cảm thấy đặc biệt buồn bã và thờ ơ - tôi nhận được một cú điện thoại từ một bạn đồng nghiệp đang sống ở Ấn Độ.  

"Ricky, mình muốn bạn thấy điều mình đang làm ở thành phố Calcutta," anh ấy nói với tôi.  "Mình đã bắt đầu một viện mồ côi dành cho các bé gái." 

Trong suốt những ngày đó, tôi không có hứng thú đối với bất kỳ điều gì.  Tất cả những gì tôi muốn là nhốt mình ở nhà trong bộ đồ ngủ, xem phim, nghe nhạc, và ngủ.  Ngày nay, tôi nhận ra tôi đã đang thật tệ hại lúc ấy; tôi xem những bức ảnh mình chụp vào khoảng thời gian đó và hầu như không nhận ra chính mình.  Đôi mắt tôi đờ đẫn không hồn - chúng trông hoàn toàn trống rỗng - và nụ cười trông thật giả tạo.  

Tuy nhiên, viễn cảnh đi Ấn Độ cho tôi một cái xóc làm tỉnh người.  Tôi không biết - có thể bởi vì ý thức an bình sâu sắc mà tôi đã cảm nhận trước đây ở đó, hay bởi vì tôi muốn bắt đầu kết nối với chính mình, nhưng một điều gì đó bên trong tôi khiến tôi nói, "Anh phải làm điều đó."  Điều đó hầu như là như thể, ở một mức độ cơ bản nào đó, tôi biết điều gì đang đợi tôi ở đấy.  

"Tuyệt lắm!"  Tôi nói với anh ta với một sự nhiệt tình vừa hồi phục.  "Mình sẽ đến!"

Chỉ trong vài ngày tôi đáp chuyến bay đến thành phố Calcutta.  Tôi đến Ấn Độ, nhưng lần này tôi không sẵn sàng cho những gì tôi khám phá chút gì.  

Viện mồ côi là một nơi thật tuyệt, được sơn và trang trí rất đẹp, và nó có nhiều phòng để chơi và học tập.  Có một trường nhạc và một trường sơ cấp và trung học; và họ có những lớp dạy nấu ăn dành cho những ai không muốn học tập...  Chốn này giống như một giấc mơ.  Khi tôi đi vòng quanh xong, tôi nói với bạn tôi, "Cái mà bạn có ở đây là một Disney Word cho các bé gái đấy!"

Bạn tôi thành lập một học viện vô cùng to lớn cung cấp sự chăm sóc và giáo dục cho những bé gái ở thành phố Calcutta.  Công việc mà anh ta đã làm thật không thể tưởng tượng nổi và khơi gợi nhiều cảm hứng.  Anh ta toàn tâm cho việc cứu giúp các bé gái  khỏi những đường phố nguy hiểm nhất trong thành phố và cho chúng một nơi để ở, một sự biến đổi cách sống.  

Bạn tôi không quan tâm đến việc tôi chỉ vừa mới đến, hay việc tôi có thể đang mệt và bị hội chứng mệt mỏi sau chuyến bay:  Anh ta ngay lập tức hỏi tôi có muốn đi với anh ta để cứu giúp thêm các bé gái khỏi đường phố không.  Và mặc dù tôi không thực sự hiểu chúng tôi sẽ làm điều đó như thế nào, dĩ nhiên là tôi nhận lời.  

Chúng tôi khởi hành để khám phá những con đường.  Chúng tôi đi đến mọi ngóc ngách của những khu vực nghèo nhất của Calcutta, và lội bộ qua những con đường dài dơ dáy, di chuyển qua những đám đông, tìm kiếm những bé gái bị bỏ rơi, hay tệ hại hơn.  Thật là sốc khi nhìn thấy những nơi chốn mà bọn chúng thường sống.  Trong những khu ổ chuột của Calcutta, bốn nhánh cây và một miếng vải nhựa tạo nên một căn nhà, và bạn là may mắn nếu bạn có miếng vải nhựa đó để ẩn náu tránh mưa.  Nhiều người không có được.  Tôi hỏi bạn tôi, "Tại sao bạn chỉ cứu giúp những bé gái thôi?  Tại sao trung tâm chỉ có các bé gái mà không có các bé trai?  Các bé trai không cần sự giúp đỡ sao?"

"Dù tốt đẹp hay tồi tệ hơn, các bé trai của Calcutta sẽ sống sót được, " bạn tôi giải thích cho tôi.  "Chúng ăn xin hay làm việc hay tìm ra cách để sống sót bằng cách này hay cách khác.  Các bé gái cũng mạnh mẽ và tháo vát, nhưng chúng thường bị ép vào con đường bán dâm, là điều mà mình đang cố ngăn chận."  

"Nhưng sao lại thế được?"  Tôi hỏi anh ta.  "Chúng ta đang nói về các bé gái không hơn bốn hay sau tuổi cơ mà...  Sao lại thế được?"  

"Thật chẳng may, sự thật là thế," anh ta trả lời.  "Thật khủng khiếp, nhưng sự thật là điều đó luôn xảy ra.  Có những người đàn ông sẵn lòng trả tiền để hãm hiếp một bé gái bốn tuổi."

Anh ta không cần phải nói thêm lời nào nữa.  

Chúng tôi lục lọi những khu vực này cho đến khi tìm được một nhóm ăn xin, đúng là loại bé gái đang có nguy cơ rơi vào nạn mại dâm trẻ em.  Có ba bé gái và mẹ chúng.  Họ sống dưới một miếng vải nhựa được đóng đinh vào tường bê tông, và đầu kia được cột vào một cành cây.  Trời đang mưa và ở đó, dưới mái nhà dã chiến nhỏ bé, là người mẹ và ba bé gái, một trong chúng đang bệnh rất nặng.  Không có nhiều thời gian.  Với sự giúp đỡ của một bé trai dịch mọi thứ sang tiếng Bengali, chúng tôi giải thích tình huống cho người mẹ:  tại sao chúng tôi tin rằng các con gái của bà đang gặp nguy hiểm, điều gì có thể xảy ra, và phương cách mà chúng tôi có thể giúp thông qua viện thành lập.  Bà ta hiểu và đồng ý, vì thế chúng tôi đưa người mẹ và ba bé gái đi cùng chúng tôi - bao gồm đứa bé đang bệnh - và chúng tôi hối hả nhanh chóng trở về khách sạn.  

Nhưng khi chúng tôi đến, người ta nhìn chúng tôi với vẻ kinh tởm trên gương mặt.  Dĩ nhiên, đó là một khách sạn thanh lịch và họ cảm thấy bị phiền khi nhìn thấy ít nhất mười người phương Tây bước vào môi trường lịch sự này với một nhóm ăn xin.  Nhưng tôi đang lo lắng về chúng đến nỗi tôi không quan tâm gì đến những cái nhìn ấy khi tôi bước vào bê trong cánh tay hai bé gái, với người mẹ sau lưng ôm đứa nhỏ đang bị bệnh.  Cô gái đang làm việc thiện nguyện tại viện mồ côi và sau này trở thành một người bạn rất thân, nói với họ, "Những người này là khách của tôi," đây là điều chúng tôi phải làm.  

Các nhân viên khách sạn rõ ràng chẳng thích việc tôi mang chúng lên phòng mình chút nào, nhưng tôi nghĩ là, vì sự hiếu khách và sự tôn trọng, họ chỉ có lựa chọn duy nhất là để tôi làm điều tôi muốn.  Khi lên đến phòng, chúng tôi gọi bác sĩ của khách sạn và ông ta lên đến ngay lập tức.  Nhưng khi ông ta bước vào phòng và nhìn thấy các bệnh nhân, ông ta nói, "Thượng đế ơi!  Gì thế này?" 

"À,"  tôi nói, "đây là ba bé gái và mẹ của chúng, và một trong bọn trẻ cần sự giúp đỡ của anh - nó đang bị bệnh nặng." 

Cả ba bé gái đều bị chuột cắn rách nát.  Hai đứa lớn hơn thì dơ bẩn và rất ốm, nhưng chúng tương đối còn trông được.  Tuy nhiên, đứa nhỏ, khoảng chừng bốn hay năm tuổi, trông giống như đang trên bờ vực tử thần.  Đôi mắt của nó đảo qua và rồi nó bất động như một con búp bê rách nát. 

Tôi nhìn vào vị bác sĩ.

"Chúng ta phải cho đứa nhỏ uống một cái gì đó,"  tôi nói với ông ta.  "Tôi không biết nó bị bệnh gì, nhưng làm ơn làm một cái gì đó."  

Viên bác sĩ thậm chí không đến gần đứa bé gái nhỏ.

"Thôi được," ông ta nói, chỉ ngón tay vào khăn giấy gần đó, "làm ơn lấy miếng giấy đó và chùi nó sạch sẽ đi."  

"Nhưng, thưa ông!"  tôi nói với ông ta.  "Nếu chỉ cần lau chùi nó, tôi đã tự làm thế lâu rồi.  Điều tôi cần là muốn ông khám cho nó và bảo cho tôi biết nó bệnh gì.   Tôi cần ông kiểm tra đôi mắt, đôi tai, nhiệt độ của nó....  bất cứ điều gì ông cần làm để cho tôi biết là nó bị bệnh hay chỉ là một sự nhiễm trùng - hãy cho tôi biết đó là gì!" 

Nhưng ông ấy vẫn không chạm vào đứa bé.  

"Chỉ là tôi không biết....  ," ông ta nói. 

"Nhìn xem này!"  tôi nói, lần này cứng rắn hơn.  "Tôi có thuốc kháng sinh mà tôi mang theo từ Mỹ.  Tôi có thể cho cô bé uống.  Nhưng tôi không phải là bác sĩ, và tôi cần ông bảo tôi là cô bé cần gì!"

"Tôi không biết...,"  gã đàn ông tự nhận mình là bác sĩ cứ nói như thế.  

Tôi không thể chịu nổi nữa nên nói, "Ông biết không?  Chúng tôi không cần ông.  Làm ơn đi đi."  Ông ta quay lưng lại và rời phòng một cách không xấu hổ.  Ông ta chỉ chụp nhanh đồ đạc của mình rồi lao về phía cánh cửa cái, cám ơn tôi, rồi đi.   

Tôi thật không thể tin nổi.  Tôi đã luôn tin rằng nhiệm vụ của bác sĩ là để cứu người, cứu mọi mạng người cần sự cứu giúp, nhưng gã "bác sĩ" này rõ ràng chỉ là bác sĩ đối với những ai ông ta muốn.  Theo chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ, những bé gái kia và bà mẹ chúng được phân vào loại "không thể chạm vào" (đẳng cấp thấp nhất), và thậm chí trong tình huống thập tử nhất sinh, gã bác sĩ đó cũng sẽ chẳng bao giờ chạm vào họ.  Hệ thống phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ là một khái niệm đã ăn sâu trong nền văn hóa Ần Độ và có lý do của nó, cho dù là tôi không thể hiểu được nó.  Nó là như thế.  Tôi không phán xét nó.  Chỉ bởi cái cách tôi được nuôi lớn, và nhiều điều mà tôi đã nhìn thấy trên thế gian này, tôi chỉ không thể nào có thể hiểu được nó.  

Chúng tôi xoay trở để qua được đêm ấy, và vào sáng sớm ngày hôm sau, một bác sĩ từ trung tâm trẻ mồ côi đến, và ông ta, dĩ nhiên, không có vấn đề gì trong việc khám cho cô bé.  Ông ta nhìn vào mắt nó, bắt mạch, và sau khi kiểm tra toàn diện, ông ta nói, "Cô bé này chỉ bị duy nhất nhiễm khuẩn bao tử mà thôi." 

"Sao lại thế được?" tôi hỏi với vẻ ngạc nhiên.  Phần lớn chúng ta bị bệnh khi ăn một miếng thịt gà chưa được nấu kỹ, hay những hải sản không được rửa kỹ, nhưng những đứa bé gái này... những đứa bé gái này được sinh ra trên đường phố và ăn bất kỳ thứ gì chúng lượm được trên đường.  Bụng của chúng chắc phải được làm bằng sắt!  Có trời biết được là nó đã ăn thứ gì để đến nỗi bệnh thế này!  

"Tôi nói anh nghe,"  ông ta trả lời.  "Tất cả những gì con bé phải làm là uống thứ thuốc này, và trong vòng vài giờ nữa nó sẽ ổn thôi."  

Vậy là con bé uống thuốc, và trong vòng hai giờ, con bé đã chạy nhảy tứ tung, trèo lên cả tôi.  Nó chộp lấy cái điều khiển từ xa và cứ hỏi mãi mọi thứ chung quanh là gì.  

Ngày hôm đó, chúng ngủ ở phòng khách sạn của bạn tôi.  Ngày hôm sau, chúng tôi đưa ba cô bé và bà mẹ đến viện mồ côi, vốn không thực sự nằm trong thành phố Calcutta, mà là ở bên ngoài thành phố xa khoảng một giờ lái xe.  Thật vui làm sao, bởi vì khi chúng tôi tới, những cô bé còn lại chạy ra để đón chúng tôi.  Tất cả chúng đều trông thật xinh đẹp, ăn vận những bộ đồng phục với vòng hoa quanh cổ.  Chúng cũng đặt những vòng hoa đó lên cổ của chúng tôi khi chúng tôi tới.  

Cho đến ngày hôm nay, ba cô bé ấy vẫn sống ở trung tâm đó, nơi chúng thật hạnh phúc.  Sau này, người chị chạy trốn vào ngay lúc chúng tôi đến đón chúng cũng quay lại để sống với chúng.  Cô bé lúc ấy sợ vì nó không biết chúng tôi có ý định gì, nhưng một khi nó đến thăm mấy đứa em và bà mẹ, và thấy rằng họ sống ổn như thế nào, nó cũng quyết định ở lại cùng.  

Bà mẹ, tuy nhiên, trở lại với đường phố.  Một người phụ nữ Tây Ban Nha nghe được hoàn cảnh đã cho cô ta một căn hộ chung cư để giúp bà ấy không phải sống trên đường phố nữa, nhưng chỉ sau khi sống ở đấy một tuần, bà ta quyết định trở lại cái xó của mình, nơi bà ta có thể ăn xin được.  "Tôi hạnh phúc ở đây," bà ta nói.  "Đây là cái mà tôi biết.  Bỏ tôi ở đây đi.  Tôi không cần điều gì khác đâu." 

Và dù là bà ta sống trên đường phố, bà vẫn là một người mẹ thật tuyệt.  Bà viếng thăm mấy đứa con gái vào cuối tuần và giữ mối quan hệ với chúng.  Dù sống tách rời, bà ta có vẻ hạnh phúc khi thấy những đứa con gái đang được sống trong những điều kiện tốt đẹp hơn những gì mà bà có thể lo cho chúng.   

Ngày nay, tôi là người bảo trợ của ba bé gái nhỏ nhất, vì thế tôi đã có thể đóng góp trong việc giúp đời sống chúng có chút tốt đẹp hơn.  Chúng hạnh phúc, nhưng chúng không biết là chúng đã cho tôi nhiều hơn là những gì tôi đã có thể cho chúng.  Chúng cho tôi sức mạnh, chúng cho tôi hy vọng, và chúng giúp tôi thấy được điều gì là thực sự đẹp đẽ trong đời sống, vì chúng đã dạy tôi rằng điều duy nhất một con người thực sự cần để duy trì sự sống là nhu cầu thở.  

Mọi thứ trong đời sống đến vào đúng thời điểm của nó.  Những bé gái đó đã bước vào đời tôi ngay vào lúc tôi cần chúng nhất, truyền cho tôi và chỉ cho tôi thấy bóng dáng của sự giản đơn.  Chúng buộc tôi đánh giá lại những điều tôi xem là ưu tiên trong cuộc sống và chúng chỉ cho tôi thấy rằng vẻ đẹp thực sự trong đời sống luôn hiện hữu ở những điều đơn giản nhất.  Chúng đã xuất hiện vào thời điểm trong cuộc đời tôi, lúc tôi muốn làm vui lòng hãng thu âm đĩa, những thành viên của ban nhạc tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi...   nhưng điều tôi không nhận ra là với việc cố gắng làm vui lòng mọi người khác ấy, tôi đang phản bội lại chính mình, vì tôi đã không nghĩ đến mình, về những gì tôi thực sự cần để có được hạnh phúc...  Tôi tin rằng hạnh phúc của tôi bao gồm việc làm vui lòng người khác, và điều đó đã hủy hoại tôi trong một khoảng thời gian dài.  Với những đứa bé gái này, tôi học được rằng hạnh phúc thực sự xuất hiện vào những lúc mà mình cuối cùng có thể tách rời bản thân khỏi những dạng điều phức tạp.  

Chúng thường bảo tôi, "Hãy đến ngồi xuống sàn nhà này.  Chúng ta sẽ chơi nhé."  Chúng chỉ có ba viên sỏi, và đó là những gì chúng chơi cùng.  Vậy thì, tại sao chúng ta lại cần tất cả những thứ này - máy vi tính, trò chơi video, máy truyền hình, hệ thống âm thanh, xe hơi - mới có được thời gian vui vẻ?  Những đứa bé gái này dạy tôi rằng nếu y phục của tôi được ủi, điều đó cũng tốt thôi, và nếu không, thì điều đó cũng tốt nữa.  Phần lớn những điều chúng ta thường xem là "quan trọng" thực sự không quan trọng như thế trong cái nhìn phối hợp tổng thể của toàn bộ các sự việc.  Đời sống này đơn giản hay phức tạp đều là do cách chúng ta nhìn nó.  

Sau khi tôi gặp được những bé gái này và khám phá ra sự đơn giản trong đời sống của chúng cũng như sự ngây thơ trong tâm hồn chúng bất chấp cái đời sống vất vả mà chúng đang sống, tôi cảm thấy một khát khao to lớn để tái kết nối với Kiki, cậu trai nhỏ mà tôi đã ruồng bỏ khi tôi bước lên chiếc máy bay vào một ngày mưa ở San Juan.  Chẳng có gì đẹp đẽ hơn sự ngây thơ của tuổi trẻ, và tim tôi tan nát khi biết rằng có quá nhiều trẻ con ngoài kia đang bị tước đi cái quyền căn bản được làm trẻ con của mình.  

TÌM THẤY SỰ CÂN BẰNG

Khi tôi nhìn lại, tôi nhận ra rằng những chuyến đi đến Ấn Độ đó đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tôi.  Người ta có thể nghĩ rằng việc tôi trải qua cả hai kinh nghiệm ở đất nước kỳ diệu này chỉ là một sự tình cờ lớn, nhưng tận trong lòng tôi biết không phải là như vậy.  Tôi biết rằng vũ trụ gửi đến tôi những bài học này vì điều đó vốn được định sẵn như thế, và vì có một điều gì đó ở cái đất nước ấy, những màu sắc của nó, những người dân của nó, và năng lượng của nó, rung động theo cùng một tần số với linh hồn của tôi.  

Mọi điều tôi hỏi về vũ trụ đều đến vào lúc nó đã được định sẵn để đến.  Đã phải mất một lúc lâu tôi mới hiểu được điều đó, nhưng vì giờ đây tôi biết nó rồi và đã hợp nhất nó vào trong triết lý của riêng mình, tôi sống một đời sống an bình hơn.  Thay vì lo lắng về những điều có thể xảy ra, hay có thể đã xảy ra, tôi tập trung vào hiện tại và vào những điều tôi cần để đạt được niềm hạnh phúc cho riêng mình, bởi vì cho dù tôi có thiếu điều gì đi nữa, tôi biết vũ trụ này cuối cùng rồi cũng chỉ cách cho tôi.  .

Chính nhờ vào âm thanh của sự im lặng mà tôi tìm được qua những giáo lý của vị thầy mà tôi lần đầu tiên có thể nhìn vào chính mình trong gương và thấy được ai đang thực sự đứng đó.  Trong sự an bình và thảnh thơi của ashram, những nghi thức lau chùi, nấu nướng và thực tập hàng ngày, tôi tìm được bóng dáng của sự im lặng mà tôi cần để tái kết nối với cậu trai nhỏ tôi từng là trước đây.  Tôi có thể mở rộng con người mình ra với vũ trụ để lắng nghe những gì nó đang mách bảo tôi, và điều tôi tìm thấy là một thế giới đầy sự đẹp đẽ và trong suốt.  Từ khoảnh khắc đó về sau, tôi đã tìm thấy điểm cân bằng mà tôi hằng ao ước, và lần đầu tiên, tôi hiểu rằng điều tôi muốn nhất từ cuộc đời là được cho đi - và được cho đi trong cách thức cụ thể này - bởi vì nói cho cùng, đó là cách tốt nhất để nhận lại.   

Ở Ấn Độ, tôi tìm thấy điều mà tôi xem là ba chìa khóa của cuộc sống:  sự tĩnh lặng, sự giản đơn, và tâm linh.  Tôi có thể lĩnh hội được ơn sủng to lớn là đời sống của tôi, và tôi khám phá ra rằng sự giàu có thực sự không nằm ở bên ngoài, mà là bên trong bản thân mình.  Từ giây phút đó về sau, sự biết ơn trở thành một phần to lớn trong đời sống của tôi, và thay vì giấu đi tất cả mọi điều khiến tôi đau đớn và khó chịu, tôi bắt đầu nhìn trực diện vào chúng, và không hề sợ hãi.  

14/07/2014
Jeffrey Thai

(Đón đọc chương VI: Vai trò của đời sống tôi)

MỤC LỤC

CHƯƠNG VI:  VAI TRÒ CỦA ĐỜI SỐNG TÔI
CHƯƠNG VII:  LÀM CHA
CHƯƠNG VIII:  KHOẢNH KHẮC CỦA TÔI
CHƯƠNG IX:  TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC


No comments:

Post a Comment