Sunday, December 28, 2014

The Interview: Bộ Phim Hài Đáng Thất Vọng??? - Jeffrey Thai





Năm 2014 sắp qua đi, và điều mà người ta trên khắp địa cầu bàn tán nhiều nhất trong những ngày cuối năm này, có lẽ là bộ phim The Interview (Cuộc Phỏng Vấn) của hãng Sony Pictures. Dẫu chỉ được trình chiếu hạn chế ở 300 rạp của Mỹ (đồng thời với việc phát hành online ở X-box, Google Play và Youtube, bắt đầu vào ngày Giáng Sinh) nhưng tổng lượng người theo dõi bộ phim này, có thể đoán là một con số khổng lồ, chỉ sau vài giờ nó xuất hiện online.


Dòng người đổ xô đến rạp ở Mỹ để xem, không chỉ vì tò mò, mà còn vì muốn vinh danh ý nghĩa chiến thắng của tự do mà sự ra mắt của cuốn phim mang đến. Có rất nhiều người (đã xem và chưa xem) cho bộ phim 10 điểm trên các trang phê bình phim vì yêu thích chủ đề tư tưởng (đả kích độc tài) của nó. Với bối cảnh như thế, những tưởng các bình luận về bộ phim xuất hiện trên các báo Mỹ, sau ngày nó chính thức ra mắt, sẽ có khuynh hướng chính là khen ngợi. Thế nhưng, một điều rất đáng ngạc nhiên là có rất nhiều tờ báo cho ý kiến rằng: Nó không xứng với danh tiếng mà nó có được, và bộ phim thực sự gây thất vọng?

Có thực như thế không? Dẫu biết rằng, ý kiến của công luận bao giờ cũng chứa đựng những khuynh hướng trái chiều; thế nhưng, cho rằng bộ phim hài này là đáng thất vọng, với bản thân người viết, là một điều rất đáng ngạc nhiên.




Tôi đã xem bộ phim lần đầu, chỉ sau vài giờ nó xuất hiện online, và xem lại lần nữa, trước khi viết bài bình luận này. Và ở cả hai lần xem, tôi đều không nín được cười với các tình huống của phim và diễn xuất của diễn viên; cũng như rất thích thú với ý nghĩa châm biếm, đả kích mà bộ phim nhắm đến. Đây có thể chỉ là một ý kiến cá nhân, nhưng ý kiến này đáng lưu ý ở điểm: Tôi là người xem không thích xem hài, vì đa phần phim hài đều hời hợt, nhảm nhí, và không chứa đựng điều gì có ý nghĩa.

Vì lý do đó, nếu The Interview không có sự lùm xùm đi kèm, có lẽ tôi sẽ không quan tâm đến nó. Thế nhưng, tôi đã ngạc nhiên thấy mình thích thú theo dõi bộ phim từ đầu đến cuối, và xem hơn một lần. Cảm nhận chung có thể khái quát là: Đây là một bộ phim hài đúng nghĩa với những tình huống hài hước thú vị và những nét diễn xuất cường điệu duyên dáng. Không chỉ có thế, điều gây ấn tượng mạnh nhất của bộ phim chính là thông điệp mà nó chuyên chở: Phá vỡ một huyền thoại độc tài, độc ác và giả trá. Và hơn nữa, đó là một thông điệp mang ý nghĩa toàn cầu.




“Skylard Tonight” vốn là một chương trình chuyên về các scandal của các nhân vật nổi tiếng, nó không phải là một chương trình nghiêm túc. Việc để nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất của Triều Tiên là Kim Jong Un là người ngưỡng mộ chương trình này là chi tiết đầu tiên khiến người xem không khỏi buồn cười. Và để khắc họa cho tính “lá cải” của chương trình này, việc đưa cuộc phỏng vấn ca sĩ hát nhạc rap Eminem vào đầu bộ phim và ở đó, anh ta tuyên bố mình là gay khiến cho tất cả mọi người đều sốc, là một sự sắp xếp khéo léo. Cần biết là, Eminem là ca sĩ có các lời ca khiến người ta nghĩ rằng anh ta có điều gì đó chống lại giới đồng tính.

Một chương trình như thế mà lại sắp thực hiện cuộc phỏng vấn với Kim Jong Un. Có lẽ không có điều gì hài hước hơn! Cũng cần nói thêm là, tính khôi hài của bộ phim có được sự thành công là do sự đóng góp rất to lớn của bốn diễn viên chính: James Franco (Dave Skylark), Seth Rogen (Aaron Rapaport), Randall Park (Kim Jong-un), và Diana Bang (Sook). Lối diễn xuất của James Franco thiên về ngoại hình nhiều hơn và mang tính cách phóng đại, nhưng đi kèm với sự tự nhiên và duyên dáng. Seth Rogen, không chỉ là diễn viên, mà còn là nhà sản xuất và đạo diễn, có lối diễn hài trầm tĩnh hơn và ít sử dụng ngoại hình hơn, và sự tiết chế đó kết hợp khá nhuần nhuyễn với bạn diễn đối cực là James Franco đã mang đến những tình tiết hài thú vị. 




Randall Park (diễn viên Mỹ gốc Hàn) mang đến cho người xem nhiều ngạc nhiên khi tìm hiểu thông tin về anh. Vốn có một ngoại hình tương đối cân đối và dễ coi, Randall đã phải tăng 15 pounds để có thể đảm nhận nhân vật Kim Jong Un. Dẫu rằng, ngoại hình được tạo dựng nên của anh không mang nhiều nét giống Kim Jong Un lắm, nhưng có thể nói, anh đã thành công khi khắc họa nên những tính cách đặc trưng của nhân vật đặc biệt này: đạo đức giả, nham hiểm, độc ác và lố bịch. Trong tất cả các nhân vật của bộ phim, nhân vật Kim Jong Un của anh là nhân vật thử thách hơn cả, và thành công của bộ phim phụ thuộc phần lớn vào khả năng hóa thân của anh vào nhân vật này. 


Diễn viên nữ gốc Hàn Diana Bang cũng đã có một vai hài thật gây ấn tượng, với lối diễn xuất tạo hình có phần nào khoa trương. Lúc thì người ta thấy ở nhân vật này hình ảnh cứng nhắc đến buồn cười của một cán bộ sống trong xã hội cộng sản. Rồi người ta không khỏi bật cười khi nhân vật ấy thoáng chốc bộc lộ nội tâm bất mãn và thái độ phản kháng mạnh mẽ đối với chế độ độc tài của Kim Jong Un. Thái độ phản kháng mạnh mẽ ấy đi kèm với cuộc làm tình bộc phát dữ dội giữa nhân vật này và nhân vật Aaron là một chi tiết hài thú vị. Với cuộc tình sét đánh ấy, không nói, người ta cũng hiểu rằng nhân vật này không còn là người của chế độ Kim Jung Un. 

Cuộc phỏng vấn Kim Jong Un của Dave Skylard trong chương trình “Skylard Tonight” ở phần cuối của bộ phim có thể được xem là phần quan trọng nhất, chuyển tải thông điệp của bộ phim. Qua phần phỏng vấn đó, bộ mặt thật của thần tượng Bắc Hàn đã bị lột ra trần truồng, phơi bày một con người thật, rất đỗi đời thường: yếu đuối, trần tục, và độc ác. Việc tạo dựng nên cuộc phỏng vấn này để lột bỏ huyền thoại Kim Jong Un trên màn ảnh, và đồng thời, ngay cả trong đời thật, có thể xem là một điều tài tình, khéo léo và táo bạo của tác giả kịch bản. Điều đó cộng với diễn xuất hiệu quả của hai diễn viên tương ứng đã khiến người ta hiểu được rằng tại sao chế độ Bình Nhưỡng không thể chịu đựng nổi bộ phim này, và tìm mọi cách để ngăn chận sự ra mắt của nó.


Nói chung, việc lột trần huyền thoại Kim Jong Un đó được đa số người xem ủng hộ, nhất là những ai đã từng là nạn nhân của bất kỳ chế độ độc tài nào. Họ cảm thấy rất thỏa lòng. Thế nhưng, những ai đang phải sống trong nó mà vẫn còn mù quáng để tin theo, nếu không quá phật ý thì sẽ không khỏi cảm thấy chút chao đảo, buộc họ phải nhìn lại. Vì thế, bộ phim không chỉ đơn thuần là một bộ phim hài mà còn mang một tầm cao về hiệu ứng xã hội. Nếu toàn bộ dân Bắc Triều Tiên đều được xem bộ phim này, một câu hỏi chắc chắn không thể không đặt ra là: Liệu chế độ Bình Nhưỡng có thể còn tồn tại được hay không? Và nếu vẫn còn thì bao lâu? Hiểu được điều đó, có nhà hoạt động dân chủ đã nói rằng, ngay khi DVD của bộ phim này được ra mắt, ông ta sẽ mua và dùng bong bóng để đưa chúng vào lãnh địa của Bắc Hàn, để người dân có thể xem.

Bên cạnh những điểm khái quát thành công, không thể phủ nhận là bộ phim này, cũng như mọi bộ phim khác, không tránh khỏi những khuyết điểm. Tuy nhiên, những điều như sự dung tục, tầm thường … mà nhiều người đưa ra có vẻ mang dáng nét chủ quan và định kiến nhiều hơn. Về tính tầm thường, nếu xét đến thông điệp quốc tế mà nó đã đưa ra một cách thành công, không thể nói là bộ phim tầm thường được. Ngôn ngữ trong phim thực sự có nhiều trường đoạn rất dung tục, nhưng việc có chấp nhận được hay không, hoàn toàn thuộc về cá nhân. Nếu gắn liền bộ phim với nhân vật Kim Jong Un thì thứ ngôn ngữ dung tục ấy, xét ở một phương diện nào đó, khiến cho nội dung của nó thêm phần ý nghĩa.




Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý và người xem ước gì nó được xây dựng thuyết phục hơn. Như ta đã biết, sau khi gặp gỡ và tiếp xúc với Kim Jong Un trong ngày đầu, ngay cả Dave Skylark - một người Mỹ - cũng tin rằng những lời đồn thổi về hắn ta là không đúng sự thật. Điều ấy có vẻ là một chi tiết phim khó tin. Nhưng nếu xét ở khía cạnh thực tế, không ít người sống trên quả địa cầu này, vẫn còn tin và dành cho nhân vật Kim Jong Un ấy một thứ tình cảm ngưỡng mộ riêng nào đó, thì đó không hẳn là một chi tiết phim vô lý, mà ngược lại, mang tính phản ánh hiện thực cao. Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp đó về Kim Jong Un của Dave hoàn toàn bị sụp đổ khi Dave vô tình vào cửa hiệu thực phẩm mà mình đã có dịp đi ngang qua và phát hiện ra rằng mọi thứ trong đó đều là đồ giả. Việc cửa hiệu thực phẩm đó không khóa để Dave có thể vào dễ dàng, khiến người xem có phần cảm thấy không hoàn toàn bị thuyết phục.  Và người ta tự hỏi, nếu không có chi tiết duy nhất ấy, liệu là Dave sẽ nhận ra bộ mặt thực của Kim bằng cách nào đây?

Tóm lại, việc cảm thụ nghệ thuật (nói chung), và phim ảnh (nói riêng) luôn mang tính chủ quan và cá nhân, và do đó, có thể dẫn đến những cảm nhận cực đoan và hoàn toàn đối lập với nhau. Thế nhưng, đứng ở một góc nhìn trung dung nào đó, chúng ta luôn có thể đưa ra những cái nhìn khách quan và công bình ở một mức độ nhất định
. Đứng ở góc nhìn trung dung đó, tôi thấy rằng có thể sẽ là một sự khuếch đại quá mức và phi lý khi cho rằng The Interview là một kiệt tác điện ảnh; thế nhưng, cho rằng nó là một bộ phim đáng thất vọng cũng là một phi lý cực đoan không đáng có. Với kinh phí 44 triệu đô la, The Interview là một bộ phim hài thành công với những gì nó đã được đầu tư và rất đáng để mọi người xem và thưởng thức như một tác phẩm điện ảnh hài hước có ý nghĩa, so với rất nhiều những bộ phim điện ảnh khác.


28/12/2014
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment