Saturday, December 13, 2014

(Video) Điều Tam Xuân Báo Phu Cừu (Gìn Vàng Giữ Ngọc - 07/2010)






DƯ ÂM "GÌN VÀNG GIỮ NGỌC"


Luồng gió mát trong 6 suất diễn hai vở “Câu Thơ Yên Ngựa” và “Điều Tam Xuân báo phu cừu” của 5 đời gia đình tuồng cổ đã thắp lên tia hy vọng cho những người làm nghệ thuật chân chính qua việc có số đông khán giả và đồng nghiệp đến xem cổ vũ. Đã có không ít những nhận xét tốt, tích cực cũng những đóng góp chân tình để “Gìn Vàng Giữ Ngọc” thêm đậm nét. Qua đó cũng có thêm hy vọng và mở ra cơ hội cho SKCL tìm kiếm khán giả như thời hòang kim.

* BS Ngọc Hà (phó trưởng ban liên lạc người Việt ở Pháp, nguyên trưởng ban Việt kiều TPHCM)

Tôi rất ấn tượng với tên chủ đề “Gìn Vàng Giữ Ngọc” để nhằm bảo vệ vốn quý nghệ thuật của SKCL là điều mà chúng ta đang hướng tới trong thời điểm khó khăn của sân khấu hiện nay. Đi sâu vào chuyên môn, tôi có một số nhận xét:

Về Thanh Bạch, Bạch Lê và cả Điền Thanh – những người xa xứ, xa nghề lâu năm, nay tuổi không còn trẻ nhưng vẫn còn giữ được sự mặn mòi trong ca diễn như thế rất đáng khích lệ. Chương trình này đã góp phần cho cải lương sống lại. Giá như chương trình này đưa về diễn ở Hưng Đạo, một điểm diễn cải lương quen thuộc của khán giả TP thì hiệu quả sẽ cao hơn.

-   Vở “Điều Tam Xuân” lê thê, không gọn. Đặc biệt màn chót nhiều chỗ không hợp lý. Cảnh Điều Tam Xuân mang xác chồng về quê an táng sử dụng ánh sáng chưa tới. Trong khi Hàn Tố Mai và cả Triệu Khuôn Dẫn không có chút biểu lộ tình cảm gì tỏ lòng biết ơn trước Điều Tam Xuân quá nhân hậu.

-   Vở “Câu thơ yên ngựa” rất tốt, hay gọn, nhiều cảm xúc. Chỉ tiếc là màn chót lại sử dụng bài Tây Thi Quảng. Nếu sử dụng một bài bản khác, mang phong cách, giai điệu âm nhạc VN thì tốt hơn. Đó mới là cách chúng ta gìn vàng giữ ngọc.

* NS Kim Tiểu Long: 

Lâu nay do điều kiện SK TP ít có điểm diễn, ít có chương trình cải lương thuần túy nên Long chạy show khắp nơi. Gần như Long đã “ng quên” trong nghệ thuật. Nay xem lại các cô chú trong “gìn vàng giữ ngọc”, Long mới giật mình thấy nghề mình non quá, cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để tiến bộ. Xem các chú diễn Long rất xúc động và sung sướng. Họ quả là các tài năng nhà nghề mà các diễn viên trẻ cần phải học tập.

* NS Bạch Lý: 

Do tôi là người trong gia đình nên khi nhận xét về chương trình e không khách quan. Tôi xin tổng hợp một số ý kiến khán giả:

- Giá vé hơi cao, lại không diễn ở khu vực của cải lương nên sự ủng hộ của khán giả có phần hạn chế. Phải nói là hầu hết khán giả yêu thích cải lương đều háo hức chờ đợi chương trình này. Có người xem xong bảo sao chỉ hát 2 tuồng, số suất diễn quá ít. Sao không diễn thêm ở Hưng Đạo, Thủ Đô, Kim Châu,…để bà con khán giả các nơi có dịp thưởng thức một chương trình ấn tượng như thế?

* ĐD Vũ Minh: 

Tôi rất bất ngờ khi có một cụ bà sau khi xem đã tìm đến tôi. Bà nói: Nay dì không có chuẩn bị sẵn lẵng hoa nên dì quỳ xuống đây để cảm ơn cháu đã làm chương trình này, góp phần cho SKCL sống lại. Tôi dìu cụ đúng dậy và nói:  Dì ơi, đừng làm thế. Cháu biết là có số đông khán giả ủng hộ chương trình như dì, nhưng đây là công sức của tập thể, nhất là của đại gia đình 5 đời tuồng cổ bầu Thắng – Minh Tơ.

Được đại đa số khán giả, đồng nghiệp thương mến, tôi thấy mình càng phải cố gắng hơn trong các chương trình tiếp theo để đáp ứng lại sự kỳ vọng, thương mến của người xem.

* NS Hữu Châu: 

Diễn như vậy mới là diễn!  Xem các cô chú diễn, Châu thấy cải lương mình sang trọng lắm chứ không “sến” như nhiều người nghĩ. Các cô chú nội lực rất dữ dội, trong thọai đã có diễn.  Cải lương tuồng cổ thường là sử dụng nhiều vũ đạo nhưng xem các cô chú diễn trong 2 vở này đã tiết chế rất nhiều để đi vào phần nội tâm, phần hồn của nhân vật. Sự thành công cho thấy thái độ lao động nghiêm túc trong tập dượt, chứ không hời hợt như một số vở gần đây Châu được xem qua. Bên cạnh đó ĐD trẻ Vũ Minh đã phối hợp những điều mới mẽ của kịch vào cải lương tuồng cổ nên khiến cho vở diễn súc tích, tiết tấu nhanh, lôi cuốn và chặt chẻ hơn…

* NSUT Hữu Quốc: 

Rất may là Quốc được xem một chương trình hay và ấn tượng như thế. Xem các cô chú diễn Quốc rất cảm đông và say mê, cảm tưởng như các cô chú tập trung hết sức cho vai diễn cuối đời của mình. Khán giả có thể thấy họ mệt, thở dữ dội nhưng lửa nghề khỏa lấp được tất cả. Quả là điều đáng trân trọng và học hỏi. Quốc có nói với Vũ Minh là nếu không làm được những chương trình như thế này thì các diễn viên trẻ không thấy được sự cống hiến cho nghề của các cô chú. Nếu chương trình này ra băng dĩa thì Quốc sẽ là người khách đầu tiên mua để xem lại và làm tư liệu.

* NS Vũ Luân: 

Xem các cô chú diễn nghiêm túc, nhiệt tình, Luân rất xúc động. Phải nhìn nhận là lửa nghề của cô, chú dữ quá, dẫu rằng trong số họ có người đã xa nghề lâu năm: Thanh Bạch, Bạch Lê, Điền Thanh, nhưng vẫn giữ được cái thần, diễn rất đầy vai. Trở về nhà Luân thấy bùi ngùi, phục đại gia đình đã 5 đời rồi mà vẫn còn giữ được lửa. Luân và các diễn viên trẻ học được ở các cô chú nhiều điều. Nhất là sự nghiêm túc và lòng yêu nghệ thuật nhiệt thành của họ, dù bận nhiều việc nhưng Luân vẫn cố gắng đi xem tòan bộ 6 suất diễn này…

BÁO SÂN KHẤU



No comments:

Post a Comment