Sunday, October 11, 2015

Con Người Ngày Càng Độc Ác! - Jeffrey Thai





Trở về nhà sau giờ làm vào buổi chiều, tôi có hơi bất ngờ khi thấy có hai mảnh giấy trắng cuộn tròn được treo trên cửa. Thường thì đó là những thông báo từ văn phòng của khu chung cư. Quả đúng vậy! Tôi vào nhà, mở ra xem, và có chút sững sờ về nội dung của nó: Một cư dân nơi đây vừa bị giết ngày hôm qua, là nạn nhân của một hoạt động tội phạm. Đó là lý do họ gửi thông báo này đến mọi người để trấn an, và mời tham dự cuộc họp với ban nhân sự của khu chung cư cùng cảnh sát địa phương để thảo luận về cách phòng chống và phòng ngừa tội ác.


Tội ác! Dường như tội ác đang ở khắp mọi nơi, ở những nơi rất xa, không xa, và những nơi rất gần. Tôi thấy mình chợt ngập chìm trong cảm giác của một người bị tội ác rượt đuổi, tưởng đã thoát được xa, để rồi cuối cùng có chút ngỡ ngàng khi nhận ra tội ác ở ngay chính bên mình. Là nạn nhân của một vụ cướp xe ngay chính trước cửa nhà mình với một viên đạn bắn vào người cách đây năm tháng, tôi đã phải dọn nhà đi xa cách đây ba tháng, đến một nơi xa khu vực trung tâm – nơi mà mình nghĩ rằng và được bảo rằng an toàn hơn nhiều.

An toàn! Cứ tưởng vậy. Thế nhưng khi phát hiện lớp kính của một khung cửa đối diện với hàng rào có dấu hiệu bị phá vỡ trước đây để đột nhập vào, tôi chợt hiểu rằng căn hộ này đã bị trộm viếng cách đây không lâu. Chuyện trộm viếng nhà đã từ lâu trở thành chuyện thường ngày, xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ khu vực nào, bình dân hay cao cấp. Có người ở nơi hãng làm vừa bị trộm viếng giữa ban ngày sau hơn hai mươi năm bình yên. Bản thân tôi đã hơn hai lần làm nạn nhân và phải tháo chạy. Thế nhưng, giờ không chỉ là trộm cắp nữa, mà là giết người. Ở ngay nơi đây, sát gần đây. Rất gần.

Tôi nhớ là trước đây tôi cũng có theo dõi truyền hình đấy chứ, nhưng không có nhiều ấn tượng để lại. Giờ mỗi ngày, việc mở tivi là điều phải làm. Phải mở xem để biết được là tội ác đang diễn ra ở đâu và mở rộng đến mức độ nào. Mở xem để rồi mỗi ngày cứ phải thảng thốt tự hỏi điều gì đang diễn ra với con người ngày hôm nay. Mở xem để hiểu ý nghĩa kinh hoàng của từ “súng” trên đất Mỹ này. Ai cũng có thể có súng và dùng nó vào lúc mà họ muốn. Đặc biệt, có những động vật trẻ (mà ở đây người ta thường dùng từ “kids” để ám chỉ) bỗng nhiên xuất hiện thói quen đeo súng đi rảo khắp mọi nơi và bắn giết không lý do. 






Tôi chợt nghĩ đến cụm từ “killing without causes” cho kiểu bắn giết không nguyên cớ này. Cụm từ này vốn xuất phát từ tựa đề bộ phim Rebel Without Causes (Nổi Loạn Không Nguyên Cớ) do James Dean thủ vai chính vào thập niên 50 của thế kỷ trước.

Con người hôm nay rất dễ dàng để giết nhau mà không cần có một nguyên cớ chính đáng nào. Khi nằm trên bàn ở phòng cấp cứu với viên đạn trong người, tôi có mô tả với viên thám tử rằng, bọn chúng (khoảng hai bay ba động vật trẻ) trông bình thường, tiến đến bên xe và lên tiếng đòi chìa khóa, nhưng chỉ trong tích tắc vài ba giây, trước khi tôi có thể đoán ra bọn chúng thực sự muốn gì, một trong bọn chúng đã vội bóp cò bắn rồi bỏ đi. Sao lại bỏ đi? Sao không kéo tôi ra và cướp xe rồi lái đi? Quá dễ dàng. Nhưng dường như bọn chúng không thực sự muốn nó, cần nó. Tất cả diễn ra quá nhanh và gọn. Giống như một trò chơi. Đúng thế! Một trò chơi! Với viên đạn trong người còn đang tuôn máu và gây đau đớn, tôi nhấn mạnh với cô thám tử rằng, thậm chí đến tôi còn có cảm giác tất cả chỉ như một trò chơi. Thấy và bắn. Đơn giản thế thôi!

Còn nhớ vào khoảng đầu năm, có một câu chuyện giết người xảy ra nơi hãng tôi làm, mà dư âm của nó thật dữ dội. Một anh trưởng nhóm là người Mỹ da đen, phát hiện ra năm người trong nhóm anh ta thông đồng với nhau để ăn cắp đồ trong hãng, anh ta báo cáo hành động đó, cả năm người đó đều bị sa thải. Tưởng chỉ thế thôi! Nhưng không, một hôm sau đó không lâu, anh ta đi làm về, vừa về đến nhà và ra khỏi xe, một viên đạn (hay nhiều viên) đã nả vào người và cướp đi mạng sống của anh ta. Có cần phải giết người trong trường hợp này không? Anh ta đã làm gì sai? Trộm cắp, rồi bị sa thải. Đó dường như là một qui luật tất nhiên, sao lại phải giết người? Tự bao giờ, con người đã trở nên vô nhân tính và độc ác thế đấy.



Câu chuyện giết người ở nơi làm việc mới đây, xảy ra trong một siêu thị người Việt ở trung tâm của Houston (Texas), nơi tôi đã từng ghé qua, cũng không kém phần kinh hãi. Một anh nhân viên người Việt (khoảng hơn 50 tuổi), một hôm đi làm mang theo súng và vào văn phòng của anh quản lý cũng người Việt (khoảng 40 tuổi), nả đạn vào anh ta, rồi sau đó, tự bắn vào mình để tự sát. Ở đây, dễ hiểu là có sự căng thẳng giữa cấp trên và cấp dưới. Anh quản lý được dư luận cho là làm việc nghiêm túc và đã cải tiến được siêu thị rất nhiều kể từ khi nhậm chức. Nhưng không biết là anh quản lý đã đối xử với người dưới quyền mình như thế nào mà sự tức bực dồn nén kinh hoàng đến như thế. Việc ở nơi làm việc người có chút chức quyền dồn ép và gây khó dễ cho cấp dưới đến mức độ độc ác hầu như phổ biến ở khắp mọi nơi. Khó mà có thể kiếm được một người tử tế. Nhưng có cần phải giết người không để giải tỏa mối bực tức này? Sự độc ác ở đây cũng không kém.

Tôi vẫn còn nhớ những đoạn đàm thoại thật ý nghĩa với những người hàng xóm Mỹ, sau khi xảy ra sự việc tôi bị bắn và sắp chuyển đi xa. Người phụ nữ da đen sống một mình ở căn hộ đối diện nói rằng bà ta thấy rằng ở đây (ở khu chung cư phức hợp này) con người sống với nhau không có đạo đức, không có tình người (There is no morality, there is no humanity). Câu nói ấy được cô Mỹ trắng sống cùng người tình da đen đồng ý hoàn toàn. Rồi một người khác nữa, trong một dịp khác trước khi tôi chuyển đi, lặp lại với tôi cũng cùng câu nói đó. Và với riêng tôi thì, vào lúc ấy hay hôm nay, từ một thời điểm xa xăm nào đấy hay ở thời điểm hôm nay, đã bao lần tôi tự nói với mình cũng cùng câu nói đó: Không còn đạo đức, không còn tình người!

Khi đọc các tin tội ác tràn ngập trên các trang báo mạng Việt Nam, tôi cứ tưởng rằng chuyện con cái giết cha mẹ chỉ là chuyện xảy ra ở một xã hội mạt pháp như VN; vì thế, câu chuyện một cặp anh em người Mỹ da đen (21 tuổi và 17 tuổi) giả đò tổ chức một bữa ăn tối cho cha mẹ, để rồi tấn công, đánh đập nhằm giết chết cha mẹ mình, sau đó phóng hỏa đốt nhà để che giấu tội ác xảy ra vào tháng trước là một câu chuyện làm hoang mang dư luận đã khiến tôi hết sức tò mò. May là, người chồng đã làm lạc hướng bọn chúng trong một khoảnh khắc đủ để người vợ gọi 911, và cuối cùng là cả hai vợ chồng bị thương nghiêm trọng phải nhập viện và hai đứa con phải ngồi tù. Động cơ nào khiến chúng hành xử bất thường như thế? Không dễ gì để hiểu, vì người ta cứ tưởng rằng đó là một gia đình hạnh phúc (hai đứa con đã sống riêng).




  


Không có những tuyên bố chính thức về động cơ nhưng có những dự đoán. Người vợ cho rằng lý do bà ta nghĩ ra là bọn chúng theo đuổi món tiền bảo hiểm hàng triệu đô la có được sau cái chết của hai vợ chồng. Dư luận cũng khám phá ra rằng cậu con trai 17 tuổi đang theo đuổi một cô gái nhảy lớn tuổi hơn và đang cần rất nhiều tiền để cạnh tranh với các đối thủ. Riêng một trong hai cậu con trai, sau khi bị bắt, nói rằng họ đã có một đời sống gia đình tồi tệ, và đã dự định để giết cha mẹ mình kể từ năm 11 tuổi. Tuy nhiên, không có một bằng chứng nào được tìm thấy về cuộc sống gia đình tồi tệ mà một trong hai cậu con trai này đã viện ra.

Gia đình là như thế, còn ở ngoài kia, đâu đâu cũng rình rập những nguy hiểm chực chờ. Những người phụ nữ có thể bị hãm hiếp bất kỳ khi nào và ở đâu. Việc tấn công hãm hiếp ngay giữa ban ngày ở những khu vực tương đối an toàn như trạm xe điện hay các lễ hội (nơi có các bảo vệ luôn túc trực gần đấy, và tương đối có đông người) đã khiến người ta không thể không lo lắng. Các vụ cướp xảy ra thường xuyên ở các địa điểm mà không ai không phải lui tới như tiệm bán thuốc, nơi rút tiền… khiến sự lo ngại càng tăng cao. Cướp bóc, hãm hiếp, giết người không chỉ xảy ra ở ngooài đường mà còn xảy ra khi nạn nhân đang ở ngay trong chính nhà mình.

Con người ngày càng độc ác!

Đó là tiếng nói đang vang vọng lên từ trong xã hội đương đại của con người hôm nay. Tiếng nói ấy không chỉ tiếng thét gào ở thời điểm hiện tại, mà còn là dự báo cho thời điểm tương lai. Và điều dự báo ấy sẽ hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực chừng nào mà con người còn để mình ngày càng lún sâu hơn vào thế giới vật chất vốn ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật; chừng nào mà con người còn để mình ngày càng lún sâu hơn vào thế giới xác thịt vốn ngày càng trở nên được yêu chiều đến nỗi trở nên tham lam, đòi hỏi vô hạn định; chừng nào mà thế giới tâm linh của con người (vốn là nơi xuất phát của sự thiện lương và đạo đức) ngày càng trở nên còi cộc và bé nhỏ hơn đến mức hầu như không còn hiện diện.

11/10/2015
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment