Sunday, January 31, 2016

"Không Sao Đâu, Bình Tĩnh Sống" - Jeffrey Thai



“Không sao đâu, bình tĩnh sống”- Nghe người phụ nữ bần hàn và không còn trẻ ấy trả lời một cách thản nhiên đến không ngờ khi có người cám cảnh về cuộc sống cơ cực và đìu hiu của mình, mà người nghe khó có thể dằn được sự xúc động. Xúc động vì cuộc sống ấy buồn và nghèo khó quá. Xúc động hơn nữa vì người sống cuộc sống ấy đã chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng làm sao. Và xúc động còn vì rất nhiều điều tốt đẹp và thiêng liêng đã toát lên chỉ từ một câu nói tưởng chừng như rất đỗi bình thường và tự nhiên ấy. 


Nghèo thế mà không thấy khổ. Nghèo thế mà thật an nhiên và tự tại. Cái tâm ấy là tâm lành, và cái hồn ấy là hồn trong veo. Vì thế, tiếng hát đơn sơ cất lên có sức rung cảm thật mãnh liệt và người ta dường như có thể nhìn thấy được cả tâm hồn tinh khiết không gợn chút bẩn đục nào của người hát qua từng âm điệu và âm từ được cất lên. 

Dường như đã lâu lắm rồi, tôi mới vô tình bắt gặp được một chút đơn sơ, một chút chân chất như thế trong cuộc sống này. Thường thì chỉ có người nghèo mới có được sự đơn sơ và chân chất ấy; và khi càng trở nên giàu có thì người ta thường dần đánh mất ch
úng đi. Hay cũng có thể là vì đơn sơ và chân chất như thế nên con người ta mới nghèo. Cho dẫu có là như thế đi nữa thì chắc cũng không sao, vì giàu nghèo cũng không hẳn là cội nguồn của hạnh phúc. Người nghèo thường dễ cảm thấy hạnh phúc hơn vì có thêm một chút đã là đủ, còn người giàu cứ mãi loay hoay khổ tâm về sự tham lam không có giới hạn của mình. 



Câu chuyện về cuộc sống của người phụ nữ ấy cùng người em gái của mình khiến tôi cảm thấy xúc động nhiều. Sự nghèo khó ấy thật thảm thương làm sao giữa thời buổi hiện tại, khi mà có rất nhiều người dư dã đến mức không thể tưởng tượng được. Nếu sự nghèo khó ấy làm tôi xúc động một thì thái độ bình tĩnh mà sống của người phụ nữ ấy lại khiến tôi xúc động nhiều lần hơn. Nó cao đẹp quá và nó khiến cho người ta cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn và con người của thời buổi hôm nay, đâu đó, dẫu sao vẫn còn giữ được cho mình 
ít nhiều bản chất thiện lương. 

Có một nghịch lý mà tôi cảm thấy thật khôi hài và gây nhiều băn khoăn. Người ta nghèo là thế, khổ là thế; mà người ta bình tĩnh mà sống. Thế thì, hà cớ gì có rất nhiều người không hề nghèo mà chẳng bao giờ có thể sống được một cách bình tĩnh một phút giây phút nào. Họ toan tính đến từng chút một trong đời sống và coi trọng vật chất hơn con người.

Có một câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ ở đây, vì nó vốn khiến tôi cảm thấy khá nhiều hụt hẫng. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ mà tôi biết từ trong trại cấm và khi mới qua Mỹ này thì vô tình gặp lại. Lần gặp lại đó cách đây cũng đã mười tám năm. Trong khoảng thời gian tiếp xúc một vài năm sau đó, điều làm tôi cứ cảm thấy ái ngại và e dè là cô ta tính toán quá và trong lòng chất chứa nhiều sân si; nhưng vì cô ta luôn tự hào mình là người đàng hoàng và sòng phẳng nên tôi cứ cho là có lẽ do cô ta không kiếm được tiền nhiều nhưng lại ham mua nhà nên phải sống tằn tiện và chi ly như thế.

Nếu cô ta không như thế thì có lẽ tôi đã có quan hệ thân thiết hơn chút nào; và nếu cô ta không như thế thì với dung mạo không đến đỗi nào và tuổi đời vẫn còn trẻ vào lúc ấy, có lẽ cô ấy cũng đã tìm được cho mình một người bạn đời nào đó.  Đó là những gì đã hiện lên trong tâm trí tôi trong khoảng thời gian ít nhiều có qua lại với người phụ nữ ấy.

Mười năm sau đó, tôi học trường Mỹ, rồi làm nơi chỉ có người Mỹ, không còn quan hệ giao tiếp với người Việt nữa, nên tôi cũng gần như m
ất hẳn liên lạc với cô ta. Rồi, cách đây hơn nửa năm, tôi gặp nạn và phải chuyển nhà; mà đồ đạc nhiều quá nên phải tìm người để cho bớt đi. Tôi còn nhớ vào buổi chiều hôm ấy, khi tìm đường đến nhà cô ấy để gặp lại và cho đồ, tôi đã phải suy nghĩ kỹ lắm và cảm thấy mình cân nhắc thật nhiều; dù thời gian đã làm phôi pha đi nhiều thứ, nhưng dường như có điều gì đó tôi cứ lo sợ mình sẽ phải hối tiếc. Cuối cùng, vì chẳng còn ai khác để cho nên tôi đã quyết định ghé để gặp lại; và giờ đây, tôi thấy mình đã phải hối tiếc thật nhiều. 

Ngày xưa, có lẽ vì còn trẻ hơn và cần giữ gìn hơn để hy vọng tìm được một ai đó nên cô ta còn có chút giữ gìn, cho dù sự tính toán đã thể hiện khá rõ. Còn bây giờ, điều tôi cảm thấy e ngại đã thành sự thật; cô ta chẳng còn gì để phải giữ gìn nữa ở lứa tuổi hiện tại. Thật ra, đồ cho đi, nếu chịu khó tìm cách bán cũng có thể kiếm ít tiền, nhưng tôi vốn chẳng thiết tha gì với những việc bất tiện ấy,nên tôi mang tâm thế là tống được chúng đi đã là mừng; và vốn quen sống với lối ứng xử Mỹ, tôi chẳng hề bao giờ nghĩ ngợi g
ì về việc cho và nhận, thậm chí, đôi khi, còn cảm thấy cảm ơn người nhận.    

Nói như thế để làm rõ là tôi chẳng có tiếc chút gì đống đồ đem cho ấy và cũng chẳng có gì băn khoăn, nếu cô ta không có những lời nói và ứng xử hơi kỳ lạ. Đầu tiên, cô ta hăng hái kêu cứ đem đống sách vở giáo khoa cũ (mà tôi vẫn còn giữ, nếu bán liền ngay sau khi học xong có thể lấy về số tiền không nhỏ) qua để nhà cô ta, rồi cô ta sẽ bán cho. Rồi chiếc xe đạp mới tinh hơn hai trăm đô mà tôi mua nhưng chỉ dùng mới mấy lần, t
ôi cũng đem qua gửi nhà cô ta, và tôi có nói rõ là chỉ gửi thôi chứ không phải cho, nhưng muốn dùng thì cứ dùng, khi nào cần tôi sẽ lấy lại. 

Điều đầu tiên sau đó khiến tôi cảm thấy hơi khó hiểu là dù mọi việc đã được nói với nhau khá rõ như thế, nhưng cô ta lại làm như là không nhớ gì cả. Rồi sau đó là tìm cách không muốn giao tiếp nữa, dù chỉ là thỉnh thoảng mà thôi. Gần đây, tôi có việc cần ghé nhà cô ta để hỏi thăm, thì một mặt cô ta chê bai giá trị những thứ đã được cho (thói quen của rất nhiều người Việt), mặt khác, cô ta chẳng nhắc gì (dù chỉ một lời) đến những gì được gửi v
à ướm hỏi (theo lẽ thông thường) là người gửi có muốn lấy gì về không.  

Thật lòng, tôi chẳng muốn đem thứ gì về cả, và có đem bỏ chúng đi cũng được; nhưng lối ứng xử kỳ lạ của cô ấy khiến tôi cứ mãi băn khoăn.  Một mặt về mặt tình cảm, tôi tự ngăn mình đừng có những ý nghĩ không hay và tìm mọi cách để biện minh; nhưng mặt khác, lý trí tôi cứ lại tự động thu thập các dữ kiện và phân tích để báo động cho tôi hay là đối tượng mà tôi đang tiếp xúc không hề vô tư.  Tôi cũng để ý thấy là, khác với ngày xưa, cô ta không còn bao giờ lên tiếng về sự lương thiện và đàng hoàng của mình nữa 

Tôi tự hỏi mình, làm sao một người sống ở Mỹ lại đi tìm cách kiếm chác đến cả những điều quá nhỏ nhặt như thế; và điều khiến tôi cảm thấy hụt hẫng hơn nữa là b
ây giờ cô ta chẳng hề còn bận tâm gì đến việc người khác sẽ nghĩ gì về mình nữa. Dĩ nhiên, tôi đoán chừng là cô ta thừa biết là một người có trình độ như tôi làm sao không đọc được những suy nghĩ và tính toán của người khác; nhưng bất chấp điều đó, cô ta vẫn thản nhiên vì có lẽ cô ta cho rằng tôi vốn phóng khoáng và rộng rãi, chẳng bận tâm gì nhiều đến những điều nhỏ nhặt ấy. 

Đúng vậy, đối với những đồ vật hay vấn đề mà giá trị không quá ngàn đô, tôi chẳng bao giờ băn khoăn nhiều (tôi thậm chí còn muốn cho không chiếc xe hơi cũ mình đang dùng mà nếu đem đi trade-in cũng kiếm được hơn ngàn đô, khi đang dự định mua một chiếc xe hơi mới) ; nhưng chính cách sống và suy nghĩ của cô ta (cũng đồng thời là của rất nhiều người khác) đã khiến tôi không khỏi bị ám ảnh về sự tha hóa ở bản chất thiện lương của con người, vốn quá phổ biến trong bất kỳ xã hội nào hiện nay. Tôi đã phải tốn khá nhiều công để tống khứ những điều không tốt đẹp ấy ra khỏi đầu óc của mình, đồng thời cũng dặn mình phải nhớ, để đừng bao giờ đặt mình trong tình huống phải đối diện chúng nữa.

Người phụ nữ nghèo khổ sống trên núi cao ấy, dẫu nghèo khổ vẫn bình tĩnh mà sống; hà cớ gì, có những con người không hề nghèo khổ chút nào mà chẳng bao giờ có thể bình tĩnh mà sống được là sao!




30/01/2016

Jeffrey Thai



                 

Không phải bằng phần trình diễn quá xuất sắc hay “chiêu trò” mà đó là phần trình diễn của một tâm hồn, của một câu chuyện quá đỗi đặc biệt được kể trong phóng sự chương trình giới thiệu về thí sinh Nguyễn Thanh Thúy. 

Hình ảnh của một người phụ nữ độc thân 59 tuổi chọn cách sống yên tĩnh, nhân văn. Đặc biệt câu chuyện của bà cùng người em gái 50 tuổi, cũng độc thân ở cạnh, được bà chắt chiu, bảo vệ càng khiến người xem xúc động mà còn vô tình truyền cảm hứng sống cho nhiều người bởi sự lạc quan giữa cuộc đời còn lắm gian truân, vất vả. 

Trong tập 4 của chương trình Vietnam's Got Talent vừa diễn ra cách đây ít ngày, khán giả khó mà quên được hình ảnh của thí sinh đến từ Lâm Đồng với câu chuyện khiến tất cả đều phải lặng người vì xúc động. Cô Nguyễn Thanh Thúy (sinh năm 1957) đã mang câu chuyện cảm động về cuộc sống và hành trình đi đến sân khấu Tìm kiếm tài năng. 

Với công việc thường ngày là làm vườn và làm thầy thuốc bấm huyệt, cô Thanh Thúy còn giúp đỡ chữa bệnh cho trẻ em nghèo hoàn toàn miễn phí. Sống cùng em gái trong một căn nhà tạm bợ nằm trên đồi, nơi không có điện, nước nhưng hai chị em vẫn bám trụ cuộc sống ở vùng núi hẻo lánh để cứu trẻ em khuyết tật. Hai cô còn tranh thủ trồng rau quanh căn nhà vỏn vẹn chỉ 14m2 để ăn qua ngày nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có hôm rau thì hết, gạo cũng chẳng còn nên cả hai phải ăn khoai mì độn. 

Để đến địa điểm dự thi Vietnam’s Got Talent 2016, cô Thanh Thúy phải rọi đèn pin đi bộ từ khuya xuống đến quốc lộ để bắt xe trong sự lo lắng của em gái. Với cây đàn guitar và thể hiện ca khúc Riêng một góc trời, cô lay động khán giả không phải bởi một giọng hát quá xuất sắc mà bằng tình cảm và đặt cả tâm hồn mình vào từng lời ca. 

Lần đâu tiên biểu diễn trên sân khấu, cô Thanh Thúy không tránh khỏi những lúc lúng túng khi chia sẻ về câu chuyện riêng của chính mình. Từ việc mỗi lần nhận đồ quyên góp đều phải xách những bao gạo nặng đi lên quả đồi những 4-5km, cho đến chuyện 3h sáng vừa đi bộ xuống đồi để bắt xe lên thành phố... Những chia sẻ này đã khiến bộ ba giám khảo Trấn Thành - Bằng Kiều - Huy Tuấn vô cùng xúc động. 

Nhiều người trong trường quay không giấu được sự xúc động khi cô nhỏ nhẹ tâm sự rằng, mục đích mình tham gia chương trình để có một số tiền nhỏ để xây bể chứa nước mưa và bình ắc qui nhỏ để thắp đèn. 

Đỉnh điểm nhất trong chương trình chính là khoảnh khắc Trấn Thành chia sẻ sự cảm thương dành cho nghị lực của cô Thanh Thúy, cô đã bình thản mà trả lời: "Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống". Câu nói này đã thật sự chạm vào trái tim của hàng vạn người theo dõi chương trình cũng như Ban Giám Khảo. 

"Bình tĩnh sống" được truyền miệng đi một vận tốc chóng mặt trong giới trẻ ngay sau khi chương trình lên sóng. Đây được coi như một châm ngôn sống giản dị nhưng sâu sắc, như một sự mạnh mẽ kiên định, không bao giờ đầu hàng dù cuộc đời có khắc nghiệt đến đâu. 

Minh Anh (TT&VH) 

No comments:

Post a Comment