Saturday, May 12, 2012

Bến Phà Kỷ Niệm



Thế là đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày bến phà ấy- cái bến phà trên dòng sông Hậu bao la, rộng lớn- vĩnh viễn lui vào trong quá khứ, sau gần một thế kỷ làm nhiệm vụ nối liền hai bờ bến.  Dẫu biết rằng đó là một sự phát triển tất nhiên của cuộc sống, cái mới, cái tốt đẹp hơn sẽ thay thế những gì củ kỹ và lạc hậu, thế mà, biết bao người đã từng gắn bó với bến phà ấy, trong đó có tôi, không thể che giấu nỗi ngậm ngùi về sự mất mát này. Tự bao giờ nó đã trở nên quá thân quen, gần gũi như một người thân: một người anh, một người chị hay một người em.


Tôi đã không kịp trở về để đi trên chuyến phà cuối cùng qua dòng sông Hậu để nói lời tạm biệt với nó.  Mười mấy năm trời đã trôi qua và tôi chưa một lần có dịp trở lại để viếng thăm.  Cái cảm giác áy náy và hối tiếc cứ mãi vấn vương trong tâm trí.  Cuối cùng, tôi quyết định viết những dòng chữ này như một lời tri ân và tạ lỗi, dẫu rằng bến phà ấy có biết than trách bao giờ về sự vắng mặt của tôi-  một người khách thân quen nhưng đã từ lâu là người của phương trời xứ lạ. 





Ngày đầu tiên tôi có dịp để làm quen với bến phà ấy là ngày chị cả tôi đi lấy chồng.  Chiếc xe đò kết đầy hoa trắng, sau khi vượt qua một quãng đường dài, tạm dừng nơi đây để nhờ bến phà ấy đưa về phía bên kia bờ sông Hậu, trước khi tiếp tục di chuyển về một thị trấn phố huyện cách đấy không quá xa.  Dòng sông rộng quá nên mỗi chuyến phà qua sông tốn mất ngót nghét nửa giờ đồng hồ.  Nói là nửa giờ đồng hồ nhưng khoảng cách tâm linh thì lại dài hơn thế nhiều vì ngày ấy tôi chỉ là một cậu bé còn nhỏ lắm, lần đầu tiên đưa tiễn người thân đi xa không về nữa.  Chiều ấy, tôi đứng giữa bến phà mà lòng buồn rười rượi, mắt cứ dõi về cơn mưa ngoài kia đang lặng lẽ rơi rơi phủ kín cả một vùng trời sông Hậu.  

Sau đấy nhiều năm, tôi trở thành sinh viên của trường Đại Học Cần Thơ.  Cứ mỗi vài tuần, tôi lại nhờ bến phà ấy đưa tôi qua phía bên kia bờ để thăm chị.  Chị tôi ngày ấy còn nghèo, lo toan vất vả với cuộc sống, lúc nào cũng tần tảo như bao con người tất tả ngược xuôi hai bên bờ sông Hậu để mưu sinh trên bến phà ấy.  Tôi không thể nhớ nổi là mình đã qua bến phà ấy bao nhiêu lần.  Đôi khi, tôi mua vé qua phà chỉ để ngắm cảnh trên dòng sông Hậu, như một thú tiêu khiển, rồi quay về mà chẳng chạm bước lên phía bờ bên kia.  Cần Thơ ngày ấy còn thô sơ lắm, chưa hiện đại và có nhiều thứ để giải trí như ngày hôm nay.    





Nhưng có một chuyến phà trong vô số những chuyến phà qua dòng sông Hậu mà tôi đã đi ấy làm tôi không thể nào quên.  Đó là chuyến phà vào một buổi chiều mưa buồn.  Trên phà có một người ăn xin nữ cất cao giọng hát, ca bài Gõ Cửa: 
Nếu có lần em gõ cửa ghé thăm
Gác vắng buồn thiu khung cảnh âm thầm
Em ơi người xưa đã ra đi
Không gặp em lúc phân ly
Không cho sầu thương đổ bờ mi....
Giọng ca nghe bình thường, chẳng có gì đặc biệt hay xuất sắc.  Lời ca thì vô cùng đơn giản, tới mức chẳng thể giản đơn hơn nữa.  Nhưng lạ thật!  Tôi lại cảm thấy trong giọng ca ấy, trong lời ca ấy một cái gì đó thật đặc biệt và kỳ bí-  đủ đặc biệt và kỳ bí để ở lại trong tâm tưởng tôi cho đến ngày hôm nay.  Chiều ấy, ngoài kia, mưa cứ lặng lẽ rơi rơi phủ kín cả một vùng trời sông Hậu. 




Cũng có một chuyến phà nữa mà tôi không thể nào quên.  Đó là chuyến phà vào một buổi chiều khi nắng đã dần tắt trên dòng sông Hậu và tôi đang rảo bước lên trên phía bên này bờ để về lại Cần Thơ.  Một cô gái xinh tươi, rạng rỡ và bình dị rảo bước gần bên chợt mĩm cười với tôi và bắt đầu gợi chuyện. Tôi không còn nhớ rõ cô gái ấy và tôi nói gì trên suốt cuộc hành trình dài trên một cây số từ bến Bắc đến trung tâm thành phố-  đoạn đường mà tôi đã lãng mạn một cách tình cờ khi tự nguyện dắt chiếc xe đạp để đi bộ cùng cô.

Nhưng tôi vẫn nhớ rõ là cô gái ấy và tôi đã tâm đầu ý hợp lắm và cười với nhau suốt đoạn đường dài như một đôi bạn thân lâu ngày.  Vậy mà rốt cuộc rồi có một điều làm tôi hối tiếc mãi. Khi đến trung tâm thành phố, trước khi chia tay, tôi đã vô tình hỏi cô một câu mà tôi ước gì tôi đã không hỏi:  " Em ơi, em làm nghề gì vậy?".  Gương mặt cô đang vui tươi bỗng trở nên ngỡ ngàng.  Cô cúi mặt, quay lưng và vội vã bước đi như để lãng tránh câu trả lời. Ánh mắt cuối cùng cô nhìn tôi buồn một cách hoang dại.  Nó ám ảnh tôi cho mãi đến ngày hôm nay. 





Cần Thơ ngày ấy vào những năm cuối của thập niên 80 còn lặng lẽ và êm đềm lắm, không sôi động và nhộn nhịp như bây giờ.  Bến Ninh Kiều ngày ấy dơ và hỗn độn dù vẫn được xem là "điểm nhấn" của Cần Thơ.  Con đường lớn nhất và có lẽ cũng là xinh đẹp nhất của Cần Thơ là đại lộ Hòa Bình chạy xuyên suốt qua trung tâm thành phố.  Đường Nguyễn Trãi với những hàng cây sao cao và dày đặc hai bên lề đường mang đến cho Cần Thơ một ít nét lãng mạn của những đường phố Sài Gòn.  Cũng trên con đường ấy có một cô gái nhắc tôi nhớ đến những cuộc tình tuổi trẻ của mình:  chóng vánh và hời hợt đến vô tâm. 

Em ốm, gầy và có mái tóc dài và mềm như hàng liễu rũ.  Cũng như mái tóc của em, em mỏng manh, mềm yếu và hờn dỗi đến vô cùng.  Mỏng manh và mềm yếu thì không sao.  Phụ nữ mà!  Nhưng cái nết hờn dỗi của em thì tôi không chịu được, nó đã đi đến mức độ quá đáng.  Nhưng vấn đề chính ở đây, thực ra, không phải là sự quá đáng đó mà là ở tôi:  Tôi vốn luôn được cưng chiều trong tình cảm, tôi không quen chiều ai quá nhiều bao giờ.  Bỏ rơi em sau đôi ba lần hò hẹn một cách lạnh lùng và thản nhiên, nghĩ lại, tôi thấy cái lứa tuổi ngấp nghé đôi mươi của mình lúc ấy thật ngông cuồng, độc ác và nhẫn tâm.  Giá mà tôi có thể làm lại, tôi nghĩ mình sẽ từ tâm hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều. 





"Trăm năm còn đó bến sông này".  Bến sông xưa vẫn còn đó nhưng bến phà kỷ niệm đã vĩnh viễn khép lại những trang đời lịch sử của nó.  Chị tôi đã từ lâu không còn ở phía bên kia bờ sông Hậu mà đã trở nên giàu có và di chuyển về sống ở Sài Gòn.  Người nữ ăn xin hát ca khúc Gõ Cữa trên bến phà sông Hậu ngày đó có lẽ đã giã từ nó để về cõi vô cùng từ lâu lắm.  Tôi cũng chẳng bao giờ gặp lại cô gái xinh tươi, rạng rỡ cũ dẫu sau đó tôi vẫn tiếp tục qua lại bến phà ấy biết bao nhiêu lần.  Cô có lẽ đã chết vì một căn bệnh nghề nghiệp nào đó hay may mắn hơn đang yên vui với một cuộc tình chắp vá ở một góc trời.  Tất cả đã qua đi theo qui luật vận hành muôn đời của cuộc sống. 

Cây cầu mới hôm nay sừng sững, hiên ngang và oai dũng bắc ngang qua hai bờ bến xa xăm của ngày cũ.  Nhìn nó người ta thấy cuộc sống thực sự sinh sôi, nảy nở từng giờ.  Những dòng xe không ngừng di chuyển với một tốc độ đủ nhanh để chiếc cầu chỉ còn là một chấm nhỏ trong thoáng phút giây ngắn ngủi.  Nhưng thảng hoặc vẫn có đôi ba khách lạ đi qua cầu với những bước chân bối rối, ngập ngừng và dõi mắt nhìn xuống dòng sông Hậu với một ánh mắt thật buồn. Tôi bất chợt bắt gặp ảnh hình của mình trong đó.  Chung quanh, cơn mưa chiều đang lặng lẽ rơi rơi phủ kín cả một vùng trời sông Hậu.



Jeffrey Thai

   

No comments:

Post a Comment