Saturday, May 12, 2012

Qua Cơn Mê




Qua Cơn Mê là một sáng tác trước năm 1975 của Trịnh Lâm Ngân. Tôi không nhớ tôi nghe nhạc phẩm này lần đầu tiên khi nào, chỉ nhớ là lúc còn nhỏ lắm. Đây chỉ là một nhạc phẩm bình thường, với những ca từ, ý tưởng rất bình thường, làm nên tên tuổi cho ca sĩ Băng Châu - một ca sĩ có giọng hát cũng bình thường. Có lẽ một giọng hát bình thường trong trường hợp này đã làm nên chuyện trong việc chuyển tải một bài hát bình thường.

Bài hát là lời hứa hẹn với người yêu của một chàng chinh nhân lãng tữ. Chàng hứa rằng khi cuộc chiến qua đi, khi "cơn mê" của đời chàng qua đi, chàng sẽ chấm dứt những tháng ngày "bềnh bồng" để về lại bên người yêu cũ, để cùng nàng rong chơi, thăm khắp mọi nơi, trên những con đường dài thênh thang nắng đẹp. Bài hát tưởng chừng đơn giản bình thường vậy, mà lại có một số phận không hề bình thường chút nào: nó sống mãi qua tháng năm và được trình bày bởi hầu hết các ca sĩ của mọi thời. Và với tôi, nó có thêm một điều không bình thường nữa là: nó thỉnh thoảng lại cứ sống lại trong tâm tưởng tôi sau mỗi thăng trầm của đời sống, sau mỗi "cơn mê" của đời tôi.

"Cơn mê" đầu đời đã đến với tôi thật bất ngờ và để lại nhiều day dứt, như một đứa trẻ thơ một hôm chợt thấy mình lạc bước vào một vùng đất lạ với nhiều hoa thơm, trái ngọt, để rồi rấm rứt khóc tiếc nuối khi chợt tỉnh và nhận rõ đó chẳng qua chỉ là một cơn mơ. Ngày ấy, tôi vừa bước vào năm thứ nhất của lứa tuổi đôi mươi. Và cái thế giới mà tôi chợt bước vào ấy thật lung linh và huyền ảo biết bao với sự hồn nhiên, ngây thơ và thánh thiện của những đứa học trò nhỏ thân yêu đầu đời, chỉ cách mình đôi ba tuổi. Cái thế giới ấy tưởng chừng như chỉ có trong truyện cổ tích: không có sự hiện diện của xảo trá, toan tính và mưu đồ.




Tôi vốn ghê sợ sự xảo trá. Tôi vốn quá hiền lương cho những toan tính và mưu đồ. Ở ngưỡng cửa của cuộc đời mà tôi vừa đặt bước chân lên, đôi khi tôi thấy mình chợt như ngây ngô, xa lạ và lạc loài. Phải, tôi đã thấy mình lạc loài ở giữa cuộc sống mà tôi có cảm giác nó là một bãi chiến trường - nơi đó, mỗi con người là một chiến binh múa may những đường kiếm hủy diệt để sát phạt quân thù, để sống còn, tồn tại. Ngay chính trong trạng thái hấp hối, cần, cần lắm một niềm tin yêu ấy, tôi đã lạc bước vào thế giới của các em tôi - nơi tôi bỏ lại một mảnh hồn khi phải từ giã, lìa xa.

Tôi trở về lại Tây Đô sau 49 ngày lạc bước vào thế giới ấy. Tây Đô ngày ấy là những ngày cúp điện liên tục và tôi đang trong giai đoạn ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp đại học sắp tới. Thôn quê không có điện đã buồn, thành phố không có điện lại càng buồn hơn vì đã quen với ánh sáng. Nỗi nhớ về những ngày tháng đó hằn sâu trong tâm trí tôi thật mãnh liệt và dày vò, khiến cho việc ôn thi trở nên thật khó khăn. Ánh sáng mù mờ hắt ra từ phía chiếc đèn dầu nhỏ làm cho không gian chung quanh trở nên hắt hiu và gợi nhớ. Rồi khói thuốc từ điếu thuốc tôi thắp lên nhằm xua tan đi nỗi nhớ càng làm cho không gian thêm huyền ảo, liêu trai.

Đoạn đường để trở về nơi ấy không xa, vậy mà ngày ấy với tôi nó như bị cách ngăn bởi một vạn lý trường thành. Kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần đã bó chân tôi, đã khép chặt tâm trí tôi vào những giới hạn không thể nào vùng vẫy. Sự bó buộc và nỗi nhớ quá mênh mông đã toa rập cùng nhau, đưa tôi vào "cơn mê" đầu đời của đời tôi. Bao phủ bằng một thứ ánh sáng vàng vọt, nhợt nhạt và làn khói thuốc mơ màng, "cơn mê" ấy có dáng vẻ của một hố sâu thăm thẳm mà tôi đã lỡ trượt chân rơi xuống. Tôi đã chìm đắm trong "cơn mê" ấy thật sâu hằng đêm, lòng khoắc khoải đếm từng ngày - ngày "cơn mê" sẽ qua đi - để tôi lại được về bên các em thân yêu, về lại với một tâm tình mà tôi vẫn hằng ấp ủ, để tiếp tục những bước chân rong chơi ngày cũ trên những con đường dài rộng thênh thang.





Rồi cuối cùng ngày ấy cũng đến. Tôi, như nhân vật trong bài hát, đã về lại bên các em. Chúng tôi đã ghé thăm lại từng nhà, từng người, ghé thăm lại từng con đường thân quen cũ, kể lại cho nhau nghe về những tháng ngày xa cách. Tôi cũng đã về lại với tâm tình cũ của mình với những nỗi niềm giấu chặt ở bên trong. Nhưng không như không gian trong bài hát, ngày tôi về trời vẫn gió mưa tơi tả - cái gió mưa vần vũ của những ngày tháng Sáu - nên dù đường thì dài và rộng thênh thang, nhưng sình lầy vương đọng trên từng bước chân đi, làm rải tung nỗi nhớ. Gió mưa vẫn còn nên "cơn mê" đầu đời tưởng đã qua đi, vẫn mãi theo tôi trong những năm tháng sau này, lẫn khuất trong những "cơn mê" khác của cuộc đời.

Bao "cơn mê" như thế đã lần lượt đến và đi khỏi cuộc đời tôi. Dẫu có khác biệt nhau về hình dáng, nhan sắc và thời điểm, chúng có điểm chung là thường bắt đầu bằng sự bó hẹp của không gian và thời gian sống, cùng với sự đè nén của những xúc cảm tâm linh. Chính cái ước vọng khôn cùng mà không được thoả mãn về một sự giải phóng khỏi sự hạn hẹp và sự đè nén, đã dẫn đến sự hôn trầm của tâm thức, đưa tôi vào những "cơn mê" tưởng chừng như bất tận của đời mình. Dẫu có khác biệt nhau về hình dáng, nhan sắc và thời điểm, những "cơn mê" như thế của cuộc đời tôi có thêm điểm chung là chúng thường chỉ kết thúc khi "trời xanh", khi "gió mưa không còn" và khi "đường dài thật dài, ta mặc tình rong chơi"- một kết thúc đòi hỏi không còn có sự giới hạn của không gian và thời gian sống, một kết thúc vinh danh sự hồi sinh từ những đổ vỡ, khuất lấp.

Cuộc đời của mỗi con người phải chăng là tập hợp của những "cơn mê" triền miên và mê mỏi mà mỗi "cơn mê" là một sự lựa chọn định phận mang tính chất cá nhân? Có những "cơn mê" mà rồi sẽ qua đi và khi chúng qua đi, "tình người sau cơn mê vẫn xanh", "lá hoa thật nhiều" và "trái yêu thương đầy cành, hái đem cho mọi người". Nhưng cũng có những "cơn mê" - những "cơn mê" về cơm, áo, gạo, tiền, về hào quang, danh vọng - mãi sẽ chẳng bao giờ tan và chúng tiếp tục đeo bám vào mỗi đời người như một thứ nghiệp chướng trái ngang còn sót lại từ tiền kiếp.

Dường như ngày càng có nhiều nguời hơn hôn trầm vào những "cơn mê" oan nghiệt như thế đó, mà thời điểm kết thúc của chúng có chăng là vào lúc hấp hối cuối đời. Riêng tôi, tôi đã có những "cơn mê" riêng cho mình - những "cơn mê" giúp tôi đi qua cõi trần gian này nhẹ nhàng và hạnh phúc như một khách lãng du không gieo nhiều oan trái.



25/11/2011
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment