Saturday, May 12, 2012

Cải Lương và Nỗi Niềm Xa Xứ



Ngày ấy tôi đi. Buồn như chưa bao giờ buồn thế. Trăng trên biển, lạnh và cô đơn. Nhưng không lạnh và buồn bằng cõi lòng của chàng trai trẻ lần đầu tiên xa xứ.

Hòn đảo nơi tôi sống những tháng ngày tạm dung ấy, đẹp và thơ mộng. Cứ như là nơi chốn dành cho những đôi lứa yêu nhau. Thế mà với tôi sao như lạnh lẽo, vô hồn. Cứ mỗi chiều tôi lại một mình ra ngồi trước biển, ngóng về một phương trời xa. Tiếng sóng biển vỗ mạnh vào bờ gợi lòng tôi bao nỗi nhớ. Nhớ! Nhớ da diết lắm một khung trời kỷ niệm của những dấu yêu tuổi thơ mình bỏ ở lại phía đằng sau. Và tôi còn riêng nhớ, nhớ mênh mang một tiếng hát, giờ thì thôi đã xa rồi. Tiếng hát ấy, lúc thì cao vút như tiếng cánh diều quê mẹ những chiều trời lộng gió, lúc thì trầm buồn như tiếng lòng người chinh phụ chờ trông mỏi mòn. Ngày xưa đó, nghe tiếng hát ấy, tôi thấy trước mắt mình những chiếc cầu tre quê hương khúc khuỷu, gập ghềnh, tôi thấy váng vất quanh tôi bóng dáng những bà mẹ hiền suốt đời quanh năm tần tảo. Tiếng hát ấy biến hoá khôn lường, lúc dõng dạc, uy nghi, lúc nỉ non, ai oán. "Tiếng hát ấy chỉ có một, không có hai. Tiếng hát ấy chỉ thuộc về nàng." (Kim Vân Kiều).


Đất nước tôi đến sống và nhận làm quê hương thứ hai, văn minh và hiện đại - đất nước của những cơ hội. Hoà nhập vào cuộc sống đó, tôi đã sống hối hả và bận rộn như thể không còn có ngày mai. Đã có nhiều, nhiều lắm những tuần không "weekend" vì làm việc đủ cả bảy ngày. Đã có nhiều lắm những ngày không có đêm vì mải miệt mài bên sách vở. Và rồi tôi cũng đã dần quen, đã dần yêu đất nước này. Dần "phải lòng" những điệu nhạc Rock sôi động, nhạc Blue du dương và đặc biệt nhạc đồng quê Mỹ (Country Music). Thế mà, tự thẳm sâu trong tiềm thức, tôi biết rằng tôi vẫn yêu tiếng hát ấy, vẫn thương những "thanh âm ngày cũ", không hề phôi pha, như " đứa con không tuyệt tình nổi với rẫy lúa, nương khoai, nơi có bà mẹ quê suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy hội." (Trịnh Công Sơn)

Ngày xưa, đa số bạn bè tôi đều sợ dính dáng đến cải lương, vì sợ bị cho là "quê mùa", vì muốn làm người "sang trọng". Thế mà từ ấy đến nay, tôi đã không mệt mỏi tình nguyện làm một kẻ "quê mùa" và từ chối làm ngừơi "sang trọng". Lý do đơn giản là tôi không thể nào quay lưng với tiếng hát ấy, với những thanh âm ấy. Những thanh âm ấy luôn làm lòng người bồi hồi, luôn khiến mắt người cay cay, vậy mà chúng thật đặc biệt diệu kỳ: bi mà không luỵ, thương mà vẫn hào hùng. Chúng khiến người ta khóc cùng nhau, để rồi thông cảm, thương yêu và đoàn kết với nhau hơn. Nói một cách lớn rộng, chúng là tiếng lòng ,là tinh hoa của cả một dân tộc. Với chỉ riêng cá nhân tôi thôi, chúng là hoài niệm về cả một thời tuổi thơ yêu dấu, thời cải lương là "gấm", là "nhung", là những ngày hội náo nức lòng người.

Bao năm, bao tháng đã trôi qua. Bây giờ, cải lương không còn như ngày xưa. "Lựu không còn là Lựu của ngày xưa nữa" (Đời Cô Lựu). Như một quy luật của muôn đời, đã có chút "hao gầy" trong tiếng hát vàng son ấy, đã có chút "phôi pha" trong vóc dáng ấy đài trang. Thế mà bất chấp thời gian, tiếng hát ấy vẫn tràn đầy sinh lực, vẫn vút cao như những cánh diều lộng gió ở vùng trời quê mẹ xưa, vẫn thản nhiên uốn lượn như những con sông quê hương uốn khúc mang phù sa về cho những cánh đồng bạt ngàn thẳng tắp. Tiếng hát ấy sao quá đỗi giống với loài chim kia: cứ lầm lũi lao mình vào những bụi mận gai với đầy gai nhọn, để gai kia đâm vào cổ mình đến rướm máu, để có thể bật ra những thanh âm hay nhất cuối đời dâng hiến cho người (Tiếng chim hót trong bụi mận gai).

Tôi tin rằng tiếng hát ấy vẫn ngân vang không vì chút hào quang váng vất bóng hoàng hôn. Vả lại, danh đã đủ, phận đã đầy. Có thứ hào quang nào lại cuốn hút nghiệt ngã đến thế ở cuối con đừơng của "hành trình nhật nguyệt"? Suy nghĩ như vậy, vẫn xin rất trân trọng được cảm tạ, đươc tri ân, dẫu cho tiếng hát ấy có phát ra từ bất cứ "nguồn" nào.


Nghệ thuật là của sự sáng tạo thanh cao bay bổng, sự lãng mạn tràn bờ không biên giới. Do đó, xin đừng đòi hỏi người nghệ sĩ phải chìu theo một thứ thị hiếu nào. Cũng xin đừng giới hạn người nghệ sĩ vào những suy nghĩ chủ quan, cực đoan và hạn hẹp của riêng mình. Nghệ thuật là của cái đẹp. Mà cái đẹp vốn ngàn đời mong manh, dễ vỡ. Tâm hồn người nghệ sĩ cũng mong manh, dễ vỡ như cái đẹp. Do đó, nếu không thương cũng chỉ xin khẽ đánh bằng những cánh hoa hồng. Vả lại, "đúng" hay "sai" cũng chỉ là những khái niệm mang tính chủ quan, tương đối và thời điểm. Những gì ta ngợi ca, chưa hẳn đã là đúng. Những gì ta không hiểu hay chưa hiểu, chưa hẳn đã là sai.

Rồi mai này, khi đã mỏi gối chồn chân, tôi sẽ về lại quê xưa để thăm lại lối mòn xưa, phố quận cũ. Chắc sẽ buồn lắm nếu ngày đó không còn được nghe tiếng hát ấy. Trong nỗi tiếc nhớ khôn nguôi, tôi sẽ chỉ vào tấm ảnh ngày xưa và trìu mến nói với con tôi rằng: "Ngày xưa, ba thích nghe cô ấy hát lắm. Vì mỗi lần nghe cô ấy hát, ba thấy nhớ..... quê hương".



14/05/2011
Jeffrey Thai 





4 comments:

  1. Chào bạn! ( Cho phép mình xưng hô là vậy vì không biết bạn bao nhiêu tuổi ) Rất vui khi lạc bước vào trang blog của bạn cùng những tâm tình bạn viết về Cô Bạch Tuyết... thật xúc động! Mình cũng rất yêu thích Cô cùng những vai diễn nhưng nếu so với bạn chắc là thua xa. Bộ sưu tập cải lương, những bài ca của bạn về Cô thật phong phú. Hai hôm nay khi phát hiện trang blog của bạn, không biết mình đã vào đây bao nhiêu lần rồi?! Cảm nhận... mình hạnh phúc và tự hào lắm vì có một người bạn trai cùng sở thích như mình... đó là "mê" cô Bạch Tuyết. Xin phép bạn cho mình tới đây thường xuyên để xem và nghe những vở tuồng Cô diễn cũng như đọc bài viết của bạn. Cảm ơn bạn thật nhiều! Thân.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn Minh,

      Rất vui khi đọc những gì bạn viết, cùng với sự quan tâm của bạn dành cho nghệ sĩ Bạch Tuyết.

      Trang Bạch Tuyết Collection vẫn đang trong quá trình xây dựng. Về phần audio xem như tạm đầy đủ, nhưng còn rất nhiều video sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Bạn ghé xem nhé.

      Tôi cũng sắp viết một bài viết nhiều kỳ về nghệ sĩ BT dành cho trang BT Collection này. Mong là bạn sẽ dành cho trang này một sự quan tâm thường xuyên.

      Tôi tin là có rất nhiều bạn có cùng sự quan tâm như bạn nhưng có lẽ chưa biết được sự hiện diện của trang này. Hy vọng là rồi sẽ có nhiều người biết hơn vì đây sẽ là một bộ sưu tập khá lớn bao gồm hầu như mọi hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ BT.

      Cuối cùng, chân thành chúc bạn nhiều niềm vui.

      Delete
  2. Cảm ơn bạn đã hồi âm. Mình vẫn đang theo dõi trang của bạn. Thân chúc bạn vui khỏe và thành công!

    ReplyDelete
  3. Lên mạng tìm những tuồng cải lương có cô Tuyết và đã lạc bước đến đây, chắc "bạn" lớn tuổi hơn mình nhiều heng, nhưng xin được gọi là "bạn" cho thân mật, bạn cũng đam mệ - cũng sở thích. Cảm ơn bạn đã tạo nên trang này, cho mình được ghé thăm thường xuyên nhé! ^^

    ReplyDelete