Monday, July 28, 2014

Tự Truyện ME Của Ricky Martin (Chương VI: Vai Trò Của Đời Sống Tôi)




Bản dịch của Jeffrey Thai
                                                    (Bản dịch này chưa được sự đồng ý của tác giả.  Xin vui lòng đừng sao chép và phát tán.  Thành thật cám ơn.)


TÔI 

CHƯƠNG VI
VAI TRÒ CỦA ĐỜI SỐNG TÔI

Tôi chắc là tôi không cô độc, nhưng tôi tiêu nhiều thời gian vào việc tìm kiếm mục đích của cuộc đời mình. Dĩ nhiên, tôi muốn có được loại công việc mà tôi đam mê, một gia đình yêu thương tôi, và những người bạn ủng hộ tôi.... nhưng sâu thẳm, bên dưới tất cả những điều có vẻ như quan trọng hơn tất cả những điều khác đó, tôi muốn được thỏa mãn niềm khao khát của mình là đóng góp cho thế giới trong một cách thức lâu dài và sâu sắc. Nói cho cùng, sự hiện diện của tôi trên mặt đất này chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn (nói một cách tương đối), và niềm khao khát để lại một dấu ấn là một điều hết sức tự nhiên. 

Trong một khoảng thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng cách mà tôi có thể dùng để đóng góp cho thế giới, để biểu tỏ lòng biết ơn đối với mọi phép màu và đặc ân nhận được, là thông qua âm nhạc. Khi tôi bước lên sân khấu để hát trước hàng ngàn khán giả, tôi cảm nhận được một sự rung động rất nhân bản và mạnh mẽ. Âm nhạc cho phép tôi nối kết với khán giả ở một mức độ thật sâu, và thông qua âm nhạc, tôi cảm thấy tôi đang truyền tải toàn bộ bản chất của thực thể con người mình. Việc tôi có thể cảm nhận được cảm giác đó khi đứng trên sân khấu là một đặc ân khó ai có thể có được, và cảm xúc đó đã luôn khiến tôi tin rằng đó là sứ mạng của tôi: chuyển tải niềm vui, nhịp điệu và các bước nhảy đến những người khác. 

Nhưng sau chuyến đi cuối đến Ấn Độ, tôi bắt đầu nhận ra việc trình diễn trên sân khấu là không đủ. Mặc dù việc đó cho tôi một sự thỏa mãn to lớn, đó là sự thỏa mãn chỉ phục vụ cho riêng mình tôi. Ba đứa bé gái nhỏ, và những kinh nghiệm tôi đã trải qua ở đất nước của chúng, đã giúp tôi nhận ra điều tôi đang thực sự thiếu vắng. 


TÌM RA ĐẠI NGHĨA

Tôi đang ở thời điểm trong cuộc sống, lúc mà tôi hoài nghi tất cả. Cảm giác có được khi giúp những đứa bé gái này thật mạnh mẽ đến mức tôi không còn biết là âm nhạc có còn thực sự là sứ mệnh của tôi không, hay nó chỉ đơn giản là một công cụ giúp tôi tìm ra con đường phúc thiện, giúp đỡ những con người cần được bảo vệ nhất ở chung quanh. Sau khi trở về từ Ấn Độ, tôi suy nghĩ thật nhiều về những điều người bạn đã bảo tôi, và về việc ba đứa bé gái đó đã có thể dễ dàng rơi vào tay bọn buôn người như thế nào. 

Khi trở về nhà, tôi đã ngủ suốt ba ngày vì cảm thấy cạn kiệt sau những gì mình đã nhìn thấy. Những điều trải qua với ba đứa bé gái nhỏ đó đã làm chấn động tôi dữ dội, và tôi vẫn không biết rõ là rồi mình sẽ áp dụng những hiểu biết đó vào phần đời còn lại như thế nào. Tôi biết là tôi không muốn tiếp tục sống như trước đây nữa, và tôi cần phải làm một điều gì đó; tôi chỉ không biết là điều đó là điều gì. 

Sau khi đã nghỉ ngơi thỏa sức, tôi cuối cùng cũng bước ra khỏi giường và bắt đầu tìm hiểu. Tôi lên mạng và bắt đầu đọc mọi thứ về việc buôn người. Tôi nhận ra rằng đây không chỉ là vấn đề ở riêng Ấn Độ, mà thực ra là một cơn dịch ảnh hưởng toàn thế giới. Tôi nhận ra rằng, trong hiện thực, đó không chỉ là vấn đề giàu hay nghèo, mà thực ra là vấn đề của những giá trị, của những quyền con người - những điều khiến vấn đề càng trở nên thảm hại. Chừng nào mà vẫn còn người tin rằng việc những đứa bé trai hay những đứa bé gái đó bị bóc lột là điều đương nhiên vì chúng còn nhỏ và không ai bảo vệ; loại tội ác này sẽ vẫn còn tồn tại. 

Những gì tôi đọc được đã khơi gợi một cơn cuồng nộ, giận dữ, và tuyệt vọng ở trong tôi. Tôi đọc được rằng mỗi năm có hơn một triệu trẻ em trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Bạn có biết điều đó có nghĩa là gì không, hơn một triệu trẻ em mỗi năm? Điều đó có nghĩa là, mỗi ngày, có gần ba ngàn trẻ em bị bắt cóc, bán, lạm dụng, và chỉ có Thượng Đế biết còn gì nữa. Và hầu hết là những đứa bé gái. Có những gã đàn ông sẵn lòng trả 15.000 đô Mỹ để mua trinh một đứa bé gái tám tuổi. Theo ý tôi, bất cứ ai cho phép điều này xảy ra hay tiếp tục xảy ra đáng bị bỏ tù. 

Sau khi đã nghiên cứu và nhận ra được những điều đáng báo động, cũng như thấy được những điều cần phải làm, tôi đến thủ đô Washington để gặp gỡ những người mà cho đến ngày nay vẫn là những người cố vấn cho tôi trong cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn người. Họ dạy tôi mọi thứ tôi cần biết để có thể tiếp tục cuộc chiến đấu xa hơn trong một cách thức cụ thể hơn, và cũng hướng dẫn tôi để tôi có thể giúp đỡ một cách hiệu quả nhất.   
Và tôi đã bắt đầu cho mục tiêu này như thế đó. Tôi nghĩ có một chút ích kỷ trong khát vọng giúp đỡ này của tôi, vì tôi thực hiện chủ yếu để giải tỏa nỗi đau đớn mà bi kịch tôi chứng kiến đã mang đến. Tôi cần một hình thức giải tỏa, một cách nào đó để tống khứ đi mọi nỗi đau đớn, giận dữ, và tuyệt vọng mà tôi cảm thấy khi nhận ra những gì đã có thể xảy ra cho ba đứa bé gái, và hàng triệu trẻ em khác trong đôi bàn tay lạm dụng của những người lớn. Đó là một tình thế gây phẫn uất, vì nó khiến người ta cảm thấy như đang bơi ngược lại một dòng thác. Để những gì tôi làm không phải chỉ là giọt nước bỏ biển, có thật nhiều công việc cần phải được hoàn thành. Người ta có thể cứu được một đứa trẻ, nhưng hàng ngày có hàng ngàn đứa trẻ khác tiếp tục bị cưỡng bức vào việc bán thân hay trở thành nô lệ tình dục - đó là thực tế của nô lệ hiện đại, và điều bi thảm nhất là điều đó xảy ra ở những thành phố trên khắp thế giới. 

Vậy thì, có thể làm gì đây?

Khi tôi xem xét mục tiêu này kỹ lưỡng hơn, tôi biết để thực hiện nó sẽ không phải dễ dàng gì. L‎ý do không phải là vì vấn đề này bị mọi người thờ ơ hoàn toàn, vì có nhiều chủ đề về nó đã được thảo luận và viết trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, người ta không nhận thức được đầy đủ vấn đề thực sự nghiêm trọng đến mức độ như thế nào. Tội ác này diễn ra ở nhiều mức độ: Thuật ngữ "nạn buôn người" bao gồm những cơ xưởng bóc lột công nhân, nạn mại dâm, lao động cưỡng bức, việc lạm dụng tình dục trẻ nhỏ, nạn nô lệ, và việc buôn bán nội tạng. Trong nạn dâm, có nạn dâm trẻ em và sách báo khiêu dâm trẻ em. Nó là một kim tự tháp với rất nhiều mức độ khác nhau. 

Càng nghiên cứu, tôi càng tìm được nhiều dữ liệu hơn. Tôi tìm hiểu cả những chi tiết nhỏ nhất và từ đó thành lập nên tổ chức Ricky Martin với dự án People for Children (Mọi Người Vì Trẻ Nhỏ); qua đó, chúng tôi bảo vệ những trẻ em đang bị bóc lột hay có nguy cơ bị bóc lột. 

Dự án này, vốn đã được tiến hành trong nhiều năm, được sản sinh từ nỗi giận dữ tôi cảm thấy sau những gì nhìn được, và từ tất cả những con người mà tôi đã gặp gỡ. Đó là cách tôi ủng hộ việc đại nghĩa này; mặc dù tôi biết công việc chúng tôi làm sẽ không bao giờ là đủ. Tôi muốn có thể làm thật nhiều hơn thế nữa. 


SỰ RA ĐỜI TỔ CHỨC CỦA TÔI

Dự án People For Children thực ra là chi nhánh của một tổ chức vốn đã hiện diện, tổ chức Ricky Martin. Tổ chức này ra đời nhằm giúp đỡ những trẻ em khuyết tật ở Puerto Rico, một dự án được thực hiện với sự giúp đỡ của cơ quan Easter Seals/SER của Puerto Rico, qua đó một trung tâm phục hồi dành cho trẻ em được hình thành. Điều xảy ra là cơ quan Easter Seals/SER đã có một trung tâm phục hồi ở thủ đô San Juan. Nhưng có nhiều trẻ em sống ở nơi khác trên hòn đảo không thể đến được địa điểm này vì quá xa. Do đó, chúng tôi lập nên một trung tâm phục hồi ở Aibonito, một thị trấn tọa lạc ở trung tâm của hòn đảo, nơi người ta có thể dễ dàng đến được từ mọi nơi xa xôi. Kể từ khi nó mở cửa, trẻ em có thể nhận được sự điều trị mà trước đây không hề có sẵn cho chúng. 

Sau này, khi tổ chức đã hình thành và hoạt động, chúng tôi quyết định mở rộng phạm vi hoạt động của nó nhằm mang âm nhạc đến trẻ em của Puerto Rico. Và giống như nhiều điều khác trong đời tôi, dự án này ra đời hoàn toàn từ một tình huống ngẫu nhiên. Hay có khi nào lại là không phải như vậy không? 

Cháu của tôi, vào lúc ấy đang học trường nghệ thuật, là một đứa chơi sáo, và cô bé khoe với tôi ống sáo cha nó mua cho nó. Nhưng trong khi chúng tôi đang nói chuyện, cô bé đề cập đến một điều làm tôi ngạc nhiên: Nó đôi khi phải đưa ống sáo cho những đứa trẻ khác trong lớp học mượn vì chúng không có ống sáo. Cái gì? Tôi nghĩ. Một hòn đảo như Puerto Rico, với những truyền thống âm nhạc đẹp đẽ của nó, và những đứa trẻ này thậm chí không có được nhạc cụ! Vì thế, tôi nhìn sâu hơn vào vấn đề, và tìm hiểu thêm về việc giáo dục âm nhạc trong hệ thống nhà trường trên đảo, và tôi nhận ra rằng nó đơn giản chẳng hề tồn tại. Tôi gọi cho Bộ Giáo Dục của Puerto Rico nhiều lần, và tôi khám phá ra rằng vào lúc đó chẳng có một bàn làm việc nào chuyên phụ trách về âm nhạc cả, và nếu có, họ cũng không trả lời điện thoại. Tôi không biết là từ ấy đến nay sự việc có thay đổi không, nhưng tôi thiết tha hy vọng là có. Tìm hiểu theo chút nữa, tôi nhận ra một số trường thực có khoa âm nhạc với lớp học và một vài nhạc cụ, nhưng nhìn chung chúng đã cũ, hay bị hư hại, và chúng thường là khó tìm. Giống như nhiều khu vực trên thế giới, chẳng bao giờ có vốn quĩ đầy đủ cho giáo dục, với âm nhạc thì còn ít hơn nhiều. 

Điều đầu tiên chúng tôi làm là thành lập một liên minh với hãng Yamaha và FedEx để quyên góp một triệu đô la mua nhạc cụ cho các trường ở Puerto Rico. Chẳng may, tôi không thể tham dự trong việc bàn giao các nhạc cụ, nhưng các anh em tôi và bạn tôi Mireille Bravo, người phụ trách toàn bộ chương trình, đã sắp xếp để cho tất cả các hộp nhạc cụ được đặt ngay ở giữa sân bóng chuyền. Đó là một thành công lớn, vì các học sinh khi nhìn thấy chúng, nhất định sẽ lao đến mà kêu lên: "Ối chà!" Thậm chí những học sinh không ghi danh cho môn âm nhạc cũng đăng ký để có cơ hội sử dụng chúng. Các thầy cô giáo không thể tin nổi khi họ nhìn thấy mọi thứ được đưa đến, và ở bình diện cá nhân, tôi thật hạnh phúc thấy rằng chúng tôi đang làm một điều gì đó cho những nhạc sĩ tương lai của hòn đảo. 

Đó là những dự án đầu tiên của tổ chức Ricky Martin, vốn là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của tôi kể từ khi nó được thành lập. Ngày nay, tổ chức này tập trung vào những lãnh vực khác nhau - chúng tôi không thể làm tất cả mọi điều, nhưng chúng tôi làm những gì mình có thể, ở khu vực địa phương cũng như trên toàn thế giới. Một trong những dự án chúng tôi đang phát triển ở Puerto Rico là trung tâm tuổi trẻ toàn cầu ở Loiza, một thị trấn ở bờ biển phía Bắc của hòn đảo, nơi có nhiều vấn đề về băng đảng. Mục đích là nhằm xây dựng một nơi có thể thu hút các trẻ em, giúp chúng tránh xa đường phố. Trung tâm sẽ cung cấp các lớp học, nhưng cũng sẽ có nơi để dạy thiền, yoga, mỹ thuật, và tất cả các hoạt động để giữ chúng bận rộn. Tôi tin rằng một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà tuổi trẻ trong xã hội chúng ta phải đối mặt là sự nhàn rỗi. Khi mà chúng có quá nhiều thời gian rảnh, chúng có nhiều cơ hội hơn để sa vào rắc rối, do đó, mục đích của chúng tôi là tạo dựng nên một nơi chốn giúp chúng luôn bận rộn, một nơi giống như một công viên giải trí cho trẻ em mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến 18 tuổi. Chúng tôi cũng muốn cung cấp sự giúp đỡ cho các bé gái có mang để chúng có thể sinh con trong một môi trường lành mạnh. Mục đích là nhằm chữa lành những vết thương trong xã hội, và giúp những thành viên băng đảng đang giết hại lẫn nhau nhận ra rằng những đứa được xem là kẻ thù của chúng chỉ là những đứa trẻ như chúng mà thôi. Vào tháng Sáu 2009, tổ chức RTL của Đức lựa chọn đề án xây dựng trung tâm Loiza của chúng tôi làm dự án quốc tế của họ (cùng với bốn dự án Châu Âu khác) và sẽ ủng hộ chúng tôi với các nguồn quĩ được quyên từ chương trình gây quĩ nổi tiếng trên truyền hình. Đó là một dự án dài hơn sẽ cần một khoảng thời gian dài để thực hiện, nhưng chúng tôi đang thực hiện nó với rất nhiều tình yêu thương. 

Kể từ lúc chúng tôi lập nên tổ chức, cứ như thể tôi đã gửi đi một thông điệp đến toàn thế giới rằng tôi muốn làm một điều gì đó, và thật nhiều phương cách giúp đỡ bỗng dưng bắt đầu xuất hiện trước tôi. Tất cả những gì bạn phải làm là nói, "Tôi muốn làm một điều gì đó," và đùng một cái, các cơ hội bắt đầu xuất hiện. Điều thực sự quan trọng là phải lựa chọn các mục tiêu mà bạn cho là quan trọng nhất đối với mình hay làm cho bạn rung động, bởi vì có thật nhiều điều phải làm. Tôi bắt đầu bằng âm nhạc và một trung tâm phục hồi dành cho trẻ em khuyết tật. Chúng bao gồm lãnh vực sức khỏe và giáo dục, hai mục tiêu mà tôi xem là rất quan trọng. Công bằng xã hội sẽ đến sau. 

Điều tôi biết là việc cho đi đem đến cảm giác thật tuyệt vời. Thực ra, cảm giác đó hơn hẳn mọi điều mà tôi đã làm trước đây. Và tôi biết chúng tôi có thể làm nhiều hơn thế vào lúc đó, nhưng với chút ít mà tôi đã làm được, tôi bắt đầu nhìn thấy những kết quả rất tích cực làm tôi ngập đầy niềm vui. Đó là cách chữa lành thế giới, và chữa lành cho tôi. 

Dù là tôi dành nhiều thời gian đến mức có thể cho tổ chức của mình và chúng tôi hoàn thành khá nhiều việc, tôi vẫn không cảm thấy như thế là đủ, và chúng tôi luôn tìm cách để làm hơn thế. Đôi khi có những sự việc xảy ra trong đời; trong trường hợp của tôi, tôi nhận được một cú điện thoại từ một bạn đồng sự ở Ấn Độ, điều đã dẫn dắt tôi đến việc khám phá ra sự thật kinh khủng về nạn buôn người. Cho dù mục tiêu cuốn hút bạn, hay truyền cảm hứng cho bạn để cải tạo bản thân hơn nữa là gì đi nữa, hy vọng là việc nhận biết rằng, việc xóa bỏ đi những vấn đề như là vấn đề buôn người này là điều hầu như không thể, sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta để làm mọi điều mình có thể, và rồi sau đó tiếp tục làm thêm chút nào hay chút nấy. 


SỰ RÙNG RỢN CỦA NẠN BUÔN NGƯỜI

Khi chúng tôi bắt đầu làm việc về vấn đề nạn buôn người, một trong những trở ngại chúng tôi phải đối mặt là, thường thì rất khó để khiến mọi người quan tâm đến một vấn đề to lớn và hung bạo đến thế. Điều đó giống như nhìn thẳng vào một chiến trường. Điều thật đau đớn là người ta có khuynh hướng quay nhìn đi nơi khác. Đó là điều đã xảy ra cho tôi khi tôi mới nhìn vào vấn đề. Tôi nói, "Cái gì? Có người mua và bán sex với một đứa trẻ bốn tuổi ư? Thật là không thể được." Nhưng sự thật là nó đang diễn ra. Và chỉ vì nó là một vấn đề thật kinh hãi, chúng ta không thể nào để nó qua bên được. 

Cũng vì thế, đó chính là lý do chúng ta phải đối mặt với nó trực diện, với đôi mắt mở rộng, với mục tiêu là khiến càng nhiều người biết đến nó càng tốt. 

Cũng giống như đôi khi xảy ra với rất nhiều người khác, khi tôi khám phá ra những sự tàn bạo xảy ra trên thế giới này, tôi cảm thấy mình muốn chạy về hướng ngược lại. Tôi không muốn biết điều gì đang diễn ra vì tôi chưa sẵn sàng để nghe về nó. Giống như mọi người, tôi cũng có những vấn đề của riêng mình, và thật khó để nghĩ đến việc tôi có thể làm gì để giúp đây. Nhưng tôi học được rằng càng nghiên cứu, tôi càng biết nhiều hơn, và rồi tôi cảm thấy sẵn sàng hơn để đối mặt với hiện thực của tình thế và đóng góp vào việc tìm ra giải pháp cho vấn đề. 

Vậy là, khi tôi tìm kiếm sự ủng hộ từ những người khác, tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để đề cập vấn đề là từ từ cho họ nhìn thấy toàn bộ bức tranh: Tôi thường bắt đầu bằng việc đưa ra những dữ liệu căn bản, rồi từ từ thêm vào những chi tiết, giải thích, cho đến khi cuối cùng họ có thể nắm bắt được toàn bộ bức tranh và hiểu nó một cách sâu sắc. Mặc dù, một mặt khi tôi miêu tả và giải thích vấn đề một cách sinh động, tôi phải thật cẩn thận, bởi vì tôi không muốn làm hoảng sợ những người ủng hộ đầy tiềm năng. Mặt khác: Điều tôi muốn là mọi người phải thực sự quan tâm đến vấn đề. Tôi sẽ không sơn một bức tranh màu hồng lên trên tình cảnh để mọi người chú ý, mà tôi sẽ trình bày nó theo cách tốt nhất có thể, làm sao cho mọi người hiểu được vấn đề và không hoảng sợ bỏ tránh. Tôi biết tôi có thể đuổi theo các nhà chính trị và các công dân trên thế giới để buộc họ lắng nghe tôi, nhưng tôi biết điều quan trọng hơn là tôi phải tiếp cận họ theo cách nào đó mà họ chịu lắng nghe và có thể thuyết phục họ rằng nếu chúng ta cùng hiệp lực, chúng ta thực sự có thể làm thay đổi tình thế. 

Tôi muốn cả thế giới hiểu rằng việc bóc lột hiện hữu, rằng có những người đàn ông và đàn bà bán buôn nô lệ tình dục, những dịch vụ tình dục của một đứa trẻ, và rằng cũng có những người sẵn lòng trả tiền cho những dịch vụ như thế. Ở Cam-pu-chia, tôi đã gặp một cô bé gái mười bốn tuổi bị bán và hãm hiếp. Đó là một đứa bé gái xinh đẹp. Kẻ bắt cóc nó bảo nó rằng, "Nếu mày đi với chúng tao, chúng tao sẽ biến mày thành một người mẫu và tiền mày kiếm được sẽ được gửi cho bà mày để bà ấy mua thuốc uống và trị bệnh." Nghe như thế, đứa bé gái chẳng hề chần chờ gì mà không nhận lời. Họ đã cho nó một cơ hội hiếm có, và trên hết, một giải pháp cho bệnh tình của bà nó. Làm sao mà nó có thể nói không được chứ? Nhưng thực tế, dĩ nhiên, là rất khác. Họ bắt cóc nó và đưa nó vào nhà thổ, nơi mà một người đàn ông ghê tởm đã hãm hiếp nó, làm cho nó có bầu và bị nhiễm HIV. Nếu cô bé không được tìm thấy và đưa vào viện mồ côi nơi nó và đứa con nhỏ sẽ nhận được sự chăm sóc, số phận nó sẽ ra sao đây? 

Điều tệ hại nhất là cô bé ấy không phải là trường hợp duy nhất. Có hàng triệu trẻ em với câu chuyện tương tự. Tôi đã gặp một cô bé bị chính cha mình bán cho bọn buôn người, để có tiền nuôi những đứa con còn lại; cô bé ấy đã bị nhiễm AID và là mẹ của một đứa bé ba tháng tuổi. Khi tôi gặp nó, nó không biết là liệu đứa bé cũng bị nhiễm bệnh hay không, bởi vì vào lúc ấy, mất đến vài tháng mới có thể biết được một đứa bé có được sinh ra cùng với HIV hay không. 

Tôi đã nghe hàng trăm câu chuyện tương tự như thế. Chính phủ cố gắng để chống trả, nhưng điều đó giống như ngăn những con sóng của đại dương không vỗ vào bờ. Nhu cầu thật vô cùng to lớn. Có quá nhiều những người đàn ông trên thế giới thích thú việc cưỡng bức trẻ em làm nô lệ tình dục. 

Có một lần tôi đi đến Phnom Penh, thủ đô của Cam-pu-chia, trên một chuyến đi tìm hiểu sự thật cho tổ chức của tôi. Có một nơi dạo chơi dành cho khách du lịch, và ở đó, người ta có thể thấy hàng tá kẻ biến thái dụ dỗ trẻ em nhỏ. Có nhiều các hộp đêm có những tầng thứ hai nơi kê những chiếc giường. Ở đó, tôi nhìn thấy những gã đàn ông trả tiền để ngủ với những đứa bé gái tám tuổi hay những cậu con trai sáu tuổi, và tôi muốn nôn mửa. Tôi thấy điều này tiếp tục diễn ra, và tôi nói với mình: "Tôi có thể làm gì đây? Tôi đang làm việc như điên cho mục tiêu này, và cứ như thể tôi đã chẳng làm được điều gì." 

Điều đó khiến tôi không hết tức giận. Cơn cuồng nộ làm tôi mờ mắt khi tôi nhìn thấy một gã đàn ông trả 300 đô Mỹ để quan hệ tình dục với một bé gái tám tuổi. Đó là điều tôi chẳng thể nào hiểu được và tôi đơn giản chẳng thể nào chấp nhận được. Bất kỳ gã đàn ông nào có thể làm được điều này là một tên tội phạm và nên bị chôn sống làm mồi cho côn trùng. Và tại sao điều đó làm tôi giận dữ đến thế? Chẳng phải là bởi vì tôi đã phải trải qua nó, mà chỉ là vì điều đó thật phi nhân bản, và tôi đã chứng kiến sự phi nhân đó với chính đôi mắt mình. Tôi đã nhìn thấy sự sợ hãi của những đứa trẻ này được ghi lại trên máy ảnh; tôi đã nhìn thấy video của những bé gái năm tuổi, trông vô cùng hoảng sợ khi được hỏi, "Mày muốn làm pum pum? Hay là num num?"

Num num ám chỉ khẩu dâm, và pum pum là mọi thứ khác. Trên video, người ta có thể nghe thấy tên tội phạm đang chỉ về những đứa bé gái nhỏ như thể chúng là hàng hóa. Gã ta nói, "Đây là những đứa đắt tiền nhất... những đứa còn trinh." Và khi gã ta mở cửa, người ta thấy năm đứa bé gái, nắm chặt tay run rẩy. Rồi một gã đàn ông trông lố bịch xuất hiện, liếm môi, và nói, "Có thể là đứa đó, đứa thứ ba ấy..."

Những đứa bé gái nói chung đến từ những gia đình rất nghèo. Một ngày kia một gã buôn người xuất hiện tại nhà họ và bảo với những người cha mẹ rằng nếu họ bán đi những đứa con gái, mỗi tháng họ sẽ được gửi 1.000 đô Mỹ. Làm sao mà họ có thể nói không được chứ? Một ngàn đô tương đương với năm năm làm việc. Các người cha mẹ xem đó như một cơ hội để mua thực phẩm và thuốc men, và bảo với con gái họ rằng đã đến lúc phải đi làm. 

Và mọi việc được bắt đầu như thế. 

Có những gã buôn người đến, với câu chuyện về một công ty người mẫu nào đó. Và điều này, dĩ nhiên, làm những đứa bé gái và mẹ chúng cảm thấy phấn khích. Có đứa bé gái nhỏ nào không mơ ước một ngày nào đó được trở thành một người mẫu? Vậy là những gã này bảo với họ rằng có một công ty Châu Âu ở thủ đô đang tìm kiếm những đứa bé gái có đôi mắt và mái tóc giống như thế, và rằng cô bé sẽ được lên sóng truyền hình và xuất hiện ở các chương trình trình diễn thời trang. Cả bà mẹ và những đứa bé gái hăm hở nhận lời. Nhưng lúc mà những đứa bé gái được đưa ra khỏi nhà, chúng bị liệng vào trong nhà chứa. 

Cứ mỗi lần tôi nghĩ là tôi đã nghe đủ loại câu chuyện, là có lẽ không còn câu chuyện nào khủng khiếp hơn câu chuyện tôi vừa nghe, thì một câu chuyện còn tệ hại hơn nữa xuất hiện. Tôi tham dự các cuộc hội nghị ở khắp mọi nơi trên thế giới - ở New York, Vienna, bất kỳ nơi nào vấn đề nạn buôn người tồn tại - và luôn luôn tìm hiểu về những trường hợp mới vừa được đưa ra ánh sáng. Và điều ngạc nhiên nhất về nó là nhận ra rằng tôi thực sự không biết gì về sự độc ác của con người. Tôi luôn muốn tin rằng con người bản chất là tốt, nhưng khi tôi nghe những câu chuyện này tôi nhận ra rằng không phải như vậy: Nếu có những con người trên thế giới này thật sự tốt và rộng lượng, thì cũng có những con người thật độc ác đáng ghê tởm. Những sự hung bạo đó làm đau lòng đến nỗi có nhiều lúc tôi cảm thấy tôi nên từ bỏ và về nhà, vì cho dù tôi có làm gì đi nữa, nạn buôn người là một cuộc chiến đấu cam go. Nó là một con quái vật to lớn và hung hãn. 

Có biết bao luật lệ và qui định được ban ra để khống chế nạn buôn người cũng không thành vấn đề; có quá nhiều quốc gia mà ở đó luật lệ không hề được tuân hành. Ở những quốc gia khác, các luật lệ đã lỗi thời. Thí dụ như, có một số quốc gia rất mạnh ở Châu Mỹ La Tinh nơi nạn mại dâm được dung dưỡng, và hiến pháp qui định rằng một đứa bé trai trở thành đàn ông vào lúc 18 tuổi, trong khi một đứa bé gái trở thành người lớn vào lúc 12 tuổi. Do đó, nếu bạn nhìn thấy một đứa bé gái 12 tuổi đứng bên đường để bán thân xác, thì, về mặt kỹ thuật - và theo luật lệ quốc gia, nó được xem như một người lớn và có mọi quyền để làm một con điếm. Điều đó có vô đạo đức không? Tôi nghĩ là bất cứ ai cũng đồng ý rằng đúng là như vậy. Tuy nhiên, nó có trái pháp luật không? Không. Và bi kịch nằm ở chỗ đó. 

Điều đó thực sự làm tôi tuyệt vọng. Tôi phải hỏi chính mình, khi nào mà chính chính phủ của các quốc gia vẫn đang cho phép điều này xảy ra, nếu họ không nhận ra rằng họ đang bóc lột những đứa bé gái nhỏ của chính họ, những công dân của chính họ, thì điều tôi đang làm là gì đây? Có phải là tôi đang cố gắng để xóa bỏ tình trạng nô lệ trong thế kỷ 21 này không? 

Nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi biết cho dù nó có khó khăn đến đâu đi nữa, có vẻ bất khả thi đến đâu chăng nữa; tôi phải tiếp tục cuộc chiến đấu này. Nó là một trong những thử nghiệm trong đời sống mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Không bao giờ là dễ dàng để đạt được những điều quan trọng nhất, và mục tiêu càng quan trọng bao nhiêu, chúng ta càng phải chiến đấu để giành được nó nhiều hơn. Muốn leo lên được đến đỉnh núi thì không thể nhảy một cái là xong.

Một trong những điều giúp tôi tiến về phía trước là cuộc gặp gỡ với một nhà hoạt động người Scotland khi tôi đang ở Cam-pu-chia. Tôi bảo với ông ta rằng đôi khi tôi muốn từ bỏ mục tiêu này vì hiện thực của cuộc chiến đấu không ngừng mang đến cho tôi quá nhiều sự thất vọng. Có vẻ như cho dù tôi có làm gì đi nữa hay nói chuyện với ai đi nữa cũng chẳng ích lợi gì, bởi vì hàng ngày tôi cứ nghe thêm về chuyện có thêm những cô gái điếm trẻ hay có thêm những trẻ em là nạn nhân bị hãm hiếp. Nó cứ như thể tôi tiến về phía trước một bước, thì lùi lại phía sau hai mươi bước. 

Ông ta chăm chú lắng nghe tôi và rồi nói điều này mà tôi sẽ không bao giờ quên: "Hãy tập trung vào những con người mà anh đã giúp. Mỗi mạng sống mà anh đã cứu thì không hơn cũng không kém một mạng người. Có bớt đi một cuộc đời nữa sa vào vòng nô lệ. Đừng tập trung vào những gì mà anh chưa đạt được, hay chưa làm được. Hãy tập trung vào những gì mà anh đã thành tựu. Anh đã cứu được ba đứa bé gái thoát khỏi đường phố. Và ngày mai anh có thể có cơ hội để cứu thêm một con người nữa. Đó là điều đáng để ăn mừng."

Ông ta nói đúng. Để tiếp tục cuộc chiến đấu này, cũng giống như trong bất kỳ cuộc chiến đấu nào khác, điều quan trọng là phải tập trung vào những thành tựu, và những kết quả đã thu được. Không được đầu hàng nỗi thất vọng về những mục tiêu vẫn cần phải đạt được. Mỗi đời sống cá nhân được cứu là một chiến thắng trong cuộc chiến không có hồi kết này. 

Có một câu chuyện tôi yêu thích minh họa tuyệt vời cho quan điểm mà nhà hoạt động người Scotland đưa ra. Có một người đàn ông đi dạo dọc theo bờ biển, và đến một nơi có hàng ngàn con cá bị mắc cạn trên bờ, đang ngộp thở vì không có nước. Người đàn ông đó bắt đầu liệng cá trở lại biển cả. Một người đàn ông khác đi dạo ngang thấy được, bèn hỏi: "Anh đang làm gì thế? Anh biết là anh không thể nào cứu được tất cả chúng mà."

"Không, tôi không thể nào cứu hết chúng được," người đàn ông đầu tiên nói. Và khi ông ta liệng một trong những con cá trở vào biển, ông ta nói: "Nhưng con cá này, tôi có thể cứu."

Lời răn dạy của câu chuyện này quá rõ: Mỗi một bước hành động đều quan trọng. Mỗi một nỗ lực tạo nên sự thay đổi, cho dù nó có thể là nhỏ bé đến đâu đi nữa.

Đối với tôi, điều này có nghĩa là tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để làm công việc của một người phát ngôn, giúp nâng cao nhận thức về những gì đang diễn ra. Ở bình diện cá nhân, tôi nghĩ là tốt hơn tôi nên có mặt trên các đường phố, đấu tranh ở các cống rãnh, và cứu giúp trẻ em mỗi một ngày. Nhưng tôi biết tôi sẽ tạo thêm nhiều sức mạnh hơn cho phong trào, cho mục tiêu, và cho các nhà hoạt động, nếu tôi khoác lên mình bộ đồ com-plê và cà vạt và nói chuyện trực tiếp với Quốc Hội Mỹ về những điều hãi hùng đang diễn ra. Đó là lý do tại sao tôi phải nói chuyện với các nhà vận động hành lang, với các nghị sĩ, và với tất cả những nhân vật có ảnh hưởng - những người có thể đóng góp, bằng một cách nào đó, cho sự nghiệp này mà tôi đã dành toàn tâm toàn ý cho nó, bởi vì những luật lệ phải được tạo ra và rồi phải được tuân thủ nghiêm nhặt. 

Đôi khi, tôi cảm thấy có vẻ như thật khó khăn, vì tôi đi vào con đường phúc thiện không phải là để đi vòng vòng trong bộ đồ com-plê và cà vạt, nói chuyện với những người khác cũng ăn vận giống mình. Tôi đi vào con đường phúc thiện vì mối tiếp xúc đầu tiên của tôi là trực tiếp với các trẻ nhỏ. Chính qua mối tiếp xúc này mà tôi hiểu được sự cấp bách của tình thế; thấy được nụ cười hạnh phúc trên gương mặt một đứa trẻ đã trải qua những điều rùng rợn như thế là một trong những quà tặng đẹp đẽ nhất của cuộc đời này. Nhưng một trong những điều tôi đã học được trong quá trình đó là mọi người phải giúp đỡ với những công cụ mà mình được trao ban. Vì thế, mặc dù tôi dễ dàng lội bộ hàng ngày trên những đường phố của thành phố Calcutta tìm kiếm những đứa bé gái để cứu giúp, sự việc tôi là người của công chúng tạo ra một phương hướng công việc hoàn toàn khác mà tôi có thể làm để giúp, điều mà không phải ai cũng có thể làm được. ‎ 


CẤT LÊN TIẾNG NÓI 

Nói chung, tôi luôn muốn sống càng bình lặng càng tốt khi không ở trên sân khấu, tôi không thích là trung tâm của sự chú ‎ý. Thực ra, khi tôi bắt đầu thành lập tổ chức, tôi muốn ẩn danh, vì tôi làm thế từ khát vọng cá nhân để giúp trẻ em, chứ không phải để phô diễn với thế giới nhằm đánh bóng mình. Nhiều người khuyến khích tôi công bố những gì tôi làm, nhưng tôi không bao giờ muốn người ta nghĩ rằng tôi làm thế để thu hút sự chú‎ ý của công chúng. Điều quan trọng với tôi là giúp trẻ em theo cách tốt nhất có thể, chứ không phải để người ta biết rằng "Ricky Martin làm điều này" hay "Ricky Martin làm điều kia." Nhưng một số trong các nhà hoạt động chống lại nạn buôn người mà tôi làm việc cùng cách đây vài năm đã khiến tôi thấy rằng tôi đã sai. 

"Ý anh là sao, anh không muốn người ta biết à?" họ nói. "Thật vô lý! Chúng tôi cần tiếng nói của anh. Chúng tôi đã làm điều này nhiều năm, và đa số người ta phớt lờ chúng tôi. Nhưng nếu người như anh, một người nghệ sĩ nổi danh và được công chúng kính trọng, bắt đầu la lên thông điệp của chúng tôi đến thế giới, anh không nghĩ là sẽ tạo ra được sự thay đổi à? Người ta sẽ chú ‎ý đến anh. Có thể họ sẽ không làm điều anh bảo, nhưng ít nhất họ sẽ chú ý và chỉ riêng điều đó đã là một sự tiến triển rồi."

Sự việc với tư cách là một nghệ sĩ, tôi có thể có quyền lực để thuyết phục và tạo nên một sự nhận thức nào đó là điều thật tuyệt vời. Desmond Child đã từng có lần nói với tôi, "Ricky, đừng cảm thấy xấu hổ khi có được quyền lực đó. Hãy sử dụng nó! Không phải ai cũng có được nó. Mỗi con người được sinh ra đời với một sứ mệnh, và chính vì thế mà thánh Mahatma Gandhi đã và tiếp tục sẽ là thánh Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Jr., và đức Dalai Lama cũng thế. Tôi không nói là anh phải giống như họ, nhưng đây này, khi anh nói, người ta lắng nghe."

Những người chỉ nhằm mục đích thu hút giới truyền thông chẳng nên bận lòng hoạt động để làm gì. Họ chỉ nên làm thế nếu điều đó đến trực tiếp từ trái tim của họ. Tuy nhiên, tôi không thể trách cứ những người không làm gì. Có lẽ một số trong các đồng sự của tôi đã không dành cho bất kỳ mục tiêu nào tiếng nói của họ là vì họ chưa tìm được điều gì làm họ xúc động và khuyến khích họ. Cũng có thể là vì cho đến giờ này họ chưa phải đối mặt trực diện với vấn đề buộc họ phải đứng dậy và nói, "Đủ rồi!" Tôi đã làm việc như điên trong mười ba năm trước khi có sự giác ngộ này. Và mặc dù dễ dàng để người ta nghĩ rằng nếu tôi bắt đầu sớm hơn tôi đã có thể làm được nhiều điều hơn thế, sự thật là tôi không thể làm được. Hãy nhớ rằng: Trong đời sống, mọi thứ đều có thời điểm của nó, và không trước cũng không sau. Tôi gặp những đứa bé gái đó vào ngay lúc tôi cần để gặp chúng, bởi vì đó là lúc tôi sẵn sàng để cống hiến nhiều hơn. Tôi đã làm việc chăm chỉ kể từ khi còn là một thằng nhóc cho thứ mà tôi ngưỡng mộ - âm nhạc. Và tôi làm thế vì tôi muốn làm thế, chứ không phải là bị bắt buộc. Thời kỳ thơ ấu của tôi thật đẹp đẽ và không giống ai. Nếu tôi đã chọn sự nghiệp này, đó là do nó xuất hiện trên đường tôi đi và chạm vào lòng tôi mạnh mẽ. Nó khiến tôi rung động. Và tôi cảm thấy nếu tôi thấy một điều gì đó mà tôi không đồng ý, và không làm gì hết, vậy thì theo một cách nào đó, tôi đang cho phép điều đó diễn ra; điều đó giống như tôi là một kẻ đồng lõa. Nếu chúng ta, những người có mặt cùng nhau trên trái đất này, không quan tâm lẫn nhau, vậy thì ai khác sẽ quan tâm đây? Đó là nhiệm vụ của chúng ta. Tất cả chúng ta có trách nhiệm nào đó trên con đường tâm linh. Nó có thể là chống lại nạn buôn người; giúp đỡ những người già; trợ giúp những kẻ bơ vơ; chiến đấu cho quyền lợi của cộng đồng LGBT(Những Người Đồng Tính Nữ, Đồng Tính Nam, Lưỡng Tính, Chuyển Giới); hay cứu giúp những người đói - nhưng tất cả chúng ta có nghĩa vụ phải đứng lên ủng hộ những gì chúng ta tin tưởng và giúp đỡ những người kém may mắn hơn và chăm sóc những kẻ khốn cùng nhất. 

Vậy là tôi bắt đầu lên tiếng. Tôi bắt đầu nói ngày càng nhiều hơn vì tôi muốn tạo nên một sự nhận thức: Tôi muốn toàn thế giới lắng nghe điều tôi phải nói, và tin rằng cùng với nhau chúng ta có thể chiến đấu chống lại cơn dịch này. Và có vẻ như việc lên tiếng này có hiệu quả, vì sau một thời gian ngắn, nhiều tổ chức có uy tín và nổi tiếng quan tâm đến việc thành lập một liên minh với tổ chức Ricky Martin. Những mối liên minh này rất quan trọng, vì tôi biết chỉ riêng mình tôi không thể làm được nhiều việc. Trong thế giới phi lợi nhuận, việc liên minh là vô cùng cần thiết. Cho dù là tôi có ý tưởng rất rõ ràng về điều tôi muốn làm, điều đó không có nghĩa là tôi nhất thiết biết được cách thức để thực hiện nó. Nói rằng "Tôi muốn giúp những đứa bé gái này" là một chuyện, nhưng đi vào thực tế để giúp chúng là một chuyện hoàn toàn khác. Chính vì thế tôi phải tìm các tổ 


chức khác có kinh nghiệm làm việc cho những mục tiêu mà cho tôi cho là quan trọng nhất. Kể từ đó về sau, chúng tôi bắt đầu làm việc với các nơi như nhà băng the Inter-American Development Bank, tổ chức UNICEF, tổ chức Save the Children, tổ chức ATEST (Alliance to End Slavery and Trafficking), trường đại học Johns Hopkins University, tổ chức the International Organization for Migration, trường đại học the University of Puerto Rico, tổ chức the Florida Coalition Against Human Trafficking, và thậm chí cả hãng Microsoft.

Một trong những chương trình chúng tôi phát triển cùng với hãng Microsoft được nhắm vào một vấn đề cụ thể. Chẳng may, một trong những cách thức dễ dàng nhất để buôn lậu trẻ em là qua đường Internet. Các tên buôn người len lỏi vào các diễn đàn tán gẫu và trẻ em bắt đầu tán chuyện với chúng và kết bạn, dĩ nhiên không biết là đang tiếp chuyện với những người lớn. Và trong khi mà các bậc cha mẹ nghĩ rằng những đứa con của họ đang tán chuyện với bạn bè, thực ra ch‎úng đang tán chuyện với những tên buôn người ngay tại phòng khách trong căn nhà của họ. Điều đó kinh hãi vô cùng. Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, chúng tôi hợp lực với hãng Microsoft để tạo nên một chương trình gọi là Navega Protegido (Định Hướng An Toàn), với mục đích bảo vệ trẻ em trên thế giới ảo. Navega Protegido là một chiến dịch giáo dục các bậc cha mẹ cũng như các thầy cô giáo về những hiểm họa đối với trẻ em khi chúng lướt mạng. 

Mặc dù chúng tôi không thể hoàn toàn ngăn chặn loại hiểm họa này xảy ra, ít nhất chúng tôi có thể nâng cao nhận thức. Chúng tôi đặt quảng cáo ở các hệ thống giao thông công cộng, nói rằng: "Bạn biết ai đang tán chuyện với con gái bạn không?" Và ở các phi trường, nơi những đứa trẻ bị bắt cóc được đưa lên máy bay sang các quốc gia khác, chúng tôi đặt những quảng cáo nói rằng: "Bạn có biết bạn đang bay đến đâu không? Bạn có đã gặp người này trên Internet không?"

Sau đó, chúng tôi cho ra đời một dự án mang tên Llama y Vive (Gọi và Sống), một đường dây điện thoại nóng mà các nạn nhân buôn người có thể gọi để được giúp đỡ. Chúng tôi cũng tiến hành các chiến dịch truyền thông để quảng bá những số điện thoại này và nhận được sự đáp ứng rất tốt. Một ngày kia, một người phụ nữ đến một trong những đài phát thanh nơi đã quảng bá những số điện thoại nóng, và nói: "Chào, tôi đã nghe về chiến dịch Llama y Vive của các anh, và tôi không có điện thoại. Nhưng tôi là một nạn nhân." Dĩ nhiên, nhân viên đài phát thanh gọi chính quyền ngay lập tức, và chính quyền sau đó liên lạc với chúng tôi để giúp đỡ người phụ nữ này trong việc phục hồi. Và cứ như thế, chúng tôi cứu thêm một mạng người. Mỗi một sinh mạng người đều quan trọng mà. 

Nỗ lực của tổ chức Ricky Martin tiếp tục được mở rộng, và chúng tôi luôn tìm kiếm những cách thức mới để chống lại nạn buôn người. Vào đầu năm 2010, trong sự hợp tác với hiệp hội tài chính Doral, chúng tôi cho ra đời một chương trình cộng đồng mới nhằm động viên nhận thức xã hội. Tôi được thuyết phục rằng đây là vấn đề chúng ta có thể giải quyết được. Cho dù nó có to lớn đến đâu chăng nữa, có lan tràn ở các quốc gia trên thế giới như thế nào chăng nữa cũng không quan trọng, tôi biết chúng tôi đã có thể nâng cao được nhận thức về nó; và có thể là nếu ai cũng thấy được những hiểm họa mà trẻ em trên thế giới đối mặt bằng chính đôi mắt mình, chúng tôi có thể tạo nên sự thay đổi. 


NHỮNG TẠI HỌA THIÊN NHIÊN 

Một trong những điều ít người biết về nạn buôn người là những tên buôn người thường lợi dụng những tình thế khắc nghiệt như động đất, lụt lội, hay chiến tranh, để bắt cóc trẻ em vốn dễ tổn thương nhất. Một số trong những kinh nghiệm sâu sắc nhất mà tôi đã sống qua kể từ khi tôi bắt đầu chiến đấu chống lại nạn buôn người là khi tôi viếng thăm những nơi bị tàn phá bởi những tai họa thiên nhiên, như trận sóng thần năm 2004 và trận động đất 2010 ở Haiti. Tôi sẽ không bao giờ, trong cuộc đời mình, xóa bỏ được những hình ảnh đó khỏi tâm trí mình, và sự thật là tôi cũng chẳng muốn: Tôi không muốn quên đi tất cả sự tàn phá, nỗi đau, và cảnh tan hoang mà tôi đã nhìn thấy vì tôi không muốn quên rằng mỗi ngày tôi phải tiếp tục chiến đấu cho mục tiêu của mình. 

Cơn sóng thần tấn công vào lúc 9.33 sáng ngày 26/12/2004, trên những bờ biển của Patong, Thái Lan. Theo các nhân chứng, con sóng đầu tiên đo được đến hơn 30 feet về độ cao. Nó phá hủy mọi thứ trên đường đi. Nó lật nhào xe cộ, đập tan nát các tòa nhà, quật ngã cây cối, nghiền vụn gạch đá bằng những luồng nước xoáy. Các con sóng này gây ra tổn hại khổng lồ, và hàng ngàn người chết ở Nam Dương, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, Somalia, và the Maldives. Trên đường đi của nó, nó để lại tổng số người chết hơn 287.000 người và hơn 50.000 người mất tích. Một phần ba trong số những người chết là trẻ em.

Cho dù là tin tức lan truyền trên tất cả các phương tiện truyền thông, mãi cho đến nhiều ngày sau đó tôi mới biết được tin. Tôi đang ở trên một hòn đảo riêng tư ở Puerto Rico, ăn mừng sinh nhật cùng với một nhóm bạn bè. Dù hòn đảo có đủ mọi phương tiện liên lạc, tôi muốn được biệt lập, và cả một tuần trôi qua tôi không nhìn lấy vào điện thoại cầm tay lần nào cả. Tôi không biết điều gì đang diễn ra ở Puerto Rico, không quan tâm đến phía bên kia của thế giới. Tôi chỉ tận hưởng thời gian vui thú, bơi lội ở biển, nghỉ ngơi trên bờ cát, ca hát và chơi nhạc. 

Vì thế cho mãi đến ngày 3 hay 4 tháng Giêng, khi tôi trở về San Juan, tôi mới biết về cơn sóng thần. Phản ứng đầu tiên của tôi là một sự đau đớn tột cùng. Tôi nghĩ rằng nếu cơn sóng thần xảy ra ở Ấn Độ Dương thay vì phía bên kia của thế giới, có lẽ tôi sẽ biến mất khỏi mặt đất này, vì tôi đang ở trên một hòn đảo bằng phẳng đến nỗi chẳng có nơi nào để chạy cả. Tôi nghĩ rằng bởi vì tôi vừa trở về sau nhiều ngày nghỉ ngơi ở biển, nên tin này làm tôi cảm thấy chấn động hơn, khi nghĩ rằng ở phía bên kia của hành tinh này, đại dương đã thực sự trở thành một con quái vật. 

Tôi ngỡ ngàng và choáng váng vô cùng. Tôi xem cảnh náo loạn trên truyền hình, mọi cảnh tàn phá đổ nát, nghe những báo cáo về hàng ngàn người chết và vẫn đang mất tích, và những đứa trẻ bị lạc mất đang tìm kiếm cha mẹ mà giờ này chỉ có Thượng Đế mới biết được là họ đang ở đâu. Và đột nhiên tôi nhận ra rằng, đây là môi trường hoàn hảo cho bọn buôn người: Có hàng ngàn trẻ em bị chấn động, các trẻ mồ côi, bị lạc và bơ vơ, đang sẵn lòng nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ những ai sẵn lòng ban cho. Một khi lối suy nghĩ này xuất hiện trong đầu óc tôi, không có cách nào để tẩy xóa nó. Tôi biết những đứa trẻ này đang gặp nguy hiểm và tôi phải làm một điều gì đó về nó. 

Và làm một cách nhanh chóng. 

Tôi gọi cho viên giám đốc quản trị của tổ chức và tôi nói với ông ta, "Chúng ta phải đi Thái Lan ngay lập tức."

"Được," ông ấy nói, "và chúng sẽ làm gì ở đó?"

"Tôi không biết!" tôi trả lời. "Tôi chỉ biết là chúng ta phải đi và chúng ta phải lên tiếng để mọi người lưu tâm đến những gì đang diễn ra."

Tôi biết đó là một trong thời điểm mà việc sử dụng năng lực thuyết phục của mình thật vô cùng quan trọng. Tôi sẵn sàng đứng trên đỉnh nóc của bất kỳ tòa nhà nào và kêu lên, "Coi chừng! Các trẻ em có thể đang bị buôn bán ngay bây giờ. Chúng có thể đang bị bắt cóc khi chúng ta đang nói đây!"

Và đó hầu như là những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi mời một nhà văn người Puerto Rico - người từng du hành cùng chúng tôi nhiều lần. Mỗi lần chúng tôi đi làm sứ mạng ở Jordan hay Calcutta, cô ấy luôn tham gia để ghi chép lại mọi thứ diễn ra trên chuyến đi. Khi chúng tôi đã sẵn sàng để khởi hành, chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ nhà sản xuất chương trình Oprah Winfrey Show hỏi chúng tôi sẽ làm một điều gì đó không. Vì thế, chúng tôi mời cô tham gia cùng luôn, và thế là, cuối cùng chúng tôi được tháp tùng bởi những nhà quay phim từ một trong những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trên thế giới. Thật khó để hình dung một sự liên minh hoàn hảo hơn thế. Chúng tôi chưa đến nơi, nhưng chúng tôi biết chúng tôi nhất định sẽ cất lên được tiếng nói!

Chúng tôi khởi hành trên một chiếc phi cơ từ San Juan đến New York, rồi bay từ New York đến London, và sau đó từ London đến Bangkok. Trong khi mà chúng tôi đang trên chuyến bay từ New York đến London, với báo chí và máy quay phim trên máy bay cùng với chúng tôi, chúng tôi vẫn chưa có lịch trình. Chuyến đi diễn ra bất ngờ đến nỗi chúng tôi không có thời gian để hoạch định những điều sắp làm. Theo cái cách mà mọi việc đang diễn ra, chúng tôi sẽ đáp xuống Bangkok và sẽ phải bảo mọi người, "Vui lòng đợi ở đây trong khi chúng tôi thuê một chiếc xe... " Tôi nói về điều này bây giờ và nó khiến tôi bật cười, nhưng vào lúc đó tâm trí chúng tôi đang vội vã vì chúng tôi không có kế hoạch chi tiết về những gì chúng tôi sắp làm, điều không giống chút nào với cách tôi thường làm việc, và đội ngũ của Oprah chắc chắn cũng vậy. Nhưng đây là một sứ mệnh đến trực tiếp từ trái tim, và ở giữa cơn hỗn loạn, tôi không ngừng lặp đi lặp lại, như một lời thần chú, "Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi."

Trong khi chúng tôi đang ở New York, viên giám đốc quản trị của tổ chức nói chuyện qua điện thoại với lãnh sự quán Thái ở thủ đô Washington, bảo họ rằng Ricky Martin đang trên đường đến quốc gia của họ và muốn giúp trong bất kỳ cách thức nào có thể. Tôi đang nghe theo lời khuyên của các nhà hoạt động không còn e ngại khi sử dụng tên tuổi mình cho mục tiêu mà tôi đặt niềm tin. 

Chúng tôi đến phi trường Heathrow ở London, và viên giám đốc quản trị của tôi lần nữa liên hệ với tòa lãnh sự quán Thái ở Washington, và biết rằng viên lãnh sự vô cùng hạnh phúc rằng chúng tôi muốn giúp và ông ta hoàn toàn ủng hộ. Một lần nữa, các hành tinh sắp xếp ngay ngắn để mọi việc sẽ trôi chảy một cách thần kỳ. Hay có thể chỉ là do năng lực của khối óc thật kỳ diệu. Trong những giờ phút căng thẳng cực kỳ ấy, thần chú của tôi giúp được nhiều - điều đó, tôi không nghi ngờ một giây phút nào cả.

Vào lúc chúng tôi đến Bangkok, mọi thứ đã được giải quyết. Chúng tôi được đón tại phi trường và chúng tôi có một cuộc họp mặt với vị thủ tướng, ở đó chúng tôi được nghe tóm tắt về những gì đã diễn ra, và việc tình thế đang được xử lý như thế nào. Rồi họ đưa chúng tôi đến khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi cơn sóng thần. 

Thật không thể tin được. Cơn động đất gây ra trận sóng thần làm rung chuyển các đường phố trên hòn đảo Phuket vào lúc 7.58 sáng, giờ địa phương, lật ngã những khách bộ hành và những người lái xe mô tô và khiến những tài xế không còn điều khiển được xe hơi của mình. Độ mạnh của trận động đất, 9,1 trên cân Richter, được xem là độ mạnh cao nhất thứ ba kể từ khi có sự hiện diện của máy đo địa chấn; nó mạnh đến nỗi khiến cho toàn bộ trái đất rung chuyển và di chuyển khỏi trục của nó gần một độ. Tâm động đất chính cách đảo Phuket gần 500 km, phía Tây của Sumatra, ở dưới đáy biển. (Cường độ lớn nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay là qua cuộc đại động đất ở Chile vào năm 1960, được biết đến như trận động đất Valdivia, gây ra một trận sóng thần tàn phá Hilo, Hawaii, hơn mười ngàn kilomet từ tâm động đất.)

Lần rung chuyển đầu tiên kéo dài hơn tám phút. Khi nó kết thúc, cơn rung chuyển tệ hại nhất vẫn chưa đến. Khoảng một giờ rưỡi sau trận động đất, những người trên hòn đảo Phuket lưu ý thấy nước biển bắt đầu rút đi nhanh chóng. Một số người đi để điều tra và để nhặt lấy một số cá bị mắc cạn trên đất khô do nước rút đi bất ngờ. Những người đang trên bãi biễn Mai Khao ở phía Bắc của hòn đảo rất may mắn, vì một đứa bé gái mười tuổi người Anh đã từng học về sóng thần trong lớp học địa lý ở trường sơ cấp nhận ra được những dấu hiệu của một cơn sóng thần đang đến. Cô bé giải thích cho cha mẹ và gia đình cô báo động cho mọi người khác trên bãi biễn, và tất cả họ có thể trốn thoát. Cách đó không xa lắm, một giáo sư người Scotland cũng nhận ra dấu hiệu của điều sắp đến và cũng có thể lên được một chuyến xe buýt đầy du khách và cư dân địa phương để đến nơi an toàn. 

Chẳng may, điều tương tự không xảy ra ở những khu vực khác. Nhiều người đi ra để điều tra hay ở nguyên tại chỗ một cách thản nhiên mà không hề nhận ra điều gì sắp xảy ra. Nhiều phút sau, con sóng biển động đầu tiên đến và nó quăng tàu thuyền và xe cộ vào trong không trung, phá nát nhà cửa, và kéo cây cối rời khỏi mặt đất. 

Con sóng thứ hai đến ba mươi phút sau, và ba mươi phút sau nữa, con sóng mạnh nhất trong tất cả đến, được ước tính cao đến gần 100 feet. Con sóng đó biến đường phố thành một con sông hỗn tạp hung bạo, chứa đầy những mảnh gạch đá vỡ, nó tràn lên đến tầng thứ hai của nhiều tòa nhà và phá hại hàng dặm bãi biển.

Xuyên suốt Ấn Độ Dương, có nhiều sóng thần với cùng cường độ, tràn vào bờ biển của Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka, và bảy giờ sau trận động đất đầu tiên, ở Somalia. Sóng thần là thảm họa nguy hiểm nhất trong lịch sử và để lại toàn một khu vực bị tàn phá đến nỗi đến ngày hôm nay vẫn còn rất khó khăn để phục hồi một cách toàn vẹn. 

Sau khi tôi đến Thái Lan, khoảng mười ngày sau khi trận động đất xảy ra, họ đưa tôi đến khu vực Pang Na và bảo tôi là có những khu vực khác mà sự tổn hại còn nặng gấp năm lần hơn những gì tôi đang nhìn thấy. Thật khó cho tôi để hình dung điều đó, vì ngay nơi tôi đang đứng tình thế trông vô cùng tệ hại. Trường học được biến thành bệnh viện, nhà của một ai đó trở thành trường học, và chùa Phật giờ đây là nhà xác. Đền thờ, nơi mà người ta thường đến để tìm một đời sống tinh thần nào đó, thì giờ chất đầy những xác người. Hãy dừng và suy nghĩ về điều đó trong một lúc. 

Nhưng ở giữa quá nhiều sự hoang tàn ấy, cũng có niềm hy vọng. Nhiều trẻ em đã trở thành mồ côi, nhưng tôi cảm thấy tôi vẫn có thể làm một điều gì đó cho chúng. Điều xảy ra vào những lúc như thế này, như tôi đã giải thích trước đây, là những tên buôn người sẽ lợi dụng tình thế trong suốt những thảm họa thiên nhiên. Bọn họ lợi dụng sự tuyệt vọng của tình thế và quả thực đi câu cá trên những đường phố. Bọn họ biết sẽ có nhiều trẻ em thất lạc, không còn gia đình để bảo vệ chúng và hoàn hoàn sợ hãi. Khi bọn họ tiếp cận một đứa trẻ nhỏ đang khóc đòi mẹ, bọn họ biết rằng đứa trẻ này sẽ tin vào bất kỳ ai nói, "Chú biết cha mẹ cháu đang ở đâu. Hãy đi với chú."

Và đó là cách chúng bị bắt cóc. Và đó chính là lý do tôi muốn đến đó. Bất cứ nơi nào có thảm họa thiên nhiên, có sự hỗn loạn, sẽ là cơ hội cho bọn buôn người tìm cách khai thác, lợi dụng những ai đang bị tổn thương nhất và đánh cắp của họ những quyền sống con người căn bản nhất. 

Tại một bệnh viện là nơi lưu trú của những đứa trẻ mồ côi, tôi gặp kẻ sống sót qua cơn sóng thần nhỏ tuổi nhất, được đặt tên là Baby Wave. Baby Wave xuất hiện ngay giữa thành phố trên một chiếc đệm khi mà nó chưa đầy tháng tuổi. Một người nào đó đã nhét một mẫu giấu vào quần áo nó, trên đó viết: "Tôi tìm thấy bé trai này ở khu vực biển, nhưng tôi không có thực phẩm cho nó. Tôi không có gì cho nó cả. Xin vui lòng chăm sóc nó."

Đó là một phép lạ giữa tất cả những hoang tàng đổ nát, vì thế các y tá bảo vệ nó như thể nó là một món châu báu nhỏ. Nhưng họ phải giấu nó ở văn phòng và giám sát nó ngày đêm vì khi giới báo chí nghe phong thanh về việc kẻ sống sót nhỏ nhất của cơn sóng thần được tìm thấy, người ta từ khắp nơi đổ xô về tuyên bố là cha mẹ của nó hay là một người chú. Nhưng khi các y tá nói họ vui lòng tiến hành một cuộc xét nghiệm DNA, thì họ biến mất. 

Thậm chí có những người còn giả bộ là bác sĩ, nói rằng họ sẽ đưa nó đến một bệnh viện khác để kiểm tra này nọ. Tất cả đều là dối trá. Tất cả bọn họ đều là những kẻ buôn người muốn tóm lấy nó và bán nó hay Thượng Đế biết họ sẽ làm gì khác nữa. Tình yêu thương mà các y tá biểu lộ trong việc bảo vệ Baby Wave truyền nhiều cảm hứng cho người khác và ôm nó trong đôi tay mình là một khoảnh khắc khác nữa trong cuộc đời mà tôi sẽ luôn ghi nhớ. Nó đại diện cho niềm hy vọng. 

Ở giữa quá nhiều chết chóc và đau khổ, tôi cũng thấy được một số điều thật đẹp đẽ. Thí dụ như, tôi gặp người phụ nữ này đã biến nhà của bà ta thành một trường học vì bà ấy cảm thấy điều quan trọng là không được bỏ mặc các trẻ em sống sót không có trường học. Đó là một căn nhà mộc mạc, với sàn đất, tọa lạc ở một thị trấn câu cá nhỏ của nước Thái. Mỗi buổi sáng, sáu mươi trẻ em sẽ đến đây, và bà ấy sẽ đặt chúng ngồi trong khu vực nhỏ bên trong ngôi nhà, nơi bà dựng lên một cái bảng phấn để chúng có thể đọc và viết. Chúng thuộc mọi lứa tuổi, lên đến chín hay mười tuổi. Chúng có những cái ghế nhỏ và dùng những miếng ván nhỏ làm bàn học. Có thể đối với chúng ta đó là không nhiều, nhưng thực tế là chúng không thiếu gì cả. Chúng có thực phẩm và nước, một căn nhà yên tĩnh và sạch sẽ để ngồi học, và có người để chăm sóc chúng. 

Người phụ nữ mở cửa nhà mình theo cách này thật thông minh vì bà ấy biết nó không chỉ giúp các trẻ em tiếp tục việc học; bà ấy biết điều chúng thực sự cần là sự bận rộn, luôn có việc để làm. Điều quan trọng là chúng giữ cho tâm trí của chúng hoạt động để chúng không có thời gian nghĩ về bi kịch lớn lao mà chúng vừa sống qua. Việc chúng có thể sống với bà suốt ngày giữ chúng an toàn, bởi vì nếu chúng không ở trường học hay một nơi nào khác mà chúng có thể được bảo vệ, bọn buôn người có thể đến để bắt chúng. 

Người phụ nữ này thấy được nhu cầu của những đứa trẻ và làm bất cứ điều gì bà ta có thể để giúp. Và người mà đã hết lòng với sáu mươi đứa trẻ đó trong suốt bi kịch khủng khiếp này đã tạo nên một sự thay đổi to lớn trong cuộc sống của chúng. 

Sau vài ngày viếng qua những khu vực bị tàn phá khác nhau, tôi trở về Puerto Rico và tổ chức một cuộc quyên góp. Tôi gặp gỡ các nhà lãnh đạo thương mại và những nhân vật ưu tú khác từ hòn đảo tại một buổi điểm tâm ở San Juan. Tại buổi điểm tâm này, tôi kể lại họ nghe về tất cả những gì tôi đã nhìn thấy ở Thái Lan. Tôi nói với họ về nỗi đau mà tôi cảm thấy khi nhìn thấy quá nhiều sự tàn phá và cơn giận dữ mà tôi cảm thấy về những gì đang xảy ra, và tôi mời họ tham gia cùng tôi trong việc giúp đỡ những khu vực bị tàn phá. Cũng giống như người Thụy Sĩ, người Na Uy, người Phần Lan, người Trung Quốc và người Ấn Độ đang góp sức chung tay, tôi cần chúng ta ở Puerto Rico cũng làm một điều gì đó. Bất kỳ điều gì. 

Và sự việc đã diễn ra như thế. Những người đó và thêm những người khác nữa đã đóng góp để chúng tôi có thể xây dựng được nhà cửa cho một số nạn nhân ở những khu vực bị tàn phá nhất ở Thái Lan. Nhưng vì tôi không có kiến thức hay kinh nghiệm cho loại dự án như thế này, chúng tôi đã liên minh với tổ chức Habitat for Humanity là một tổ chức không vụ lợi quốc tế chuyên về xây dựng những căn nhà tử tế và an toàn cho những người nghèo khó ở hơn chín mươi quốc gia trên toàn thế giới. Tôi nói chuyện với thủ tướng của Thái Lan, và ông ta rất tử tế, giúp tôi tìm đất để xây dựng những ngôi nhà này. Phần lớn các quĩ quyên được cho việc xây dựng đến từ các nỗ lực hợp tác khác nhau của tổ chức của tôi, và rồi chúng tôi đóng góp thêm số tiền tương tự. Cùng với những mối liên kết và sự tinh thông mà tổ chức Habitat for Humanity cung cấp, và tất cả các tình nguyện viên địa phương và quốc tế đóng góp thời gian để ủng hộ nổ lực chung, cũng như cư dân địa phương đóng góp thêm vật liệu xây dựng cho các ngôi nhà, chúng tôi đã có thể xây dựng được tổng cộng được 244 ngôi nhà. 

Điều đó cho tôi một sự mãn nguyện to lớn. Tất cả chúng tôi trộn xi măng và giúp một tay. Tôi đặt xi măng lên những viên gạch và rồi cắt những viên gạch đó. Thực tế là tôi chưa bao giờ làm công việc xây dựng trước đây, nhưng có nhiều người tự nguyện ở đó cũng chưa bao giờ đụng đến viên gạch bao giờ. Và tất cả chúng tôi đã có một khoảng thời gian thật đẹp. Vào lúc đó, tôi không có dịp để nhìn thấy bất cứ ngôi nhà nào được hoàn thành đầy đủ, nhưng tôi đã có thể hoàn thành một bức tường mà hy vọng nó sẽ mãi là một phần của ngôi nhà gia đình. 

Nhưng đó chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Sau vài ngày ở Thái Lan, tôi làm phần nhiệm vụ khác của mình: Tôi trở về Mỹ để xuất hiện trong chương trình Oprah Winfrey Show, để nói với thế giới về những gì đang diễn ra. Chúng tôi chiếu đoạn video tôi viếng thăm một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, và chúng tôi chỉ cho mọi người thấy không chỉ những gì chúng tôi đã làm mà còn mọi thứ khác mà chúng tôi vẫn chưa làm xong. 

Có thể có người sẽ nghĩ rằng tôi làm những gì đã làm là để quảng bá mình. Nếu đúng như vậy thì hãy để họ nghĩ điều họ muốn. Có thể là cách đây một vài năm trước, tôi có thể cảm thấy cần phải biện hộ cho hành động của mình. Nhưng bây giờ tôi biết điều duy nhất thực sự quan trọng là những gì tôi nghĩ. Mục tiêu duy nhất của tôi là khiến mọi người hiểu được nhu cầu cần sự giúp đỡ ở những khu vực bị tàn phá, và chỉ cho họ thấy mọi thứ có thể làm để giúp. Có thật nhiều cách để giúp, và ở thật nhiều mức độ khác nhau, đến nỗi tôi tin rằng mọi người sẽ tìm được cách để thực hiện nó, bằng tiền bạc, thời gian, hay bất kỳ thứ gì khác. Trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cảm thấy thật tự hào về những gì chúng tôi đã làm. Đặc biệt khi một vài tháng sau tôi có được đặc ân trở lại Thái Lan để trao chìa khóa cho gia đình sắp chuyển vào ngôi nhà mà chúng tôi đã bắt đầu xây dựng trong suốt chuyến đi trước, và gặp gỡ thêm những gia đình khác sẽ di chuyển vào những ngôi nhà mà chúng tôi bảo trợ. Đó là một ngày khác nữa mà tôi sẽ luôn ghi nhớ. Tổng cộng, có hơn một ngàn người trong hai khu vực bị ảnh hưởng bởi sóng thần được hưởng lợi ích lâu dài từ công việc chúng tôi làm. 

Tôi có thể thấy sự biểu lộ niềm vui sướng ở những gia đình khi họ bước vào ngôi nhà mới lần đầu tiên, và tôi cám ơn vũ trụ đã cho tôi cơ hội để giúp. Tôi cũng xin được cám ơn về việc được nhìn thấy trực tiếp những gia đình này tái xây dựng lại đời sống của họ với tình yêu thương như thế nào. Tình yêu thương đó đã đoàn kết họ lại với nhau và cho họ sức mạnh để đối mặt và vượt qua bất kỳ điều gì. 

Một điều gì đó tương tự xảy ra vào đầu năm 2010 khi một cơn động đất tàn bạo làm rung chuyển toàn Haiti. Khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên trên truyền hình, và xúc động về sự gần gũi giữa Haiti và Puerto, tôi cảm thấy tôi phải đến đó càng sớm càng tốt để xem tôi có thể giúp như thế nào. Nhưng cũng giống như với cơn sóng thần ở Thái Lan, nhiều người cố khuyên tôi từ bỏ ‎ý định, nói rằng, "Ở đó hỗn loạn lắm, Ricky. Anh sẽ làm gì ở đó chứ?" Nhưng cũng giống như với cơn sóng thần, tôi cảm thấy sâu thẳm trong lòng tôi đó là một điều gì đó tôi phải làm. Tôi phải đi đến đó và cuốc bộ trên những con đường và sống qua những gì mà những người anh, người chị, người em Haiti của chúng tôi đang sống, để thực sự biết tôi có thể làm gì để giúp. Chỉ cần có mặt ở đó tôi có thể cảm thấy, đồng vọng, và hiểu được điều gì đang diễn ra để giúp một tay. 

Và thực tế là tôi không bao giờ có thể tưởng tượng nổi những gì mà tôi sẽ thấy khi đến Port-au-Prince. Nó hoàn toàn hỗn loạn, nhưng mà là một sự hỗn loạn không giống với bất kỳ điều gì tôi đã nhìn thấy trước đây, thậm chí cả ở Thái Lan. Các cấu trúc đều bị sụp đổ - có những khu vực không còn một tòa nhà nào còn đứng vững - và những đường phố đầy những xác người và di hài của những người chết, ở bất kỳ nơi nào người ta nhìn. Trên tất cả, không có một tổ chức nào cả.

Trong khi ở Thái Lan còn có cái vẻ trật tự nhờ ở chính phủ và các chính quyền địa phương vẫn còn đứng vững, thì ở Haiti chẳng còn gì cả. Không có chính phủ quản lý và thậm chí không có cả những người lãnh đạo cộng đồng, bởi vì phần đông đều đã chết. Có mặt ở Haiti giống như đang sống trong một loại địa ngục dành cho người sống nào đó; tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế. Sự tàn phá ghê gớm đến nỗi các tổ chức chuyên về phục hồi hậu quả các thảm họa thiên nhiên, các nhà chuyên môn về vấn đề này, hoàn toàn lạc hướng và không biết bắt đầu từ đâu. 

Giống như ở Thái Lan, sau khi viếng thăm khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, chúng tôi quyết định cách giúp tốt nhất là xây dựng nhà cửa, xuất phát một lần nữa từ ý tưởng rằng nếu các đứa trẻ có nhà để trở về, chúng sẽ tránh xa đường phố, nơi chúng dễ bị các tên buôn người làm hại nhất. Với tất cả các dự án của tổ chức của chúng tôi, chúng tôi luôn cố nhìn vào bức tranh lớn. Không chỉ là tìm ra giải pháp cho ngày hôm nay và ngày mai mà thôi. Chúng tôi muốn tìm cách giúp đỡ lâu dài và giúp ngăn ngừa những bi kịch khác hay những tình huống nguy hiểm khác xảy ra trong tương lai. 

Vậy là một lần nữa chúng tôi hợp lực với tổ chức Habitat for Humanity, và cùng nhau chúng tôi thực hiện những giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn cho các trẻ em và gia đình ở Haiti. Chúng tôi đã cung cấp giải pháp về nhà cửa và những nơi trú ẩn khẩn cấp tạm thời cho hàng trăm người bị ảnh hưởng bởi động đất, và không lâu sau chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng những ngôi nhà kiên cố lâu dài. Một lần nữa, các tổ chức liên minh của chúng tôi cung cấp sự an toàn và nơi trú ẩn cho các trẻ em mà cuộc sống có thể bị nguy hiểm do thảm họa thiên nhiên này, và bằng cách làm thế, chúng tôi đang gieo hy vọng cho tương lai của chúng. Tôi không thể chờ để gặp gỡ các gia đình Haiti và trao cho họ chìa khóa của những ngôi nhà vĩnh viễn của họ, vốn được xây dựng với lòng yêu thương, giống như những ngôi nhà ở Thái Lan. Đồng thời, với sự cộng tác của nhiều đồng sự từ thế giới giải trí, tôi thu âm một loạt các tuyên cáo phục vụ cộng đồng (bằng tiếng Anh và bằng tiếng Tây Ban Nha) hối thúc thế giới giúp Haiti. Chậm nhưng chắc, chúng tôi đang tạo ra sự thay đổi, dẫu chỉ là nhỏ bé thôi trong một biển vấn đề mà đất nước Haiti đối diện hôm nay. Một lần nữa, ở đây, như với thật nhiều phương diện khác của cuộc đời tôi, tôi học được rằng tôi phải tập trung vào những gì tôi đã làm, chứ không phải vào những gì còn lại chưa làm. Nếu không, sự việc sẽ trở nên quá tải. 

28/07/2014
Jeffrey Thai

(Đón đọc chương VII: Làm Cha)

MỤC LỤC

CHƯƠNG VII:  LÀM CHA
CHƯƠNG VIII:  KHOẢNH KHẮC CỦA TÔI
CHƯƠNG IX:  TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC


No comments:

Post a Comment