Tuesday, April 7, 2015

Lan Anh - Tiếng Hát Ở Lại Trong Tôi [Jeffrey Thai]



Thường thì có nhiều giọng ca đi qua đời của mỗi một con người, và không phải tiếng hát nào cũng ở lại với người nghe. Sự ở lại ấy không hẳn chỉ đơn thuần phụ thuôc vào chất lượng tiếng hát, mà có một yếu tố khác còn quan trọng hơn, đó là cái duyên, là sự gặp gỡ của những điều mang nhiều tính cảm tính.  Cái duyên hội ngộ ấy đến một cách tự nhiên và tình cờ, không ai định trước. Người ta cảm thấy mình bỗng nhiên yêu thích và có cảm tình với một giọng hát nào đó mà không hiểu tại sao, hay trước khi biết được vì sao. 

Đã có một thời tuổi trẻ - ở lứa tuổi đôi mươi - tôi nghe nhạc với tất cả trái tim (qua những băng cassette cũ còn rơi rớt lại). Nghe để sống, để tồn tại, vì cuộc sống thực tại ngoài kia quá đỗi ngột ngạt, tù túng và chán chường. Tôi ngồi hàng giờ ở những góc quán cà phê, với điếu thuốc trên tay (để đốt cháy thời gian và đốt cháy cả cuộc đời tuổi trẻ hoang phế của mình), và cứ thế, để mặc những giai điệu và lời ca của dòng nhạc vàng trữ tình “thao túng” trên mảnh linh hồn đơn côi.



Với lối nghe nhạc toàn tâm, toàn ý, như một trạng thái nhập định ấy; tôi thấy mình lần lượt cảm (ở mức độ sâu sắc nhất) từng giọng ca tài danh của thời Sài Gòn cũ, qua một băng nhạc hay một bản nhạc cụ thể nào đó. Chẳng hạn như Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Lệ Thu với Sơn Ca 9…  Những giọng ca ấy lại một lần nữa trở lại với cuộc sống của tôi khi tôi sống những năm tháng tạm dung dài đăng đẳng trong các trại tị nạn (vào thập niên 90). Đời tị nạn chẳng có gì nhiều để an ủi ngoài những tiếng hát. Những tiếng hát thân quen ấy vang lên giữa một bầu trời lưu vong xa lạ càng làm tâm hồn người nghe thấm thía hơn biết bao nhiêu.

Thắm thoát, tôi đã lưu vong hơn hai thập kỷ. Hai thập kỷ với biết bao thay đổi. Mọi thứ đều đã đổi khác, kể cả con người, kể cả tâm hồn. Tôi hiếm khi nghe nhạc nữa, hay có nghe cũng không còn cảm được bao nhiêu. Tôi không còn nghe được những giọng ca tài danh ngày cũ nữa (như Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Chế Linh, Giao Linh, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Tuấn Vũ …), không phải vì họ hát không còn hay, mà là bởi vì, ngày xưa tôi đã nghe quá nhiều, đã nghe đủ cho một đời. Những giọng ca mới lần lượt thoáng qua, trong những lần tôi xem các DVD ca nhạc, không để lại nhiều dấu ấn. Có phải vì họ hát không hay? Chắc không phải vậy, vì xét ra, họ vẫn có rất nhiều người ái mộ kia mà.

Nói dài dòng việc nghe nhạc của tôi như thế, chỉ để nhằm mục đích là giới thiệu một giọng hát mới, vừa ở lại trong tôi: tiếng hát Lan Anh. Tôi không hề có ý định nói là giọng ca Lan Anh là một giọng ca xuất sắc. Tôi cũng không có ý nghĩ là những phần biểu diễn của Lan Anh là những phần biểu diễn tuyệt vời. Ý tôi chỉ muốn nói: Như những bất ngờ khác trong đời không lường trước được, giọng ca ấy chợt vô tình vừa ở lại trong tôi như một sự hội ngộ hữu duyên và kỳ lạ. Có (hơn) một điều gì đó trong giọng hát ấy, trong nhân dáng ấy, trong ánh mắt và nụ cười ấy, khiến tôi chợt cảm thấy bồi hồi và bâng khuâng. 




Lan Anh rõ ràng không phải là một ca sĩ có tên. Không ai biết gì về Lan Anh. Tìm kiếm trên Google cũng không thể tìm được dòng giới thiệu nào về Lan Anh. Điều duy nhất tôi được biết là Lan Anh là ca sĩ đến từ thành phố Atlanta - tức là thành phố nơi tôi đang sinh sống. Thấy gần như thế mà xa. Xa là vì tuy biết ca sĩ Lan Anh đang sinh sống đâu đó gần mình, chừng đôi ba chục dặm đường là cùng, mà có lẽ chẳng bao giờ vô tình gặp hay biết. Lý do là vì tôi không biết gì về cộng đồng người Việt nơi đây, cũng như không có quan hệ giao tiếp với người Việt nào. Mà không chừng như thế lại hay! Tôi vốn luôn yêu thích sự bí ẩn và khi vô tình yêu mến một giọng ca nào đó, tôi chỉ quan tâm đến bản thân tiếng hát và những buổi trình diễn của họ, mà chẳng thiết tha gì đến đời sống cá nhân của họ. Mà quan tâm để làm gì nhỉ? Với nghệ thuật, họ là người của cái đẹp, chẳng phải hay hơn sao. Còn trong đời sống thường nhật, trăm vạn ngàn người há chẳng như nhau sao, với những hỉ, nộ, ái, ố của kiếp người.

Lan Anh không hẳn có lối trình diễn của một ca sĩ chuyên nghiệp. Có thể dễ dàng nhìn thấy có chút gì đó bỡ ngỡ, chưa nhuần nhuyễn trong từng động tác và biểu cảm trên gương mặt của Lan Anh khi trình diễn. Lan Anh cũng không hẳn có giọng ca điêu luyện của một ca sĩ chuyên nghiệp. Có thể dễ dàng thấy được là Lan Anh hát một cách tự nhiên, và thiên về cảm xúc nhiều hơn. 





Thế nhưng, có phải chính vì thế, chính vì cái nét mộc mạc, tự nhiên và chân chất ấy, phối hợp cùng một giọng ca truyền cảm và riêng biệt, mà tiếng hát Lan Anh đã chạm vào tâm hồn tôi và ở lại, như một thân quen. Giọng ca Lan Anh là một giọng ca có nét riêng. Tôi đã từng nghe hàng trăm giọng ca ở những trung tâm ca nhạc nổi tiếng nhất nhiều lần mà không thể nào nhớ được chất giọng của họ là như thế nào. Với Lan Anh, chỉ cần một đôi lần thôi, chất giọng ấy đã định hình trong tâm trí người nghe: trong, nhẹ, trữ tình và đôi khi, có chút hơi khàn khàn rất quyến rũ. 

Góp phần lớn trong việc định hình giọng ca Lan Anh, chính là phong cách hát: Một phong cách hát, luyến láy, ngân nga, nhả chữ rất
 ung dung, thư thả, tự nhiên và truyền cảm. Phong cách ấy rất giống với phong cách của các danh ca Sài Gòn cũ như Giao Linh, Trang Mỹ Dung… , đặc biệt là rất giống với ca sĩ Hoàng Oanh. Thong thả, ung dung nhưng lại truyền cảm mãnh liệt; đó là nét chung của các tài danh danh ca cũ, và ít khi tìm được ở các giọng ca mới hôm nay. Đó có lẽ cũng là lý do mà những phần trình diễn chung của Lan Anh cùng các danh ca nói trên đã có được một sự đồng điệu nhất định nào đó, và tỏ ra không hề kém cạnh bao nhiêu.




Tiếng hát Lan Anh có lẽ không tác động đến người nghe như một sự cuốn hút mãnh liệt, ở lần tạn mặt đầu tiên; nhưng nếu để tâm hồn bình thản mà lắng nghe Lan Anh hát, tiếng hát ấy sẽ để lại trong lòng người một nỗi bâng khuâng và vấn vương rất lạ. Người ta thấy mình thắp thỏm, và có ý mong chờ tiếng hát ấy lại xuất hiện một lần nữa từ trong một chốn xa nào.

Nhân dáng Lan Anh có lẽ không tác động đến người xem như một mỹ nhân tuyệt sắc ở lần tạn mặt đầu tiên, nhưng nếu bình tâm mà xem Lan Anh biểu diễn, người ta sẽ chợt thấy mình xúc động với những biểu hiện rất mộc mạc và tự nhiên trên gương mặt của người ca, và rồi khi kết thúc bài hát, nụ cười tạm biệt còn nhiều bẽn lẽn và ngượng ngùng ấy khiến người xem không khỏi thấy thương và không thể không nghĩ: Người ca sĩ chưa có tên tuổi ấy đã hát
bằng cả trái tim.


04/04/2015

Jeffrey Thai














No comments:

Post a Comment