Monday, April 30, 2012

Nhục Cảm hay Tình Yêu?





Đã có quá nhiều định nghĩa về tình yêu, phần lớn đều hoa mỹ. Có thêm một định nghĩa hoa mỹ nữa về tình yêu có lẽ là một điều thừa thãi. Tôi vừa nghĩ đến một định nghĩa khác cho tình yêu - một định nghĩa thô mộc và mang nhiều tính cơ học: Tình yêu là sự cọ xát của… hai trái tim. Rất nhiều khi, hai trái tim ấy không có cùng giới tính. Thoảng hoặc hơn, chúng có giới tính giống nhau. Phàm bất kỳ hai vật gì khi cọ xát vào nhau đều gây ra phản ứng. Khi hai trái tim cọ xát, tình yêu nảy sinh. 



Định nghĩa mang tính cơ học ấy của tình yêu giúp việc định nghĩa nhục cảm dễ dàng hơn: Nhục cảm là sự cọ xát của… tất cả những gì có thể cọ xát được (trên cơ thể con người). Bộ phận càng nhạy cảm, nhục cảm phát sinh càng mãnh liệt. Rất nhiều khi, sự cọ xát ấy là giữa một đồi cao thẳng đứng và một lũng sâu căng mọng. Đôi khi, nó là giữa hai đồi trọc chơ vơ. Thảng hoặc hơn, nó là giữa hai lũng sâu rêu phủ. Phàm bất kỳ hai vật gì khi cọ xát vào nhau đều gây ra phản ứng. Khi hai bộ phận ấy cọ xát, nhục cảm phát sinh.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



Vì nhục cảm hay tình yêu đều là sản phẩm cảm giác của cùng sự cọ xát, nên chúng dễ gây ngộ nhận rằng cả hai chỉ là một.  Nhưng không.  Vì những tác nhân cọ xát hoàn toàn khác nhau nên chúng tuy có vẻ như là một, nhưng thực chất lại là hai:  nhục cảm không phải là tình yêu và ngược lại.  Tuy chúng không hoàn toàn giống nhau, nhưng vì cùng là sản phẩm cảm giác nên chúng không loại trừ nhau, thậm chí bao hàm nhau:  Tình yêu chứa đựng nhục cảm, và nhục cảm có thể chứa đựng hay không chứa đựng tình yêu. 
                                                                  
Khi sự cọ xát lên đến tận cùng thì đó cũng chính là thời điểm cực khoái của nhục cảm:  dòng tinh khí nóng ấm thoát ra khỏi cơ thể của người đàn ông.  Dòng chất lỏng chứa mầm sống ấy có khi đến được nơi nó cần đến, để một sự sống mới đơm hoa kết trái.  Trong trường hợp này, nếu được sản sinh và phóng đi với một lực đẩy của tình yêu, nó kết tinh nên hoa trái mà người đời gọi là hạnh phúc.  Bằng không, người ta gọi hoa trái ấy là oan trái. 
                                             
Có khi nó chẳng đi đến đâu cả, nó rơi vãi trên những nền gạch lạnh hay trên những phiến thảm nhàu.   Đó là nhục cảm tự thân.  Nhục cảm tự thân phủ nhận hạnh phúc:  nó không là tình yêu và chẳng có dính dáng gì đến tình yêu, nó chỉ đơn thuần là nhục cảm.  Do đó, không ai khuyến khích nó dẫu rằng nó cũng chẳng hại gì và nó có lý lẽ riêng của nó.  Nhục cảm tự thân là một thứ nhục cảm… buồn, chỉ vì một lẽ thôi:  Nó quá… đơn côi.
                                                      
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Người ta có thể làm tình với nhau cho dù là có tình yêu hay không có tình yêu.  Việc làm tình nào cũng làm con người cảm thấy thoải mái, dễ chịu.  Bức xúc sinh lý là bản năng tự nhiên của con người và khi nó được thỏa mãn, con người cảm thấy hài lòng.  Nhưng có hay không có tình yêu lại đưa đến rất nhiều khác biệt.  Khi không có tình yêu, cái trạng thái thoải mái, dễ chịu, hài lòng mà người ta đạt được chỉ thuần túy là những cảm giác của cơ thể, tức là nhục cảm, không hơn không kém.  Nó hoàn toàn không phải là cảm xúc, tức là những cảm giác của tâm hồn.   
Khi không có tình yêu, sau những phút thăng hoa của nhục cảm, sau sự thỏa mãn của xác thân, thường là một sự trống rỗng, chán chường ở nội tâm.  Người ta thấy mình trở nên cô đơn hơn bao giờ hết.  Thân xác được vỗ về, nhưng tâm hồn thì không.  Những sự cọ xát mà họ vừa trải nghiệm chỉ là những sự cọ xát cơ học của hai vật thể.  Chúng chẳng có liên quan gì đến tâm hồn.  Cho dù có cọ xát sát sao hơn thế nữa và thêm bao nhiêu lần nữa cũng chẳng thể nào thu ngắn được khoảng cách giữa hai con người.  Khoảng cách ấy chỉ có thể rút ngắn được khi có sự cọ xát của… hai trái tim.
                                                              
------------------------------------------------------------------------------------------------
                                                
                                                                                                     
                                                                                            
                                                 
                                                                                                                                                                            
Người ta có thể làm tình với một người nào đó, nhưng rồi lại ngạc nhiên thấy rằng, mình chưa bao giờ thực sự “ngủ” với người đó.  Họ đi ra ngoài, vô tình bắt cặp với một ai đó, rồi qua đêm với nhau.  Sau phút giây dâng trào của khoái cảm, họ mỏi mệt và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.  Sáng dậy, họ vội vàng mặc lại quần áo với một chút ngượng ngùng trên nét mặt, một vài lời nói gượng gạo trên môi, trước khi chia tay, đường ai nấy đi.  Việc làm tình ấy chỉ là một động thái của…  nhục cảm.
                                      
“Ngủ” với một người nào đó lại hoàn toàn khác.  Nó có chiều sâu hơn.  Nó có nghĩa là cùng nằm đó với nhau, má chạm má, vai chạm vai trong sự trần trụi hoàn toàn của hai bản thể.  Nói với nhau những điều sâu kín của lòng mình.  Tay chạm nhau trong một phút đồng cảm bâng quơ.  Giữa đêm, trong cơn mê ngủ miên man, va chạm tình cờ một làn da nóng bỏng, gọi mời; bất ngờ cảm thấy một cái ôm xiết chặt, nồng nàn.  Cái việc “ngủ” ấy là một động thái của…  tình yêu. 
                                  
Khi hai con người làm tình (và không có tình yêu), họ chỉ đang tham gia vào trong một cuộc chiến giao hoan.  Họ chiến đấu dữ dội cho những cảm giác nhục thân của riêng mình.  Họ tiếp tục chiến đấu miệt mài cho đến khi giành được chiến thắng là những thanh âm khoái cảm mê dại.  Trong quá trình giao hoan ấy, họ không nghĩ về ai khác, họ chỉ nghĩ về mình.  Đối tác giao hoan chỉ đơn thuần là một công cụ, như giáo mác, khiên che hay giáp trụ.  Khi phút giây đỉnh điểm qua đi, họ chỉ muốn trở về với bản thể của riêng mình.  
                                            
Nhưng khi hai con người “ngủ” với nhau thì lại khác.  Khi ngủ, con người trở nên mỏng manh, bất lực và dễ tổn thương, vì con người không thể tự bảo vệ mình khi ngủ.  Khi ngủ cùng nhau, con người ý thức rất rõ có một cá thể khác rất trìu mến, thân thương đang hiện diện bên mình.  Cái cá thể ấy vừa cùng với họ trải qua những giây phút đắm say nhất của ân ái, và sự mãn nguyện lộ rõ trên gương mặt ấy làm họ vui và mãn nguyện vì biết rằng họ vừa cho đi hạnh phúc.  Khi hai con người “ngủ” với nhau, họ trao gửi cho nhau một niềm tin cậy lớn và họ nghĩ về nhau trong suốt quá trình. 
                                                
__________________________________________________________________
                                                                                                                                                                             
                                                                                                                              
                                                                                                                      
Trên đỉnh cao của nhục cảm, con người thường dễ trở nên mông muội và nhầm lẫn.  Đúng là họ gắn chặt với nhau lắm về mặt thể xác.  Thậm chí ở những phút giây của sự thâm nhập, họ đã trở thành một bản thể.  Nhưng sự gắn kết của thể xác không nhất thiết là sự gắn kết của tâm hồn.  Do những thôi thúc bản năng mà người ta hay gọi là “nhu cầu sinh lý”, con người có khuynh hướng tìm đến nhau để thỏa mãn cho nhau.  Thôi thúc sinh lý bản năng đó cũng xảy ra ở hầu hết các loài động vật.  
                                            
Nếu chỉ dừng lại ở giới hạn của nhục cảm, hoạt động tình dục của con người không khác nhau mấy với chúng.  Ý nghĩa tối thượng duy nhất có thể tìm thấy được ở đây là sự duy trì nòi giống.   Nhưng nếu chỉ với mục đích ấy thôi, thì có lẽ không cần nhiều hoạt động tình dục đến như vậy.  Chính tình yêu đã đưa sự gắn kết thể xác của hai cá thể con người lên một bình diện cao hơn và khoác cho nó một ý nghĩa thiêng liêng hơn.  Nhục cảm chỉ mang đến khoái lạc nhất thời.   Tình yêu mang đến hạnh phúc miên viễn –  điều mà con người luôn tìm kiếm.  
                                      
Vì rơi vào mông muội nên con người thường dễ dàng ngộ nhận nhục cảm với tình yêu.  Sự ngộ nhận này mang đến một nỗi muộn phiền lớn.  Có khi là bi kịch cho cả một đời sống.  Trên đỉnh cao của nhục cảm, chúng ta tưởng rằng chúng ta đã yêu nhau và không thể sống thiếu nhau được.  Nhưng không hoàn toàn đúng vậy.  Nhục cảm vốn nhất thời, nó không tồn tại dài lâu.  Khi nó nhanh chóng qua đi hay đã trở thành quen thuộc, con người có khuynh hướng đi tìm cho mình một đối tác khác với mong muốn có được nhục cảm mới mẻ hơn.  Khi đó, sự đổ vỡ hay việc ngoại tình là điều không tránh khỏi.
                                                                   
Tình yêu thì trái lại.  Tình yêu tồn tại lâu dài hơn rất nhiều so với nhục cảm.  Tình yêu không hẳn là sẽ luôn kéo dài mãi mãi (không có gì là mãi mãi ở trên cuộc đời này).  Nhưng trong tình yêu, ngoài nhục cảm đổi trao, còn có sự gắn kết của những xúc cảm tâm linh, sự cảm thông về những nhận thức đời sống.   Sự gắn kết và cảm thông này thường trở nên bền chặt hơn với thời gian, và do đó, làm cho đời sống tình yêu trở nên dai dẳng hơn nhiều. 
                                              
________________________________________________________________________________________________

Khi bạn không chắc cảm xúc của mình là nhục cảm hay tình yêu, nhớ hỏi trái tim, đừng hỏi những bộ phận nhạy cảm của cơ thể. 

Khi đã hỏi trái tim mà vẫn không chắc cảm xúc của mình là nhục cảm hay tình yêu, thời gian có thể giúp đỡ ít nhiều.  Đừng quyết định vội vàng và hãy cho thời gian một cơ hội.

Nhục cảm không tình yêu là một cái chết…  được báo trước.
                  
                                          
10/03/2012
Jeffrey Thai
   

No comments:

Post a Comment