Monday, April 30, 2012

Trăm Năm Cô Đơn

                                                                                                                   __________________________________

Tựa đề bài viết có thể làm người đọc hiểu lầm rằng tôi sắp viết về tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn - quyển tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, vốn đã được dịch sang hơn 30 thứ ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt.  Mặc dù tôi rất ấn tượng với tác phẩm ấy, nhưng mục đích của bài viết lại không phải là như vậy.  Trong bài viết này, tôi muốn nói đến một điều thôi, một điều rất đỗi thân quen với mỗi con người đang sống trên cõi nhân gian này.  Đó là: cô đơn.  

________________________________________________________



Trăm năm cô đơn là nỗi cô đơn của… con người.  Cho đến hiện giờ, nếu Thượng Đế có mở lòng bao dung và độ lượng đến mấy thì con người cũng chỉ có thể sống đến… trăm năm.  Và trăm năm ấy là trăm năm của… cô đơn.  Mỗi một con người chúng ta khi được sinh ra, đều chào đời bằng những tiếng khóc thét gào rất giống nhau – đó là những tiếng thét gào của… cô đơn, mở đầu cho trăm năm cô đơn của một kiếp người. 

Những tiếng khóc tu-oa ấy chỉ im bặt khi được dỗ dành bởi đôi bàn tay thương yêu của người mẹ.  Đôi bàn tay thiêng liêng ấy đã được Thượng Đế giao cho sứ mệnh vỗ về nỗi cô đơn mà Ngài đã gieo cấy vào lòng của mỗi một chúng sinh.  Sau khi rời khỏi vòng tay ấp yêu ấy là lúc con người phải tự thân đối diện với nỗi cô đơn trong suốt quãng đời còn lại của mình.   Điều đó lý giải cho việc ám tượng mất mẹ quá sớm ở lứa tuổi còn thơ đã để lại một khoảng trống hụt hẫng rất lớn kéo dài suốt cả cuộc đời của những con người bất hạnh này. 
_______________________________________________________


Cô đơn vốn là  một thuộc tính của con người; chứ không phải là một trạng thái xúc cảm như buồn, vui, yêu, giận, hay ghét, hờn.  Những trạng thái xúc cảm đó đều mang đặc trưng chung là:  nhất thời, nông nỗi và bồng bột - chúng đến rồi đi.  Cô đơn không như thế.  Cô đơn tiềm ẩn trong bản ngã của mỗi con người từ lúc khai sinh và đồng hành với con người trong suốt chặng đường trăm năm.  Cô đơn luôn ở đó trên những bước thăng trầm của mỗi đời người, dẫu rằng có người nhận biết, có người không.  Nhận biết hay không, tùy thuộc vào sự chọn lựa cách sống.  Có người lựa chọn để đối diện và sống với cô đơn.  Có người trốn chạy nó suốt cả đời mình.  Cũng có người vô minh trọn kiếp như người vô thức.

Nói cô đơn là thuộc tính của con người còn vì nó giúp phân biệt con người với các loài động vật khác.  Chỉ có con người mới cảm nhận được… cô đơn, mới trăn trở và dằn vặt nhiều với… cô đơn.   Điều đó vừa như một đặc ân, vừa như một sự trừng phạt.  Đặc ân hay trừng phạt - tất cả đều đã được nhào nặn bởi bàn tay của Thượng Đế.  Muốn hay không muốn, con người cũng không thể khước từ.  Tuy vậy, con người có quyền lựa chọn một trong hai, và lựa chọn điều nào hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ sống:  dũng cảm hay hèn nhát.   Như một qui luật vốn dĩ rất quen thuộc, đặc ân chỉ được ban tặng cho những ai dũng cảm (đương đầu), và sự trừng phạt luôn là định phần dành cho những kẻ hèn nhát ( trốn chạy). 
_______________________________________________________


Có thể trốn chạy được… cô đơn?  Đó là câu hỏi mà nhiều người tự chất vấn lấy mình.  Thực tế là, con người chỉ có thể trốn chạy ngoại vật, tức là những gì không thuộc về mình.  Mà cô đơn không phải là ngoại vật.  Cô đơn nằm sâu bên trong bản thể con người. Do đó, làm sao con người có thể trốn chạy được chính mình kia chứ!  Giống như có ai lại có thể trốn chạy được cái bóng của chính mình đâu.  Sự trốn chạy ấy quả thực là một “điệp vụ bất khả thi” (mission impossible)!

Để trốn chạy, nhiều người lựa chọn để vùi mình vào những cơn say lúy túy, với hy vọng rằng men say sẽ làm cô đơn ngủ quên.  Nhưng trong những phút giây chếnh choáng, cô đơn lại càng trở nên mẫn cảm hơn bao giờ hết.   Người say quên tất cả, chỉ một điều thôi còn ở lại và trớ trêu thay, điều đó chính là…  cô đơn.  Trong phút giây ấy, người và cô đơn đối mặt nhìn nhau bỡ ngỡ, nửa xa lạ, nửa thân quen.   Thân quen vì có bao giờ lìa nhau.  Xa lạ vì người đã trót quay mặt đi, chẳng muốn nhìn.  Hụt hẫng, ngỡ ngàng, người buồn quá và… bật khóc - những tiếng khóc cô đơn dấm dẳng nghe nát lòng.   

Nhiều người lựa chọn để vùi mình vào những cơn truy hoan bất tận, với hy vọng rằng đam mê cháy bỏng sẽ khỏa lấp đi dấu vết của cô đơn.  Nhưng sau những vồ vập nhiệt cuồng và chính ngay trên đỉnh cao nhục cảm, người chua xót mà nhận ra rằng cô đơn vẫn ùa về, xâm chiếm lòng mình như gió lùa quanh nhà trống.  Người thấy mình nằm đó với thân thể trần trụi, rã rời, bất lực nhìn cô đơn ve vuốt từng thớ thịt còn nồng say mùi ân ái, nửa âu yếm, nửa mỉa mai.  Âu yếm vì vốn dĩ đã thân quen.  Mỉa mai vì có kẻ chạy trốn để kẻ khác phải nhọc công kiếm tìm.    
______________________________________________________


Không thể trốn chạy được cô đơn, con người thấy mình được đặt ở vị thế của một chiến binh:  hoặc xông tới, đối diện với quân thù và chiến đấu để tìm cơ hội sống sót, hay đầu hàng, ngã gục và chấp nhận bị giẫm đạp dưới gót chân của những kẻ thù không khoan nhượng.   Sự so sánh có vẻ quyết liệt, nhưng cô đơn, thực ra, không quá nhẫn tâm, vô tình.  Cô đơn chỉ tấn công những ai muốn phủ nhận sự hiện hữu của nó và tỏ thái độ ghẻ lạnh, lánh xa.  Với những ai hiểu biết hơn và muốn chung sống hòa bình, cô đơn sẵn sàng thỏa hiệp.    
         
Thỏa hiệp và chấp nhận cọ xát với cô đơn là một sự lựa chọn dũng cảm và khôn ngoan.  Dũng cảm là vì có quá nhiều người đã sợ hãi cô đơn như một ám tượng kinh hoàng, và họ cố để lẫn tránh nó từng phút, từng giây như lẫn tránh một nhục hình.   Sự lẫn tránh đó bất lực và yếu đuối làm sao!  Còn khôn ngoan vì sao ư?  Biết chấp nhận và khắc phục để vượt qua luôn là biểu hiện của những con người khôn ngoan, những chiến binh nắm vững kỹ thuật tác chiến.  Và thực tế cho thấy là sau những gai góc làm chảy máu đớn đau, ẩn sau nỗi cô đơn nhiều ray rứt là… những bông hồng rất đẹp.  Chúng nằm đó im lìm trên những đỉnh cao hun hút hay những hố sâu lặng câm trong tư thế chờ con người đến nhặt lấy.

Không những chỉ thế, không những chỉ là dũng cảm và khôn ngoan, sống trọn vẹn với cô đơn còn là một điều thiết yếu.  Con người không thể trưởng thành nếu không có cô đơn.  Chính ngay trong những giây phút cô đơn tĩnh mịch tột cùng ấy, con người nhận rõ một sự thật hiện hữu là:  mỗi con người hiện diện trên cõi đời này một cách hoàn toàn riêng biệt và ta chẳng có ai để tựa nương, ngoài chính bản thân mình.  Nhận rõ và chấp nhận điều đó, con người biết cách để sống độc lập và tự đứng trên đôi chân của chính mình.  Đối mặt trực diện với cô đơn và nếm lấy thứ hương vị mật đắng của nó là một cách tuyệt vời để con người rèn luyện nhân cách trước những hoàn cảnh xã hội rối rắm và đầy cám dỗ. 

Có một điều này thậm chí còn đáng lưu ý hơn và giúp cô đơn trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết:  Cô đơn giúp con người tự do.  Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đó tương tác và sự cọ xát giữa những cá thể con người ngày càng trở nên dữ dội và sát sao hơn.  Các phương tiện thông tin đại chúng hiện diện ở khắp mọi nơi và tác động vào chúng ta từng giờ, từng phút với các ý thức hệ, các trào lưu sống, các hiện trạng xã hội…  Đôi lúc chúng ta có cảm giác ngạt thở vì sự tấn công quá dồn dập này. Cô đơn cho chúng ta một khoảng không gian sống đủ tĩnh lặng và sâu lắng để chúng ta có dịp nhìn sâu hơn vào tư duy và cảm xúc của bản thân mình.  Và chính trong những khoảnh khắc cô đơn ấy, chúng ta là những cá thể hoàn toàn..  tự do. 
______________________________________________________
______________________________________________________


Mỗi một con người sống trên cõi đời này có một kinh nghiệm riêng biệt với cô đơn.  Kinh nghiệm đó có thể là êm đềm, có thể là… nhiều giãy giụa.  Tôi có lẽ ở vào trường hợp thứ hai.  Tôi đã từng ở vị thế là một kẻ thù của cô đơn ở những tháng ngày tôi còn nhiều nông nỗi và khờ dại.  Tôi chống phá cô đơn triền miên bằng những hò hét điên cuồng và những trận vui say mê mải.  Những tiếng hò hét nhanh chóng làm tôi kiệt quệ.  Có ai có đủ khả năng để hò hét mãi đâu!  Điều bẽ bàng hơn là ngay chính ở những lúc hét hò giữa một đám đông nhiều nộ khí, cũng chính là lúc tôi thấy mình cô đơn và lẻ loi hơn bao giờ hết.  Người ta thường nhận thấy mình cô đơn những khi cô độc.  Nhưng khi không cô độc mà vẫn cô đơn, cái cô đơn ấy tê tái… vạn lần hơn. 

Còn những trận vui say?  Có lần tôi thử làm một kẻ say đủ cả ba mươi ngày trong một tháng.  Ở ngày thứ ba mươi, tôi thấy mình quì đó, suy sụp trong một góc giáo đường, không còn khả năng kiềm chế.  Và khi tôi giương đôi mắt thất thần liếc nhìn chung quanh, tôi thấy cô đơn cùng quì đó, ngay kế bên tôi, với nụ cười nhạo báng trên môi.  Việc mất khả năng kiềm chế đó đã làm tôi ân hận thật nhiều.  Nụ cười nhạo báng của cô đơn ám ảnh tôi qua nhiều ngày tháng về sau.  Tôi thấy mình đã lố bịch và thật ngu khờ:  làm sao tôi có thể thoát khỏi chiếc bóng của chính mình!  Sau đó, tôi đã tập để sống im lặng thật lâu -  không cười, không nói, chỉ nhìn thôi.  Tôi tập để nhìn đời sống một cách bình tĩnh hơn và công bằng hơn:  Có ai thách thức tôi đâu mà tôi phải chống đối?  Và có một điều này quan trọng hơn nữa:  tôi không còn cố để thay đổi những gì không thể nào thay đổi được, cô đơn là một trong những điều đó.

Một ngày kia, khi tôi đang dõi mắt theo dòng người đang bôn ba trên đường phố, Cô Đơn âm thầm và lặng lẽ đến bên tôi, khẽ chạm vào vai tôi một cái chạm thân yêu rất nhẹ.  Tôi đưa mắt lên nhìn và lần đầu tiên tôi bắt gặp ở Cô Đơn cái dáng vẻ của một người tình:  vừa chu đáo, vừa dịu dàng.  Tôi lặng người chiêm ngưỡng nhan sắc của Cô Đơn và trong một khoảng không gian không thanh âm và tạp nhiễu, chúng tôi đã hẹn thề với nhau - một lời thề ước… trăm năm. 

16/03/2012
Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment