Trước tiên xin được nói về cái tựa đề của bộ phim khi nó được đưa ra thị trường quốc tế để chiếu cho những người nói tiếng Anh xem. Tôi nhớ có đọc đâu đó một nhận định cho rằng sao khi dịch qua tiếng Anh lại không dùng tựa đề The Endless Field là một cái tên rất sát nghĩa với tựa đề tiếng Việt, mà lại đổi thành Floating Lives (tức là Những Phận Người Trôi Nổi). Sau khi xem xong bộ phim (và cả đọc xong truyện ngắn) tôi đã tìm được câu trả lời mà tôi cho là khá hợp lý: Cánh Đồng Bất Tận là câu chuyện về những phận người trôi nổi nhưng trong khi cái tên Cánh Đồng Bất Tận là một cái tên đẹp, gợi hình và gợi cảm đối với người nói tiếng Việt thì cái tên Những Phận Người Trôi Nổi lại giúp cho những người nói tiếng Anh dễ thẩm thấu hơn.
Và vâng, Cánh Đồng Bất Tận là câu chuyện về những phận người trôi nổi nghèo khó, đáng thương, sống đời du mục hết từ cánh đồng này sang cánh đồng khác ở khu vực miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Những cánh đồng lúa mênh mông, liên tục nối tiếp nhau kết thành cánh đồng cuộc đời long đong, chìm nổi của ba cha con: Út Võ (người cha, Dustin Nguyễn), Nương (đứa con gái, Lan Ngọc) và Điền (đứa con trai, Thanh Hoà). Trôi nổi qua những cánh đồng hết mùa nắng rồi lại đến mùa mưa, rồi lại mùa nắng... họ sống nghèo, nghèo lắm hoàn toàn không có gì, ngoài những con vịt đồng kêu xao xác, gọi bầy. Họ không có nhà để về, không có một cục đất cắm dùi để liệng chim và thậm chí, không có cả những giấc chiêm bao. Trải dọc theo cuộc hành trình nặng nề, u ám, không lối thoát đó của ba cha con ông Võ, cái nghèo, cái xấu, cái ác cứ lần lượt phô bày tô vẽ nên một hiện thực tang thương cho mảnh đất của những người nông dân Nam Bộ, một hiện thực vốn bị khuất lấp trong những ngày thường của cuộc sống.
Ông Võ đã quyết định đưa cái gia đình bé nhỏ ấy của ông vào một cuộc phiêu lưu vô định sau tấn bi kịch đầy chua xót bởi cái nghèo: người vợ xinh đẹp "có cái cười làm lấp lánh cả khúc sông" bỏ ông, bỏ con để đi theo tên thương hồ buôn vải. Nỗi tình phụ đã biến ông thành một gã đàn ông nát rượu, lạnh lùng và tàn nhẫn. Ông cay nghiệt đối với cả hai đứa con của ông, chẳng bao giờ nói chuyện với chúng và thậm chí còn đánh đập đứa con gái vì ông thấy sao nó lại giống mẹ nó đến thế, cái người đàn bà đã đang tâm khứa vào lòng ông một vết thương rướm máu chẳng bao giờ có thể lành.
Và vì hận tình nên ông đã quyết định trả thù. Lợi dụng cái vóc dáng nở nang, cao to của một gã lực điền, ông quyến rũ chẳng từ ai, từ những cô gái thanh tân đến những phụ nữ đã có chồng. Ông lạnh lùng bỏ rơi con mồi ngay sau khi con mồi vừa quen dấu ái ân, toan tính chuyện trăm năm cùng ông, ngay sau khi sự bội phản vừa lộ rõ, bịt kín lối quay về. Với cùng cách thức đó, hết người đàn bà này đến người đàn bà khác, ông không mệt mỏi gieo thêm oan khiên vào nỗi hận tình u mê.
Đối diện thường trực với nỗi căm hận con người đầy u uất của người cha, hai đứa trẻ lớn lên còi cọc, tội nghiệp, hoàn toàn thiếu thốn tình thương, thiếu "đến nỗi không có… ông nội để thương, thèm muốn bên đường". Điền, đứa con trai, đã lớn lên hoang dã, bất cần, với một sự lệch lạc về tâm sinh lý. Nó đã cố gắng đè nén, tiêu diệt sự phát triển bình thường thành một người đàn ông của nó bằng tất cả "sự miệt thị, giận dữ, căm thù" chỉ vì nó muốn trút sạch những gì cha nó có, cha nó làm. Cái bản năng dục tính trỗi dậy và giằng xé trong con người nó mới đau đớn làm sao, âm thầm biến thể từ những đam mê đầu đời ngây ngất thành nỗi trống lạnh hoang tàng. Cuối cùng, nó đã bỏ "cánh đồng bất tận" để ra đi, đi tìm lại tình yêu của nó, như một sự tự giải thoát chính mình.
Nếu thằng con trai què quặt bản năng thì đứa con gái tên Nương xinh đẹp đã lớn lên mà chẳng hề có tuổi thơ. Nó chẳng có được một ngày bình yên để ý thức rằng nó đẹp. Nó phải tự vật lộn để lớn lên, để học lấy trong vật vã, hoang mang sự phát triển sinh lý thông thường của một đứa con gái. Nó thèm, thèm lắm, thèm đến cả trong giấc ngủ cái cảm giác được che chở, yêu thương bởi hơi ấm của người mẹ. Nhưng người mẹ ấy đã lạnh lùng dứt áo ra đi. Bỏ nó lại bên người cha không ngừng đánh đập nó để thoả mãn nỗi hận tình. Trong những giây phút đớn đau, tuyệt vọng nhất của đời nó, thay vì gọi ba ơi, nó lại bật lên, như một thứ phản xạ, hai tiếng "Điền ơi!", tên của đứa em cũng cô đơn, lạc loài như nó, để tìm chút bám víu, chở che.
Cô gái điếm tên Sương (Hải Yến), một phận người trôi nổi, đáng thương khác đã bước vào cuộc đời của ba cha con ông Võ như một sự dung rủi của số phận, như một hệ quả tất yếu của cái nghèo. Không còn kiếm ăn được ở những thành phố lớn, cô giạt về sông nước miền Tây Nam Bộ để kiếm chác từ chút mớ tiền còm cõi của những gã nông dân khờ khạo mà cuộc đời cũng chẳng khá hơn cuộc đời cô là bao nhiêu. Vốn tính sòng phẳng, cô không ta thán những trận đòn ghen, cô cũng không oán trách thậm chí khi người ta nỡ dùng keo dán sắt để dán kín chỗ ấy của cô- một đòn thù hiểm ác độc nhất vô nhị. Không phải là cô không còn cảm xúc. Cô còn nó chứ. Cô thậm chí còn biết yêu, biết phải lòng, và người đó không ai khác hơn là ông Võ. Với bản tính tần tảo, chịu thương, chịu khó, cô cố vun vén cho cái tổ ấm mà cô vừa có được. Nhưng sự lạnh lùng, tàn nhẫn của ông Võ đã dập tắt hết trong cô mọi ước mơ. Cô cuối cùng đã phải ra đi trong nỗi niềm cô đơn hoang vắng.
Trong cuộc hành trình bất tận của những phận người trôi nổi ấy, ngay giữa những bi kịch đau thương, may mắn thay chúng ta vẫn tìm thấy được đâu đó những điều tốt đẹp có thể là mầm mống hứa hẹn cho những sự hồi sinh. Đó là cái tâm hồn cao đẹp của cô gái điếm đã ở dưới đáy tận cùng của xã hội. Đó là cái trong trẻo tinh khôi như hạt sương buổi sớm của những tâm hồn tuổi thơ được sinh ra và lớn lên trên miền sông nước miền Tây. Đó là cái ấm áp tình người còn sót lại giữa những phận người long đong, cô quạnh. Những điều tốt đẹp đó đã phần nào thắp sáng cái không gian u ám, nặng nề của cuộc hành trình qua "cánh đồng bất tận" và làm cho tác phẩm này, văn học cũng như phim, mang tính nhân văn sâu sắc.
Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là: Bấy nhiêu đó đã đủ chưa cho niềm tin về một ngày mai tốt đẹp hơn trên vùng sông nước ấy? Chúng ta đã làm gì và làm được bao nhiêu để cái ác dừng chân, thôi còn sinh sôi, nảy nở? Tôi đã nghe như có tiếng nấc nghẹn quanh tôi khi Nương ngã xuống trên "cánh đồng bất tận" ngập nước, chua xót, đớn đau, tủi nhục dưới sự cưỡng hiếp đầy thú tính của tên kiểm dịch và trước ánh mắt thảng thốt, bàng hoàng của người cha. Tôi đã thấy không gian trước mắt tôi nhạt nhoà và có một chút vị đắng ở bờ môi khi người cha vốn lạnh lùng, tàn nhẫn ấy oằn người kêu gào trước nỗi đau quá lớn. Và tôi đã lặng đi khá lâu trong một trạng thái như thế. Rồi tôi nhận ra là trước mắt mình, người cha ấy đang chèo đò đưa các em trẻ nhỏ đi học, Nương giờ đã là một phụ nữ với cái thai oan nghiệt. Rồi một giọng nói vang lên:" Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn".
Tôi thấy mình bỗng giật mình và cảm thấy có chút hụt hẫng, băn khoăn khi nghe điều ấy. Không phải vì nó không hay. Trái lại, nó quá hay nữa là đằng khác. Thậm chí, có thể xếp nó vào một trong những câu nói hay nhất của năm. Ngoài ra, nó thậm chí còn làm cho tác phẩm mang tính nhân văn hơn. Nhưng tôi tự hỏi là liệu có quá sớm không khi chúng ta đã mớm cho những đứa trẻ với những vết tích cuộc đời tang thương còn tươi rói trên từng mảng thịt da những lời tha thứ thánh thiện quá dễ dàng? Chúng ta, những người lớn, đã làm gì và làm đủ chưa để những vết thương kia liền lại, thôi còn rỉ máu, để cái ác không còn thấp thoáng trở về trong những giấc mơ con trẻ lúc nửa đêm?
Khi những vết tích quá khứ vẫn còn hằn quá sâu trong những ngày sống của hôm nay và lời hiệu triệu chống lại cái ác vẫn chưa thực sự gióng lên với độ lớn mạnh cần thiết, liệu lời tha thứ thánh thiện của con trẻ kia có thực sự dễ để làm?
02/04/2011
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment