Saturday, May 5, 2012

Út Bạch Lan: Lòng Vị Tha Cao Cả




Tôi vừa đọc xong bài phỏng vấn và câu chuyện về Út Bạch Lan- một nữ nghệ sĩ tài danh "một thời vang bóng" của sân khấu cải lương Việt Nam. Đó là câu chuyện về việc bà đã từng nuôi dưỡng bốn đứa con rơi của chồng, vốn cũng là một nam nghệ sĩ nổi tiếng, nổi tiếng cả về tài năng cũng như về cái số đào hoa và cái thói tình bạc. Tôi không viết tên của ông ra đây vì mục đích chính của bài viết này không phải là để nói về danh tiếng cũng "một thời vang bóng" của ông và dẫu tôi không viết thì mọi người cũng thừa biết ông là ai và cuộc đời tình ái của ông như thế nào. Mọi người thậm chí còn biết cái nhà hàng của ông ở Bắc California hiện nay buôn bán, hoạt động ra sao.


Nói về cái thói trăng hoa và bạc tình của ông, khán giả trung thành của cải lương xưa nay không lạ nhưng tôi hoàn toàn không có cảm hứng để nói tới. Dẫu sao thì đó cũng chỉ là chuyện "nhân gian thường tình" đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ diễn ra. Nhiều người hùng hồn lên án. Tôi thì không. Tôi không quan tâm lắm. Cái làm tôi "chấn động và kinh ngạc" là cái lòng vị tha của bà, cái cách bà đối phó với những nghịch cảnh của đời mình: Một sự chịu đựng vô bờ bến, một cái tâm phúc hậu vô chừng và cả một triết lý sống nhẹ tênh thấm đẫm tư tưởng Phật Giáo. Bà không học nhiều vì đa phần nghệ sĩ thời ấy vốn ít học nhưng sự hiểu biết của bà về sự vô thường của cuộc sống thật đáng ngưỡng mộ. Cái cách bà buông bỏ ưu phiền mới thật nhẹ nhàng làm sao, dẫu tôi cũng có thể đoán được là bà chắc hẳn đã trải qua những tháng ngày tình phụ đau đớn lắm, tủi phận lắm.


Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao ngày xưa khi còn trẻ bà ca và diễn (qua băng đĩa) thật sống động, lên cao, xuống thấp nhưng càng về sau thì giọng ca ấy càng ngày càng trầm hẳn đi, nghe như một lời than thở, tự sự muộn phiền. Dường như bà đã "già" đi rất sớm trong cung cách hát, cung cách diễn và cả trong cuộc sống khi chỉ mới băm mấy, bốn mươi. Nỗi đau, nỗi buồn tình phụ có lẽ đã thấm vào, vận vào tiếng hát ấy. Nghe bà hát thôi, nếu có chút ít hiểu biết về cuộc sống tình duyên của bà, có thể cảm nhận được bà đã buồn và đã đau biết bao nhiêu.

Thường thì sau khi trải qua quá nhiều những khắc nghiệt, chông gai của cuộc sống và những thói bội bạc, tráo trở của tình đời, con người có hai hướng đi, hai cách phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau. Những con người "hướng hạ" thì cảm thấy lòng mình trở nên chai sạn, vô cảm, hận đời và họ sẽ tìm đủ mọi cách để trả thù cái cuộc đời đã bạc đãi họ, trả thù không thương tiếc những con người đã chà đạp họ và làm cho họ đau đớn. Không nói thì chúng ta cũng thừa hiểu rằng họ cũng chẳng vui sướng gì trong cuộc phục thù cay đắng ấy, lòng họ thực ra lại còn nặng nề hơn.

Trong khi đó thì những con người "hướng thượng" lại cảm thấy lòng mình trở nên khoan dung hơn, độ lượng hơn. Vì họ đã nếm trải cảm giác đau đớn và biết nó kinh khủng như thế nào nên họ không muốn làm ai đau đớn, không muốn ai khác phải trải qua cái cảm giác kinh khủng mà họ đã phải trải qua. Thay vì phục thù, họ lại tìm cách lãng quên, buông bỏ, và nếu có thể, họ sẵn lòng lòng tha thứ.



Bà thuộc vào dạng người cao thượng thứ hai. Và có thể nói là với nghĩa cử nuôi nấng, cưu mang bốn đứa con rơi của người chồng bạc nghĩa một cách tự nguyện, vô điều kiện và vô vụ lợi, bà đã thực hiện một cuộc "phục thù" đầy ấn tượng và đáng tôn sùng. Và hẳn là lòng bà đã cảm thấy nhẹ nhàng lắm, nhẹ nhàng như cái lối nói chuyện chậm rãi, từ tốn của bà, nhẹ nhàng như tiếng hát khói sương của bà, u sầu nhưng không cay đắng.

Bà đã hát, đã sống, đã buông bỏ và tha thứ nhẹ nhàng như thế. Sau hai cái chết của hai nghệ sĩ sân khấu tài danh gần đây, không hiểu sao tôi lại mơ hồ có dự cảm vu vơ rằng rồi có thể bà cũng sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng như thế, như cái cách bà đã sống, đã hát- nhẹ nhàng và không báo trước. Cái ước muốn cuối đời của bà mới thật đơn giản và khiêm cung làm sao. Tôi biết bà muốn tan thành tro bụi và không muốn ai làm giỗ cho bà vì bà không muốn làm chật đất trần gian, cũng không muốn làm tốn kém cháu con, dẫu bao giờ bà cũng cho đi thật nhiều.

Rồi mai này bà có thể sẽ phải ra đi, nhưng lòng vị tha và cái cách buông bỏ ưu phiền nhẹ tênh của bà sẽ mãi ở lại với tôi.

Jeffrey Thai

No comments:

Post a Comment