Cuộc hội ngộ sau 30 năm của ca sĩ hải ngoại Chế Linh với khán giả thủ đô qua hai liveshow được tổ chức vào ngày 21/10 và 12/11 vừa qua đã đánh dấu một hiện tượng đặc biệt: sự lên ngôi của "nhạc sến". "Nhạc sến" vốn là dòng nhạc thường xuyên bị "rẻ rúng" trên miệng lưỡi của người đời, bị "gắn mác" quê mùa trong con mắt của nhân gian, nay đã có dịp để phô diễn giá trị đích thực của mình khi "ông hoàng" của nó - người ca sĩ ngót nghét tuổi 70 - đã trở lại. Chưa bao giờ khán giả lại náo nức, hăm hở đến như vậy đối với một show ca nhạc: vé xem được tìm mua ráo riết mặc dù giá không hề rẻ, giá vé cao nhất lên đến 3 triệu đồng/1 cặp vé.
Sự náo nức, hăm hở này đã nhanh chóng biến thành nỗi lo âu, hồi hộp và thất vọng khi show diễn thứ hai tạm thời gặp trục trặc về giấy phép. Cuối cùng, show diễn vẫn được diễn ra bình thường; trong khi khán giả hân hoan tột cùng thì ca sĩ Chế Linh đã bật khóc vì quá vui sướng. Hàng ngàn khán giả đã lũ lượt kéo đến Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình để được gặp, được nhìn và được nghe ca sĩ Chế Linh ca lại những ca khúc "nhạc sến" mà họ đã gần như ... thuộc lòng (như Đôi ngã chia ly, Áo em chưa mặc một lần, Trong tầm mắt đời, Lời đắng cho cuộc tình, Thành phố buồn, Đêm buồn tỉnh lẽ... ). Thậm chí có người khán giả nữ xa lạ đã ôm ông, như ôm một người tình, mà ... khóc.
Nhìn một cách hời hợt bên ngoài, chúng ta những tưởng rằng "nhạc sến" (cái tên được gán cho những nhạc phẩm thể điệu Bolero, được sáng tác trước năm 1975 với lời ca và giai điệu bình dân, đơn giản và trữ tình) không thể nào sánh được và địch lại với những dòng nhạc khác, sang trọng hơn, hàn lâm hơn hay hiện đại hơn. Thậm chí, nó còn bị dè bĩu, khinh khi và chê bai bởi một bộ phận người Việt; họ dùng chữ "sến" với một hàm ý tiêu cực để ám chỉ những biểu lộ tình cảm quá ủy mị và sướt mướt. Thực ra, cho dù trải qua nhiều thời điểm gian truân và nguy khó, "nhạc sến" chưa bao giờ chết, nó sống một cách âm ỉ nhưng dữ dội trong lòng nhiều người Việt, dù họ sống ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay ngoài nước. Giữa "nhạc sến" và người dân Việt luôn tồn tại lặng thầm một mối đồng vọng rất mênh mông.
Có thể cuộc sống hôm nay đã khác đi nhiều, đã trở nên tốt đẹp hơn nhiều lắm cho đại đa số người dân Việt, nhưng thực ra, vẫn có thể nhìn thấy tận trong thẳm sâu mỗi ánh mắt Việt một nỗi buồn nào đó, rất mờ ảo và mông lung, vẫn còn sót lại. Nếu có dịp sống ở nước ngoài và có dịp để so sánh những gương mặt, nụ cười và ánh nhìn của người dân Việt với các dân tộc khác, ta có thấy rất rõ rằng gương mặt và ánh nhìn của người dân Việt bao giờ cũng buồn hơn và nụ cười bao giờ cũng kém tươi hơn. Chính nét buồn còn sót lại ấy, chính nét kém tươi phảng phất ấy, cùng với truyền thống nhân nghĩa đậm đà, đã là mối xúc tác cho những con người Việt xa xứ, dẫu chưa hề biết nhau, vẫn luôn cảm thấy gần gũi và thân quen khi gặp mặt.
Cái chất buồn nhưng không bi lụy, nuối tiếc nhưng không hận hờn, chìm đắm để rồi tái sinh ấy của "nhạc sến" cũng chính là những đặc tính của dân tộc Việt. Dân tộc ấy đã bao lần chìm ngập trong những ngày tháng lầm than, khổ sở nhưng ý chí bất khuất và quật cường không bao giờ bị khuất phục. Dân tộc ấy đã bao lần bị xâm lấn cõi bờ, bị đày đọa dã man, nhưng dân tộc ấy vẫn hiếu hòa hơn hiếu chiến, vẫn chỉ muốn "đuổi giặc" hơn là "đánh giặc": dân tộc ấy không hận thù. Đã nhiều phen dân tộc ấy tưởng như không thể trường tồn, thế mà, như loài xương rồng giữa bãi sa mạc, dân tộc ấy đã hồi sinh từ những hiểm nguy sinh tử để rồi trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết.
Trong các dòng nhạc, có lẽ không có dòng nhạc nào lại có ca từ và giai điệu đơn giản như "nhạc sến". Những lời hát đơn giản đến nỗi cứ tưởng như chúng là ca dao, tục ngữ hay là lời nói vừa từ cửa miệng của một ai đó thốt ra. Hãy thử lắng nghe "nhạc sến" miêu tả cảnh một anh chàng đang nhớ người yêu:
Thức trọn đêm nay để nhớ thương em, Anh nghe tình yêu nhắc nhở êm đềm,
Nhớ từng nụ cười ánh mắt,
Nhớ lời ngọt ngào âu yếm ...
Hay lời một anh chàng an ủi người yêu khi tình yêu đang phải đi vào giai đoạn cuối:
Còn khóc chi em thôi buồn chi em,
Dù có thương đau mình cũng xa rồi,
Ngày nao ta mơ chung đôi
Ngờ đâu nay chia hai nơi
Vui buồn ai biết trong đời ...
Cái chất đơn giản, mộc mạc ấy cũng chính là cái chất của đại đa số người dân Việt, vốn hiền lành, chân chất, và suốt đời gắn bó với quê cha, đất tổ, với tình làng, nghĩa xóm.
Trong các ca sĩ thể hiện "nhạc sến", Chế Linh là người tiên phong và cũng là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người dân Việt. Cái chất "sến" trong tiếng hát của Chế Linh đậm đà và đặc trưng đến nỗi nó đã tạo dựng nên một trường phái riêng biệt - trường phái Chế Linh. Các ca sĩ đàn em nổi tiếng sau ông, như Tuấn Vũ, Trường Vũ, hay gần đây nhất là Mai Quốc Huy ... đều ít nhiều chịu ảnh hưởng lối ca, cách luyến láy và nhả chữ của ông. Thực ra, ngoài giọng ca thiên phú và một sự trau giồi không mệt mỏi, trong giọng hát của Chế Linh còn ẩn chứa một nỗi niềm: nó bắt rễ sâu xa từ nỗi buồn của sắc tộc thiểu số Chăm, một nỗi buồn lan toả không chỉ trong không gian văn hóa Chăm, mà còn thấm cả vào văn hóa của sắc tộc Việt - sắc tộc đa số.
Dù có thương đau mình cũng xa rồi,
Ngày nao ta mơ chung đôi
Ngờ đâu nay chia hai nơi
Vui buồn ai biết trong đời ...
Cái chất đơn giản, mộc mạc ấy cũng chính là cái chất của đại đa số người dân Việt, vốn hiền lành, chân chất, và suốt đời gắn bó với quê cha, đất tổ, với tình làng, nghĩa xóm.
Trong các ca sĩ thể hiện "nhạc sến", Chế Linh là người tiên phong và cũng là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người dân Việt. Cái chất "sến" trong tiếng hát của Chế Linh đậm đà và đặc trưng đến nỗi nó đã tạo dựng nên một trường phái riêng biệt - trường phái Chế Linh. Các ca sĩ đàn em nổi tiếng sau ông, như Tuấn Vũ, Trường Vũ, hay gần đây nhất là Mai Quốc Huy ... đều ít nhiều chịu ảnh hưởng lối ca, cách luyến láy và nhả chữ của ông. Thực ra, ngoài giọng ca thiên phú và một sự trau giồi không mệt mỏi, trong giọng hát của Chế Linh còn ẩn chứa một nỗi niềm: nó bắt rễ sâu xa từ nỗi buồn của sắc tộc thiểu số Chăm, một nỗi buồn lan toả không chỉ trong không gian văn hóa Chăm, mà còn thấm cả vào văn hóa của sắc tộc Việt - sắc tộc đa số.
Đã hơn bốn thập niên trôi qua kể từ khi "nhạc sến" bắt đầu hiện diện trong nền tân nhạc Việt Nam, dẫu xã hội đã có nhiều biến đổi và con người cũng đã thay đổi nhiều lắm, cuộc hội ngộ với quê hương sau hơn ba mươi năm của Chế Linh đã cho thấy tiếng hát huyền thoại Chế Linh vẫn ngự trị trong lòng những người dân Việt với những tình cảm trìu mến, thân thương nhất. Điều đó cũng cho thấy dòng "nhạc sến", vốn là những lời tự tình thấm đẫm nỗi niềm của con người Việt, vẫn sẽ còn trường tồn rất lâu và bền chặt trong lòng những người con dân Việt vốn sống thủy chung, nghĩa tình và nhiều hoài niệm.
18/11/2011
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment