Saturday, May 5, 2012

Đọc 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà - Jeffrey Thai


Đời sống của một con người nếu may mắn thì có thể kéo dài đến trăm năm.  Thường thì chỉ là 70 hay 80 năm cho nhân loại của ngày hôm nay.  Nếu đếm từng ngày thì khoảng thời gian ấy có vẻ dài nhưng ít ai trong chúng ta có may mắn để thực sự "sống" một cách trọn vẹn và đủ đầy trọn khoảng thời gian đó.  Có những đoạn đời trong cuộc sống của chúng ta  trôi qua một cách tẻ nhạt, không hương sắc.  Bên cạnh đó, cũng có những đoạn đời, dẫu không dài, thậm chí ngắn, rất ngắn (như chỉ 24 giờ thôi), lại để lại một dư âm và ký ức... không thể nào quên.


Truyện vừa "24 giờ trong đời một người đàn bà" của nhà văn Stefan Zweig - một nhà văn Áo kiệt xuất của thế kỷ XX-  là câu chuyện "không thể nào quên" ấy của một người đàn bà- một phụ nữ Anh thuộc dòng dõi quí tộc giàu có.  Như tựa đề của truyện đã nêu rõ, nó là một câu chuyện chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 24 giờ đồng hồ, từ chiều tối ngày hôm trước đến chiều tối ngày hôm sau của một người phụ nữ quí tộc đang ở độ tuổi 42.  Ở vào thời điểm ấy, bà có hai con, đứa lớn đã đi làm, đứa nhỏ còn đi học và chồng bà thì đã chết cách đấy khoảng hai năm sau một căn bệnh gan.  Từ lúc đó, bà cảm thấy cuộc đời bà không còn mục đích gì và hoàn toàn vô ích.     



Chàng trai người Ba Lan 24 tuổi đã đưa bà vào một "cơn mê tình ái" mê mãi, mãnh liệt và đắm say.

Thế nhưng cái cuộc đời tẻ nhạt và buồn chán ấy của bà đã rẽ sang một bước ngoặt khác khi bà du lịch đến Monte Carlo- một thành phố nghỉ mát của Pháp trên bờ Địa Trung Hải gần thành phố Nice, nổi tiếng vì có những sòng bạc lớn.  Tại đấy, tại một trong những sòng bạc lớn nhất ở đấy, bà đã có một cuộc "gặp gỡ định mệnh" -  cuộc gặp gỡ với một chàng trai người Ba Lan 24 tuổi đã đưa bà vào một "cơn mê tình ái" mê mải, mãnh liệt và đắm say. Chàng trai ấy chắc hẳn là đẹp?  Hẳn nhiên! Không những thế, bên cạnh một gương mặt đẹp như thiên thần, chất chứa đầy những đường nét đam mê và quyến rũ chết người, chàng ta còn có một phong thái thật thanh nhã và quí phái.   

Bi kịch với chàng trai và do đó, cũng là với bà là ở chỗ:  chàng đã đam mê cờ bạc đến mức không thể cứu chữa được.  Nỗi đam mê điên dại đó đã biến chàng thành một tên ăn cắp đáng khinh:  chàng đã ăn cắp hai chiếc nút áo lớn có nạm kim cương của bà bác già (mà bà ta vẫn chưa hay biết).  Định mệnh đã dung rủi cho bà gặp chàng trai ngay chính tại cái giây phút "chết chóc" nhất của cuộc đời anh ta:  anh ta đang thua nốt những đồng bạc cuối cùng của mình và đang trên đường tìm cách tự hủy hoại bản thân giữa một đêm mưa tầm tã giữa thành phố Monte Carlo.



Monte Carlo-  một thành phố nghỉ mát của Pháp trên bờ Địa Trung Hải 

Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy đôi bàn tay chàng ta trên canh bạc, bà đã cảm nhận được sức quyến rũ kinh hồn của chúng:  đôi bàn tay đẹp, đam mê và quyết liệt cực cùng.  Khi ánh mắt bà di chuyển lên trên để nhận diện chủ nhân của đôi bàn tay, phút giây định mệnh đã điểm:  bà đã bị cuốn hút mỏi mê một cách vô thức.  Khi chàng ta rời sòng bạc trắng tay trong niềm tuyệt vọng sát nhân, niềm đam mê ấy đã thúc giục bà bám theo chàng.  Chứng kiến cảnh chàng trơ vơ, lặng căm, ngồi bất động, im lìm trên ghế đá giữa cơn mưa tầm tã trong cái dáng nét của một người sắp hủy diệt đời mình, bà đã lãng quên mình là một phụ nữ quí tộc, nhanh chóng tìm cách đưa chàng đến một khách sạn nào đấy và nghĩ là sẽ giúp chàng trở về nhà ở thành phố Nice vào ngày hôm sau.  

Trong khi làm tất cả những điều ấy, bà đã tự huyễn hoặc mình rằng bà đang hành động đơn thuần chỉ vì lòng trắc ẩn của một con người đối với một con người.  Bà cố quên đi những gì đã xảy ra trong đêm hôm ấy, phủ nhận nó như thể nó chẳng qua chỉ là một giấc mơ quái gở.  Và bà thực sự thuyết phục được mình để tin như vậy nếu như không có cái sáng hôm sau, khi bà thức dậy và ngạc nhiên để thấy rằng, nằm trên giường bên cạnh bà là một gã trai trẻ mình trần.  Than ôi, cái sinh linh tươi trẻ ấy trước mặt bà mới đầy đam mê và quyến rũ làm sao:  niềm tin về lòng trắc ẩn của bà đã bị lung lay.  Bà đã phải tự thú nhận với trái tim mình, dẫu sự thú nhận còn mơ hồ và khiêm tốn lắm, rằng bà đã trượt sâu vào một "cơn mê tình ái" đắm say và mãnh liệt. 


Định mệnh đã dung rủi cho bà gặp chàng trai ngay chính tại cái giây phút
"chết chóc" nhất của cuộc đời anh ta

Những giây phút sống với chàng trai vào sáng ngày hôm sau (cho mãi đến năm giờ chiều) khi cùng chàng ghé thăm một giáo đường nhỏ và ngoạn cảnh trên đỉnh núi có lẽ là những giây phút thần tiên nhất trong cuộc đời làm phụ nữ của bà.  Đã lâu lắm rồi bà mới có lại được cái cảm giác ấy - cái cảm giác của một cô thiếu nữ đang yêu.  Chàng của bà mới chân thành làm sao khi thề với Chúa trong ngôi giáo đường, trước mặt bà, rằng sẽ vĩnh viễn đoạn tuyệt với cờ bạc.  Chàng của bà ân cần và tinh tế biết bao trong dáng điệu, trong phong cách ứng xử với bà.  Thế là, bà đã chẳng một chút ngại ngần khi lo cho chàng việc chuộc lại những viên kim cương đã ăn cắp và giúp chàng trở về nhà mình ở Nice.  Được lo cho chàng quả thật là một hạnh phúc lớn lao đối với bà.

Nhưng bà chợt cảm thấy mình đau đớn làm sao khi chàng có vẻ vô tâm quá với cái viễn cảnh chia tay vào lúc bảy giờ tối nay khi con tàu ở sân ga sẽ đưa chàng rời xa mình mãi mãi.  Bà không chịu đựng nỗi điều đó:  mất chàng và xa chàng vĩnh viễn. Trái tim tràn ngập tình yêu nồng cháy đã đưa bà đến một quyết định cuối cùng táo bạo:  bỏ hết tất cả để theo chàng, bỏ con, bỏ cả danh dự của một người phụ nữ quí tộc.  Chưa bao giờ bà cảm thấy lòng mình rộn ràng và náo nức như những giây phút bà xếp hành lý vào va-li để theo chàng.  Bà cảm nhận được rằng mình đang thực sự "sống"- một sự sống nồng say và diễm tuyệt.  Chưa bao giờ bà có được những giây phút như thế trong đoạn đời 42 năm qua của bà:  bà trở lại thành cô thiếu nữ của hơn 20 năm về trước. 


Một sòng bạc của thành phố Monte Carlo (thời xa xưa)

Với tâm trạng náo nức tột cùng đó, ta có thể hình dung được bà đã hụt hẫng như thế nào khi bà không thể đến kịp lúc con tàu chuyển bánh.  Không được cùng chàng về nơi xa ấy!  Thậm chí không được nhìn chàng lần cuối để nói lời tạm biệt!  Những điều đó tưởng chừng như có thể giết chết bà vốn với cõi lòng đang ngập tràn mãnh liệt một mối tình si.  Thất thểu ra về trong nỗi nhớ cháy lòng, bà lang thang tìm về những nơi chốn bà và chàng đã đi qua, bà trở lại sòng bài nơi mới chiều hôm qua đây thôi bà đã lần đầu tiên gặp chàng.  Và cũng chính ở thời khắc ấy, bà đã phải đối diện với một sự thật giết chết trái tim bà:  chàng của bà đang hiện diện ở đấy và đang mải mê với những con bài.  Cố gắng trong tuyệt vọng lần cuối để lôi kéo chàng ra khỏi cơn mê oan nghiệt ấy, bà đã nhận lãnh từ chàng một mối sỉ nhục và hổ thẹn nhơ nhớp.  Nỗi đau đớn ê chề ấy đã kết thúc 24 giờ lịch sử trong cuộc đời góa phụ quí tộc của bà. 

Tôi đã đọc "24 giờ trong đời một người đàn bà" với một sự say đắm chưa từng có.  Tôi chưa bao giờ thấy mình bị cuốn hút như vậy.  Trong 24 giờ ấy, với tôi, người phụ nữ ấy đã thực sự sống-sống một cách đúng nghĩa nhất với định nghĩa của từ này.  Chỉ trong 24 giờ, dường như người phụ nữ ấy đã được sống qua mọi cảm xúc đỉnh cao mà một con người có thể có được:  đam mê nồng cháy, yêu thương đắm say, ngất ngây hạnh phúc, náo nức tột cùng, mong ngóng đớn đau, nhớ nhung quay quắt.., rồi cuối cùng là... tủi nhục ê chề.  Nếu không có cái cảm giác cuối cùng ấy có lẽ 24 giờ ấy thật đẹp và đủ để làm nên huyền thoại trong đời sống của một người phụ nữ (và dĩ nhiên của cả đàn ông nữa nếu người trải nghiệm là một người đàn ông). 


Bên trong một sòng bạc ở thành phố Monte Carlo

Ở đây, nỗi tủi nhục ê chề ở thời khắc giờ thứ 24 ấy đã đeo bám người phụ nữ quí tộc kia với một tâm trạng khá nặng nề như một sự hối tiếc sâu xa cho sự rồ dại cuồng điên của mình cho mãi đến 24 năm sau, khi mà bà có dịp để trút nỗi lòng với một người khách lạ tri âm tình cờ và khi mà bà biết được rằng chàng trai đã tự sát trước đấy 10 năm cũng tại thành phố Monte Carlo của nước  Pháp.  Tôi cho rằng sở dĩ bà cảm thấy ân hận và hối tiếc nhiều đến thế chẳng qua là vì cái danh phận quí tộc của bà mà ở thời điểm ấy nó vốn rất được coi trọng.  Bỏ qua điều ấy, bà chắc hẳn sẽ nhận ra rằng 24 giờ ấy trong đời bà quí giá biết bao khi bà đã được sống một cách trung thực nhất, nồng say và mãnh liệt nhất theo những gì mà trái tim bà mách bảo.  Theo tôi, điều đó là vô giá. 

Có lẽ cũng vì đã quá yêu thương mà tình yêu của bà (cộng với cái thể diện của một phụ nữ quí tộc) đã trở thành tình hận.  Nếu xét một cách kỹ càng hơn, cái tình hận ấy lẽ ra không nên có, và nếu phải có, nó không nên sâu sắc và lâu dài đến như thế.  Xét cho cùng, chàng trai đã chẳng hề bao giờ lừa dối bà.  Chàng chưa bao giờ mong đợi sự cứu giúp của bà.  Cũng chưa bao giờ hạ mình để xin xỏ bà điều gì.  Chàng đã đối xử với bà với tất cả sự hồn nhiên và chân thành mà mình có thể có được.  Sự biết ơn của chàng với bà là có thật và không hề nhỏ chút nào.  Vấn đề mấu chốt ở đây là chàng không làm chủ được cái bản ngã quá đắm say và mê muội của mình với thói đỏ đen.  Và chàng, cuối cùng, đã phải trả giá khá đắt cho điều đó bằng chính mạng sống của mình.  Nói chung, với tôi, nỗi hận tình mà chàng mang đến cho bà là một điều gì đó có thể... tha thứ được.  



"24 giờ trong đời một người đàn bà" thực ra là 24 giờ của... đam mê và... hối tiếc.  

"24 giờ trong đời một người đàn bà" thực ra là 24 giờ của... đam mê và... hối tiếc.  Nhưng như tôi vừa trình bày ở trên, nỗi hối tiếc ở giờ khắc cuối cùng ấy, với tôi, vẫn không thể nào đủ mạnh để phá vỡ cái tính chất huyền thoại đắm say của 23 giờ còn lại.  Có thể quan điểm của tôi như thế là vì nó là quan điểm xuất phát từ một người đàn ông.  Mà phàm thì đàn ông ít có sự ràng buộc hơn về tiết hạnh và thể diện, cũng như đàn ông thường "chịu chơi" hơn trong việc trả giá cho những sai lầm và mê muội của mình trong đời sống.  Dĩ nhiên, với phụ nữ, tôi cũng thấy rằng nếu đam mê thì cứ... đam mê, nhưng xin giữ lại cho mình một ít tỉnh táo cần thiết để cho sự hối tiếc, nếu có, vẫn ở mức độ có thể chấp nhận được.    

Hãy đọc "24 giờ trong đời một người đàn bà" để cùng Stefan Zweig một lần đi đến đỉnh điểm của... đam mê.  

23/07/2011
Jeffrey Thai




No comments:

Post a Comment