Saturday, May 5, 2012

Đèn Không Hắt Bóng: Đời Người Một Nhúm Tro Bay



Có một tác phẩm văn học đã ám ảnh tôi nhiều năm. Tôi không còn có thể nhớ được là, tôi đã đọc nó tổng cộng bao nhiêu lần. Tôi cứ đọc đi rồi đọc lại, lần nào cảm xúc cũng như lần đầu. Do đọc nó nhiều lần nên nó đã trở nên quá đỗi thân thương với tôi, thân thương như một đoạn đời tôi đã sống qua, như một cố nhân đã đi qua đời tôi. Tác phẩm ấy ám ảnh tôi về một nỗi đau- một nỗi đau thể xác gây đau đớn đến giới hạn tận cùng, mà khả năng một con người có thể chịu đựng được. Nỗi đau ấy đã đến với đời sống của một con người một cách thật tình cờ, không báo trước. Tuy không hề báo trước, nó lại nhẫn tâm đặt một dấu chấm hết vô cùng ngắn, gọn và ngỡ ngàng lên trên một số phận. Tác phẩm tôi đang nói tới ấy, là tác phẩm Đèn Không Hắt Bóng của đại danh hào Nhật Watanabe Junichi.


Mỗi cuộc đời con người, bên cạnh những hạnh phúc thăng hoa, sáng ngời, thường cũng tiềm ẩn trong nó một bi kịch riêng phần, tăm tối. Nỗi đau tột đỉnh ấy mà tác phẩm khắc họa nên, có lẽ là một trong những bi kịch tệ hại nhất, mà định mệnh có thể đặt để cho một con người. Nỗi đau ấy không giết chết con người ngay lập tức, mà nó lặng lẽ tấn công vào từng tế bào thần kinh cảm giác, gây ra những cơn đau vô cùng tận, tưởng như sức người chẳng thể nào chịu đựng nổi. Nó hủy hoại dần dần các chức năng cơ thể, để con người bất lực, chua xót nhìn mình trở nên tàn phế, ngày càng nhiều hơn qua từng ngày sống tới. Nỗi đau ấy nghiệt ngã đến nỗi nó khống chế tất cả mọi cảm xúc, suy nghĩ của con người, nó hủy diệt mọi nghị lực, hy vọng sống còn, còn có thể sót lại. Trong tận cùng của nỗi đau chất ngất và nỗi tuyệt vọng ngút trời ấy, "dung nhan" đích thực của đời sống con người lần đầu tiên lộ ra với hết thảy mọi tiểu tiết vô thường nhất của nó. 


Thế mà, đã có một con người chiến đấu trực diện với nỗi đau ấy, với tất cả mọi dáng nét huyền thoại có thể có được. Con người ấy không hề biết đến than van, khóc lóc. Thậm chí đến than thở cũng không. Chỉ một sự nín lặng- một sự nín lặng tuyệt đối, có thể nghe rõ được cả hơi thở của hư vô. Im lặng và lạnh lùng, con người ấy đối mặt với nỗi đau và sống tới với tất cả sự kiêu hãnh vốn có. Vẫn làm việc với tất cả bổn phận và trách nhiệm của mình cho đến những ngày tháng sau cùng của đời mình, con người ấy dường như muốn thách thức bộ mặt ngạo nghễ của thần chết và bộ mặt nham nhở của nỗi đau. Không những thế, càng gần hơn với cái chết, con người ấy càng yêu thương con người mãnh liệt hơn bao giờ hết- một lòng yêu thương chân thành xuất phát từ trái tim nóng đỏ. Con người mà tôi đang nhắc đến ấy chính là bác sĩ Naoe, nhân vật chính của tác phẩm Đèn Không Hắt Bóng. 

37 tuổi, đẹp trai, hào hoa, vô cùng tài giỏi trong công việc phẫu thuật, làm việc cho một trường đại học danh tiếng bậc nhất ở Tokyo; với cái lý lịch trích ngang ấy, có thể thấy được là tương lai của bác sĩ Naoe vô cùng tươi sáng và đầy hứa hẹn. Anh đã và đang trong quá trình nghiên cứu về bệnh ung thư cột sống- một căn bịnh nan y chưa có phương pháp điều trị. Điểm đặc biệt của căn bệnh này là những tế bào ung thư nhanh chóng ăn sâu vào trong các tế bào thần kinh của tủy sống, gây ra những cơn đau đớn khốc liệt và rồi làm người bệnh trở nên bại liệt dần dần. Một ngày kia, anh choáng váng khi nhận ra rằng, không ai khác, mà chính là anh, đang là nạn nhân của căn bệnh quái ác ấy. Những tấm ảnh chụp X-quang cho thấy là ổ ung thư ở tủy sống của anh đã phát triển đến giai đoạn cuối. Điều đó lý giải cho những cơn đau đớn khốc liệt đã chợt xuất hiện để hành hạ anh. Biết sức khỏe của mình không còn cho phép mình hoàn thành tốt công việc ở trường đại học, anh đã xin từ việc và về làm cho bệnh viện tư nhân Oriental cũng ở trung tâm thành phố Tokyo. Ở đó, anh đã gặp một người con gái, cô y tá Noriko, yêu anh với một tình yêu thắm thiết vô điều kiện. 

Đã nhiều năm trôi qua, nhân vật bác sĩ Naoe đã ngư trị trong tâm trí tôi ở vị trí của một người hùng. Tôi ngưỡng mộ nhân vật ấy ở cái cách anh ta đối diện với nỗi đau và cái chết. Anh đã đối diện với chúng trực diện không sợ hãi. Không phải là đã không có những giây phút đớn đau, quằn quại, rên xiết. Không phải là đã không có những phút giây anh cảm thấy bơ vơ và lẻ loi như một đứa trẻ bị bỏ rơi trong bóng tối. Có và có nhiều! Nhưng anh đã dũng cảm sống chung với chúng trong một sự lặng câm tuyệt đối, mà nếu có ai vô tình được chứng kiến sẽ không khỏi thảng thốt vì mức độ tàn phá của chúng đối với con người anh. Anh tìm đến ma túy, tìm đến tình dục như những cứu cánh sau cùng. Điều đó nghe có vẻ phi luân, nhưng thiết nghĩ hãy nhìn kỹ lại về những nỗi đau tày đình mà kiếp phận con người kia đã phải gánh chịu để hiểu và thương. 


Còn một điều nữa đã làm hình ảnh nhân vật bác sĩ Naoe lung linh như một huyền thoại. Đó là nét lạnh lùng băng giá của anh. Tôi vẫn tin rằng đó là nét lạnh lùng cố hữu, có nghĩa là nó vốn đã theo anh từ trước khi anh phải chịu đựng căn bệnh quái ác. Sau khi căn bệnh xuất hiện, nét lạnh lùng ấy chỉ càng lạnh lùng hơn mà thôi. Nhưng ẩn sau nét lạnh lùng cố hữu ấy, đáng kinh ngạc thay, lại là một trái tim nồng ấm đến không ngờ. Cái cách anh chăm sóc và quan tâm đến những bệnh nhân khốn khổ vào những ngày cuối đời, mới thật làm người khác cảm động làm sao. Vẫn còn thương yêu và quan tâm đến người khác trong một hoàn cảnh sống cá nhân như thế, trái tim anh quả thực đã quá mênh mông. Người đọc tác phẩm không chắc được rằng anh có bao giờ thực sự yêu cô y tá Noriko si tình hay không, nhưng có thể chắc rằng anh đã lo và nghĩ đến cô trước khi anh ra đi, và không bao giờ muốn cô phải đau khổ. 

Một điều cuối này nữa đã ở lại với tôi thật lâu, đã làm cho nhân vật bác sĩ Naoe, với tôi, trở thành một anh hùng bất tử: Cái chết của anh! Có lẽ chưa có một cái chết nào buồn đến như thế, lạnh đến như thế, cô đơn và lẻ loi đến như thế. Anh đã chọn đúng một cách thức chết như thế để đi vào cõi vĩnh hằng: Giữa một ngày trời đông băng giá, anh từ từ bước xuống và trầm mình vào một cái hồ đóng băng ở miền Bắc nước Nhật, nơi mà ở dưới đáy có những nhánh cây sẽ giúp xác thân anh chẳng bao giờ nổi trở lên trên mặt nước. Tôi vẫn nghĩ rằng phải có một tâm hồn lãng mạn lắm, một ý chí dũng cảm và kiên cường lắm mới có thể chọn cho mình một cái chết đẹp và buồn đến như vậy. Và vì nó quá buồn nên nó càng đẹp đến não lòng. Bản thân nỗi buồn vốn luôn ẩn tìềm một nét đẹp kiêu sa. 

Thực ra, ta phải hiểu rằng anh tìm đến cái chết không phải để lẫn tránh nỗi đau thể xác tận cùng. Anh đã đối diện và sống với nó đến ngày cuối cùng có thể, ngày mà những tế bào thần kinh cuối cùng ở cột sống của anh bị tàn phá và anh sắp trở thành một kẻ tàn phế. Anh không muốn mình trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai, dẫu anh chắc cũng thừa biết rằng, dẫu anh có ra sao thì cô y tá Noriko cũng chẳng bao giờ lìa xa anh cả. Cái quyết định ấy đối với một con người thường không dễ. Bản năng "tham sống, sợ chết" của con người đã bao phen đưa con người vào việc thực hiện những quyết định đáng tủi hổ. Với anh thì không. Hãy nghe anh quan niệm về mạng sống con người trước lúc từ giã cõi nhân gian: Đời sống con người chẳng qua giống như một nhúm tro, chỉ cần thổi một cái là bay hết, chẳng còn lại gì.


Quan niệm "đời người một nhúm tro bay" ấy đã lý giải đủ đầy cho sự đối mặt với nỗi đau và cái chết một cách bình thản và hiên ngang của anh, lý giải cho cái chết đẹp và buồn như một bài thơ của anh, cho tấm lòng yêu thương con người bao la, rộng lớn của anh. Nó truyền tải đến chúng ta một thông điêp là: Khi nào mà con người không quá coi trọng mạng sống của mình, thì khi ấy những giá trị tinh thần được gìn giữ và chắt chiu như của báu, con người thương yêu nhau hơn, đối xử với nhau tử tế hơn và nhất là biết sống và chết đẹp hơn gấp bội phần. Có thể suy ra mà không sợ sai lầm rằng quan điểm ấy không chỉ là của riêng nhân vật Naoe trong tác phẩm này, mà còn là quan điểm chung của nhân dân Nhật Bản. Và với một quan niệm sống như thế, chúng ta đã có dịp để chứng kiến nhân dân Nhật Bản sống và chết đẹp như thế nào qua cơn thảm họa sóng thần vừa xảy ra vào tháng Hai đầu năm.
17/09/2011
Jeffrey Thai

Watanabe Junichi
Có thể đọc tác phẩm Đèn Không Hắt Bóng theo đường link:
Đọc tác phẩm ở đây

2 comments:

  1. Tôi không biết giữa sự sống và sự chết có sự liên hệ gì với nhau không, nhưng tôi chắc chắn rằng giữa chúng là một quy trình bất di bất dịch. Một chuổi sinh tồn trong một hạn định bất khả kháng tùy thuộc vào mỗi cơ thể sống bình thường.

    "Sinh" và "Diệt". Chúng ta không cần phải biết: ta từ đâu tới, và sau khi chết đi...về đâu? Nó là vô nghĩa. Cái giá trị đích thực của đời sống mà Watanabe Junichi muốn gửi thông điệp này tới với chúng ta là giá trị nhân bản đầy tính Người.

    Nói theo thuyết Charles Darwin, con người là động vật thượng đẳng tiến hóa. Bởi vì, là động vật tiến hóa nên không trách bản chất thú tính của nó cũng tiến hóa theo. Một khi sự độc ác của thú tính phát triển đạt đến mức tối thượng của nó, thì đó sẽ là tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu nhân loại.

    Điều hiển nhiên này vẫn tồn tại kín đáo trong cách ứng xử giữa con người với con người hiện nay, sẽ là mối đe dọa ám ảnh trong tương lai. "Đèn không hắt bóng" đã đưa bác sỹ Naoe làm nhân vật tiêu biểu trong vai chính truyện, một phần đánh thức lương tâm con người nhìn nhận rõ hơn về giá trị cuộc sống, giá trị tinh thần của một con người ở một quy trình khép kín của Sinh và Diệt "đời người một nhúm tro bay".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Những lời chia sẻ này của bạn đầy tính triết lý và đọc thấy hay lăm. Tôi đã phải đọc lại nhiều lần để nắm hết các ý tưởng bạn muốn truyền tải. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn về sự phát triển của cái ác nơi con người trong quá trình tiến hóa và điều đó thật đáng sợ. Chính vì lẽ đó, mọi tác phẩm luôn được đánh giá cao nếu nó chứa đựng tính nhân văn mà tác phẩm này là một thí dụ. Tôi xem nhân vật Naoe là người hùng một phần cũng vì cách ứng xử mang nhiều tính người bên trong một vỏ ngoài khô lạnh.

      Delete