Sunday, August 18, 2013

(Audio + E-Book) Những Người Khốn Khổ - Victor Hugo


Tiểu thuyết:  Những Người Khốn Khổ (Les Miserables) - Bản rút gọn
Tác giả:  Victor Hugo
Người dịch:  Huỳnh Phan Anh
Người đọc:  Đỗ Thụy 



Lời Giới Thiệu

Những người khốn khổ (Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.

Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: "Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình".

Những người khốn khổ cũng nổi tiếng vì đã được chuyển thể nhiều lần thành các vở kịch, bộ phim, trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới vở nhạc kịch cùng tên, thường được gọi tắt là "Les Mis" (viết tắt từ Les Misérables).

Les Misérables bản dịch đầu tiên tại Việt Nam của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1926, với tên "Những kẻ khốn nạn", của nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội in song ngữ dài 10 tập khoảng 3000 trang. Phần lớn các bản dịch sau này là rút gọn.

Bối cảnh ra đời


Quan tâm sâu sắc tới mối quan hệ giữa công lý xã hội và phẩm giá con người, từ năm 1829 Victor Hugo đã viết tiểu thuyết Le Dernier Jour d'un condamné (nghĩa là "Ngày cuối cùng của một tử tù"), một tác phẩm độc thoại và bào chữa chống lại án tử hình. Tiếp đó năm 1834 ông viết tác phẩm Claude Gueux cũng về mối quan hệ giữa công lý và con người. Năm 1845, ông bắt đầu viết một phần của tiểu thuyết mà Hugo dự định đặt tên là Les Misères (Những cảnh khốn cùng). Ông ngừng viết tiểu thuyết này vào tháng 2 năm 1848 nhưng cùng thời kỳ đó lại viết một tác phẩm khác có tên Discours sur la misère (Chuyên khảo về sự khốn cùng - 1849).



Trong thời gian phải đi tị nạn, sau khi hoàn thành tác phẩm Contemplations năm 1856 và la Légende des siècles năm 1859, Victor Hugo bắt đầu viết hoàn chỉnh tiểu thuyết Les Miserables và xuất bản nó vào năm 1862.

Động cơ


Những người khốn khổ vừa là một tiểu thuyết hiện thực, vừa là một tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết xã hội và cũng là một bài ca về tình yêu.


Trên khía cạnh hiện thực, tiểu thuyết, Những người khốn khổ đã miêu tả cả một thế giới của những con người nghèo khổ, đó là bức tranh cực kỳ chân thực về cuộc sống ở nước Pháp nói chung và ở Paris nghèo khổ nói riêng vào nửa đầu thế kỷ 19.



Trên khía cạnh là một tiểu thuyết sử thi, tác phẩm đã miêu tả ít nhất ba bức tranh chân thực của lịch sử nước Pháp, đó là trận Waterloo, cuộc nổi dậy của những người cộng hòa ở Paris năm 1832 và cuộc chạy trốn trong cống ngầm của Jean Valjean. Tính sử thi của tiểu thuyết cũng thể hiện qua việc miêu tả những xung đột bên trong tâm hồn con người, đó là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác bên trong Jean Valjean, đó cũng là sự xung đột trong suy nghĩ của Javert trước sự tôn trọng luật pháp và sự tôn trọng đạo lý con người.



Những người khốn khổ cũng là tác phẩm ca ngợi tình yêu: Tình yêu đối với các con chiên của linh mục Myriel, tình yêu tuyệt vọng của Fantine và Éponine, tình phụ tử của Jean Valjean với Cosette. Bên cạnh đó, Những người khốn khổ cũng là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Pháp khi thể hiện tình yêu tổ quốc. Trong tâm trạng của một người tị nạn, Victor Hugo đã ghi lại từ trí nhớ và trái tim mình những cảnh vật nước Pháp mà ông yêu quý, đặc biệt là những hình ảnh về Paris, phông nền chính cho cả tác phẩm. Để nuôi dưỡng Cossette, Fantine đã chọn cách kiếm được nhiều tiền nhất có thể: làm điếm, những nhân vật này không chỉ là sản phẩm của thuần túy trí tưởng tượng. Ông là nhà văn có ham muốn tình dục mạnh mẽ và biết thỏa mãn nhu cầu của mình bằng rất nhiều cuộc tình với những phụ nữ khác nhau.



Tuy nhiên động cơ chính của Hugo khi viết tác phẩm là muốn biến nó thành một bản biện hộ xã hội. "Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?". Theo Victor Hugo, đó là lỗi của sự khốn cùng, sự thờ ơ và của một chế độ chỉ biết trấn áp mà không biết thương xót. Là người theo chủ nghĩa lý tưởng, Victor Hugo tin rằng sự dạy dỗ, kèm cặp và tôn trọng từng cá nhân là những vũ khí duy nhất của xã hội để tránh cho những người bất hạnh trở thành tội phạm. Những ý tưởng đó có thể tóm tắt bằng lời tựa của Victor Hugo trong Những người khốn khổ:



"Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự tha hoá của đàn ông vì bán sức lao động, sự sa đoạ của đàn bà vì miếng cơm manh áo, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm thất học còn chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đau khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích."

Đón nhận của độc giả


Phản ứng của giới phê bình là khác nhau, nhiều người cho rằng tác phẩm chỉ ở mức bình thường, số khác cho rằng tác phẩm rất cảm động, số nữa lại cho tác phẩm quá ưu ái với những người cách mạng. Anh em Goncourt biểu lộ sự thất vọng khi cho rằng tác phẩm quá hời hợt và giả dối. Gustave Flaubert thì cho rằng chẳng tìm đâu ra chân lý hay tầm quan trọng từ Những người khốn khổ. Charles Baudelaire thì tuy ca ngợi tiểu thuyết của Vitor Hugo trên báo chí nhưng ý kiến cá nhân của ông đây lại là một tiểu thuyết rất dở.


Tuy vậy, cuốn sách vẫn thu hút được rất đông độc giả và được dịch sang nhiều thứ tiếng khác ngay từ khi mới xuất bản.



Nhìn chung trong bối cảnh xã hội Pháp lúc bấy giờ khi chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn chưa được điều chỉnh, các cuộc nổi dậy là tất yếu xảy ra. Trong Những người khốn khổ, Hugo đã giành tình thương cảm cho những người Cách mạng nhưng không hoàn toàn tán thành đường lối của họ. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Jean Valjean, qua nhân vật này ông muốn cải tạo xã hội nhân bản hơn qua xây dựng những mẫu người lý tưởng. Vì thế tác phẩm mang màu sắc vừa hiện thực vừa lãng mạn, trái ngược với văn của Honoré de Balzac, Stendhal, Charles Dickens mang màu sắc hiện thực phê phán và có phần bi quan về xã hội (chính xác hơn phê phán để tạo động lực thay đổi) hay văn học cách mạng (Ruồi trâu,...). Tác phẩm đậm chất nhân đạo chủ nghĩa và hướng đến cải tạo xã hội mang màu sắc lãng mạn, khác với trào lưu lãng mạn phổ biến khác như trào lưu theo François-René de Chateaubriand hay Novalis thoát ly thực tại hay hoài cổ.



(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)


No comments:

Post a Comment