Anh sẽ không viết những điều này cho em nếu anh không nhìn thấy ở em một sự chuyển biến lớn ở nội tâm và suy nghĩ. Anh có cảm giác em đã không còn lạc lõng khi phải đối diện với một thế giới không phải màu hồng. Anh vừa ghé qua tìm lại em ở một vài nơi quen thuộc trước đây nhưng cửa đã đóng, then đã cài, và em đã nói lời giã biệt. Anh cũng đọc lại một vài lá thư gần đây mà em đã gửi cho anh. Dường như đã có gì đó xáo trộn trong em, dường như em đang thổn thức nhìn lại chính mình. Anh đoán có lẽ em đang buồn, nhưng anh vui khi thấy em đã lớn lên nhiều trong nhận thức, em không còn là cô gái quá hồn nhiên của ngày đầu anh mới gặp. Chắc hẳn thời gian đã dạy cho em nhiều điều, nhất là khi em luôn là một cô gái khát khao học hỏi và hướng thiện.
Có lẽ những gì anh đang viết đây mang nhiều dáng dấp tự sự hơn là trả lời cụ thể những gì em đã hỏi và đã tâm tình. Tuy vậy, anh nghĩ là em vẫn có thể tìm trong chúng những câu tự trả lời cho riêng mình. Khoảng cách thời gian sống giữa anh và em không phải là con số nhỏ, nên có lẽ một ngày mai nào đó em sẽ đọc lại tất cả những gì anh đã viết với một tâm thái khác, gần gũi với người viết hơn. Anh nghĩ thế là vì em đã âm thầm làm thế gần ba năm qua rồi còn gì.
Có lẽ em đang tự hỏi phút giây bất chợt nào đã khiến em có dịp đọc những dòng chữ hồi đáp này, sau nhiều ngày có ý chờ đợi. Có lẽ em cũng đoán được rằng đó không phải là một phút vui, vì khi vui người ta mải hời hợt rong chơi, có ai bận tâm đến việc chia sẻ với ai đâu. Có lẽ em cũng không ngạc nhiên khi anh nói rằng đó là một phút của nỗi cô đơn bạt ngàn không gì khỏa lấp được. Dẫu sao, em đã quen và đã nhiều lần lọt thỏm vào khoảng trống hư không ấy của lòng anh.
Từ trong hố sâu cô đơn thăm thẳm, từ trên đỉnh cao im lặng hoang vu, anh đã thấy diện mục của cuộc sống này, của con người này hiện rõ trước mặt anh chân thực đến từng chi tiết nhỏ, và anh thấy điều đó là có ý nghĩa; dẫu rằng, nó không hẳn là một điều vui. Nếu để chọn niềm vui, anh sẽ chọn để được trở về lúc mình 20 tuổi - lúc mà mình chưa đủ trí khôn và sự từng trải để nhìn thế giới như nó vốn là. Nếu để chọn niềm vui, anh sẽ chọn để được sống lại khoảng thời gian trên trang xã hội YuMe và Tầm Tay, nơi anh và em đã quen biết nhau cùng với một số bạn bè cũ, cách đây hơn hai năm về trước. Đó là khoảng thời gian thật đẹp mà có lần anh đã ví như một cơn mộng du mê mải.
Những ngày này, em, anh và rất nhiều người Việt khác không thể không dõi theo tin tức biến động hàng ngày trên Biển Đông. Anh vốn không phải là người quan tâm nhiều đến chính trị, nhưng đây là lần đầu tiên, anh thấy mình theo dõi sát sao đến như thế. Anh đã đọc gần như hết tất cả mọi tin tức, bình luận của mọi người, mọi giới, trong nước hay ngoài nước, "lề trái" hay "lề phải" về vấn đề này. Đọc và suy ngẫm thật nhiều. Nhưng khác với em, cũng như khác với bao người Việt khác đang sục sôi bầu máu nóng khi thấy chủ quyền lãnh hải đất nước mình bị xâm phạm, anh đã đọc trong khoảng lặng của hư vô, trong khoảng trống mông quạnh của trái tim và tâm hồn mình. Và có lẽ cũng chính vì thế mà chưa bao giờ, anh thấy mình lại nhìn sự việc một cách sáng tỏ và khách quan hơn thế.
Đất nước, chẳng qua chỉ là tập hợp của vô số người: hàng triệu, hàng chục triệu hay hàng trăm triệu... Do đó, câu chuyện trong lòng mỗi một đất nuớc hay về mối quan hệ giữa các đất nước với nhau, xét ra, cũng chỉ xoay quanh thói thường của nhân thế: quyền lợi và tham vọng. Để đạt được những gì mình muốn, con người (nói riêng) hay các đất nước (nói chung) có khi không ngại gì để không sử dụng những thói đời quen thuộc: gian dối, lọc lừa, bội phản, hiếp đáp...
Em nói rằng em cảm thấy buồn và tức giận cho sự lảng tránh và sợ hãi của một số người khi em chia sẻ tâm sự của mình về quê hương. Anh cũng đã từng có cảm giác như em, nhưng giờ đây, trong sự im lặng của thinh không, anh nhìn ra mọi thứ đều có nguyên do của nó. Hãy cứ đặt mình vào trong vị thế của họ - những người đang sống giữa lòng đất nước VN - và hãy nhìn vào sự trừng phạt khắc nghiệt dành cho những tiếng nói phản kháng đã và đang cất lên, rồi hãy tự hỏi mình câu hỏi: "Nếu mình là họ, liệu mình có dám nói gì không?" Anh tự hỏi, và anh đã thấy mình có một chút chần chừ, do dự nào đó.
Hiện giờ, anh đoán là có rất nhiều người trong nước đang tin tưởng và đặt kỳ vọng vào những gì mà ngài thủ tướng NTD đã phát biểu trong vấn đề đối đầu với Trung Cộng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đặt mình vào trong vị thế của họ - những người đã có ý không muốn tìm đọc hay không muốn tìm hiểu (hay do không có điều kiện), thì anh thấy việc đó cũng dễ dàng hiểu được. Họ sẽ tiếp tục tin tưởng theo cái cách mà các nhà lãnh đạo VN đã tin tưởng vào tình bạn "thân ái" của nhà cầm quyền Trung Cộng. Riêng anh, dù rằng vẫn nhận thấy những lời phát biểu ấy thật hay, và những cách phản ứng thận trọng ấy ở bề mặt bên ngoài dường như hữu lý, nhưng xét kỹ và liên kết các hành động "tiền hậu bất nhất" lại với nhau, thì anh có cảm giác như mình đang sa vào một trận đồ bát quái rất mù mờ - mù mờ và bí ẩn như cuộc bạo loạn "bỗng dưng" của các công nhân ở Bình Dương.
Ngày còn học ở trường phổ thông, anh đã được học nhiều về ĐCSVN. Anh chỉ học thuộc lòng và chưa bao giờ có một đánh giá gì cho riêng mình cả; vì xét cho cùng, thời ấy, làm gì có nhiều tin tức để tìm hiểu và đối chiếu: học sao, biết vậy mà thôi. Ngày anh ra đi, anh đã bỏ lại tất cả đàng sau, và nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ phải bận tâm về nó nữa, dù tốt, dù xấu. Giờ đây, khi đất nước đang trong cơn hiểm họa xâm lăng, anh thấy mình có dịp để nhìn lại nó và đánh giá nó dựa trên các thông tin đầy đủ và khách quan, cùng với hiện thực xã hội; và anh cho là đã đến lúc nó không còn lý do gì để tồn tại nữa. Sự thật về công hàm Phạm Văn Đồng đã được mổ xẻ chi tiết bởi nhiều người, nhiều phía; và với một người có chút ít kiến thức, không khó để nhìn ra những gì đã thực sự diễn ra. Dĩ nhiên, không ai chỉ nhìn vào riêng sự kiện ấy để đánh giá một đảng, mà nhìn cả vào chặng đường 39 năm đã qua, hay dài lâu hơn thế nữa. Cũng dĩ nhiên là sẽ có rất nhiều người chẳng bao giờ chịu nhìn và chịu hiểu. Và việc làm cho họ hiểu chỉ còn có thể giao phó cho thời gian. Thời gian sẽ làm những gì mà nó đã và đang làm: soi rọi ánh sáng vào những hầm tối bí mật của thế sự quốc gia, của lịch sử nước nhà.
Có một ý kiến được nhiều nhân vật có tiếng tăm (trong đó có TS Cù Huy Hà Vũ, cựu đại tá Bùi Tín... ) đề ra để giải quyết vấn đề đất nước hiện thời, mà anh chú ý là: Họ đề nghị ĐCSVN tự giải thể và đất nước chuyển dần sang cơ chế dân chủ, từ đó thu hút được sự quan tâm của quốc tế và có được liên minh quân sự cần thiết để chống lại Trung Cộng. Anh có cùng ý nghĩ như thế, nhưng anh không tin rằng ĐCSVN sẽ có bao giờ chịu từ bỏ quyền lợi của mình, và hy sinh nó cho lợi ích dân tộc. Tuy vậy, anh hy vọng là còn có rất nhiều đảng viên chân chính biết nghĩ đến tiền đồ của đất nước, và anh mong là họ sẽ có đủ can đảm để làm một cuộc cách mạng, dẫu có thể phải vong thân. Anh nuôi niềm hy vọng và mong mỏi đó là vì anh đã nhìn thấy lòng yêu nước ngùn ngụt của toàn thể người dân Việt (trong nước và ở khắp mọi nơi trên thế giới) biểu lộ trong những ngày qua khi san hà nguy biến.
Quyền lợi và tham vọng. Lọc lừa và phản trắc. Dối trá và đớn hèn. Độc ác và nhẫn tâm. Tất cả những điều đó cùng bao thói đời đen bạc khác vốn đã, đang, và sẽ chi phối và thống trị cách hành xử của con người, cùng các tập đoàn người. Guồng quay vô minh ấy có một đà kéo cực kỳ mạnh mẽ khiến nhân loại bị cuốn theo nó không cưỡng lại được. Trong guồng quay vô tình ấy, định mệnh nhược tiểu của đất nước VN ví như một chiếc lá mỏng manh giữa dòng xoáy bạo cuồng, càng nghĩ, càng thương.
Anh ngồi đây, viết cho em những dòng chữ này, trong im lặng của thinh không. Trước mặt anh giờ hiện rõ một thế giới con người loạn cuồng trong vòng kiềm tỏa của những quyền lợi và tham vọng dường như bất tận. Chúng điều khiển mỗi cá thể con người, chúng điều khiển những tập đoàn người. Anh chưa bao giờ thấy mình thuộc về cái thế giới đó, và có lẽ vì thế, anh sống đây giữa con người mà chưa bao giờ cảm thấy mình lẻ loi và cô đơn đến thế.
Có một ý kiến được nhiều nhân vật có tiếng tăm (trong đó có TS Cù Huy Hà Vũ, cựu đại tá Bùi Tín... ) đề ra để giải quyết vấn đề đất nước hiện thời, mà anh chú ý là: Họ đề nghị ĐCSVN tự giải thể và đất nước chuyển dần sang cơ chế dân chủ, từ đó thu hút được sự quan tâm của quốc tế và có được liên minh quân sự cần thiết để chống lại Trung Cộng. Anh có cùng ý nghĩ như thế, nhưng anh không tin rằng ĐCSVN sẽ có bao giờ chịu từ bỏ quyền lợi của mình, và hy sinh nó cho lợi ích dân tộc. Tuy vậy, anh hy vọng là còn có rất nhiều đảng viên chân chính biết nghĩ đến tiền đồ của đất nước, và anh mong là họ sẽ có đủ can đảm để làm một cuộc cách mạng, dẫu có thể phải vong thân. Anh nuôi niềm hy vọng và mong mỏi đó là vì anh đã nhìn thấy lòng yêu nước ngùn ngụt của toàn thể người dân Việt (trong nước và ở khắp mọi nơi trên thế giới) biểu lộ trong những ngày qua khi san hà nguy biến.
Quyền lợi và tham vọng. Lọc lừa và phản trắc. Dối trá và đớn hèn. Độc ác và nhẫn tâm. Tất cả những điều đó cùng bao thói đời đen bạc khác vốn đã, đang, và sẽ chi phối và thống trị cách hành xử của con người, cùng các tập đoàn người. Guồng quay vô minh ấy có một đà kéo cực kỳ mạnh mẽ khiến nhân loại bị cuốn theo nó không cưỡng lại được. Trong guồng quay vô tình ấy, định mệnh nhược tiểu của đất nước VN ví như một chiếc lá mỏng manh giữa dòng xoáy bạo cuồng, càng nghĩ, càng thương.
Anh ngồi đây, viết cho em những dòng chữ này, trong im lặng của thinh không. Trước mặt anh giờ hiện rõ một thế giới con người loạn cuồng trong vòng kiềm tỏa của những quyền lợi và tham vọng dường như bất tận. Chúng điều khiển mỗi cá thể con người, chúng điều khiển những tập đoàn người. Anh chưa bao giờ thấy mình thuộc về cái thế giới đó, và có lẽ vì thế, anh sống đây giữa con người mà chưa bao giờ cảm thấy mình lẻ loi và cô đơn đến thế.
31/05/2014
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment