Người Khăn Trắng giải mã chuyện ma quỷ dân gian
Truyện có yếu tố ma, song đó chỉ là cái “cớ” để cho tính nhân văn, những cái kết có hậu hiện lên. Trong cuộc sống, những kẻ yếu thế, phận người thấp cổ bé họng, đặc biệt là những người phụ nữ trong chế độ cũ thường bị chà đạp, hãm hại nhưng họ không thể phản kháng, nếu có thì cũng hết sức yếu ớt. Hậu quả là không ít người con gái mới chỉ độ trăng tròn, đôi mươi phải chết một cách oan uổng.
Người ta nói con gái chết trẻ thường thiêng, thường linh và khi chết đi thường cho oan hồn về báo oán. Nhưng tôi quan niệm ma chính là ở trong lương tâm của mỗi con người. Nếu làm việc ác, bất nhân, phi nghĩa... ắt hẳn lương tâm bị cắn rứt, không yên ổn”. Đó là những chia sẻ của nhà văn Người Khăn Trắng (tên thật là Huỳnh Thượng Đẳng) khi nói về những truyện do ông viết trong các tập “Chuyện không kể lúc nửa đêm”.
Từ số này, chúng tôi xin kể lại một số câu chuyện đã xảy ra trong cuộc sống và yếu tố ma ở đây như là yếu tố phụ họa.
Chia sẻ với chúng tôi, Người Khăn Trắng cho rằng, khi ông viết những truyện ma đầu tiên cho tới nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng truyện là nhảm nhí, là ma mị. Nhưng số này rất ít, đại bộ phận người đọc đã đón nhận nó như những tác phẩm văn học thực thụ. Thậm chí có nhiều người còn “mê” hơn cả những tiểu thuyết “ăn khách” khác.
Người Khăn Trắng trò chuyện với tác giả.
Gieo tai ương, gặp quả báo
Người Khăn Trắng kể lại câu chuyện, có một độc giả là Việt kiều Mỹ. Bà này “mê”: “Chuyện không kể lúc nửa đêm” từ khi tôi cho ấn bản tập đầu tiên. Sau mấy chục năm mê mẩn tới khi ngưng thì người này hết sức hụt hẫng. Bẵng đi một thời gian, bà này biết được tôi đã viết trở lại nên tìm cho bằng được để đọc. Rồi bà chỉ cho con cháu mình cùng đọc. Đơn giản rằng, họ hiểu được sự “lợi hại” của truyện này. Vì đằng sau những câu chuyện đó là những sự thật được bóc mẽ, đằng sau mỗi câu chuyện là hình ảnh thân thuộc của ai đó “hiện” về và đằng sau mỗi câu chuyện lại hiện lên tính nhân văn cao cả, những triết lý sống ở đời: Gieo tai ương thì sẽ gặp quả báo...
Người Khăn Trắng kể tiếp, sự thật thì đã có những người đến nói với tôi rằng: “Sao đọc truyện của chú con thấy giống y chang như chị Hai con vậy. Chị cũng bị cưỡng bức và rồi phải từ bỏ cuộc đời khi còn rất trẻ. Con cảm ơn chú đã cho con nghe lại được câu chuyện của chị mình trong “Lời thề trước miếu oan hồn”, một bạn đọc chia sẻ với tôi như thế. Chính vì thế, trong lời tựa cho mỗi cuốn sách, chúng tôi cũng luôn khẳng định rằng: Từ cổ thiên kim, trên cõi dương gian có biết bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt mờ ảo về cõi âm. Cõi huyền bí, hư hư, ảo ảo ấy cho đến nay cũng là những câu chuyện từ cõi người mà ra. Bởi vậy, hầu như những chuyện ma quái lưu truyền trong dân gian, hay viết thành sách nổi tiếng như “Liêu trai chí dị” (Trung Quốc), “Truyền kỳ mạn lục” (Việt Nam) và nhiều cuốn sách khác đều như thể là hiện thân phía âm bản của thế giới con người”.
Cuộc đấu tranh giữa cái ác và cái thiện, cái thấp hèn và cái cao thượng, những khát vọng công lý với lẽ sống công bằng, mơ ước về một cuộc sống hạnh phúc... đều là những chủ đề lớn trong những câu chuyện kinh dị ấy. Do đó, sau những lớp áo khói sương vô hình mang màu sắc tâm linh lại chính là những điều gần gũi, thiết cốt với con người. Những tập truyện ma của tác giả Người Khăn Trắng cũng không ngoài những chủ đề này. Từ những cây chuyện lưu truyền đâu đó trong dân gian, tác giả Người Khăn Trắng bằng hư cấu văn học đã xây dựng những câu chuyện ma không chỉ “đọc cho vui” mà còn mang ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc, cùng những bài học khá thấm thía về lẽ sống, về cách làm người... Ông Dương Thiên Vương, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Văn hóa Thiên Vương cho biết, ma trong các câu chuyện của Người Khăn Trắng cứ bàng bạc nhưng lại là chìa khóa để mở ra những nút thắt.
Nhà văn Thượng Hồng.
Nghệ thuật với... ma
Người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam
Vào cuối tháng 10 năm 2012, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã công nhận nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng là người viết truyện ma nhiều nhất Việt Nam. Nhà văn cho biết, không phải ngẫu nhiên mà họ công nhận mà các tác phẩm cũng phải qua một hội đồng xét chọn.
Trong một số tập tác giả đã thể hiện rõ tính đấu tranh giai cấp. Những kẻ gieo rắc cái ác, thường là bọn cường hào ác bá, sau khi thỏa mãn nhục dục, đã giết hại các cô thiếu nữ trong trắng rủ bỏ trách nhiệm. Hồn ma các nàng hiện về trả thù. Đó cũng là khát vọng của nhân dân, trong khi chưa được pháp luật trừng phạt thì hãy dùng phép màu của tâm linh trừng trị bọn chúng. Ở góc độ của những bài viết này, chúng tôi cũng không có ý định sẽ đi tuyên truyền những trò ma quỷ, mê tín dị đoan hay đi sâu vào những chi tiết mang tính dâm dục để câu khách... mà chỉ kể lại những câu chuyện của Người Khăn Trắng (nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng với các bút danh nổi tiếng như Thượng Hồng, Hoàng Huy, Thượng Vũ...). Đặc biệt, chỉ đi sâu vào những câu chuyện gần như có thực khi nhà văn đã được nghe kể lại và đúng như lời ông nói: “Khi đó, những tình tiết ma quỷ chỉ là mang tính phụ họa, làm cho câu chuyện thêm phần sinh động và trở nên nghệ thuật thôi”.
Nhà văn Thượng Hồng bắt đầu viết truyện ma từ năm 1966. Những câu chuyện của ông đã thu hút được độc giả thời bấy giờ, bởi lối viết theo giọng Nam Bộ giản dị, có khi dùng phương ngữ làm nhiều người mê. Thêm vào đó, cốt truyện gần gũi, ít yếu tố ma quỷ nên truyện của ông có khá nhiều độc giả theo từ đó tới nay. Năm nay, Người Khăn Trắng đã bước sang tuổi 75, nhưng ông vẫn viết khỏe. Người Khăn Trắng cho biết, lúc cầm bút thời chế độ cũ, đã bị chính quyền lúc ấy cấm viết cho tới khi giải phóng. “Qua những câu chuyện của tôi, họ cho rằng, đó là phương tiện để tuyên truyền, đấu tranh của cộng sản. Đặc biệt, khi lấy những nhân vật nữ về báo oán các loại cường hào, ác bá hay những tên bóc lột hà hiếp dân nghèo. Thêm vào đó, gia đình tôi đa phần hoạt động theo cách mạng, tập kết ra Bắc. Riêng tôi, đến năm 1954 thì chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Mãi đến năm 2004 thì tôi bắt đầu viết lại”, nhà văn Thượng Hồng nói.
Nói về tủ sách “Chuyện không kể lúc nửa đêm”, nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng cho biết, như thế là vừa rồi (đã bán ra trên 1 triệu bản). Trong quá trình “Chuyện không kể lúc nửa đêm” xuất bản và được nhiều người tìm đọc cũng đã có không ít người mạo danh bút danh Người Khăn Trắng để ký dưới tác phẩm của họ nhằm “đánh lận con đen”. Nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng cho biết, từ sau 1975, bút hiệu Người Khăn Trắng không xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào, cho đến giữa năm 2007, khi tôi viết lại loại chuyện kinh dị này và ký hợp đồng độc quyền cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Văn hóa Thiên Vương thì bút danh Người Khăn Trắng mới tái xuất.
Và niềm đam mê về sách sử Việt Nam
Hiện nay, nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng và Công ty Thiên Vương đã và đang chuẩn bị cho ra những tủ sách mới: Phận gái giữa dòng đời và Tự hào sử Việt. Đặc biệt là tủ sách Tự hào sử Việt được cả hai bên hết sức tâm đắc. Nhà văn Huỳnh Thượng Đẳng kể lại câu chuyện vui nhưng ứa nước mắt: Có một học sinh khi viết về Thúy Kiều có đoạn: Thúy Kiều gieo xuống sông Tiền Giang trầm mình nhưng may mắn được chị Út Tịch cứu và sau đó được giác ngộ cách mạng, rồi chị Út Tịch đưa vào rừng. Còn ông Vương lại trăn trở khi thấy hiện tượng học sinh không mặn mà với sử nhà nên họ đã quyết tâm cho ra đời tủ sách này. Hiện nay, tủ sách này đã xuất bản được 4 tập. Đó là những anh hùng hào kiệt như Trần Hưng Đạo, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Thủ Độ, Lê Hoàn... Bộ sách có nhiều chuyện “thâm cung bí sử”, viết theo lối chuyện thoại nên rất dễ đọc và đi vào tâm khảm mỗi người.
Chí Thanh
No comments:
Post a Comment