Kỷ niệm luôn nằm trong quá khứ, nó gợi nhớ quá khứ - những ngày, những năm, những tháng người ta đã sống qua. Ngày tháng đã trôi qua, dĩ nhiên, không trở lại nữa bao giờ. Thời gian là dòng chảy một chiều vô cùng cực đoan (cực đoan ở tính một chiều của nó). Vì thế, đôi khi có người hay than vãn thời gian sao nghiệt ngã và vô tình.
Song hành với mỗi đời người là một quá khứ - cho dù là để nhớ hay để quên. Người ta không thể sống lại ngày tháng cũ, nhưng nếu muốn, người ta có thể nhớ lại nó. Thời gian vốn không hương, không màu, không hình dáng nên để nhớ lại thời gian không phải là điều dễ dàng. Chính kỷ niệm làm người ta dễ nhớ lại quá khứ hơn; và thường thì khi nhớ lại, bao cay đắng, xót xa của ngày cũ cũng vơi đi phần nào, và đọng lại nhiều hơn là những dư âm ngọt ngào.
Những bài hát ấy là những bài hát mà Bạch Tuyết đã hát lên, trên làn sóng phát thanh, ở những năm rất cũ, thật cũ; từ sau ngày dòng sông Bến Hải không còn ngăn đôi hai bờ vĩ tuyến. Chúng vọng vang qua những cái loa phát thanh hay những cái máy radio cũ kỷ, và theo gió mà phả bóng dáng ký ức vào trong đời sống của nhiều con người, trong đó có tôi (ở những ngày còn thơ và còn rất trẻ).
Nhớ lại ngày ấy, ai cũng nghèo; từ nghèo vừa vừa, đến nghèo xác, nghèo xơ. Các phương tiện giải trí hầu như là một con số không to tướng; thỉnh thoảng, mới có một buổi chiếu phim ngoài trời miễn phí: không có sách để đọc, không có tivi để xem, không có máy thu thanh để nghe nhạc… Hầu như đa phần mọi người chỉ còn thứ phương tiện giải trí duy nhất là những chiếc radio đã cũ.
Từ những di vật đã bạc sờn ấy, người ta chắt chiu từng chút niềm vui còn có được qua những giai điệu, lời ca được phát ra. Dĩ nhiên, chẳng ai thiết tha gì với thứ nhạc tân đã được dùng như một phương tiện tuyên truyền, cổ động. Giữa trưa oi nồng, hay giữa đêm vắng canh thâu, người ta âm thầm tìm lại chút thân quen qua những giai điệu nhạc cổ quen thuộc, được trình bày qua những giọng hát cố nhân từ trong dĩ vãng như Bạch Tuyết, Minh Vương, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ…
Người ca là người cũ, nhưng lời ca, dĩ nhiên, thuộc về chế độ mới mất rồi. Những lời ca ấy, đôi khi, người nghe cảm thấy không xứng hợp lắm với lòng mình, nhưng, có lẽ, nghe riết rồi quen. Dẫu sao, quan trọng hơn vẫn là giai điệu. Dẫu thích nhiều hay thích ít, những bài ca ấy dần gắn liền với đời sống, và dần đi vào ký ức lúc nào không hay. Cho đến bây giờ, nhìn lại, tôi và những người năm cũ ấy không thể không nghĩ về chúng như là những bài ca kỷ niệm.
Khác với các nghệ sĩ khác, Bạch Tuyết không xuất hiện trở lại ngay sau năm 1975, mà phải đến vài năm sau đó. Khoảng thời gian ấy, người ta không biết gì về Bạch Tuyết, và tôi cũng không biết gì về Bạch Tuyết, và vì thế, trong lòng luôn có ý chờ mong. Cái ý chờ mong đó, nghĩ lại, thấy có chút buồn cười, vì lúc ấy, tôi còn nhỏ lắm, còn ngồi ở những năm đầu của bậc phổ thông. Vậy mà, không hiểu sao, tôi biết là trong lòng tôi đang đợi chờ giọng hát Bạch Tuyết trở lại - chờ đợi thiết tha. Sự gắn bó ấy xuất phát từ đâu, bắt đầu từ lúc nào, tôi không biết; vì lúc đó, như tôi vừa nói, tôi còn rất nhỏ.
Bạch Tuyết và tôi vốn là cố nhân. Tôi vốn biết Bạch Tuyết từ trước năm 1975, qua chiếc máy tivi đen trắng 20 inch, mà cứ mỗi tối, tôi hầu như luôn túc trực quanh nó. Lúc đó, Bạch Tuyết đã là cô đào nổi danh của đoàn Dạ Lý Hương, xuất hiện thường xuyên trên tivi cùng Hùng Cường, qua các vở tuồng Yêu Người Điên, Yêu Người Say, Bí Mật Của Chàng… Rồi sau đó, là các vở Thúy Kiều của chính đoàn cải lương Bạch Tuyết. Lúc Bạch Tuyết nổi tiếng như thế, thì tôi là một cậu nhóc chỉ vừa biết đọc, và thú vui chơi say mê nhất của cậu nhóc ấy là xem tivi. Tôi mê xem tivi lắm, và nhất là mê xem cải lương; dẫu rằng, tôi mơ hồ nhớ là, xem thì xem vậy thôi, chứ có hiểu gì nhiều đâu, toàn chuyện tình cảm người lớn không mà.
Rồi ngày 30-04 đến.
Khoảng thời gian ấy, tôi vẫn còn rất nhỏ, nhưng đã đọc được lưu loát, và bắt đầu đọc lấy mọi tờ báo nhật trình cũ mà ở nhà thường mua về từng ký để gói đồ. Tôi thích đọc nhất mục có liên quan đến kịch trường và sân khấu để xem người ta nói gì về các nghệ sĩ mà mình đã thấy trên tivi. Thường thì các bài báo nói về nhiều nghệ sĩ, nhưng tôi luôn quan tâm hơn đến các bài báo viết về Bạch Tuyết. Nhưng tôi không đọc được bao lâu, thì những tờ báo cũ ấy đã bị mọi người đốt bỏ hết. Lý do chính là vì ngày 30-04. Sau ngày ấy, dĩ vãng phải được đốt sạch, và người ta được dạy là phải dọn lòng để đón chào một chế độ mới.
Có một sự trùng hợp vô cùng khó hiểu. Từ nhỏ và cho đến cả bây giờ, tôi chưa hề bao giờ bị bệnh gì, và chưa hề bao giờ phải vào bệnh viện để trị bệnh. Ấy vậy mà, ngay sau ngày 30-04 ấy, ngay vào mùa hè năm ấy, tôi bị đến hai chặp bệnh sốt rét kéo dài, hết kỳ này thì kỳ sau lại tái phát; thời kỳ bệnh nóng sốt mê man kéo dài ấy đã khiến cho ký ức về những ngày đầu sau 30/04 của tôi toàn đầy những hình ảnh mơ hồ và nhập nhằng. Sau trận bệnh ấy, và sau ngày đất nước thay đổi ấy, chiếc tivi không còn nữa, và tôi dường như cũng trở thành một con người khác.
Trong bóng tối miên man của những đêm trường cô tịch, học bài bên ngọn đèn dầu leo loét, đôi lúc tôi thấy nhớ thứ ánh sáng sáng choang phát ra từ chiếc tivi, và cũng cảm thấy nhớ bâng quơ những người nghệ sĩ đã lần lượt xuất hiện trên nó. Các nghệ sĩ ấy như Minh Phụng, Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên… nay đã dần xuất hiện trên chiếc radio; duy chỉ có Bạch Tuyết – người tôi mong đợi nhất - lại chẳng xuất hiện bao giờ. Ngày ấy, không phải như bây giờ, không biết thì đành chịu, chứ chẳng biết hỏi ai, và vả chăng, có hỏi cũng chẳng ai biết.
Rồi mấy năm sau, hình như là khoảng ba năm sau đó, vào một buổi sáng, tôi đang ngồi trong lớp học nghe giảng bài, thì nghe tiếng ca Bạch Tuyết vang lên từ chiếc radio của một nhà dân gần ngôi trường: Bạch Tuyết ca bài Hương Nhãn. Phút giây ấy thật ấm áp và tôi nói với mình: Bạch Tuyết đã trở lại. Từ ấy đến nay lâu là thế mà tôi vẫn còn có thể nhớ được cái cảm giác lúc ấy khi nghe Bạch Tuyết hát lại lần đầu tiên sau chừng ấy năm xa cách. Hương Nhãn là bài hát đầu tiên Bạch Tuyết xuất hiện trở lại sau năm 1975, trên làn sóng phát thanh. Không biết người khác có nhận ra không, chứ tôi thì không thể lầm được.
Đúng là giọng Bạch Tuyết đây rồi, dẫu rằng, ở hôm nay, cách hát của Bạch Tuyết đã có nhiều thay đổi. Giọng ca của Bạch Tuyết trước năm 1975 có hơi ca ngắn và cách ca tự nhiên, không sử dụng kỹ thuật, và phần xuống giọng có hơi ẻo lả nhiều nữ tính. Dẫu hơi ca ngắn, nhưng tiếng hát của Bạch Tuyết ở ngày cũ lại có một sức quyến rũ vô cùng lớn ở tính mộc mạc và tự nhiên. Sức quyến rũ còn toát ra từ chất giọng kim pha thổ, mà ở ngày cũ, chất thổ nhiều hơn chất kim.
Bây giờ, với Hương Nhãn, Bạch Tuyết đã ca khác xưa rất nhiều. Hơi ca của Bạch Tuyết bây giờ không còn ngắn nữa, mà đã kéo dài ra hơn trước, ngân cao và ngân vang, lên đến những âm độ cao chót vót. Vì sao hơi ca của Bạch Tuyết từ ngắn lại có thể chuyển hóa thành dài và mở rộng với một biên độ khá lớn là một câu hỏi mà đến hôm nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời, ngoại trừ cho rằng đó là một sự luyện tập kỳ công của Bạch Tuyết trước khi xuất hiện trở lại, sau khoảng thời gian gần bảy năm vắng bóng.
Sau Hương Nhãn, tôi cho rằng bài hát thứ hai của Bạch Tuyết là Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. So sánh chất giọng, cách vô câu vọng cổ, có thể đoán là hai bài này được thâu khá gần nhau. Chất giọng của Bạch Tuyết trong hai bài này nghe như hơi bị sổ mũi nhẹ và vì thế, nghe có một sắc thái lạ và mang một sự quyến rũ cũng rất lạ. Cách vào câu vọng cổ lên cao ở phần đầu rồi như bẻ qua một cua ngoặt gắt trước khi hạ giọng để xuống câu là cách thức hát hoàn toàn mới của Bạch Tuyết so với trước kia. Lúc đầu mới nghe, chưa quen lắm, người nghe có thể cảm thấy có phần lạ lẫm và chưa thấy hay nhiều. Nhưng nếu nghe kỹ thì mới thấy cách ca ấy nhằm phát huy giọng ca mới của Bạch Tuyết vốn có một biên độ rộng hơn trước rất nhiều.
Có lẽ có nhiều người còn nhớ bài hát Ngày Mai Anh Lên Đường. Đó vốn là một bài tân nhạc rất phổ biến vào đầu và giữa thập niên 80. Với tôi, cứ mỗi lần nghe tôi lại nhớ đến khung trời Cần Thơ, lúc tôi còn đang học đại học. Bài hát được viết thêm lời cổ và được Bạch Tuyết hát cùng Vũ Minh Vương. Đây là bài hát mà cả hai nghệ sĩ đã cùng hát rất hay, rất hòa quyện, cho dù họ không hát chung thường xuyên. Vũ Minh Vương, xét ra, tuổi đời không đến nỗi già mà đã vội qua đời quá sớm.
Có một dạo Anh Ở Đầu Sông, Em Cuối Sông không còn là tựa đề của một bài nhạc mà được người ta dùng như một thành ngữ để chỉ sự xa cách. Điều đó nói lên sự phổ biến của bài hát này. Với khả năng hát tân nhạc chuẩn và hay, Bạch Tuyết đã khiến bài hát tân cổ trở nên hấp dẫn. Bạch Tuyết và Hoài Vĩnh Phúc vốn đã từng kết hợp trước năm 1975. Sau 1975, bài hát này là một sự kết hợp thành công của hai giọng hát này vốn tưởng như khó hòa quyện vì một bên là giọng ca cao và lả lướt, còn bên kia là giọng trầm và ổn định. Giống như Vũ Minh Vương, Hoài Vĩnh Phúc là giọng ca không còn nữa.
Con Đường Có Lá Me Bay cũng là một bài hát rất quen thuộc của thập niên 80. Bạch Tuyết đã trình bày phần tân nhạc rất hay. Ở phần cổ nhạc, sự kết hợp của Bạch Tuyết với giọng ca trẻ Ngân Giang đã mang đến một sắc thái mới cho bài tân cổ; và điểm hay là khi nghe, người ta không nhận ra sự cách biệt. Trước năm 1975, dường như Bạch Tuyết chủ yếu chỉ song ca cùng Hùng Cường; sau năm 1975, việc kết hợp song ca cùng với nhiều nghệ sĩ khác trẻ hơn đã giúp cho những bài hát Bạch Tuyết trình bày thêm phần hấp dẫn và đa dạng.
Minh Vương vốn là bạn ca song đôi ăn ý của Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Mỹ Châu… ; thế nhưng, sự kết hợp giữa Minh Vương và Bạch Tuyết vẫn mang đến một sự hòa quyện có sắc thái riêng. Có hai bài hát ở thập niên 80 thể hiện đặc trưng cho sự hòa quyện này là: Tặng Đời Chiếc Nón Bài Thơ và Em Gái Mèo Đi Chợ. Nhớ đến song ca vọng cổ giữa Minh Vương và Bạch Tuyết, người ta không thể không nhớ đến TĐCNBT của thập niên 80. Thỉnh thoảng (và cho mãi đến gần đây), tiết mục này lại được cả hai trình bày lại, và có thể đoán được là cứ mỗi lần nó được trình bày lại là cả một sự gợi khơi kỷ niệm mà người xem không thể không khỏi bồi hồi.
(Còn tiếp phần II)
17/05/2015
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment