Tôi tên là gì?
Có cha?
Có mẹ?
Và người thân quyến thuộc?
Ai đang bước đi đây?
Nó bước qua xa lộ. Một chiếc taxi chạy tới. Xe vụt qua sát nó.
Tại sao mình còn sống?
Một chiếc xe khác vụt qua. Nhẹ nhàng.
Mình thử lao đầu vào xe xem sao?
Chết?
Nhẹ quá. Nó bước qua đường.
Ai đang bước qua đường?
Hai người Mỹ đang nói chuyện. Nó chợt thấy nó đang đứng trong một tiệm sách. Lật vài trang. Không tiền. Bước ra. Nó nhìn lên trời. Đen. Nó đứng lại nhìn mười ngón tay. Của ai?
Bước qua đường. Không xe. Bến tàu Saigon. Hoàng hôn. Nó ngồi thòng chân xuống nước. Chân ai? Gió. Nhẹ nhàng quá. Nước chảy đen. Nhảy xuống xem sao.
Dễ dàng quá. Không. Không. Đứng dậy. Nó bước ven bờ sông. Nó lại ngồi xuống. Nhìn xuống đất. Nhìn xuống dòng nước đen. Nhảy xuống xem sao? Không. Thôi đứng dậy. Nó đi ven bờ sông. Nó lại ngồi xuống. Nhìn xuống đất. Trời tối. Một chiếc lá khô. Nó cầm lên xem. Chiếc lá dễ thương. Nó ngửi mùi thơm chiếc lá. Gây gây. Nó làm bạn với chiếc lá. Nó nói chuyện. Chiếc lá lắng tai nghe. Hoàng hôn thiu thiu ngủ trên dòng sông. Thành phố đang ngủ. Chỉ có một người còn thức với một chiếc lá.
*
Chiều hôm nay, tôi đến Nha Trang. Còn đúng năm đồng. Hành lý của tôi là một cuốn tự điển. Thành phố này dễ ghét. Cũng mấy cái nhà khô khan chán đời ấy. Cũng mấy con đường nhăn nhó khó chịu. Tôi chỉ muốn cả thành phố này tiêu tan hết đi. Chỉ còn lại vùng bãi biển thôi. Thành phố này làm dơ bẩn biển xanh. Hai năm trước tôi đã sống ở đây và dạy học. Tôi là giáo sư? Tôi muốn mửa máu. Cái nghề ấy không khác gì nghề bordel. Mửa. Tôi sợ mấy trường học như mấy nhà tù. Ừ, nhà tù còn tự do hơn.
Buổi chiều, tôi bước đi ven theo bãi biển, sóng vỗ ầm lên. Mi im lặng không? Chán quá. Ta mệt lắm rồi. Sóng vẫn vỗ ầm lên.
Tôi bực tức. Tôi ngồi xuống bãi cát và hồi hộp nhìn về phía sóng vỗ. Sóng vẫn cứ vỗ ầm lên. Tôi thấy một cơn hư vô dễ sợ từ từ xuất hiện nơi mặt đen đen kia. Gió thổi lạnh. Tôi áp cuốn tự điển vào ngực cho ấm. Tôi ôm chặt quyển tự điển như ghì ôm một người.
Nó nằm ngủ quên bãi cát: đến khuya, chợt thức giấc, nó bàng hoàng nhìn lên trời. Trời đen quá. Biển cũng đen. Gió buốt lạnh. Sóng vẫn ầm ầm. Sự im lặng cũng đen. Nó thấy hết cô độc. Tay nó bồng quyển tự điển như bồng một người bé bỏng. Nó ôm chặt quyển sách vào tim. Mặt trăng lên quá cao. Màu trắng ám ánh đen. Nó đứng dậy bước về phố chợ và tìm chỗ ngồi, chờ sáng.
*
Đêm nào cũng thức đến hai ba giờ sáng.
Không làm gì chỉ ngồi nghe lá cây mọc trên mười ngón tay
Tôi ngửi mùi địa ngục trên gió rừng thơm ngát
Tiếng ca của người con gái sống trọn đời ở nghĩa trang
Tiếng ca của người đi đường hai chân bước xuống hải đảo lá cây đem về ướp giữa hai trang giấy thành thị
Tôi cười trong bóng đèn ma dại
Anh trở về hôn những phiến mùa hè hôi mùi rong
Anh lên đường tiếp đón hai con chó dại nằm giữa đống phân bò
Anh ca hát
Ôi thung lũng
Ôi khăn tay
Ôi đôi mắt cận thị
Xin cúi chào hơi thở
*
— Con về nhà ở với cha mẹ đi con.
— Con không về được.
— Tại sao?
— Con không biết?
— Dù sao thì Tết đến, con cũng phải về ở chung với cha mẹ và mấy em cho vui. Chứ con cái gì mà Tết đến lại cứ đâu mất.
— Con không thể về được.
— Tại sao?
— Con ghét thành phố Mỹ Tho.
— Tại sao?
— Con thù ghét thành phố ấy.
— Dù sao đó cũng là quê hương nơi con sinh đẻ.
— Con không có quê hương.
— Thôi đừng nói bậy. Con phải vâng lời cha mẹ đi con. Anh em mầy khó dạy quá. Chúng bây làm tao buồn khổ. Tao sẽ chết sớm.
— Con lớn khôn. Ba má cứ để mặc con.
— Mới chừng hai mươi mà tưởng như khôn lắm rồi, con còn dại lắm, con ạ. Con chưa biết lo đến thân con.
— Ba má đừng bận tâm. Con có đủ trí khôn để lo thân con.
— Thế sao con cứ lông bông mãi? Sao con không làm việc gì hết? Phải lo cho tương lai chứ. Không lẽ suốt đời con cứ viết báo lăng nhăng hoài?
— Vâng, con thích lông bông. Và việc viết lăng nhăng ấy chỉ để lấy tiền trả cơm.
— Con hãy nghe lời cha mẹ.
— Dạ.
— Con hãy về sống với cha mẹ. Mấy em hỏi con luôn. Cha mẹ có tuổi rồi. Con phải nghĩ đến mấy em con.
— Còn anh hai đấy. Anh ấy lo cho chúng nó được.
— Không biết bao giờ anh mầy nó mới về? Lâu quá ư, tại sao bấy lâu không thấy nó viết thư về nhà.
— Chắc anh ấy bận học. Anh ấy hiện đang ở đâu?
— Anh mầy nó đã dọn chỗ ở. Bây giờ nó lên ở tại Nantes.
— Chứ không phải ở Redon nữa sao?
— Nó dời chỗ rồi. Thằng đó cũng kỳ. Anh em mầy cũng hệt như nhau. Tại sao nó không gửi thư về cho ba má. Lâu quá, má mầy cũng sợ không biết nó có đau bệnh gì không? Con hãy viết thư cho anh con đi; Tết đến rồi, nó ở một mình nơi đất lạ quê người.
— Anh ấy… Có gì đâu tội nghiệp?
— Tại sao anh em mầy không thương yêu nhau?
— Con thù anh ấy!
— Đừng nói bậy con ạ. Nó viết thư về ba ám, trách rằng đã ba năm rồi mà nó chẳng bao giờ nhận được thư con. Nó thương con lắm.
— Con làm biếng viết thư.
— Không phải tại anh con đâu. Con không hiểu hoàn cảnh gia đình.
— Con hiểu. Tại số mạng. Nếu bây giờ con đang ở Pháp thì…
— Thôi, con đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Đừng đổ lỗi cho anh con.
— Nhiều khi, con đi xem ciné thấy những đường phố Paris thì nước mắt muốn chảy dài.
— Thôi con đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Con hãy nghe lời cha mẹ mà trở về sống với cha mẹ; nhiều khi má mầy đọc báo mà mỗi lần thấy có tai nạn chi, má mầy sợ cuống cả lên, má mầy cứ sự mầy đi bậy bạ đâu đó rồi bị nạn… Con đừng nên làm cha mẹ đau khổ.
— Thưa ba má, con thương ba má lắm.
— Sao con không về?
— Con ghét thành phố Mỹ Tho. Con ghét ngôi nhà của mình. Con ghét những người ở thành phố ấy.
— Đừng nói bậy con ạ, dù sao ngôi nhà ấy cũng là nơi con lớn khôn.
— Tại sao ba má không bỏ Mỹ Tho mà đi nơi khác?
— Đi đâu bây giờ, hở con. Bây giờ thì cứ tạm sống lây lắt chờ ngày anh con nó đi du học về thì nó gầy dựng lại. Vả lại, cha mẹ phải ở lại Mỹ Tho cho mấy đứa em của con nó đi học. Thằng Cang nó học giỏi lắm, cứ đứng nhất mãi. Thế mà cứ đổi trường hoài, sợ nó học không được thì tội nghiệp nó.
— Còn mấy em khác vẫn mạnh?
— Vẫn mạnh. Mấy em nhắc con luôn. Con về đi con, cho chúng nó mừng.
— Con không thể về được. Mấy em chắc lớn?
— Ừ, tội nghiệp chúng lắm con ạ. Ngày nào giàu sang, chúng nó ăn uống sung sướng mà bây giờ chúng nó phải ăn uống khổ cực, ba má phải rướm lệ. Mỗi lần, ba má dọn cơm lên là chúng nó ăn ngốn ngấu thật là dễ thương, chúng nó thèm quá con à. Mấy năm trước, chúng nó có bao giờ chịu ăn cơm, chỉ ăn hàng bậy bạ, mà bây giờ nghèo thì chúng nó ăn cơm trông dễ thương lắm. Còn thằng Hùng nó cũng giống con.
— Năm nay nó học lớp mấy rồi, ba má?
— Nó học lớp ba trường tiểu học. Suốt ngày, nó cứ vẽ hình hoài và cho tiền bao nhiêu nó đều lấy đi mua sách đọc. Thôi con ạ, con hãy về ăn Tết với ba má. Con không biết rằng ba má thương con lắm.
— Không, ba má chỉ…
— Đừng nói vậy, con ạ. Ba má đều cưng bằng nhau. Đứa nào cũng như đứa nào…
— Bây giờ nghèo rồi, ba má mới lo đến con, mới thương con. Chứ hồi ba má còn giàu sang, ba má đã bỏ con – bỏ quên con. Ba má không hề lo đến con. Ba má không hề lo đến con. Ba má chỉ lo đến anh hai.
— Con vẫn nói mãi như vậy. Không phải thế đâu.
— Thôi ba má về đi, con không về đâu.
— Con ạ, con không hiểu ba má.
— Ba má cũng không hiểu con.
— Con ạ.
— Dạ.
— Nhiều lúc, giữa lúc khuya, ba mầy bỗng thức dậy và quỳ xuống trước bàn thờ Đức Mẹ mà đọc kinh cầu nguyện cho mầy với anh mầy. Ba mầy thì thầm lạy xin đức Mẹ cho chúng mầy vẫn khoẻ mạnh. Ba mầy vẫn nói với má rằng ngày nay ông chỉ sống được là nhờ hai đứa bây. Mấy em đều nhỏ dại. Chỉ có hai anh em bây là lớn. Ai cũng bảo ba má rằng ba má phải hãnh diện. Vì người ta ở Mỹ Tho đều nghe tiếng con và phục tài con. Anh hai con cũng phục tài con. Anh hai con nó cũng học giỏi. Ai cũng khen ngợi ba má. Từ ngày gia đình mình sụp đổ tiêu tan thì họ bắt đầu khinh bỉ gia đình mình, nhưng họ vẫn đều kính trọng hai con và vẫn luôn luôn khen ngợi ba má. Tủi thân lắm con ơi. Khi mình giàu sang nhà lầu xe Huê kỳ thì họ đều sợ mình. Giờ đây, gia đình mình tan nát thì họ bàn tán lắm, nhưng họ nói là nhờ phúc đức của ba mầy mà gia đình mình còn hai đứa con trai học giỏi như vậy. Ba má chỉ còn an ủi nơi hai con. Thằng anh con nó ở Pháp chắc còn lâu mới về. Không biết chừng nào nó mới lấy xong tiến sĩ? Còn con, bây giờ anh ở xa, chỉ có con là lớn khôn và ở gần nhà cha mẹ, tại sao con lại không về sống với cha mẹ mà lại cứ sống lông bông vô định mãi như thế này? Tao nói mà bây không chịu nghe lời tao thì tao chết đi rồi ăn năn hối hận nhé.
— Dạ… Dạ… thôi con chịu về. Ba má về trước đi, rồi ngày mai, con về sau.
— Thôi đi con, về luôn với ba má bây giờ đi.
— Dạ… con còn lo sửa soạn đồ.
— Mai, con về nhé. Đừng để cha mẹ đợi. Đừng nói láo với cha mẹ…
— Dạ…
Hắn vừa bước đi và tưởng tượng đến ngày mai, ngày hắn về Mỹ Tho. Hắn thấy một con đường hiu hắt. Một thành phố hiu hắt. Hắn thấy một dãy nhà lầu nhiều tầng. Nơi đó, mấy năm trước, lúc còn sống sung sướng thừa thãi cùng cha mẹ, có nhiều lần đứng trên lầu cao, hắn muốn nhảy xuống. Hư vô. Hắn thù ghét giàu sang. Hắn chỉ thấy ti tiện. Hư vô. Giờ đây gia đình đã bị phá sản tơi bời. Xe cộ bán đi. Dãy nhà cao (đầy hư vô ấy) đã bị sai áp. Nhưng cha mẹ và mấy em còn được ở tạm nơi ấy. Gia đình bị phá sản tận gốc. Nhưng hắn không buồn. Và hắn cũng không vui. Vẫn trơ trơ. Rồi từ đó, hắn đi dạy học và dạy thật nhiều để nuôi gia đình. Hai ba năm trôi qua. Hắn chỉ cỏn lại một thân thể bệnh hoạn. Cả người hắn chỉ là một cái máy. Tâm trí hắn mất cả quân bình. Hắn thấy hắn đã chết đi, tàn tạ và khô héo đi giữa cuộc đời. Cha mẹ hắn vẫn than một bầy em đông quá và ông ngoại lại bệnh nặng phải nằm nhà thương, thành ra tiền lương dạy học của hắn có nhiều đến đâu, cũng không thể nuôi đủ cả gia đình. Hắn dạy thêm nữa. Cha mẹ hắn vẫn than khổ. Hắn dạy cả ngày lẫn đêm. Hắn mới được khoảng hai mươi tuổi. Thế mà hắn đã quên cười từ lâu. Người hắn bơ phờ ra. Hắn thù ghét nghề dạy, nhưng càng thù ghét lại càng bị bắt buộc phải dạy thật nhiều. Mỗi tuần, tuần nào cũng như tuần nào, hắn phải xuống Sài òn, dạy 3 ngày rồi lại lên Đà Lạt dạy 3 ngày, hắn làm việc hơn một con trâu. Hắn chôn tuổi trẻ. Thế mà gia đình hắn vẫn than khổ. Hắn bơ phờ. Tâm thần hắn dấy loạn cả lên. Hai mươi tuổi: đổ vỡ. Tình yêu không có, hắn nhớ lại rằng cha mẹ hắn ngày xưa không thương yêu hắn. Ông bà chỉ lo làm giàu. Tiền. Tiền. Tiền. Hắn phẫn nộ. Hắn nhớ lại rằng ngày trước cha mẹ có tiền của đầy ứ như vậy, mà mỗi lần hắn xin tiền mua sách thì hắn lại bị rầy la. Đọc gì mà đọc mãi vậy? Đọc gì mà đọc nhiều thế? Đọc sách có ích lợi gì? Đọc cho nhiều rồi cứ ngồi đó mà khinh chê tiền bạc. Tiền bạc là trên hết. Nếu tao không có tiền làm gì mày ăn sung mặc sướng và có tiền mua sách đọc? Đồ học nhiều rồi ngu. Tiền là trên hết. Có tiền mua tiên cũng được. Hắn nhớ lại những lời trên. Những lời mà mẹ hắn thường mắng hắn, lúc gia đình còn giàu sang phú quý. Hắn muốn điên lên. Tiền. Tiền. Cha mẹ chỉ dạy con thế! Tiền. Hắn phẫn nộ. Vâng, nếu cha mẹ đừng mê tiền thì ngày nay gia đình không đến nỗi đổ vỡ tang thương như thế này, ngày nay hắn không đến nỗi phải bơ phờ thác loạn vì phải dạy học cực khổ như vậy. Nếu cha mẹ đừng mê tiền mà lo để ý đến chúng con một chút thì ngày nay dù có nghèo khổ, con cũng cảm thấy được hạnh phúc ấm áp. Con đang quá bơ vơ đau khổ. Con cảm thấy thiếu thốn quá nhiều. Ngay đến tình mẫu tử, con cũng không có. Cha mẹ đã thương yêu tiền bạc nhiều hơn là con. Người ta không thể sống được nếu không có chân trời. Tình yêu ban đầu đổ vỡ. Tình cha mẹ: không có. Con muốn chết. Ý nghĩ tự tử ám ảnh con. Con chôn vùi tuổi thơ con trong sách vở. Cha mẹ đã rầy mắng con khi thấy con thức suốt đêm này đến đêm nọ để mê mải đọc sách. Tuổi trẻ của con đã đi qua trên từng đống sách. Vâng, cha mẹ đâu có bao giờ biết rằng con đã quá bơ vơ lạc lõng đến nỗi con phải có ý định tự tử. Ý định ấy quá hồn nhiên. Con muốn thức suốt đêm, thức suốt tháng nọ đến tháng này để đọc sách, đọc, đọc, đọc cho đến mệt, đến gục đầu thở thì thào trên trang giấy, đọc cho đến gầy yếu cả người và đọc sách cho đến chết mòn tắt thở trên trang giấy. Con ngây ngô lắm. Con muốn tự tử bằng cách ấy. Cha mẹ nào hiểu. Kết quả của sự tự tử hụt ấy là phổi con bị nám. Khi con được lành bệnh thì sách vở đã trở thành hơi thở dinh dưỡng. Con không dùng sách để làm phương tiện tự tử như hồi xưa. Sách trở thành một nơi nương náu cho tâm hồn cô độc của con. Con trú ẩn trong sách. Sách thay thế cha mẹ. Sách thay thế cha mẹ mà chăm sóc con và thương yêu con. Con bắt đầu thấy rằng cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống. Thế rồi bỗng nhiên gia đình phá sản. Con không được quyền sống với sách vở nữa, con phải đi dạy học để cung phụng gia đình. Con phải dạy suốt ngày và dạy cả đêm. Dạy xong thì cả người mệt thừ ra, con nằm sải tay sải chân, thở hổn hển, ngủ thiếp đi trong ác mộng. Sách xa con: tình yêu xa con: tình cha mẹ xa con. Con chỉ còn lại một cái xác không hồn. Tâm hồn con trở nên thác loạn. Con không còn hiểu gì hết. Con muốn chết. Con thấy sự chết đẹp quá. Con thù ghét cả mọi người. Con thù ghét cả nhân loại. Con thù ghét trường học. Bước vào lớp dạy, con mắng chửi học trò con. Con hầm hừ với hiệu trưởng. Con hậm hực với mọi người. Và một hôm, con bỏ trường mà đi. Con nghỉ dạy, con sống lông bông ở Saigon. Nghèo. Không tiền ăn cơm. Bạn con giúp con. Con sống lây lất. Chán. Đen tối. Mệt. Đau khổ. Lang thang khắp đường phố. Không nhà. Ăn xổi ở thì. Tủi nhục.
Đi ăn mày từng đồng bạc với mấy thằng bạn. Con thù ghét lòng nhân đạo của chúng nó. Viết báo để sống. Nhưng không có phòng để viết. Nghèo túng. Lo sợ. Thao thức. Lang thang. Bước vào thư viện để viết. Nhưng lại viết không được. Viết không ra. Vì đầu óc đầy chán chường khắc khoải. Không làm gì được, thấy vô dụng. Rồi chẳng đi về đâu. Thôi, chết đi cho rồi. Con thù ghét mọi người. Xã hội: Merde. Văn chương triết học: Caca. Trách nhiệm: Merde! Đen tối. Chết. Nặng. Chóng mặt. Rien. Nhiều lúc con sợ con điên. Nhiều lúc con lại thích điên. Nhiều lúc con muốn vào tù, để sống một đời mới. Hạnh phúc? Xa xôi. Con cười, rồi con khóc. Nhiều lúc nước mắt không chảy ra. Sương mù. Hoàng hôn. Hư vô. Tâm hồn lạnh lùng. Khô khan. Hết biết giận ghét. Hết biết nhớ thương. Trơ trơ lạnh lạnh. Thản nhiên một cách nguy hiểm.
Và bây giờ, cha mẹ bảo con về sống với cha mẹ ư?
— Không, con không thề về. Con sẽ không bao giờ trờ về. Thôi ba má trở về đi, con không thể nào về được.
Đôi mắt của cha mẹ tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi lạnh lùng. Cha tôi nhét vào túi tôi một tấm giấy một trăm đồng và ông bà thn thờ bước đi, hai người dắt tay nhau băng qua đường phố. Hai người ấy là ai? Tôi thấy xa xôi quá. Nắng vàng lên hai mái tóc hơi bạc. Tôi đứng trơ trơ im lặng nhìn theo.
Tối đêm ấy, thần kinh tôi bị khủng hoảng và tôi rú suốt đêm như một oan hồn
Tôi gục đầu giữa những bàn ghế ở thư viện
Đôi mắt nhìn theo tờ lịch tàn nhẫn mưa vẫn còn rơi hay đã dứt tại sao tôi cứ nói mãi hai chữ cuộc đời. Cuộc đời là trời mưa lấy bàn tay dơ bẩn che tôi cận thị cho khỏi ướt nước mưa để có thể trông thấy đường đi đông xe cộ ở giữa Saigon
Tôi bước vào thư viện một thư viện ở đường Nguyễn Huệ rồi bây giờ là thư viện ở đường Gia Long tôi ngồi nhìn người con gái trả sách đi về tôi nhìn với đôi mắt của một người chết đuối giữa những ngày chim kêu ầm lên cả mái nhà thư viện mỗi thư viện là mỗi cô gái giang hồ bạc phước mà tôi là người khách dâm đãng thường năng lui tới để trốn gió trú mưa để quên đi rằng tôi là tôi để quên rằng tuổi trẻ quá buồn
Tuổi trẻ buồn như người thổi kèn mỗi khi chờ đợi đến lúc trỗi nhạc thường hay ho húng hắng có lẽ người thổi kèn mắc bệnh lao mà vẫn phải thức suốt đêm để thồi kèn mua cơm cho một bầy con
Tuổi trẻ buồn như nàng ca sĩ thướt tha cất giọng triền miên để rồi không ai vỗ tay ca ngợi
Tuổi trẻ buồn như điếu thuốc đốt cháy cháy đi cháy đi cháy đi cháy đi hỡi thanh xuân hãy cháy đi và sau cùng cuộc đời rút lại chỉ là một đống tro trong một đồ gạt tàn thuốc im lặng tôi ngồi đây đọc từng trang Plexus của Henry Miller tiếng còi của người cảnh sát ở dưới đường phố hoà lẫn cùng tiếng ca tha hương nhí nhảnh của Connie Francis tôi nhớ lại những dàn nhạc đêm khuya đèn tối có hai ba bốn người trai thường ngồi hút thuốc uống bia hay cà phê và nghe tiếng hát của cuộc đời mỗi người vi vu trong mắt trong môi trong tóc của nàng ca sĩ Liêu Trai
Lôi nó xuống lôi nó xuống
Đừng để nó nằm đây
Lôi nó xuống
Tôi đang nằm ngủ nửa mơ nửa tỉnh và nghe tiếng nói của quỷ ma gọi tôi thức dậy và tôi ngó ra cửa sổ mây trắng tràn lan làm tôi nghẹn hơi thở của tôi tôi cố mỉm cười tự nói rằng tôi hạnh phúc tôi tự nói rằng tôi yêu đời
Đừng than thân trách phận
Đừng than thân trách phận
Tuổi trẻ quá buồn nhưng tôi không còn đau khổ tôi hết than đau khổ
Lôi nó xuống
Lôi nó xuống
Sáng nay tôi nhìn ra cửa sổ trông thấy một bầy quạ bay đậu trên trái tim tôi nói rằng cuộc đời hôm nay đã tốt đẹp vô cùng bầy quạ ấy màu đen chứ không phải màu trắng tôi đi tìm màu đen để sơn ngôi nhà tương lai cho hậu thế tươi cười đón đợi gió trời thổi tự nghĩa trang mang về biển sâu thuyền đi lốm đốm sóng nhỏ lao xao một bầy chuột rừng múa hát tôi chạy theo thanh bình trốn thoát chiến tranh ngủ vùi mắt mỗi đêm mộng thấy trường học quái ác cứ muốn ám ảnh tâm hồn non dại của người sợ hãi cửa trường nghiêm nghị tôi hằn học với mọi người chỉ có tôi quan trọng tiếng lá tự do nô đùa đêm dài mang nặng hờn oan xanh đậm tiếng thợ thầy cãi cọ lôi thôi tôi muốn trườn mình sống hết ngày hôm nay cho vẹn nghĩa nắng thành thị sơn mái nhà im lặng tôi không im lặng vì cuộc đời giải phóng một người thi sĩ không thích làm thơ lục bát em anh
Cuộc đời đi hoang giữa phố
Khuya chăng?
Cuộc đời dưa hấu đỏ tươi
Khuya chăng?
Lá me ôi lá me xanh từng chùm bông gòn thắm màu nhuộm áo người con gái của thuở ban đầu xanh lá cây
Mấy con kiến nhỏ đi hoang trên bờ cỏ xanh
Cuộc đời ngồi giữa ngả ba đường
Khuya chăng?
Mỗi chiếc xích lô chở nỗi niềm cô đơn của người gái giang hồ trở về ngủ vùi trong đêm tối lá me
Khuya chăng?
Cuộc đời trở về thức nghe gió về trên những lá me li ti tóc nàng con gái ban đầu
Khuya chăng?
Cuộc đời truy hoan với những lá me trên hè phố nửa đêm
Khuya chăng?
Con kiến ngơ ngác ngồi trên lá me vàng úa rũ rượi nằm dài trên đất mơ màng thức giấc nửa đêm đi hoang ngoài phố
Khuya chăng?
Nắng nằm thoải bên giường
Nắng đổ mồ hôi
Nắng thở
Gió lủa tủa trên mùng
Gió lạnh mồ hôi
Gió thở
Rừng bay lên đồi
Rừng ướt mồ hôi
Rừng thở
Một người con trai
Nằm nhớ tương lai
Vụt tắt thở
Thôi xin từ giã những đoá hoa xanh đỏ trên trần nhà
Thôi xin từ giã những bóng đèn xanh đỏ trong trà thất này
Thôi xin giã từ đôi mắt câm lặng của người hầu bàn tủi nhục xin giã từ điệu kèn chua chát của xin từ giã tiếng hát nước mắt của xin từ giã hai bàn tay của xin từ giã điếu thuốc của
Thôi xin từ giã mười ngón tay khói thuốc của
Ngày mai tôi chết cho của
Ngày mai anh chết cho của
Ngày mai ông chết cho của
Ngày mai em chết cho của
Ca đi em cho ngày mai chết thôi của
Thương cuộc đời tôi xin từ giã hôm nay tôi xin từ giã
Thương cuộc đời em hát đi em anh về anh về
Thôi xin từ giã nắng chiều
Tôi xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát mù sương của em trở về hư vô xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát của em trở về nghĩa địa mù sương xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát của em trở về khói đen xin vỗ tay đưa tiễn đêm nay trở về lòng mộ anh về anh về anh về mù sương
Xin chiều mưa biên giới hỡi Thanh Thuý xin chiều mưa biên giới phù hộ tôi hôm nay. Xin chiều mưa biên giới
Xin Paloma xin Autumn Leaves xin Tristesse Chopin phù hộ tôi hôm nay
Những chiều Sài Gòn
Muôn năm thi ca
Những chiều Sài Gòn anh về
Muôn năm
Thi ca muôn năm
Những chiều Sài Gòn anh về
Thu hoàng hôn lá về
Giã từ
Xin chết
Quê hương ở đâu rồi? Tìm làm chi? Đừng nên tìm kiếm gì cả?
Chán. Buồn. Đen tối. U ám. Tôi sợ những hoàng hôn.
Tôi ngồi đây. Đèn mờ mờ. Gác trọ tồi tàn. Nghèo nàn. Hoàng hôn u ám. Chết bao vây.
Tôi sợ Noel. Tôi sợ Tết. Tôi không có tình yêu. Tôi vẫn than khổ.
Bao giờ cho hết buồn? Sống được bao nhhiêu năm trên đời mà cứ khổ mãi?
Cười đi. Hãy cười cười đi. Cười to đi.
*
Những lúc chán đời, những lúc mà hắn nhận thấy sự điên loạn và sự quân bình trí não chỉ còn cách nhau bằng sợi dây bé nhỏ, lúc bấy giờ chỉ còn có cách trốn thoát vào quyển tự điển ấy. Quyển tự điển ấy thoáng hiện dưới mắt hắn như là cả một vũ trụ bao la; hắn đi lạc vào vũ trụ này, trố mắt nhìn những sự vật mà từ lâu hắn không hề để ý tới và cũng không hề biết. Hắn thấy hắn không còn lạc lõng trong sa mạc hoang lạnh nữa, hắn thấy chung quanh hắn còn biết bao nhiêu người và vạn vật màu sắc, hắn thấy cuộc đời phức tạp và quá đẹp, cả những điều xấu xa nhất cũng trở thành đẹp, hắn miên man đi tìm ý nghĩa của từng sự vật, hắn đi tìm sự giao cảm giữa hắn và sự vật trần gian. Trong khi làm như vậy hắn đã vô tình đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Đã bao nhiêu lần hắn đã đi tìm ý nghĩa cuộc đời bằng đủ lối, bằng đủ mọi cách, hắn đã im lặng tìm kiếm trong bao nhiêu sách, trong bao nhiêu tư tưởng. Hắn đã lầm. Tự điển là một quyển sách tầm thường nhất. Sách triết học vẫn được người đời coi là giá trị hơn… Thế mà hắn đã tìm được ý nghĩa cuộc sống trong quyển tự điển tầm thường này. Hắn đã say mê đọc hết trên 1.500 trang của quyển tự điển. Hắn say mê đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi hắn đọc xong quyển tự điển ấy rồi cuộc đời không còn xuất hiện lạnh lùng dưới đôi mắt hắn như trước kia. Bây giờ cuộc đời thu hút hắn với bao nhiêu ý nghĩa; hắn bắt đầu để ý đến mọi sự. Trước kia, hắn chỉ để ý có một hoặc hai. Giờ đây, hắn để ý đến tất cả. Mọi sự vậy ở trần gian đều mang một tên, hắn để ý đến từng tên một như một đứa trẻ để ý từng màu sắc của những con bướm. Khi đọc xong quyển tự điển ấy hắn tự tìm thấy một đường sống cho hắn. Con đường ấy rất đơn giản: cứ để ý đến tất cả. Lúc hắn biết để ý đến tất cả mọi sự là lúc hắn cảm thấy không còn cô độc nữa, hắn sẽ thấy chung quanh còn muôn vạn màu sắc lung linh, muôn vạn sự vật khác nhau, muôn vạn chân trời mông lung; đôi mắt hắn sẽ mở ra bao quát vũ trụ, hắn sẽ không còn tự nhốt mình trong những giới hạn chật hẹp của tư tưởng bệnh hoạn. Lúc hắn biết để ý đến tất cả là lúc hắn không còn khổ nữa và không còn cô đơn nữa, hắn sẽ không còn than thân trách phận nữa. Như vậy, hắn sẽ tìm được ý nghĩa và vô nghĩa cuộc sống.
Nó ôm tự điển trong tay, bước về phố chợ để tìm chỗ ngồi chờ sáng. Thành phố trở nên im lặng lạ thường. Bây giờ khoảng chừng 3 giờ khuya. Lâu lâu tiếng chó sủa. Rồi vài tiếng guốc khua động trên đường vắng.
Nó ngồi dưới cột đèn. Ánh sáng mờ mờ. Nó ngồi dựa vào cột và dở tự điển ra đọc. Nó đọc tự điển như đọc tiểu thuyết kiếm hiệp.
Nó mới đến thành phố này hồi chiều. Nó đã ngủ ở bãi biển. Bây giờ, nó không cần ngủ nữa. Nó đọc tự điển như đọc thư tình. Vài ba chiếc lá khô rơi trên trang tự điển. Tuổi trẻ nó rơi theo mấy chiếc lá đó. Cả thành phố đang ngủ. Chỉ có một người còn thức với một cuốn tự điển.
Hãy vươn mình lên cao, như chim chóc, như núi đồi, vì con người sinh ra là để trỗi dậy, vươn lên, vươn lên mãi.
Hôm nay chiều ba mươi Tết, tôi bước lang thang vào một nghĩa địa ở Đà Lạt – mộ địa ấy nằm trên một ngọn đồi xa vắng, gió vọng hiu hắt, cỏ may tràn đầy lối đi. Hoàng hôn rồi. Nắng quái lưa thưa mơ hồ. Chiều cuối năm, tất cả mọi người đều bỏ quên thế giới hoang vu này. Có kẻ cũng nhớ nhưng họ muốn quên đi mọi ý nghĩ đen tối vào những ngày đầu xuân. Còn tôi, mùa xuân này tôi chẳng biết đi về đâu, vì tôi là một kẻ lông bông… không nhà, không cửa, không gia đình, không quê hương. Lòng buồn mênh mông, tôi muốn đi vào nghĩa địa để cho nỗi buồn ấy mênh mông thêm nữa. Chung quanh tôi là những nấm mồ. Vài ba con chim đậu trên ấy. Một cơn gió nhẹ nhàng. Vài ba chiếc lá rơi thêm. Một cánh hoa anh đào rụng dưới chân tôi. Tôi ngồi xuống bên một nấm mộ đầy cỏ. Tôi nghĩ đến cái chết của mình. Tôi hình dung đến nấm mồ của tôi sau này. Tôi cười. Chưa bao giờ tôi thấy yêu đời như vậy. Suốt đêm, tôi ngồi trong nghĩa địa. Tôi bước ra khỏi nghĩa địa vào lúc sáng sớm, như một xác người vừa mới được hồi sinh và bước ra khỏi mộ để trở lại thế giời loài người giữa lúc mùa xuân đang trổ hoa trên lá. Gió buốt lạnh. Tôi ôm chặt quyển tự điển vào lòng, cho ấm.
Từ nghĩa địa đi ra, từ con đường trên đồi cao dẫn đến thành phố, tôi thấy một thế giới loài người thoáng hiện dưới một màu sắc kỳ lạ, thế giới huy hoàng vô cùng, thực là đẹp triền miên. Nắng sắp lên. Chưa bao giờ tôi thấy nắng đẹp như vậy. Chưa bao giờ tôi yêu trần gian này đến thế. Tôi tự nói với lòng: “Ngày hôm nay, và cả những ngày sắp đến, bắt đầu bằng niềm thanh bình vô hạn của tâm hồn.”
— Em ơi, hãy trông sang đồi thông. Hoa anh đào nở hồng cả sườn đồi. Đẹp xuống trần.
— Hôm nay nhiều mây trắng quá em nhỉ?
— Trắng như áo người ta yêu nhau phải không anh?
3 - X - 1961
No comments:
Post a Comment