Sunday, May 12, 2019

Những Chuyện Ly Kỳ Về Danh Ca Hoàng Oanh - Sưu Tầm



Trong số các ca sĩ Bolero, Hoàng Oanh được xem là có phẩm hạnh, đạo đức và tự trọng ít ai sánh kịp, nên những câu chuyện về cô cũng rất li kì.

Hoàng Oanh chưa từng một lần về Việt Nam biểu diễn sau khi sau khi sang hải ngoại cách đây 40 năm, và cũng không đi hát quá nhiều. Bởi vậy, cô không được nhiều người biết đến như Thanh Tuyền, Chế Linh, Hương Lan, Như Quỳnh…

Tuy nhiên, Hoàng Oanh vẫn luôn được xem là một trong những trụ cột lớn, có công kiến tạo và đưa dòng nhạc Bolero cũng như Tân nhạc đi đến đỉnh cao. Những cống hiến của cô là vô cùng quý báu, tạo nên cả một gia tài đồ sộ, ít ai sánh kịp

Hoàng Oanh sở hữu tài năng đa dạng. Cô được gọi với nhiều danh hiệu như tiếng hát thiếu nhi, tiếng hát của thưở học trò, tiếng hát của tình ca quê hương, tiếng hát của thời chinh chiến, tiếng hát cho người lưu vong, tiếng hát gợi nhớ quê hương và giọng ngâm thơ trác tuyệt.

Ở thời hoàng kim, Hoàng Oanh ngự trị trên hầu khắp các sóng phát thanh và truyền hình. Cô chính là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất, với hơn 200 đĩa nhạc tính tới năm 1975, tại nhiều hãng đĩa khác nhau. Độ phủ sóng của cô rộng khắp và bao trùm tới mọi ngõ ngách ở Sài Gòn ngày ấy.


Về tầm ảnh hưởng và sức nặng của tiếng hát Hoành Oanh, nhà văn Lê Thanh Thái từng nói qua hai câu thơ:

"Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế

Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương"

Ca sĩ có tự trọng bậc nhất, không bao giờ hát ở vũ trường

Là một ca sĩ nổi tiếng và được săn đón, nhưng Hoàng Oanh từ xưa đến nay vẫn luôn dè dặt, khiêm tốn và giữ được phẩm hạnh sáng ngời của mình, đúng như lời nhà văn Hồ Trường An từng nói: "Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng".

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng so sánh Hoàng Oanh với Chế Linh để lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của cô. Ông nói: "Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô.

Trong khi đó ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi tiền đã trao và cháo đã múc là anh vội quên ngay.

Đôi khi tôi có ý nghĩ so sánh anh làm công việc giống như người ta nói là "đẻ thuê". Nghĩa là mình cũng tự đẻ ra đứa con, nhưng lại chỉ đẻ giùm và vì thế mà chóng quên và không hề lưu luyến".


Hoàng Oanh từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc từ cha, nên sống rất chuẩn mực và đoan trang. Từ khi lên 5, cô đã được cha mình (là một nghệ sĩ) dạy hát và tới 8 tuổi thì bắt đầu đứng trên sân khấu.

Nếu các sĩ khác phải rất khó khăn mới nổi tiếng thì Hoàng Oanh với giọng hát trời phú và kĩ thuật điêu luyện đã nhanh chóng được biết đến ngay từ những năm đầu đi hát. Cô chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và được săn đón nồng nhiệt. Trong thời gian đi học, cô liên tục được mời thu âm và biểu diễn.

Bởi vậy, Hoàng Oanh được mệnh danh là thần đồng ca hát. Nhưng không phải vì thế mà cô lao vào cuộc sống sân khấu, để chạy show kiếm tiền.

Hoàng Oanh vẫn rất tập trung học hành đến nơi đến chốn và tốt nghiệp loại ưu Đại học Văn khoa Sài Gòn, với bằng Cử nhân văn chương. Nhờ đó, cô sở hữu được vốn kiến thức rộng lớn về văn thơ, cũng như ca dao, dân ca của khắp các miền đất nước.

Đây chính là lợi thế lớn giúp Hoàng Oanh phát triển tài năng ngâm thơ có một không hai của mình, tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa cô và những ca sĩ cùng thời.


Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ và học thức toàn vẹn của một nữ sinh Văn khoa, Hoàng Oanh luôn giữ được phẩm hạnh cao đẹp trong suốt sự nghiệp. Dù đứng trong ánh hào quang và phải chịu nhiều xô bồ, thị phi, cô vẫn không hề đánh mất nhân cách, đạo đức của mình.

Khác với tất cả các ca sĩ khác, Hoàng Oanh tuyệt đối không hát vũ trường, kể cả hát phòng trà cũng không.

Vào thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông nhưng Hoàng Oanh từ chối với lí do bận chuyện bài vở vào buổi tối. Người ta chỉ thấy Hoàng Oanh xuất hiện trên các sân khấu hoặc sự kiện lớn.

Lí giải về điều này, Hoàng Oanh cho rằng, do hồi nhỏ cô ở với một ông cậu rất nghiêm khắc nên bị cấm không được hát vũ trường. Cô kể lại: "Thời gian đó, tôi còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, tôi phải tập trung học bài và ôn thi.


Và tôi nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của tôi. Tôi muốn giữ gìn nhân phẩm của mình".

Sống một cuộc sống khép kín và bình lặng như vậy, nhưng tin đồn và thị phi thi thoảng vẫn bủa lấy Hoàng Oanh. Vào năm 1967, cô từng bị đồn đụng xe chết.

Tin đồn này kéo dài dai dẳng tới mức hãng dĩa Sóng Nhạc và đài truyền hình phải lên tiếng đính chínhh. Ban giám hiệu của trường Gia Long cũng phải mời Hoàng Oanh vào trường gặp mặt các nữ sinh để xóa tan dị nghị.

Với lòng tự trọng hiếm có, nhân cách cao đẹp và giọng hát trời phú, Hoàng Oanh xứng đáng là huyền thoại Bolero.

Giọng hát nội lực đặc biệt của đại ngàn

Trong nền Bolero trước 1975 thì Hoàng Oanh và Thanh Thúy là hai nữ ca sĩ có chất giọng độc đáo nhất, chỉ cần nghe một lần là nhớ mãi trong tầng sâu, không thể lẫn với bất cứ ca sĩ nào.

Nếu Thanh Thúy là giọng nữ trầm (contralto) duy nhất ở Việt Nam, với âm sắc tối, nặng như núi thái sơn và ma mị thì Hoàng Oanh lại sở hữu giọng nữ trung (mezzo soprano) đặc biệt, với biên độ rộng lớn và đầy trầm tích của đại ngàn.

Giọng hát Hoàng Oanh có độ vang tự nhiên như Whitney Houston, Hồng Nhung, Mỹ Tâm…, được tạo thành từ các khoảng vang trong xoang. Nó rất dày, nặng và chắc nịch, đầy nội lực, nhưng vẫn ngọt dịu như ánh nắng buổi sớm mai.

Hoàng Oanh không cần dùng nhiều đến kĩ thuật cộng hưởng. Nhưng ở quãng trung, âm sắc của cô sang sảng, bật ra với âm lượng lớn, vang xa như tiếng chuông vàng, rót vào tai người nghe những âm vang đẹp tuyệt vời.


Một tác giả khuyết danh đã từng nhấn mạnh vào độ vang tự nhiên trong giọng hát Hoàng Oanh khi so sánh với danh ca Hà Thanh như sau:

"Có một loài chim khi cất tiếng hót thánh thót vang vọng giữa trời mây sông nước, không gian như lắng đọng để hoà nhập trong âm điệu du dương: Hoàng Oanh.

Mang âm hưởng đó, có tiếng ca ngọt ngào, truyền cảm như làn gió nhẹ, như tiếng reo của thuỳ dương, như tơ vương giăng mắc, như sương khói lững lờ, như lời tình tự giữa trăng thanh, như ru ta vào cõi mộng mơ, dìu ta lạc bước vào đất thần kinh với hoàng thành cung điện, với đền đài lăng tẩm, với sông nước hữu tình, với nhạc điệu trầm bỗng, thướt tha: Hà Thanh".

Vì là một nữ trung nên phần quãng trung của Hoành Oanh phát triển mạnh, đặc biệt trên chest voice thuần (không pha giọng).

Nếu C4, Eb4 là những note khá thấp với giọng nữ, khó belt được mạnh và dài (trừ nữ trầm) thì Hoàng Oanh có thể giữ hơi để belt trên quãng âm đó bằng giọng ngực dày, chắc, tạo nên màu sắc liêu trai, u uất.



Từ F4 tới A4, Bb4, Hoành Oanh có thể đẩy lực rất mạnh, với âm lượng lớn, độ nảy bao trùm, tới mức rè cả loa. Nếu cộng hưởng được âm thanh ở quãng này, Hoàng Oanh sẽ chẳng kém cạnh gì những vocalist giọng to như Thanh Lam, Siu Black, Hồng Nhung.

Bởi vậy, khi hát chung với những ca sĩ khác, Hoàng Oanh thường nổi bật hơn hẳn. Chẳng hạn, trong màn tam ca với Hương Lan, Như Quỳnh, Hoàng Oanh chỉ cần bật ra một cú C4 vang bần bật là đủ khiến hai đàn em trở nên nhỏ bé.

Kĩ thuật hát đa dạng và biến hóa khó lường

Hoàng Oanh không phải ca sĩ có kĩ thuật chuẩn tới mức cao cấp như Hà Thanh, Hương Lan, Thanh Tuyền. Dù là nữ trung, nhưng phần quãng trầm của cô lại khá mờ và thường hạ thanh quản. Cô chuyển giọng có phần hơi lộ và legato chưa mượt.

Tuy nhiên, Hoàng Oanh lại có khả năng sử dụng kĩ thuật hát đa dạng và biến hóa, bao trùm khắp dân ca các vùng miền.

Chằng hạn, Hoàng Oanh có thể hát nảy, đổ hột lên xoang mũi theo lối ca trù, quan họ miền Bắc, nhưng cũng có thể chuyển giọng sang giả thanh theo lối dân ca Nam Bộ. Khi nảy note và nhảy note trên từng chữ, cô tỏ ra linh hoạt và chắc chắn.

Dù không thể hiện trực tiếp như Hương Lan, nhưng Hoàng Oanh vẫn được xem là có kĩ năng kiểm soát hơi thở rất tốt và khả năng giữ hơi thần sầu. Cô có thể giữ vibrato bỏ nhỏ trên piano mượt mà, đều đặn sau một chuỗi đổ note, chuyển giọng dài miên man.


Điều đặc biệt ở Hoàng Oanh là càng bỏ nhỏ, cô lại càng chắc hơi để chạy note, luyến láy. Trong khi đó, hát nhỏ đòi hỏi phải giữ hơi tốt hơn nhiều so với hát to. Nhờ điều này, Hoàng Oanh luôn thực hiện được những cú hát piano, pianissimo trên bạch thanh rồi kéo dài bất tận.

Đôi khi, Hoàng Oanh sử dụng vocal break để tạo cảm xúc nức nở, chưng hửng, ngỡ ngàng cho câu hát. Nhiều người nghe không rõ lại tưởng cô bị đứt hơi. Nhưng kì thực, cô đang kiểm soát rất tốt.

Giọng thật của Hoàng Oanh vốn khá to và thô ráp, do độ nặng và dày tự nhiên của giọng nữ trung (âm sắc kim). Tuy nhiên, cô vẫn hát Bolero và dân ca một cách vô cùng mềm mại, ngọt ngào, không hề khô cứng.

Để làm được điều này, Hoàng Oanh thường dùng lối hát chậm, hát run rẩy, kéo dài note và bỏ nhỏ đúng chỗ kèm theo luyến láy đầy tinh tế. Hoàng Oanh không luyến láy nhiều như Như Quỳnh, Hương Lan. Mỗi lần luyến của cô là một điểm nhấn và neo đậu cảm xúc.

Ngoài ra, Hoàng Oanh còn sử dụng airy voice ở âm tiết cuối, đôi khi kèm theo vibrato, khiến câu hát trở nên mềm mại, mượt mà như lụa. Cô hát rất da diết, day dứt, rút ruột rút gan qua cách đổ tiếng nấc vào chữ trên nasal voice (giọng mũi).

Là một nữ trung nên dù yếu quãng trầm, Hoàng Oanh vẫn đủ sức kiểm soát để ngân rung dưới tận D3, điều mà không phải nữ ca sĩ nào cũng làm được.

Tuy nhiên, cô lên giọng cũng rất sáng, mượt. Cô có thể hát treo nhả chữ liên tục trên C5, dù hơi mảnh đi.

Khả năng ngâm thơ vô địch thiên hạ với những kĩ thuật đặc biệt

Nhắc đến Hoàng Oanh là nhắc tới khả năng ngâm thơ của cô. Trong thế hệ ca sĩ Bolero trước và sau này, không một ai có được năng lực ngâm thơ trác tuyệt như Hoàng Oanh.

Chính Hoàng Oanh đã tiên phong cho lối ngâm thơ trước khi vào ca khúc, để đem đầy đủ nhất điệu hồn, tiếng lòng dân tộc, đến từ cội nguồn, cuộn vào từng câu hát, note nhạc.

Hoàng Oanh ngâm thơ với chất giọng trầm dày, vô cùng ấm áp, nhưng cũng không kém phần bay bổng. Trong giọng ngâm ấy là sự mộc mạc, chân thành, thấm đẫm hơi thở dân tộc, nhưng vẫn sang trọng và được kiểm soát bởi hơi thở chắc chắn, đúng như lời nhà thơ Phan Tường Niệm ngợi ca:

"Bên cạnh giọng ca ngày càng điêu luyện, ngọt ngào, thu hút lòng người thì giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh cũng ngày càng truyền cảm, cách diễn ngâm của Hoàng Oanh cũng rất đặc biệt, rất riêng không giống với những giọng ngâm nữ đi trước như Bích Thuận, Hồ Điệp, Giáng Hương.

Nhờ làn hơi phong phú, chất giọng ngọt ngào, có âm sắc riêng khi cần diễn cảm Hoàng Oanh đã làm cho người nghe cô ngâm thơ như bị cuốn hút theo nhất là trong những chương trình ngâm thơ trên đài phát thanh lúc nửa khuya.

Giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh ngọt ngào, quý phái, sang trọng và điểm đặc biệt cô có thể diễn đạt giọng ngâm theo nhiều làn điệu từ ngâm sa mạc miền Nam tới hát ví, hát dặm miền Bắc, hò mái đẩy miền Trung".

Hoàng Oanh sử dụng khá nhiều kĩ thuật độc đáo khi ngâm thơ. Cô có thể run/riff nốt rất nhanh và khẽ khi ngâm thơ và chạy vocal run thành từng đợt. Tất nhiên, kĩ thuật này được dùng rất tinh tế, ẩn kín và giàu cảm xúc, để lột tả tâm trạng, chứ không phải sự phô diễn.

Hoàng Oanh cũng có thể ngân rung trên vùng đỉnh trán và chuyển vị trí âm thanh xuống thấp hơn, tạo nên quãng trung đầy đặn, ấm áp khi ngâm thơ.

Đặc biệt hơn cả, Hoàng Oanh có thể ngâm thơ với nhiều giọng điệu, phương ngữ khác nhau, bao quát đủ 3 miền không chỉ từ lối ngâm, mà còn sâu tận trong tiếng lòng. Một tác giả khuyết danh từng nói về tài năng đặc biệt này của cô như sau:

"Hoàng Oanh là một tài năng đa diện. Với một làn hơi ngọt ngào, nồng nàn tình cảm, Hoàng Oanh đã có khả năng trình bày tất cả các loại nhạc cũng như lối ngâm.

Từ những nét sang trọng, dịu dàng, quý phái của nhạc tiền chiến đến những bản dân ca ba miền, những bài tình tứ quê hương, từ những câu Hò mái đẩy miền Trung đến bài vọng cổ miền Nam hay câu Sa mạc, hát ví của miền Bắc…

Hoàng Oanh đã tiếp nối những giọng ngâm thơ ba miền nổi tiếng như Hồ Điệp, Quách Đàm, Bích Thuận, Giáng Hương, Tô Kiều Ngân…


Tiếng hát cũng như giọng ngâm của Hoàng Oanh có chút gì thật sâu đậm, buốn man mác nhưng thật tình tứ, đã chinh phục được đa số thính giả".

Theo Trí Thức Trẻ

Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note khá trầm: C2/C#2, D2/D#2, E2. F2/F#2, G2/G#2, A2/A#2, B2.
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Hát nhỏ giọng vừa phải.
- Pianissimo: Hát rất nhỏ giọng.
- Diminuendo: Hát nhỏ dần.
- Fortissimo: Hát to dần.
- Subito piano: Hát nhỏ đột ngột.
- Subito forte: Hát to đột ngột.
- Forte piano: Hát to nhỏ liên tiếp.
- Messa di voce: Hát nhỏ - to - nhỏ liên tiếp.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Voice project: Phóng âm.
- Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
- Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
- Throaty: Hát dính cổ
- High larynx: Cao thanh quản.
- Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
- Run/riff: Chạy note phức tạp.
- Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.

- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.



No comments:

Post a Comment