Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà
Nguyễn Văn Thương được xem như là một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cải cách (tân nhạc) ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, nhạc phim được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chỉ cần nhạc phẩm Đêm đông cũng đủ để tên tuổi của ông sống mãi trong lòng những người yêu nhạc.
Từ Trên sông Hương đến Đêm đông
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh năm 1919 ở làng Vân Thể, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình công chức. Cha ông làm nghề bưu điện, nhưng rất yêu nghệ thuật. Mẹ ông biết đàn tranh nên ông đã bắt đầu làm quen với âm nhạc từ năm lên 9 tuổi. Mùa hè 1936, sau khi tốt nghiệp trung học ở Trường Quốc học Huế, chuẩn bị ra học tú tài ở Thăng Long, ông và nhóm bạn thân cùng lớp tổ chức một buổi đi dã ngoại để chia tay. Đó là vào một đêm trăng sáng, cả nhóm thuê một con thuyền thật đẹp thả trôi xuôi dòng sông Hương cùng nhau hát, ngắm trăng, ngắm cảnh thơ mộng của đất Cố đô.
Cuộc du thuyền hôm ấy đã để lại trong ông nhiều ấn tượng và cảm xúc sâu sắc. Và khi trở về nhà, ông đã sáng tác bài Trên sông Hương. Đây cũng là bản nhạc đầu tay của ông viết về dòng sông thân thương, về xứ Huế mộng mơ quê nhà.
Còn ca khúc nổi tiếng Đêm đông cũng gắn liền với một kỷ niệm thời đi học của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông sáng tác ca khúc Đêm đông năm 1939. Lúc này ông đang ở Hà Nội, học thi tú tài. Hàng năm vào dịp Tết, ở nhà đều gửi tiền cho ông mua vé tàu về quê. Năm ấy, nhà không có tiền nên không gửi ra. Thế là ông không được về nhà.
Lần đầu tiên ăn tết xa nhà, đêm 29 Tết, bạn bè đều về quê hết, ông buồn quá đi lang thang khắp phố phường, ngang qua ga Hàng Cỏ, nhìn mọi người tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã, ông đã rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Sau đó ông về nằm ở nhà trọ số 10 phố Hội Vũ. Căn gác trọ làm bằng gỗ, đêm mùa đông rét, gió thổi qua khe cửa… Và thế là ông vùng dậy, viết một mạch…
Gió nghiêng chiều say
Gió lay ngàn cây
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên…
Trong bài hát còn có câu: “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…” là ông viết về cô ca nhi ngồi khóc trong ngôi nhà gỗ mà trong lúc đi lang thang ngoài phố đêm ấy ông đã nhìn thấy. Chính cô gái ấy là người cùng cảnh ngộ, đồng cảm nhất với ông trong thời điểm đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, em rể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng cho biết: “Hồi còn làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu IV, trong những buổi chuyện trò, anh Thương kể rằng đêm 29 Tết năm ấy, anh hận gia đình lắm vì đã để anh vuột mất một mùa xuân đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng sau đó nghĩ lại, anh Thương cho rằng đó là ý trời, bởi nếu như ba mẹ anh gửi tiền ra, thì làm gì anh có bài hát Đêm đông để khẳng định tên tuổi của mình…”
Những câu chuyện bây giờ mới kể
Ca sĩ Hồng Hạnh cho biết: “Ngay từ khi mới bước chân vào con đường âm nhạc, tôi đã yêu thích ca khúc Đêm đông. Từ đó đến nay, tôi đã trình bày ca khúc này hàng trăm lần, nhất là mỗi độ trời chuyển sang đông. Trước tôi, các ca sĩ Bạch Yến, Cẩm Vân, NSND Lê Dung trình bày rất thành công. Tuy nhiên, người hát bài Đêm đông đầu tiên chính là ba tôi – ca nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, cũng là người rất thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương”.
Trong chuyến về biểu diễn tại Việt Nam mới đây, ca sĩ Bạch Yến (hiện sống ở Pháp, là con dâu của GS. Trần Văn Khê) cũng kể rằng: “Tôi trình bày ca khúc này năm 1958, lúc đó tôi mới 16 tuổi. Thời ra đời của Đêm đông và Sơn nữ ca chỉ mới có các nhịp điệu fox trot, valse, tango, boston… Mãi sau năm 1950 mới có điệu slow rock. Đêm đông ngay từ lúc mới ra đời đã mang giai điệu tango. Chính tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trao đổi và xin ý kiến đổi cách hát Đêm đông từ điệu tango sang điệu slow rock. Thật bất ngờ, khán giả hài lòng và giai điệu này được giữ cho đến bây giờ…”.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng bật mí: “Hồi ấy, khi công bố nhạc phẩm Đêm đông, anh Thương thường ký tên mình kèm với tên Kim Minh (đã qua đời năm 1946). Thật ra, Kim Minh là một người bạn, rất giỏi văn chương nên đã trau chuốt lời cho các bản nhạc của anh Thương, từ bài Đêm đông đến bài Bướm hoa. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là nhiều người đã lãng quên nhân vật ký tên chung trong bản nhạc Đêm đông với anh Thương trong bản in trước 75 ở Sài Gòn, điều này khiến anh Thương rất buồn… Còn một điều nữa mà ít người biết, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và nhà thơ Huy Cận có một tình bạn rất thân, giống như Bá Nha – Tử Kỳ vậy. Hai anh học chung từ thời tiểu học đến khi vào Trường Quốc học Huế. Cả hai ngồi cùng một bàn, học giỏi, nên hỗ trợ cho nhau rất nhiều”.
Theo Lê Quang Thanh Tâm (báo Giáo Dục)
No comments:
Post a Comment