Nghĩa là, nói cách khác, cá voi đã được bảo vệ một cách tự động do... chính các tay săn bắt cá voi. R.M. Martin chế giễu lối lý luận này là lý luận của một nhà kế toán chứ không căn cứ trên một hiểu biết sinh học nào cả. Ông nhấn mạnh các tay săn cá voi không cần phải tự tay họ giết đến con cá voi cuối cùng thì chúng mới bị tuyệt chủng. Quá trình tuyệt chủng đã khởi sự ngay khi số lượng cá voi trên đại dương bị tuột thấp xuống dưới một ngưỡng nhất định.
Có ba lý do chính. Lý do thứ nhất, do số lượng cá voi còn lại quá ít, chúng bị phân tán ra khắp trên các đại dương xa xôi và do đó không thể tìm đến nhau để phối hợp truyền giống được. Lý do thứ hai: cá voi là động vật (giống như người) thích sống theo quần thể vì chính một quần thể cá voi có độ đông đảo thích hợp mới có thể kích thích hành vi truyền giống của chúng. Hai con cá voi tình cờ gặp nhau trên một đại dương bao la thì khó có khả năng tương hợp về mặt sinh học để sản xuất ra những chú cá voi con tốt đẹp được. Cũng giống như con người được hướng dẫn bởi cái gọi là ái tình để đi tìm đối tượng tương hợp nhất với mình (và khi tìm được rồi thì sống chết gì cũng phải lấy cho bằng được để sản xuất ra những đấng nhi đồng xinh xắn), loài cá voi cũng phải được chọn lựa trong đồng loại chúng những đối tượng phối ngẫu thích hợp nhất. Khi dân số cá voi bị suy giảm nghiêm trọng và lại bị phân tán ra trên khắp các đại dương thì khả năng sản sinh cá voi cũng bị xuống cấp theo, và khi đã bắt đầu tuột dốc thì không còn gì có thể cứu vãn được nữa, vì tuyệt chủng là gì nếu không phải tử suất luôn luôn ở mức độ cao hơn sinh suất? Lý do thứ ba là lý do quan trọng nhất: cứ tạm cho rằng cá voi vẫn còn có thể tụ tập lại với nhau trong một quần thể có kích thước chấp nhận được, vẫn tồn tại một nguy cơ cuối cùng. Đó là tập hợp các nhiễm thể di truyền (gene pools) của toàn thể loài cá voi bị tuột thấp xuống đến mức không còn có tác dụng gì nữa về mặt sinh học. Chủng loại tồn tại và phát triển là nhờ khả năng thích ứng với môi trường và sự đa dạng hóa giữa các thành viên trong chủng loại được phát triển cao. Ví dụ như trong quần thể người: chúng ta có Mozart, Beethoven là những thành viên có thiên tài âm nhạc, Pasteur, Newton, Einstein, là những thiên tài khoa học, Kant, Hegel, Marx, những tư tưởng gia vĩ đại, và vô số những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác nữa (vận động viên thể thao, những cá nhân mỹ miều xinh đẹp .v.v...). Như vậy tổng thể các yếu tố di truyền của nhân loại nói chung sẽ cực kỳ đa dạng và phong phú. Nhưng hãy giả sử sau một thảm họa hạt nhân, nhân loại chỉ còn sót lại vài ba mống đau ban, bịnh bại, đầu óc ngu đần, thể chất bạc nhược, thì chắc chắn quá trình tiến hóa lại phải bắt đầu trở lại, nếu không muốn nói loài người có nguy cơ tuyệt giống luôn. Đây chính là sự tuyệt chủng sinh học kéo dài (protracted biological extinction).
Khi đọc cuốn sách này tôi không nghĩ đến cá voi mà liên tưởng ngay đến xã hội và văn hóa Việt Nam hiện nay. Đây là một ẩn dụ thích hợp. Mọi người (các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo...) thường than phiền về tệ nạn xã hội đang lan tràn trong giới trẻ: đua xe, chích choác, phá thai... và ai cũng khao khát, hăm hở đi tìm những biện pháp khắc phục. Nhà nước chắc chắn cũng không thể không quan tâm. Nhưng chưa ai bàn đến một khái niệm căn bản nhất: nhân cách (personality). Tương hệ giữa nhân cách và quá trình xã hội hóa (socialization) như thế nào? Thế hệ trẻ bây giờ (khoảng từ 14 đến 20) được đào tạo về mặt nhân cách ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm chính về việc xây dựng một nền tảng hoàn chỉnh để cá nhân có thể tiếp tục tự phát triển trong một cộng đồng tương ứng? Dĩ nhiên đơn vị chịu trách nhiệm tiên khởi trong sự đào tạo nhân cách là gia đình và sau đó là học đường. Cấu trúc gia đình hiện nay ra sao? Cấu trúc chương trình giáo dục tại nhà trường có phù hợp không? Trẻ em cần phải định hướng tư duy của chúng căn cứ trên hệ thống giá trị nào? Thần tượng của chúng bây giờ là ai? Có phải Mozart hay Einstein hay những đấng hớt đầu đinh, điện thoại cầm tay, lao đi vun vút trên một chiếc xe gắn máy phân khối cao, và nếu có thêm một em bé "chổng phao câu", mồm nhai nhóp nhép kẹo cao su, ngồi ôm đằng sau thì tuyệt diệu.
Chúng ta không thấy rằng hiện nay một hệ thống giá trị để giúp cá nhân định hướng sự phát triển tinh thần không tồn tại hay nếu có tồn tại cũng chỉ là một hình ảnh già nua, mờ nhạt, một kỷ niệm hơn là một động lực mạnh mẽ khuyến khích cá nhân tự thăng tiến theo một chiều hướng tích cực (hăng say học tập, nghiên cứu, phát triển phong cách sống bác ái, vị tha... không tôn thờ thần tài...). Giá trị được cưu mang bởi các cá nhân được xem là mô hình lý tưởng trong một xã hội. Những cá nhân đó, nếu vẫn tiếp tục tồn tại, cũng giống như loài cá voi trước hiểm họa bị lùng bắt, đã phân tán quá mỏng trên đại dương bao la của đời sống và không thể liên hệ, nối kết với nhau, để sản sinh ra một thế hệ kế thừa vững chãi tiếp tục đi lên trên một nền tảng nhân cách đã được xác lập. Họ là những tiếng nói yếu ớt bị gió cuốn đi trong sa mạc văn hóa. Không ai lắng nghe họ hay chỉ giả vờ lắng nghe. Tòa nhà văn hóa đang có nguy cơ bị... quy hoạch và mọi người xôn xao bàn ra tán vào, nhưng điều mà họ bàn tán là "quy hoạch rồi thì chuyển đi đâu, tiền bồi thường là bao nhiêu" chứ không mảy may quan tâm đến việc xem xét lại nền móng của tòa nhà. Nền móng đó chính là nhân cách được xây dựng trên một hệ thống giá trị ổn định, một hệ thống được cụ thể hóa trong các cá nhân được xem là mô hình lý tưởng. Cũng như Mạnh Tử, một hiền triết Trung Hoa, đã nhận xét: "Thiên hạ chi bản tại quốc quốc chi bản tại gia" (Quốc gia là gốc của thiên hạ, gia đình là gốc của quốc gia, Mạnh Tử, Ly Lâu chương cú thượng, 5). Cũng nên nói theo chiều ngược lại: quốc gia phải hỗ trợ gia đình trong việc kiến tạo một hệ thống giá trị ổn định, gia đình phải hỗ trợ cá nhân trong việc xây dựng một nhân cách vững chắc, cá nhân định hướng sự phát triển tư duy theo các mô hình lý tưởng được cộng đồng đề cao, ngưỡng mộ.
Một khi nhân cách trở thành một khối bèo nhèo nhũn nát như hiện nay thì nguy cơ tuyệt chủng nhân cách cũng không còn xa xôi nữa. Những mô hình xa hoa, trụy lạc và các phương tiện đề cao các mô hình đó tràn ngập trên thị trường văn hóa, bao vây ngũ quan của thế hệ trẻ. Chúng còn có thể nhìn thấy gì, nghe thấy gì trong bầu không khí ồn ào nhiễu loạn hiện nay? Còn những cá nhân cưu mang một hệ thống giá trị khác bây giờ đang ở đâu? Hay chính bản thân họ cũng đang than khóc trong xó tối cuộc đời trên con đường về quên lãng? Bắt chước Lỗ Tấn trong Cuồng nhân nhật ký đã viết "Cứu cứu hài tử" (Hãy cứu lấy trẻ em), chúng ta sẽ nói "Hãy cứu lấy nhân cách".
Nếu ví sự nghiệp giáo dục như cái cây thì phần rễ cây tương ứng với giáo dục giá trị sống, thân cây tương ứng với giáo dục kiến thức và ngọn cây tương ứng với giáo dục kĩ năng sống. Như vậy giáo dục giá trị sống là nền tảng của giáo dục kĩ năng sống.
Giáo dục (education), gốc la-tinh (e-ducere) có nghĩa là khơi dậy những gì vốn đã có sẵn ở mỗi người. Bản chất con người vốn thiện lành với những giá trị tốt đẹp, nhưng cuộc sống đầy cạnh tranh có thể làm cho các giá trị đó bị che khuất. Chương trình giáo dục giá trị sống giúp con người khám phá trở lại và phát triển 12 giá trị căn bản của cá nhân như: Hợp tác, Tự do, Hạnh phúc, Trung thực, Khiêm tốn, Yêu thương, Hòa bình, Tôn trọng, Trách nhiệm, Giản dị, Khoan dung và Đoàn kết.
Trong Tâm lý học thường hay sử dụng nguyên lý tảng băng trôi để mô tả nhân cách của một con người. Ở tảng băng, phần nổi trên mặt nước mà chúng ta quan sát được chỉ chiếm số ít, phần lớn của tảng băng lại chìm dưới nước mà chúng ta khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong nhân cách của con ngưới, cái phần nhìn thấy tưởng như là tất cả kia thực chất chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn của nhân cách lại chìm “ẩn” đi. Đó là tâm, là đức, là hứng thú, là lí tưởng, là định hướng của mỗi cá nhân. Cũng như vậy nếu ví con người như tảng băng trôi thì phần nổi trên mặt nước chính là kiến thức và kĩ năng sống, phần nhiều chìm ở dưới nước là các giá trị sống. Thiếu nền tảng giá trị sống vững chắc, con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi những giá trị vật chất, và rồi mau chóng định hình chúng thành mục đích sống, đôi khi đưa đến kiểu hành vi thiếu trung thực, bất hợp tác, vị kỷ cá nhân. Giá trị sống giúp chúng ta cân bằng lại những mục tiêu vật chất.
Những giá trị sống tích cực là chiếc neo giúp chúng ta ổn định, vững chãi giữa những biến động của cuộc đời, có thể sẽ không dễ dàng gì nhưng ta vẫn vượt qua được mà không cảm thấy bị thua thiệt, mất mát.
(Theo Trần Mạnh Linh)
DƯƠNG NGỌC DŨNG
No comments:
Post a Comment