Nghe lại lần nữa bài hát Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tôi chợt chú ý đến hai từ "đợi chết" trong câu:
Cùng với ta đợi chết mỗi ngày...
Tôi thấy thú vị với hai từ "đợi chết" này. Để diễn tả tâm trạng của một người không còn thiết tha gì với cuộc đời này vì nó chất chứa quá nhiều thói đời đen bạc, thiết nghĩ, không gì hay hơn phác họa thái độ sống chỉ để mà sống (không mong cầu, mơ ước), sống chỉ để đợi chết mà thôi...
"Đợi chết", thực ra, là một thái độ sống hợp lý trong tình huống này. Nhưng nói thì nói vậy thôi! Ta nói vậy chỉ để an ủi người đang trong trạng thái tuyệt vọng cùng cực với tình đời, để người gượng vui mà ngước mặt nhìn đời và sống tiếp; chứ thực ra, lòng ta vẫn còn âm ĩ niềm ham sống lắm. Nếu thực sự không còn ham sống, ta có thể đợi chết mỗi ngày một mình, chẳng việc gì phải cần thêm một người nào khác cùng đợi chết cho thêm phiền phức.
Tìm một người để cùng rót vào tai nhau những lời đường mật giả dối, hay thậm chí, chỉ để cùng nhau rong chơi thì dễ, chứ tìm một người để cùng nhau đợi chết thì e rằng, không dễ chút nào. Đơn giản là vì, đa phần nhân loại ham sống lắm, ham sống đến điên cuồng, số không ham hay không muốn sống luôn là một con số vô cùng bé nhỏ. Nếu ai muốn chết, thì thành thực mà nói, tốt hơn là nên chết một mình vậy, tìm kiếm chi chỉ hoài công.
Nghe đến hai từ "đợi chết" này, tôi chợt liên tưởng ngay đến những người dân Việt Nam đang sống trong nước. Quả thực là họ đang đợi chết mỗi ngày thật: môi trường nhiễm độc, thực phẩm nhiễm độc, nguồn nước nhiễm độc, văn hóa nhiễm độc... Ngay cả đến thuốc men là công cụ để giải độc cũng bị nhiễm độc nốt, vì toàn là hàng giả. Trong một hoàn cảnh sống mà mọi thứ đều bị nhiễm độc như thế, có thể dễ dàng suy ra rằng, trong bản thân mỗi một con người đều tích tụ vô số độc tố ở những mức độ khác nhau, và khi đã tích tụ đủ nhiều, chúng sẽ bộc phát thành vô số bệnh lạ, và cuối cùng, dẫn đến cái chết. Điều ấy chắc chắn sẽ đến, chỉ là lâu hay mau, sớm hay muộn, tháng hay năm.
Ta trong nhạc phẩm Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời của Lê Hựu Hà đợi chết mỗi ngày, vì lòng cảm thấy không còn tha thiết muốn sống nữa. Còn những người dân Việt Nam trong nước thì sao? Họ có chán sống không? Không. Hoàn toàn không. Họ ham sống dữ dội lắm, và có thể làm bất cứ điều gì chỉ để được sống. Thế thì vì sao họ lại cam tâm "đợi chết"? Họ có biết rõ, họ có nhận thức được là họ đang thực sự "đợi chết mỗi ngày" không?
Để trả lời có hay không thì rất dễ. Câu trả lời chắc chắn là có. Đại đa số họ đều biết là cứ sống như thế thì khó lòng có thể sống lâu. Thời gian sống chỉ còn tính tháng, tính ngày đối với số đông nghèo khó. Nhưng để trả lời câu hỏi vì sao cam tâm "đợi chết" thì không hề dễ chút nào? Không dễ vì nó quá nhạy cảm, nó "đụng chạm" đến số đông, và nếu nói thật thì "gạch đá" nhận được có thể dư để xây biệt phủ.
Thôi thì, hãy diễn đạt như thế này, họ cam tâm "đợi chết" vì họ quá độ lượng và kiên nhẫn. Dân tộc Việt Nam vốn nổi tiếng là một dân tộc anh hùng, độ lượng và kiên nhẫn. Đặc tính "anh hùng" thì có thể còn phải xét lại, chứ hai đặc tính sau thì đang được chứng minh quá rõ ở buổi hôm nay.
Theo họ, dẫu biết rằng, Đảng Cộng Sản Việt Nam giờ đã lộ rõ bộ mặt bán nước hại dân thật, nhưng bán nước là bán cái chung, chứ chưa bán tới họ, còn hại dân là hại ai khác, chứ chưa trực tiếp đến nhà hất đổ chén cơm (độc) trên tay họ, thì mắc mớ gì họ lại phải kêu la. Đấy. Họ kiên nhẫn và độ lượng đến mức ấy. Họ quyết đối xử với ĐCSVN trọn tình, trọn nghĩa theo đúng truyền thống lễ nghĩa của dân tộc Việt, cho dẫu Đảng ta có bạo ngược và chuyên chế bao nhiêu. Cân đo đong đếm hai bên, có thể thấy, Đảng ta có thể tệ, chứ người dân Việt thì không tệ bao giờ, luôn giữ tròn hiếu nghĩa với Đảng, cho dù trong lòng có ưu uất bao nhiêu.
Ta của Lê Hựu Hà có thể đã phải vất vả để tìm ai đó cùng mình "đợi chết mỗi ngày", chứ người dân Việt hôm nay rõ ràng là không. Trong quá trình "đợi chết mỗi ngày" đó, họ luôn có hơn 90 triệu trái tim cùng họ song hành trong một cách thức đầy kiên nhẫn và độ lượng. Xét cho cùng, điều đó thật ấm áp và an ủi làm sao! Không gì tồi tệ hơn sự đơn độc, có phải vậy không?
20.10.19
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment