Nhìn hình ảnh Cần Thơ lộng lẫy hôm nay, nhìn hình ảnh chiếc cầu bắc qua sông Hậu bề thế dễ có cảm tưởng là mọi thứ nơi đó đều ổn và người ta đang sống yên vui, hạnh phúc. Có thực như thế không? Tôi không biết. Tôi đã không còn là người của Cần Thơ ngót nghét hơn ba thập kỷ rồi còn gì.
Những ngày tôi sống, Cần Thơ buồn lắm. Thuở ấy, sân vận động ở Bãi Cát chỉ mới là một dự án, chưa được khởi động. Những túp lều bán hàng lụp xụp dọc theo lối xuống bến phà lần lượt bị dỡ bỏ để tạo bề mặt khoáng đãng. Bãi Cát ngày ấy vắng và thoáng, có phần hoang vu, chỉ toàn là cát. Có đôi ba quán cà phê sân vườn rộng lớn được cất lên dọc theo bên này bờ sông Hậu để người ta vừa uống cà phê, vừa hóng gió sông mát rượt.
Nhớ lại ngày ấy, đi đâu cũng nghe Giận Mà Thương, Em Đến Từ Nghìn Xưa, Đời Gọi Em Biết Bao Lần... Đi đâu cũng nghe giọng Bảo Yến, Nhã Phương vang lên lồng lộng. Nhạc vàng vẫn bị cấm và vẫn phải nghe lén lút. Còn nhớ vài năm sau đó, khi lần đầu được xem bài nhạc vàng (bài hát Hàn Mặc Tử) được phép trình diễn trên một sân khấu dựng ở Bãi Cát, cảm giác thật khó tả, cứ giống như người bị ngộp thở lâu quá, vừa hít thở được chút khí trời.
Đêm Cần Thơ cũng buồn. Chỉ có đại lộ Hòa Bình, đường Nguyễn Trãi và đường Hai Bà Trưng ở Bến Ninh Kiều là sáng đèn và nhộn nhịp, còn những khu khác cứ tối mờ mịt và tĩnh lặng. Cần Thơ ngày ấy chả có gì để giải trí. Chỉ có đôi ba rạp chiếu phim và rạp hát (Thống Nhất, Hậu Giang) là nơi hoạt động rộn ràng. Ngày ấy có thể xem là thời hoàng kim của cải lương khi mà các rạp hát luôn đầy ắp người, và muốn xem thì phải mua vé chợ đen, chứ không có cách gì mua được vé chính thức.
Những đoàn hát lớn ngày ấy như đoàn Trần Hữu Trang, Thanh Nga hay các đoàn ca nhạc thành phố khi xuống đều hát ở sân khấu ngoài trời rộng lớn thuộc quân khu 7 - nơi vừa mới được xây dựng xong. Có lẽ nơi ấy là nơi tôi khã dĩ có được ít nhiều kỷ niệm, khi được thưởng thức nghệ thuật giữa một không gian lồng lộng gió trời. Ở chính sân khấu ấy, tôi đã lần lượt được xem nhiều ngôi sao ngày ấy xuất hiện như Minh Phụng, Lệ Thủy, Minh Vương, Ngọc Giàu, Thẫm Thúy Hằng, Thanh Lan...
Đại Học Cần Thơ ngày ấy càng buồn hơn. Khu 1 thì xa xôi mịt mùng. Khu 2 thì cứ như một trại đầm lầy. Còn khu 3 khang trang hơn với những tòa nhà cao tầng nhưng vô hồn và nhạt nhẽo. Chính vì thế mà tôi đặt tên cho nó là Đại Học Buồn. Buồn và lẻ loi lắm. Vì nó chứa toàn con cán bộ, con đảng viên hay con em các gia đình có công với cách mạng, chỉ có một số ít thuộc thành phần tiểu tư sản như tôi (vì lý do này hay lý do khác) tình cờ được nhận vào. Ngày tôi vào, hội trường Con Rùa vừa được xây dựng xong cái sườn. Đến ngày tôi ra trường, nó vẫn thế, vẫn là một con rùa bò chậm chạp chẳng bao giờ đi đến đâu hết.
Nói chung, Cần Thơ những ngày tôi sống đúng là đã thực sự được "giải phóng" để từ một thành phố phồn thịnh trở về thời kỳ tiền sử - nơi mà mọi thứ trở về hình dáng thật mộc mạc và phôi thai. Và theo như họ nói, họ muốn mọi người dân chính từ đó "chung tay làm lại từ đầu" dưới sự dìu dắt của Đảng và Bác.
Ngày ấy, người ta có hai câu vè này để miêu tả Cần Thơ thời "hậu giải phóng":
Cần Thơ có Bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng Bác, đĩ nhiều hơn dân.
Mà thực sự đúng vậy, ngày ấy, khu vực Bến Ninh Kiều là nơi hoạt động mãi dâm rầm rộ nhất. Và Bác đứng đấy, cao lồng lộng giữa đất trời, tha hồ thoải mái đưa mắt xuống ngắm nhìn chị em ta.
06.11.19
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment