Bây giờ, nó chợt xuất hiện lần nữa. Nhưng lại làm người ta phát giận, khi cho rằng, văn học miền Nam Việt Nam là độc hại. Người ta giận cũng phải. Tôi cũng giận. Vì đó là một sự xuyên tạc, bóp méo sự thật vô cùng trơ trẽn và gian trá. Tôi nói lên điều đó với tư cách là một chứng nhân.
Ngày miền Nam mất vào tay cộng sản, tôi đã biết đọc, biết viết thuần thục. Và như có một sự thôi thúc định mệnh nào đó, tôi đọc vội vã và ngấu nghiến tất cả những gì tôi thấy chung quanh mình, cho dù có thích hợp với lứa tuổi hay không.
Ban đầu là truyện tranh Na Tra, Tề Thiên Đại Thánh, truyện ma cà rồng; rồi đến tủ sách Tuổi Hoa; rồi đến các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn và các tác phẩm văn học dành cho nhà trường; rồi đến tiểu thuyết người lớn của bà Tùng Long, Nhã Ca, Túy Hồng, Thụy Long; tiểu thuyết của Duyên Anh, Chu Tử, Ngọc Linh; tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao; tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung....
Nhiều lắm, không thể nào kể hết ra đây được. Ở trên chỉ là những thí dụ tiêu biểu. Đó là chưa kể đến các báo nhật trình hàng ngày, các tạp chí văn học, nghệ thuật, các đặc san... với hình thức bề ngoài, và nội dung bên trong vô cùng hấp dẫn.
Những ngày sau 30.04.1975 là những ngày đau đớn đối với một đứa trẻ như tôi. Tôi đau đớn là vì, tôi vẫn còn nhớ, tôi phải chứng kiến cảnh gia đình đem chôn hết biết bao nhiêu sách mới tinh của Tự Lực Văn Đoàn và sách cổ tích mà tôi mới mua và đọc xong; cùng với vô số bao nhiêu sách vở khác nữa có được trong nhà. Với tôi chúng quí giá và gắn bó biết bao nhiêu, như người thân ruột thịt.
Phải đến vài năm sau đó, khi người ta đã bớt sợ hãi, các quyển sách và tiểu thuyết cũ mới bắt đầu xuất hiện trở lại một cách lén lút và bí mật. Chúng xuất hiện trở lại vì người ta nghèo đói quá nên buộc lòng phải đem chúng ra cho thuê mướn, kiếm chút đồng bạc sống qua ngày. Thế là, tôi lại đến từng nơi, từng nơi một thuê và đọc cho đến quyển sách cuối cùng.
Không thể nhớ hết được những gì tôi đã đọc, đã góp nhặt được từ kho tàng vô giá ấy của nền văn học miền Nam Việt Nam. Tôi chỉ có thể khái quát hóa rằng đó là những tinh hoa của cuộc đời này mà chắc chắn sẽ tồn tại mãi cho đến tận ngàn sau, bất chấp bao đổi dời, nghịch cảnh. Và thực tế cũng đã chứng minh điều đó.
Ở phía trên, tôi chỉ mới nói về khía cạnh văn học, còn về khía cạnh âm nhạc, thì có lẽ không cần phải nói nhiều, vì sự sống lại mạnh mẽ và tồn tại dài lâu của dòng nhạc vàng đã là một minh chứng thật thuyết phục.
Viết đến đây, tôi bỗng thấy mình có một ước mơ. Ước mơ đó là chế độ cộng sản sụp đổ và biến mất trên mảnh đất quê hương một ngày không xa. Ngày đó, nền văn học miền Nam Việt Nam lại được sống lại đường hoàng và được đặt đúng ở vị trí trang trọng của nó. Và chỉ khi nào được giáo dục với một nền văn học nhân bản và khai phóng như thế thì mới có cơ may để hy vọng rằng, tuổi trẻ Việt Nam trở về lại với nhân dạng là những con người - những con người đích thực như tuổi trẻ Hồng Kông hôm nay.
17.11.2019
Jeffrey Thai
No comments:
Post a Comment