Wednesday, September 1, 2021

NHẠC SĨ MẠNH PHÁT (1929-1971)


Mạnh Phát (1929 – 1971) là một nhạc sĩ Việt Nam có những sáng tác thuộc nhiều thể loại. Ông là tác giả của nhiều bản nhạc bất hủ như Nỗi Buồn Gác Trọ, Ngày Xưa Anh Nói. Giai đoạn 1940, ông là ca sĩ hát cho hãng đĩa PK và Asia ở Sài Gòn. Giai đoạn 1949-1950 ông chuyển sang viết nhạc với bút danh Tiến Đạt một số bài như “Ai Về Quê Tôi”, “Trăng Sáng Trong Làng”. Sau này Mạnh Phát còn bút danh khác khi viết nhạc trữ tình là Thúc Đăng.

Mạnh Phát nổi tiếng với những ca khúc trữ tình, pha chút duyên quê, dân dã. Bài hát “Qua xóm nhỏ” mộc mạc, đậm đà, gợi nhớ một tình yêu trẻ trung, trong sáng.

Năm 1956 – 1959, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân có nhiệm vụ đi lưu diễn khắp nơi, rồi làm trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian trên đài phát thanh Sài Gòn thì vẫn có sự hợp tác của hai giọng ca Mạnh Phát – Minh Diệu. Thế nhưng, trước đó gần 10 năm, vào cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, Mạnh Phát đã khởi nghiệp sáng tác dưới bút hiệu Tiến Đạt. Đa số các sáng tác của ông thời điểm này đều viết về tình tự quê hương, với nét đẹp nhẹ nhàng, lời ca trong sáng như các bản: Mong người trở lại, Ai về quê tôi, Nhớ và được ưa chuộng nhất là 2 bản “Gửi cánh mây trời” theo thể điệu Tango và “Trăng sáng trong làng” theo thể điệu luân vũ, khoan thai, dìu dặt.

Bước sang thập niên 1960, thời kỳ phát triển của dòng nhạc thời trang, Mạnh Phát chuyển hướng và bắt đầu sáng tác mạnh hơn với bút danh Mạnh Phát. Ca khúc nổi tiếng đầu tiên của ông là “Bến nước tình quê”, tiếp theo là các bản: Rồi một ngày, Nhớ mùa hoa tím và Hoa nở về đêm. Ba bản này đều được Lệ Thanh, nữ ca sĩ nổi tiếng bậc nhất thời đó trình bày.

Ít ai biết được con người thật của Mạnh Phát vì ông sống rất âm thầm, ít xuất hiện trước đám đông nhưng ông chính là người đã dẫn dắt rất nhiều giọng ca trẻ thời đó và sau này trở thành những tên tuổi lừng danh, một trong số đó là ca sĩ Thanh Tuyền.

Trong thập niên 60, những người yêu nhạc thường ra quán Minh Phát trên đường Lê Lợi để chờ đợi tác phẩm mới của Mạnh Phát. Sức sáng tác của ông thời điểm đó rất hăng, khoảng 1 tuần, 2 tuần hay lâu lắm là 3 tuần thì ông lại giới thiệu 1 ca khúc mới. Lý do rất đặc biệt: Mạnh Phát có thói quen uống rượu, người bình thường rượu vào lời ra, riêng Mạnh Phát rượu vào nhạc mới ra được (theo chia sẻ của ca sĩ Thanh Tuyền).

Song song, ông còn có nhiều sáng tác hợp soạn với các nhạc sĩ khác như: Áo tím ngày xưa với Lan Đài, Cung thương ngày cũ với Nguyễn Văn Đông, Phố vắng em rồi với Nguyễn Đan Thanh, Chuyến đi về sáng với Trần Thiện Thanh và ăn khách nhất là bản Nỗi buồn gác trọ viết chung với Hoài Linh, đây là nhạc phẩm đã đưa “Nhạn trắng Gò Công” – nữ ca sĩ Phương Dung lên đài danh vọng sau khi cô được biết đến qua “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh. Ngày ấy, có 1 bài báo ở Sài Gòn đưa tin Mạnh Phát đã có công đào tạo Phương Dung sau khi cô từ Gò Công lên Sài Gòn học ở trường Trung học Nguyễn Bá Tòng, thực hư ra sao vẫn chưa được xác nhận, chỉ biết 1 điều rằng trước khi Thanh Tuyền xuất hiện, Phương Dung là người hát nhạc của Mạnh Phát đạt nhất. Phương Dung có một giọng hát thánh thót, ngân vang, trong sáng, chất phác và hồn nhiên. Tuy không để lại ấn tượng như những giọng hát điêu luyện cầu kì nhưng rất được giới học sinh và các anh lính tiền đồn yêu chuộng.

Giữa thập niên 1960, dòng nhạc thời trang bị khủng hoảng giọng ca nữ vì Lệ Thanh lập gia đình và tuyên bố một đi không trở lại, Thanh Thúy cũng tương tự Lệ Thanh, không cho biết ngày về. Hà Thanh và Hoàng Oanh không chịu hát trên sân khấu, chỉ còn lại Minh Hiếu và Phương Dung. Đúng vào thời điểm đó, Mạnh Phát đã cho trình làng một ngôi sao mới, nữ ca sĩ Thanh Tuyền. Cô nữ sinh gốc Đà Lạt này đã nổi tiếng thật nhanh. Tuy không có vóc dáng Tây như Minh Hiếu, không mặn mà, thanh thoát và nữ sinh như Phương Dung nhưng Thanh Tuyền có sức chinh phục khán thính giả thật mãnh liệt với dáng người dễ mến và giọng ca thiên phú độc đáo của cô. Một số người khó tính cho rằng tiếng hát của Thanh Tuyền chua như giấm, một số khác lại than phiền nghe cô hát nhức óc đinh tai nhưng với đại đa số khán thính giả bình dân, Thanh Tuyền là nữ ca sĩ ăn khách bậc nhất trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Cùng với việc giới thiệu ca sĩ Thanh Tuyền, Mạnh Phát đã lấy thêm một bút hiệu mới là Thúc Đăng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như: Khúc nhạc đồng quê, Mong người chiến sĩ, Tôi gặp em, Ngày xưa anh nói và Dấu chân kỷ niệm, một trong hai ca khúc ruột của Thanh Tuyền, bài kia là Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn.

Bài hát mà mọi người thắc mắc nhiều nhất là tác phẩm Chuyến đi về sáng, có người nói là của Trần Thiện Thanh, có người nói của Nhật Trường. Theo ca sĩ Thanh Tuyền, người sáng tác đầu tiên là Trần Thiện Thanh nhưng khi đó do hoàn cảnh khó khăn, Trần Thiện Thanh đã bán lại cho Mạnh Phát với điều kiện được toàn quyền sửa đổi. Do đó, nhạc phẩm này là sự hợp soạn của 2 nhạc sĩ tài ba.

Căn cứ những tấm ảnh chụp thời mới đi hát, cũng như lời kể của một số người quen biết, Mạnh Phát có những nét đẹp tự nhiên, từ khuôn mặt khôi ngô đến mái tóc dợn sóng nhưng chững chạc, điềm đạm chứ không chải chuốt, bay bướm như đồng nghiệp Châu Kỳ. Có thể vì vậy mà khi hang Mỹ Vân thực hiện cuốn phim Tình quê ý nhà, họ đã mời Mạnh Phát thủ vai chính bên cạnh Mộc Lan – vợ Châu Kỳ vì cho rằng ông thích hợp với vai trò này hơn. Về tính tình của Mạnh Phát, cũng theo cuộc trao đổi với nhạc sĩ Văn Giảng, rất hiền lành, vui vẻ với bạn bè, nhất là những ai có thể đối ẩm với ông, nhất là Huỳnh Anh, là bạn đối ẩm bằng rượu mạnh, đô cao.

Rất tiếc, Mạnh Phát đã ra đi rất sớm. Chẳng biết tang lễ của ông có được chu đáo không, nhưng điều đáng buồn là sau năm 1975, người ta ít nhắc tới thân thế và sự nghiệp của ông, mà chỉ tận tình khai thác những sáng tác mà ông đã để lại cho đời.



NGUỒN: Câu Chuyện Âm Nhạc – Sưu tầm NGV.

No comments:

Post a Comment