Saturday, December 25, 2021

CẢI LƯƠNG, NGOẠI VÀ TUỔI THƠ TÔI - THANH HÀ



1/-

Hồi nhỏ tôi thích nghe cải lương vọng cổ lắm. Tôi nói “nghe” là vì thời ấy vô tuyến truyền hình chưa ra đời, nên chỉ được nghe các nghệ sĩ hát qua radio mà thôi. Tôi chỉ khoảng mười tuổi, vậy mà khi nghe tiếng hát cất lên là tôi đã phân biệt được đó là nghệ sĩ nào. Vào những tối đài phát chương trình cải lương, đêm thanh vắng, nằm trong giường lắng nghe các nghệ sĩ tài danh đóng vai thiện ác, trẻ già, đào thương đào lẳng, kép độc kép chánh, tuồng bi tuồng hài… mà tôi khóc cười, giận ghét, vui buồn theo từng nhân vật.

Này nhé, đào thương thì có sầu nữ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Diệu Hiền, Phượng Liên, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết… Kép chánh có Thành Được, Tấn Tài, Hùng Cường, Minh Phụng, Thanh Sang, Dũng Thanh Lâm… Vai người trung, cao niên có Út Trà Ôn, Hữu Phước, Trường Xuân… Hề có Văn Hường, Văn Chung…

Có những tuồng cải lương tôi nghe nhiều đến thuộc lời ca, thế mà mỗi lần nghe lại vẫn say mê như lần đầu. Rồi những ngày cùng với em gái thứ năm, buổi chiều không phải đi học, hai đứa chui vào góc kẹt bồ lúa lấy khăn tắm choàng vai giả làm hoàng tử, cài hoa dâm bụt lên tóc đóng vai công chúa ư ử hát, nhớ đoạn nào hát đoạn nấy, cũng lâm ly não nùng lắm.

Nhắc về tuồng tích cải lương thì có hai hình ảnh tới giờ tôi vẫn nhớ, một cách kỳ lạ, dù đã bao năm trôi qua.

Hình ảnh thứ nhất là một đoạn thoại vài câu do kép độc Trường Xuân diễn vai Hoàng đế Diệp Chấn Phong trong vở Thuyền Ra Cửa Biển. Tôi không nhớ chính xác từng từ, nhưng đại khái đó là cảnh ông vua Diệp Chấn Phong tỏ tình với công chúa Chiêu Trúc Lệ (do sầu nữ Út Bạch Lan đóng). Vua nói rằng nhiều năm trước ông sang thăm vua láng giềng thì bất chợt thấy hai chị em công chúa nhỏ rong chơi bên hồ nước. Hình ảnh cô em cứ ám ảnh ông mãi. Ông biết mình đã yêu. Vợ mất, ông không tái giá, chờ đợi nàng đến tuổi trưởng thành sẽ xin cưới. Oái oăm là bây giờ nàng và hoàng tử con ruột của ông đã yêu nhau.

Tôi đã quên hết tình tiết vở cải lương ngang trái, nhưng mấy lời thoại ngắn ngủi của nghệ sĩ Trường Xuân tỏ tình thì cứ còn ở lại trong trí tưởng tượng của tôi đến tận bây giờ. Tuy chỉ nghe qua lời ca mà tôi như thấy rõ ràng hình ảnh yểu điệu của nàng công nương dong thuyền trên mặt hồ êm ả theo sự vẽ vời tưởng tượng của mình và khiến lòng tôi mơ tưởng suốt mấy chục năm dài.

Hình ảnh thứ hai là lần duy nhất tôi được xem cải lương trực tiếp tại rạp Châu Văn, Rạch Giá năm 11 tuổi. Má mua vé để bà Ngoại dắt bốn chị em tôi đi xem vở Tiếng Hạc Trong Trăng của đoàn Kim Chưởng. Trong tuồng có cảnh nghệ sĩ Phượng Liên mặc chiếc áo trắng tha thướt kiểu cổ với dải thắt lưng lơi lả, tóc dài đến eo, lược giắt trâm cài. Mỗi lần cô xoay chuyển thì đôi hoa tai lấp lánh đong đưa nhịp nhàng theo. Chúng tôi ngồi cách mấy hàng ghế nên nhìn khá rõ. Một tay cầm thanh gươm, tay kia cô ra điệu bộ lúc uyển chuyển lúc cương quyết theo tình tiết câu chuyện. Rồi cô bỗng nắm nhẹ tà áo và nhún hai chân xuống, cử chỉ vô cùng duyên dáng. Hình ảnh xinh đẹp quí phái của cô Phượng Liên dưới ánh đèn sân khấu lung linh huyền ảo ấy khắc vào trí óc con bé 11 tuổi quá đậm sâu. Tôi đã ước ao mình mau lớn để trở thành thiếu nữ yểu điệu thướt tha như hình ảnh đó.


2/-

Giờ quay lại chuyện bà Ngoại tôi. Y phục hàng ngày của Ngoại rất đơn giản như bao nhiêu người nông dân thuần phác với áo bà ba trắng quần đáy lá nem. Khi ra ruộng thì mặc áo bà ba đen. Tôi nhớ Ngoại không mặc y phục màu nào khác ngoài hai màu đen trắng. Quần đáy lá nem là kiểu quần đặc biệt có phần đáy là mảnh vải rộng ghép vào để cử động được thoải mái, nhất là những người lao động khi đứng ngồi không bị căng và khó rách.

Mỗi khi Ngoại đi dự đám tiệc, đi thăm họ hàng thì Ngoại sẽ mặc áo dài gấm hoặc áo dài the trắng có ẩn hoa văn trang nhã cùng với quần lãnh Mỹ A đen láng bóng. Mang đôi guốc mộc quai trắng giản dị. Buổi đi xem cải lương, Ngoại mặc áo dài gấm trắng, tóc bới cao. Chị em tôi cũng xúng xính quần áo mới, náo nức theo Ngoại đến bến đón xe khách Lambretta tám chỗ ra tỉnh cách đó bảy cây số xem hát.

Ngoại tôi vốn là cô thôn nữ xinh xắn, dáng cao thon gọn, mắt mũi miệng hài hòa duyên dáng. Do tuổi tác và hằng ngày lam lũ phơi nắng dầm mưa nên sắc vóc Ngoại có tàn phai. Nhưng khi khoác vào người y phục tươm tất, trông Ngoại duyên dáng hẳn lên. Ngoại cả đời vất vả, chỉ khi già yếu mới chịu nghỉ ngơi. Mọi người tin tử vi nói rằng Ngoại tuổi con gà nên số vất vả. Tôi biết không phải thế. Chẳng qua vì tấm lòng hy sinh, thương má tôi là con một, nên cưu mang thêm đàn con sáu đứa, phụ ba má tôi. Nếu đừng vì sáu chị em tôi thì Ông Bà Ngoại đã có cuộc sống nhàn hạ. Hồi ấy với vài mẫu ruộng, chỉ cần mỗi năm gieo mạ một mùa là dư dả gạo cho cả gia đình mười miệng ăn, còn có thừa để bán.

Nhưng ông bà ngoại tôi quanh năm không bao giờ chịu ngồi không. Xong mùa gặt lúa, ông Ngoại lại xếp rơm ủ nấm. Đến giờ tôi còn cảm nhận được hương vị của món canh nấm rơm trên đầu lưỡi, chỉ nấu chay không cần thêm thịt cá mà đậm đà thơm ngọt. Ông Ngoại còn dựng giàn tre trồng bầu, bí, dưa, khổ qua… Đến mùa khô thì tát đìa, ao, bắt cá lóc, cá trê, cá sặt… Trong vườn nhà trồng nhiều chuối, cạnh bên là cái ao nhỏ, mùa mưa rau muống, rau ngổ, bông súng tươi non chen nhau mọc đầy mặt nước. Bà Ngoại nuôi một con heo để lấy cơm thừa canh cặn, xắt cây chuối non, lấy rau nấu với cám cho heo.

Ngày làm lụng vất vả, nhưng mỗi đêm về chị em tôi lên giường nằm xếp lớp náo nức chờ Ngoại vào nằm cạnh, vừa quạt vừa kể chuyện đời xưa hoặc hát những bài vè, ca dao ru chúng tôi ngủ:

Lúa ngô là cô đậu nành

Đậu nành là anh dưa chuột

Dưa chuột là ruột dưa gang

Dưa gang là nàng dưa hấu

Dưa hấu là cậu lúa ngô

Lúa ngô là cô đậu nành…

Ngoại còn kể chuyện Nàng Út Rẫy Dưa, An Tiêm trồng dưa hấu… Chúng tôi nghe đi nghe lại hàng trăm lần vẫn không biết chán. Giọng Ngoại hát, kể… không hay như giọng nghệ sĩ, nhưng chuyên chở tình yêu thương âu yếm nên thấm sâu vào lòng chúng tôi. Cứ vậy, mà Ngoại đã thay Má nhiều lần ru chị em tôi vào giấc ngủ vô tư, êm ái. Vì khi đó Má còn bận chong đèn thức đêm bên bàn máy may, mong sớm hoàn thành cái áo, cái quần kịp sớm mai giao hàng theo lời yêu cầu của khách.

Rồi chúng tôi lớn lên, đi học xa nhà. Lúc ấy không có điện thoại, chỉ liên lạc nhau bằng thư từ. Nhớ gia đình, mỗi tuần viết hai lá thư về nhà kể đủ chuyện trường lớp, sinh hoạt… và ngược lại má, chị, em gái cũng viết ngần ấy thư kể chuyện nhà. Một hôm trong phong bì chúng tôi nhận được, theo thường lệ là có ba lá thư với nét chữ của ba người thì lần này đặc biệt thêm một tờ thư đính kèm chỉ vài câu, bằng bút chì, nét chữ nguệch ngoạc, xiên xéo. Chừng xem cuối dòng mới biết là thư của bà Ngoại. Trời ơi! Chúng tôi đọc mà nước mắt nhòe nhoẹt. Ngoại nói rất nhớ thương các cháu gái sống xa nhà, hãy giữ gìn sức khỏe, khi nào về, Ngoại sẽ kho cá lòng tong với hành-mỡ-tiêu, cho các cháu ăn.

Thư Ngoại viết chỉ vài hàng mà tôi đọc hoài. Chị Hai kể là Ngoại viết cả buổi mới xong, khiến chúng tôi khóc nhiều hơn, khi hình dung cảnh Ngoại ngồi gò lưng cặm cụi nắn nót đánh vật từng chữ a, b, c để trút tình yêu thương lên giấy cho đàn cháu. Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Ngoại viết thơ trong đời. Ngoại không được đến trường ngày nào, chỉ khi má được đi học thì về chỉ lại cho ông bà Ngoại để ông bà có thể đọc sách kinh Phật.

Ngoại đã viết và nhắc đến món cá lòng tong kho tiêu, đó là món dân dã rẻ tiền, loại cá nhỏ dài bằng ngón tay út, sống trong sông lạch. Qua tài nấu nướng Ngoại của tôi nó trở nên đặc sắc. Bây giờ nó thành món ăn xa xỉ, kể cả ở nhà hàng sang trọng, nhưng tôi vẫn chưa thấy ai kho ngon bằng Ngoại. Có lẽ vì ngoài hương vị đậm đà nó còn chất chứa cả một vùng trời tuổi thơ tôi?


3/-

Tuổi thơ tôi hạnh phúc êm đềm vì có cải lương và có Ngoại. Xem-nghe cải lương khiến tâm hồn tôi bay bổng, mơ mộng về những chuyện thần tiên. Còn Ngoại của tôi không có quần áo đẹp, không có giọng hát hay, Ngoại chỉ có một tấm lòng quảng đại để yêu thương chăm lo đàn cháu. Nhưng chính những săn sóc đời thường mới là hạnh phúc vô giá mà không phải người nào cũng được ban ân sủng trong đời.

THANH HÀ

No comments:

Post a Comment