Saturday, February 5, 2022

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT THÍCH... CHỬI NHAU? - VŨ QUỐC DŨNG

 

Nếu đọc bản tin về chuyện một nhóm thanh niên vác dao xả không thương tiếc một nhóm thanh niên khác chỉ vì nhậu xỉn cãi lộn, sẽ có người lập tức la lên: Sao mà hung ác quá! Ấy vậy, hàng ngày, hết đợt này đến đợt khác, cũng chính những người than thở “Sao mà hung ác quá!” lại luôn thủ sẵn “dao rựa” để chém nhau loạn xị trên mạng.

Chém nhau tơi tả. Chém túi bụi. Chém từ Tây sang Đông. Hở ra là chém. Nếu chém lộn trên mạng có đổ máu thì máu đã chảy đầy sông và xác chất từng đống. Gần đây là vụ loạn đả sau cái chết Thích Nhất Hạnh. Và thời sự nhất là vụ choảng nhau chí chóe khiến “bụi mạng” tung mịt mù, xảy ra khi xuất hiện bài viết của bà nhà văn Phạm Thị Hoài (viết về cái bánh chưng). Case đáng nói nhất lịch sử chém giết của người Việt thời hiện đại đáng lưu vào biên niên sử là màn “thanh toán” chí tử quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Bên ủng hộ Trump; bên theo Biden. Dân thích Biden gọi dân mê Trump là “tụi Cầm Chuông” (nói lái từ “Cuồng Trump”); dân yêu Trump thì chửi người theo Biden là “đám dân chủ thổ tả”…

Chừng nào người Việt mới thôi chửi nhau? Chắc không bao giờ. Khi mà giữa những người từng cùng “chiến hào” ngay sau đó lại trở thành kẻ thù thì làm sao có thể ngưng rạn nứt? Lấy trường hợp Thích Nhất Hạnh thì rõ. Chính những người là “đồng minh” trên “mặt trận” chống Trump ngày nào giờ đây xoay sang đánh nhau quyết liệt vì quan điểm khác biệt khi nhìn nhận lại vai trò Thích Nhất Hạnh. Chỉ ví dụ này thôi đã có thể thấy sự bình tĩnh cùng ngồi lại để chia sẻ khác biệt trên tinh thần hòa hợp – đối với người Việt – là điều không tưởng. Điều này xảy ra với cả những người luôn to mồm kêu gào tự do ngôn luận và cổ xúy dân chủ.

Sự rạn nứt bất tận của người Việt không phải là hậu quả của hiện tượng phe nhóm trên mạng xã hội. Nó đã tồn tại từ rất lâu, như một căn tính bất di dịch của người Việt. Lịch sử người Việt là lịch sử của “hoặc mày theo tao, hoặc tao không chơi với mày”. Trong quyển Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ ấn hành năm 1924, tác giả Đào Trinh Nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chuyện thương nhân người Hoa tràn ngập và thống lĩnh thị trường Việt Nam, trong khi người miền Bắc và miền Nam Việt Nam lại cứ rình rập, “canh me” mà đập nhau, thay vì đoàn kết để trấn áp sự xâm lấn đáng sợ của thương nhân Tàu…

Nhớ lại thời miền Nam trước 1975, cũng chỉ vì không đoàn kết mà cuối cùng miền Nam đã mất về tay cộng sản. Bài học đẫm máu và nước mắt này đến nay vẫn chưa được học. Sự xào xáo bất tận trong cộng đồng người Việt ở Mỹ nói riêng và ở các nước khác nói chung luôn có lợi cho ai? Không phải chế độ cộng sản đang cai trị thì ai vào đây?! Thế mà sự vác mã tấu chém nhau bất tận lại diễn ra trong chính những người được mặc định cùng hàng ngũ chiến tuyến chống cộng!

Suốt chiều dài lịch sử, nước Việt luôn có những cá nhân kiệt xuất. Anh hùng hào kiệt thời nào cũng có (kể cả những “anh hùng rơm” từng tuyên bố “tử thủ đến giọt máu cuối cùng với cộng quân” khiến đến tận hôm nay mỗi khi nhắc lại, không ít cựu binh VNCH vẫn còn phẫn nộ và cảm thấy nhục nhã). Suốt chiều dài lịch sử, nước Việt luôn có những nhân vật xuất chúng phi thường. Với tài đó, trí đó, dân tộc Việt Nam đủ điều kiện để trở thành một dân tộc đáng tự hào, ít nhất ở Đông Nam Á, về sự cường thịnh và đóng góp ít nhiều cho nhân loại.

Nhưng, đất nước Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn xác. Đừng nói một cách đơn giản rằng đất nước đến nay vẫn không thể ngóc lên nổi là do chế độ độc tài cộng sản còn cai trị và đè đầu cưỡi cổ người dân. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chỉ một phần. Xin hỏi nhẹ một câu: cộng đồng người Việt ở Mỹ có thằng cộng sản nào đè đầu không, mà sao vẫn chưa mạnh bằng cộng đồng gốc Hoa hay gốc Hàn?

Vì sao? Có phải do cái máu “nghĩa khí giang hồ” không đúng chỗ? Do cái tinh thần “tự do ngôn luận” bị diễn dịch méo mó? Vì thích chém nhau để đạp lên nhau, để chứng tỏ mình hơn thiên hạ, thay vì nhìn ra thế giới bên ngoài thấy thiên hạ hơn mình mà đâm ra xấu hổ, để cuối cùng biết dàn xếp ngồi lại với nhau bàn tính cách thức làm thế nào đoàn kết và bắt tay xây dựng một đại nghiệp cho xứng với tài trí dân tộc?… Điều đáng nói là sau mỗi cuộc cãi vã – thường là chẳng “thằng” nào thắng “thằng” nào, không có bài học nào được rút ra. Vậy đi, hôm nay nói vậy đủ rồi. Mai cãi tiếp. Thằng nào cà chớn tao đập nữa. Rồi sẽ đi đến đâu? Đừng đặt câu hỏi này. Vì chẳng ai quan tâm. Dân tộc này dường như thích dắt díu vào con đường hầm thay vì chỉ nhau cách cùng đi ra chỗ sáng.

Có một điều chắc chắn: Chế độ cộng sản cai trị đang khai thác mạnh “đặc tính” muôn thuở này của người Việt. Không có gì đáng sợ đối với cộng sản bằng sự đoàn kết. Xã hội càng rạn nứt và mâu thuẫn càng sâu giữa Phật giáo và Công giáo, giữa người Việt hải ngoại với người Việt trong nước; giữa người Việt ở Mỹ với chính người Việt ở Mỹ…, bộ máy cai trị cộng sản càng có ít việc để làm. Đám an ninh cộng sản khỏe re rung đùi cười khẩy xem “chúng mày đánh nhau”. Xã hội càng hỗn loạn tranh cãi quanh những chuyện tào lao, chẳng hạn cái bánh chưng, tâm trí người dân càng xa rời chính trị, và những đòi hỏi chính đáng về nhân quyền càng nhạt mờ và bị che lấp bởi khói bụi của các cuộc đâm chém mà kết quả chẳng hề mang lại bất cứ gì thiết thực. Đừng để bọn làm chính trị nói chung xỏ mũi theo cách chúng muốn.

Liệu có quá lời không, khi nói rằng “ngày mai” của dân tộc lệ thuộc vào chuyện ngày mai người ta có tiếp tục chửi nhau nữa không? Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng, nếu ngày mai, việc lận lưng con dao để đi lang thang trên mạng “thấy gì chém đó” chưa chấm dứt thì còn lâu mới có chuyện cộng đồng người Việt, bất cứ cộng đồng nhỏ nhất nào, có thể có đủ sức mạnh gắn bó và đoàn kết để có quyền vỗ ngực tự hào một cách chính đáng và đàng hoàng: “Chúng tôi là người Việt Nam”!

No comments:

Post a Comment