Saturday, July 15, 2023

BA GIỜ SÁNG, MỘT PHỤ NỮ GÂY CHẤN ĐỘNG THÀNH PHỐ - VISION TIMES

 


Nếu một người thực sự muốn làm điều gì đó, người này sẽ tìm cách. Nếu như không muốn làm thì người đó nhất định sẽ tìm lý do.

Đây là câu chuyện đã xảy ra ở Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, vào ngày 13 tháng 11 năm 1953. 3 giờ sáng hôm đó, chàng lính cứu hỏa Erich 20 tuổi đã nhận được cuộc gọi trong ca trực của mình. 

Ngay khi chuông điện thoại reo lên, Erich cầm máy và nói: “Xin chào! Đây là đội cứu hỏa”. Không có ai trả lời ở đầu dây điện thoại bên kia, thế nhưng Erich lại nghe được tiếng thở nặng nề.

Sau đó, một âm thanh vô cùng kích động vang lên: “Cứu mạng! Cứu mạng với! Tôi không đứng dậy được! Máu đang chảy rồi!”

“Đừng lo lắng, bà bà!” Erich trả lời, “Chúng tôi sẽ đến ngay lập tức, bà đang ở chỗ nào vậy?” 

“Tôi không biết”.

“Có phải bà đang ở nhà của mình không?”

“Vâng, tôi đang ở nhà”.

“Nhà bà ở đâu, nằm ở phố nào?”

“Tôi không biết, đầu của tôi đau, và đang chảy máu”.

“Chí ít bà phải cho tôi biết tên của bà”.

“Tôi không nhớ được, tôi bị đụng phải đầu”.

“Làm ơn đừng cúp điện thoại”.

Erich nhấc chiếc điện thoại thứ hai rồi quay số gọi cho tổng đài và gặp người đàn ông lớn tuổi nghe máy.

Anh hỏi: “Xin hãy tìm cho tôi số điện thoại của khách hiện đang gọi tới đội cứu hỏa”. 

Đầu dây bên kia trả lời: “Không, tôi không thể. Tôi là người bảo vệ đêm, tôi không biết làm việc này. Và hôm nay là thứ bảy, không có ai ở đây cả”.

Erich cúp điện thoại. Trong đầu đột nhiên nảy ra một ý tưởng mới. Anh hỏi người phụ nữ ở đầu dây bên kia: “Làm thế nào mà bà tìm được số điện thoại của đội cứu hỏa?”. 

“Số được ghi trên điện thoại, tôi ngã xuống thì vịn phải nó”. 

“Vậy bà thử nhìn xem trên đó có ghi số điện thoại nhà mình không?” 

“Không, không có số nào khác, xin hãy nhanh lên một chút!” Giọng nói của người phụ nữ càng lúc càng yếu ớt.

“Hãy cho tôi biết những gì bà có thể nhìn thấy?”

“Tôi… tôi nhìn thấy cửa sổ, ngoài cửa sổ, trên đường có một ngọn đèn”.

Được rồi – Erich nghĩ – nhà của bà hướng ra đường, và không phải ở trên cao, vì bà có thể nhìn thấy đèn đường. “Cửa sổ như thế nào?” anh tiếp tục hỏi: “Chúng có phải là hình vuông không?”

“Không, là hình chữ nhật”.

Như vậy căn nhà nằm ở một quận cũ.

“Bà đã bật đèn chưa?”

“Có, đèn sáng rồi”

Erich muốn hỏi thêm nhưng không thấy tiếng trả lời nữa.

Cần phải hành động khẩn cấp! Thế nhưng phải làm gì bây giờ? 

Erich gọi cho sếp của mình và trình bày tình huống anh gặp phải.

Sếp của anh nói: “Một chút dấu hiệu cũng không có, thật không thể tìm được người phụ nữ kia. Hơn nữa, ông gần như nổi giận. Người phụ nữ gọi điện báo và chiếm giữ đường dây nóng của chúng ta, nếu nơi nào đó có hỏa hoạn thì sao?” 

Thế nhưng Erich không chịu bỏ cuộc. Cứu người là nhiệm vụ hàng đầu của lính cứu hỏa! Anh đã được dạy như vậy.

Đột nhiên, anh nảy ra một ý tưởng điên rồ. Sếp của anh nghe xong không khỏi kinh ngạc thốt lên: “Mọi người sẽ nghĩ rằng đang xuất hiện chiến tranh!” Ông nói thêm: “Vào lúc nửa đêm, ở một đô thị như Copenhagen lại xuất hiện sự tập trung lớn như vậy…”

“Tôi khẩn cầu sếp!” Erich khăng khăng: “Chúng ta phải hành động nhanh chóng, nếu không tất cả đều vô ích!”

Đầu dây bên kia im lặng trong chốc lát, và sau đó Erich nghe thấy tiếng trả lời: “Được rồi, chúng ta cứ làm như vậy. Tôi sẽ đến ngay”.

Mười lăm phút sau, 20 chiếc xe cứu hỏa hú còi inh ỏi trong thành phố, mỗi chiếc chạy tới một khu vực.

Người phụ nữ không còn nói được nữa, nhưng Erich vẫn có thể nghe thấy tiếng thở gấp gáp của bà ấy.

Mười phút sau, Erich hét lên: “Tôi nghe thấy tiếng còi hú rồi!”

Sếp ra lệnh qua hệ thống liên lạc nội bộ: “Xe số 1, tắt còi báo động!” Rồi ông quay sang hỏi Erich.

“Tôi có thể nghe thấy tiếng còi báo động!” anh ấy trả lời.

“Xe số 2, tắt còi!”

“Tôi còn vẫn nghe được còi…”

Cho đến chiếc xe thứ mười hai, Erich hét lên: “Hiện tại tôi không nghe thấy nữa”. 

Sếp lại ra lệnh: “Xe số 12, lại bật còi báo động”.

Erich thông báo: “Bây giờ tôi lại nghe thấy nó, nhưng ngày càng xa hơn!”

“Xe số 12 quay đầu lại!” Đội trưởng ra lệnh.

Rất nhanh, Erich kêu lên: “Lại tới gần rồi, hiện tại thanh âm rất chói tai, hẳn là đi đúng đường.”

“Xe số 12, tìm cửa sổ có đèn!”

“Có hàng trăm ngọn đèn bật sáng và mọi người xuất hiện ở cửa sổ, người trong nhà tranh nhau nhìn xem chuyện gì đang xảy ra!”

“Sử dụng loa phóng thanh!” Người sếp ra lệnh.

Erich nghe thấy tiếng loa qua điện thoại: “Thưa quý vị, chúng tôi đang tìm kiếm một người phụ nữ đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi biết cô ấy đang ở trong một căn phòng có đèn. Xin tất cả mọi người hãy tắt đèn”.

Ngay lập tức tất cả các cửa sổ đều tối đen, ngoại trừ một căn nhà.

Một lúc sau, Erich nghe thấy tiếng lính cứu hỏa bước vào phòng, sau đó một giọng nam nói vào hệ thống liên lạc nội bộ: “Người phụ nữ bất tỉnh, nhưng mạch của cô ấy vẫn đập. Chúng tôi đã đưa cô ấy đến bệnh viện ngay lập tức. Tôi tin rằng cô ấy có thể được cứu”.

Helen Thorndah — đó là tên của người phụ nữ — đã thực sự được giải cứu. Bà đã tỉnh lại. Vài ngày sau, trí nhớ của bà cũng được phục hồi. 

Vậy mới nói, nếu như một người thật sự muốn làm việc gì đó thì nhất định sẽ nghĩ ra được cách. Còn nếu không muốn làm điều gì đó, người này cũng sẽ tìm cho mình một lý do. 

Mong rằng tất cả mọi người sống trên thế gian này đều có một trái tim thiện lương. 


Theo Vision Times

(San San biên dịch)

No comments:

Post a Comment