Và nàng đã gặp người trong mộng, chú tâm đến thầy Sơn dạy toán. Thầy Sơn vừa trẻ lại đẹp trai, giỏi và nhất là thầy chưa có vợ! (nàng điều tra nhanh, chỉ biết chưa có vợ là được, còn thầy có người yêu chưa thì… mặc thầy, nàng không cần biết tới). Nàng đang ở tuổi dậy thì 17 mộng mơ. Tuổi của tình yêu, của trái tim mẫn cảm dễ bật lên cung đàn yêu thương và nàng cứ để tự nhiên cho con tim làm việc!
Dù môn toán khô khan, khô đét nữa là khác, nhưng trong giờ toán, tâm hồn nàng lâng lâng ánh lên đôi mắt long lanh mỗi khi nàng thấy thầy. Giờ toán đến, mặt nàng hớn hở như nở hoa. Nàng phấn chấn vui hẳn lên, yêu cả những con số cộc lốc khô khan như yêu những cụm hoa trong vườn hoa tình ái, trong đó nàng đang dung dăng dung dẻ hái hoa bắt bướm bên cạnh có thầy và được… nắm tay thầy. Chà, tuyệt!
Sau giờ toán, nàng thường làm thơ, những bài thơ con… nhái, chép lại đâu đó trong những tập thơ của thầy Xương, dạy Việt văn, để ca ngợi tình yêu đang lên ngôi trong lòng nàng. Tình yêu ngập tràn, chiếm hữu mọi tâm tư nàng, giúp tâm hồn nàng thăng hoa nhưng lại kéo việc học nàng đi xuống. Nàng bắt đầu lơ là việc học, tâm trí để đâu đâu, mơ mộng viễn vông, thường thẫn thờ thả hồn về chân trời tím.
Đang giỏi toán, nàng tụt dần hẳn đi, kéo luôn các môn khác xuống dốc như cái xe đứt thắng, ngoại trừ môn Việt văn, một điều dễ hiểu nhờ nàng đang nghiên cứu văn thơ miệt mài hết lưu bút ngày xanh đến nhật ký ngày xanh để tô hồng trái tim và giải bày tâm sự nàng.
Một hôm, thầy Sơn gọi nàng lên bảng để giải một phương trình toán thầy vừa dạy và cho làm bài tập tại lớp. Nàng lên bảng ngơ ngẩn như đứng trước vành móng ngựa, trơ ra, không giải được toán mà thẫn thờ nghe thầy Sơn… dỗ dành: “Sao bấy lâu em học yếu?”. Thay cho câu trả lời của nàng là những giọt nước mắt long lanh nhẹ nhàng lăn dài xuống má!
Thầy Sơn không phải là gỗ đá, thừa thông minh để nhận thức bấy lâu điều gì đang xảy ra. Lòng thầy cũng mềm đi (thầy còn trẻ mà) trước tấm chân tình của cô nữ sinh thơ ngây trong trắng. Nhưng giữa lớp học, thầy phải tự chủ tỏ ra cứng rắn, tuy vậy lời nói vẫn nhẹ nhàng nói với nàng như lời ru êm ái: “Em không nên như thế. Còn bé, lo học đi, sắp thi Tú tài rồi”. Và nàng về chỗ ngồi úp mặt xuống bàn nức nở giữa bao ánh mắt ngơ ngác của bạn bè trong lớp.
Sau hôm đó, nàng nghỉ nhà hai ngày không đến lớp. Nàng bịnh? Không hẳn. Cái bịnh tương tư vớ vẩn của thời con gái mới lớn đang hành hạ nàng. Cuộn mình trong chăn mỏng, nàng lắng nghe tâm tư thổn thức. Đúng rồi, thời gian này nàng học tụt hẳn đi. Hư quá, và như thế, không xứng đáng là cô học trò đáng yêu để thầy có thể thương được. Nàng không muốn vậy đâu, nhưng sao ngồi trước bài tập, bài học… bóng dáng thầy cứ lung linh ngự trị trong tâm trí đẩy hết chữ nghĩa sang một bên và chiếm hữu tâm hồn nàng.
Những rung động đầu đời của trái tim, của thời con gái mới lớn, nàng không sao giải thích được, nàng chỉ biết là, mỗi khi thầy đứng giữa lớp hay trên bục giảng nàng thấy thầy… vĩ đại làm sao, những bài toán hóc búa, là nữ sinh giỏi toán thế mà đôi khi nát óc nàng vẫn không giải ra, khi trước đây, chỉ sau vài phút suy nghĩ, vài cái nhíu mày nàng giải xong cái rẹt. Nàng xem thầy là thần tượng để nàng tôn thờ, là cái đích để nàng hướng tới và nàng cảm thấy trái tim rung động khi thầy đứng trước mặt và yêu thầy hồi nào không hay.
Nhưng hơn bao giờ hết, hôm nay, nằm nhà, nàng tự hỏi lòng, nàng yêu thầy hay yêu cái môn toán nàng vốn yêu… dính trong người thầy. Có lẽ cả hai. Và sau một hồi suy nghĩ, nàng không thể để môn toán nàng vốn yêu thích và giỏi nữa vuột ra khỏi tầm tay. Nàng không nên phản bội nó, bỏ quên lơ là và như thế sẽ mất luôn thầy. Nàng phải vực dậy, lấy lại khí thế để chinh phục tất cả những gì nàng đã mất và sẽ mất tiếp tục. Suy nghĩ cho là chín chắn, nàng vùng dậy, lôi bài vở ra học, lôi bài tập ra làm. Có học giỏi như vậy mới có thể chinh phục được tất cả, đương nhiên trong đó có thầy Sơn. Rồi nàng lại cắp sách đến trường với một tâm trạng mới, trạng thái mới.
Một thời gian sau, nàng học giỏi hẳn lên lấy lại phong độ cũ. Nàng yêu đời, yêu người và nhất là tình yêu dành cho thầy Sơn càng nồng nàn hơn bao giờ hết. Tuần hai, ba tiết toán, gặp thầy thường xuyên, dù ánh mắt, cử chỉ là cửa ngõ của tâm hồn, đã thổ lộ tiếng nói của trái tim nàng. Nhưng như thế chưa đủ, nàng muốn được kề cận riêng thầy để bộc lộ rõ hơn tình cảm của nàng. Thế là nàng lên kế hoạch một chương trình thăm riêng nhà thầy.
Thầy Sơn sống độc thân, quê ở tận xa xôi một thành phố khác. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm toán, thầy được bổ về dạy trường nàng. Một căn phòng nhỏ thuê trên con đường yên tĩnh sống tạm qua ngày với cơm hàng cháo chợ. Chỉ những ngày cuối tuần, may ra, nếu làm siêng thầy tự nấu vài món đặc biệt để thưởng công cho bản thân, đợi thời gian xin về lại quê nhà.
Mới ra trường, còn trẻ, chưa kinh nghiệm, lại về dạy tại một trường toàn con gái, vốn nhút nhát, hiền lành, thầy Sơn không khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp, hoang mang… Sự việc gì sẽ xảy ra đây và đối phó thế nào với đám học trò ranh mãnh mà sách vở thường lên án: nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò này?
Một năm rồi hai năm, những tinh nghịch vụn vặt của đám nữ sinh dưới mái trường cũng để lại trong lòng thầy nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất mà mỗi khi về nhà, về phòng vẫn lảng vảng trong lòng thầy đó là ánh mắt của nàng nhìn thầy đắm đuối. Một chút chao đảo trong tâm hồn. Thầy còn trẻ mà, trái tim cũng nồng nàn yêu thương, làm sao thầy không rung động choáng váng trước tấm chân tình của nàng chứ? Nhưng hơn bao giờ hết, thầy biết phải làm thế nào để mọi điều êm đẹp, vì…!
Hôm nay bất ngờ nàng đến thăm với chiếc bánh gatô to tổ tướng do chính nàng làm để khoe tài năng nội trợ. Nàng lại đến một mình không như mọi khi với đám bạn cùng lớp hay vài bạn thân thiết. Nàng bước vào phòng, ngượng ngập ngồi xuống chiếc ghế do thầy mời. Căn phòng nhỏ thôi. Xung quanh trống trải ít đồ đạc. Một chiếc bàn nhỏ thấp lè tè. Một cái tủ áo cũng không lớn. Vài chiếc ghế đẩu và cái cầu thang gỗ dẫn lên gác phòng thầy là nơi để thầy ngủ nghỉ. Đó là giang sơn của thầy Sơn.
Ngồi đối diện với nàng, cả hai đều ngượng ngập. Không ai lên tiếng trước ngoài lời chào hỏi ban đầu. Bốn mắt cứ nhìn nhau, tuy không nói mà đã thổ lộ mọi tâm tư. Thời gian như ngừng trôi. Không gian như lắng đọng. Một cơn gió nhẹ thổi qua, len vào phòng hất mái tóc nàng bay bay. Nắng buổi sáng cũng chen vào toả một thứ ánh sáng yếu ớt như muốn góp phần làm chứng câu chuyện của hai người. Một lúc thật lâu, nàng run run đặt chiếc bánh lên bàn, miệng lí nhí:
-Em làm chiếc bánh đến biếu thầy.
Nói xong, nàng e thẹn nhìn xuống bàn, nơi có ổ bánh đang ngoan ngoãn nằm im theo sự đặt để của nàng. Ổ bánh đơn giản thơm ngon, không màu mè bắt bông khắc chữ cũng giản đơn chơn chất như tình nàng gói gọn mang đến đây. Thầy Sơn đăm đăm e ngại nhìn nàng. Tâm tư đang rối bời với nhiều câu hỏi, phải làm sao để đối phó với tình huống hôm nay. Nếu nàng hay cả thầy chỉ một phút yếu lòng sẽ gây bao hậu qủa khó lường… Thầy không dám nghĩ tiếp nữa.
Nàng bỗng dưng đứng dậy, e ấp nói:
-Em chào thầy, em về.
Thầy Sơn như bừng tỉnh cơn mê, vội vàng đứng dậy và nói:
-Em nán lại đã. Thầy quên rót nước mời em. Đợi thầy tí. Thầy lấy cái này cho em xem.
Nói xong, không đợi nàng trả lời, thầy Sơn rót cho nàng ly nước lọc, rồi quay lưng lên gác một lúc trở xuống chìa trước mặt nàng một tấm ảnh và nói:
-Cô đó!
Nàng ghé mắt nhìn vào tấm ảnh. Đó là một thiếu nữ xinh đẹp trong chiếc áo dài màu xanh lơ đang ngồi bên khóm cúc. Tấm ảnh vô tri nhưng có tác động mạnh làm cho nàng xây xẩm. Trời đang nắng ấm mà nàng cảm thấy như xám xịt, lạnh run. Tất cả đang sụp đổ dưới chân. Mắt nàng cay cay và từ đó ứa ra hai dòng nước mắt nhẹ nhàng lăn dài xuống má. Không nói gì cả, nàng tất tả quay lưng bước ra cửa.
Về đến nhà, không kịp thay áo dài, nàng lăn ra giường úp mặt lên gối khóc nức nở…
Lần này nàng cáo bịnh bỏ học suốt một tuần. Và cuối năm học đó thi Tú tài phần một, nàng bị rớt cái… bịch!
Phần thầy Sơn sau buổi đó, lòng thầy cũng ngẩn ngơ xốn xang không kém. Thầy luôn tự hỏi làm thế có quá đáng với cô học trò nhỏ dành tình cảm cho mình không? Thật ra đối với nàng, đối với tình nàng, thầy cũng thấy lòng xuyến xao. Nàng xinh xắn, học hành không tệ nếu không muốn nói giỏi là khác. Có học kém đi cũng tại thầy làm xao nhãng việc học của nàng thôi. Bao đêm, hình ảnh nàng, khuôn mặt nàng với nét thơ ngây hồn nhiên và nhất là tâm hồn trắng trong, trắng như tờ giấy trắng học trò đã khiến thầy tưởng nghĩ với nhiều đêm thao thức.
Đâu phải thầy không muốn đáp lại tình nàng, đâu phải không… yêu nàng, nhưng đứng trước ngã ba đường, phải chọn một, thầy phải làm sao?! Trước khi ra trường đi dạy, thầy đã có một bóng hình ngự trị. “Cô” và thầy đã hứa hẹn trăm năm. Cũng bởi ngăn cách không gian, “cô” tại quê nhà đang theo đuổi việc học, chỉ một năm nữa ra trường, khi sắp xếp công việc ổn định, được bên nhau là thầy và cô kết hôn.
Thầy đâu thể phụ “cô”. Cùng trong ngành sư phạm, mà nền đạo đức đặt hàng đầu, không cần phải là thầy dạy công dân giáo dục, nhà mô phạm nói chung không cho phép thầy đi quá ranh giới của một nhà giáo, nếu nhà giáo đó có tư cách. Thầy không thể bắt cá hai tay, chả đem lại kết quả gì nếu không muốn nói vuột tất cả mà còn để lại hậu quả không hay. Nhiều đêm suy nghĩ lung lắm, thầy quyết định phải giải quyết như thầy đã làm. Nếu nàng có đau, chỉ đau một lần rồi dứt, giúp nàng ra khỏi cơn mê để chú tâm việc học hành, đó là tương lai của nàng, hơn là kéo cả chùm vào con đường bế tắc phải đau khổ triền miên. Tự đặt câu hỏi rồi tìm giải đáp để thực hiện, nhưng trước những giọt nước mắt với niềm đau của nàng, lòng thầy cũng quặn thắt!
Thời gian lặng lẽ trôi, luôn vô tình thờ ơ với mọi chuyện xung quanh. Nhưng thời gian lại là liều thuốc hay chữa lành mọi tâm bịnh. Nàng bắt đầu nguôi ngoai sau một giấc mộng dài. Nỗi đau về tình yêu bồng bột đầu đời làm cho nàng bừng tỉnh, trưởng thành hơn. Nó như một cơn mê thoáng qua để lại trong lòng nàng một nỗi bâng khuâng, một vết thương không bao giờ phai nhưng lại là kỷ niệm đẹp của nàng đánh dấu thời con gái trước ngưỡng cửa tình yêu.
Rồi mùa tựu trường đến, nàng ghi tên đi học lại. Bắt đầu làm mới cuộc đời. Không thể ngã gục khi tương lai trước mắt còn dài đang chờ đón nàng. Vấp ngã thì tự mình đứng dậy đi tiếp, không cần ai đỡ. Phải tự chọn cho mình một hướng đi và đi tới, không thể quay lưng. Rồi nàng cũng quên nhanh thầy Sơn khi bài vở ngập đầu của mùa thi Tú tài đang chiếm hết thời gian nàng. Và nàng càng quên nhanh khi có bóng dáng của thầy Xương Việt văn đang mở rộng vòng tay ra chào đón nàng.
Từ lâu, thầy Xương để ý những bài luận văn nàng viết. Những bài thơ nàng xin. Aha, không chỉ ánh mắt là cửa ngõ của linh hồn mà qua văn thơ người ta có thể đánh giá và hiểu được nỗi lòng cùng tâm sự của người viết, người đọc. Một cảm giác là lạ len lén tâm tư thầy. Từ đó, thầy chú ý nàng một cách đặc biệt và hiểu rõ mọi ngọn nguồn. Cho đến một ngày, khi những cây phượng trong sân trường cùng nở rộ một màu đỏ au, khi tiếng ve sầu cùng cất lên báo hiệu mùa hè đã đến cũng là lúc nàng nhận tin vui thi đỗ Tú tài. Nhân đó thầy Xương ghé nhà thăm nàng, chúc mừng nàng thi đỗ cùng lúc tặng nàng một bài thơ. Bài thơ tỏ tình.
Em như vạt nắng
Trên hàng phượng đỏ.
Trinh nguyên áo trắng
Hồn trong sáng tỏ
Hương mùi hoa bưởi
Tóc xõa ngang vai
Hoa mộng em cười
Ngây ngất hồn ai
Em là tất cả
Trong trái tim… Thầy
Lòng nghe rộn rã
Yêu em đắm say
Thế là tình yêu lại một lần nữa sống dậy, lên ngôi, đánh thức trái tim nàng bao lâu ngủ yên. Nàng lại xao động và tự hỏi lòng, đây có phải thực sự là tình yêu khi hai tâm hồn hòa điệu, đánh cùng một nhịp, cùng nhìn một hướng? Không như trước đây với thầy Sơn dạy toán, có phải nàng đã lầm lẫn giữa yêu “môn toán” và “thầy toán”?! Có phải nàng đã khập khiễng đi trên con đường mòn không phải của tình yêu mà ngỡ là tình yêu?!
Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi, nó như cơn sốt một thời, cơn sóng một lúc cuốn trôi tất cả. Đã khép lại rồi một chuyện tình buồn để mở ra những trang nhật ký ngày xanh bên thầy Xương êm ái nhẹ nhàng như một dòng sông yên bình êm ả. Tâm hồn nàng bây giờ mở rộng, thư thái, đón nhận bao điều tốt đẹp đang đợi nàng ở tương lai.
Một đám cưới không kém phần linh đình, trang trọng của nàng và thầy Xương được tổ chức với sự tham dự của bao bạn bè, thầy cô, đương nhiên không thiếu sự hiện diện của thầy Sơn đã kết thúc một thời hoa mộng của tuổi học trò sau khi nàng tốt nghiệp giáo sư văn chương cấp ba trở về dạy tại ngôi trường cũ đánh dấu bao kỷ niệm của nàng trong đời.
No comments:
Post a Comment