Sunday, August 19, 2012

Chuyện Phiếm Nước Mỹ: Hồn Nhiên




Tôi đang sống ở Mỹ và tôi cảm thấy mình là người hồn nhiên.  Hai vế của câu nói này có thể có liên quan với nhau, cũng có thể không.  Chúng không liên quan nếu tôi là một người hồn nhiên bẩm sinh (trường hợp này có lẽ hơi hiếm).  Còn ngược lại, tôi đồ chừng chúng có một mối liên quan vô cùng mật thiết mà các bạn sẽ hiểu vì sao tôi nói như vậy khi đọc tiếp xuống phần phía dưới.  Hồn nhiên ở đây, ý tôi muốn ám chỉ là không biết sợ hãi.  Mà tôi phải sợ hãi cái gì mới được chứ?  Suy đi nghĩ lại, tôi thấy tôi chẳng có gì phải sợ hãi cả.

Trước tiên, nói về cái nói:  Tôi muốn nói gì thì tôi nói.  Tự do ngôn luận mà!  Miễn những lời tôi nói đừng xúc phạm hay báng bổ gì đến danh dự của ai.  Miễn tôi đừng có đặt điều, dựng chuyện gì cho ai.  Có nghĩa là sự thật làm sao thì nói làm vậy.  Mà càng đúng sự thật thì càng được hoan nghênh.  Nói dài dòng vậy thôi, chứ tôi là người đang sống trong một xã hội luôn tự hào là văn minh, chẳng lẽ chỉ cái chuyện "ăn nói", tôi cũng không biết nói làm sao cho dễ nghe sao.  

Tôi nói luôn dễ nghe nhưng không có nghĩa là lúc nào nghe cũng dễ.  Khi tôi nói thích ai đó hoặc thích điều gì đó thì nghe dễ rồi.  Nhưng khi tôi lớn tiếng nói tôi không thích ai đó hoặc điều gì đó, hay nói rõ ràng hơn là tôi phản đối, thì làm sao mà nghe dễ được.  (Thí dụ như nếu tôi thấy ông Tổng Thống Mỹ hiện nay là ông Barack Obama làm việc không đàng hoàng, không hiệu quả, tôi chán ngán, tôi la làng lên, tôi lập Facebook để phản đối ổng, để "hạ bệ" ổng, thì khi đó, làm sao mà nghe dễ được).  Có ai lại thích người khác phản đối mình đâu.  Tâm lý chung mà! 

Ấy vậy mà, dù nói thích hay la làng lên không thích, hay thậm chí lập hội, lập hè để chống đối, tôi thấy tôi vẫn cứ... hồn nhiên.  Hồn nhiên!  Hồn nhiên!  Là lá la.  Ai làm gì được tôi.  Đụng tới tôi hả!  Coi chừng à!  Tôi gọi một cú phone thôi là police (cảnh sát) tới còng đầu đi, ở tù mọt gông.  Đừng có giỡn.  Nói vậy nghe oai quá.  Oai nhưng mà có thiệt, chứ không phải "nổ".  Chẳng phải tôi tài giỏi gì, hay có chức, có quyền gì.  Tại cái xã hội Mỹ nó vậy.  Cái xã hội này nó tập cho tôi... hồn nhiên.  Nếu có ai nghi ngờ cái lập luận đó của tôi thì xin thử hỏi ngược lại:  Nếu cái xã hội này nó không tập cho tôi hồn nhiên thì liệu là tôi có hồn nhiên được không? 




Thí dụ cụ thể như, nếu tôi muốn phản đối một cái gì đó hay một ai đó (mà tôi cho là không tốt cho xã hội), hay tôi muốn vạch trần một sự thật nào đó mà tôi thấy "ngứa tay, gai mắt" quá vì nó làm hại xã hội quá mạng, mà chỉ vừa mới viết lên Facebook hay lên Blog thôi thì đã có một số "đặc vụ nằm vùng" nào đó rình rập sẵn trên mạng để đưa tên tôi vào "danh sách đen" thì tôi có muốn hồn nhiên cũng...  không dám.  Hay thậm chí, vừa mới mở miệng ra thôi, thì đã có kẻ được biệt phái tới nhà để "hỏi thăm" và "chăm sóc" sức khỏe tôi, thì đến nước này, tôi không muốn sợ cũng phải sợ thôi, chứ hồn nhiên gì nổi.  Là con người mà, ai cũng vậy, ai cũng lo cho cái mạng sống của mình.  Cái đó sách vở gọi là "bản năng sinh tồn".  Nói chung là, nếu cái xã hội nó không tập cho mình hồn nhiên, thì có chết mình cũng không dám... hồn nhiên. 

Mà lạ lắm, không phải một mình tôi hồn nhiên đâu, mà dường như hầu hết dân Mỹ ai nấy cũng hồn nhiên như tôi vậy.  Nói nôm na, nó giống như "hiệu ứng dây chuyền" vậy.  Đại khái là nó truyền từ người này tới người kia như "bệnh truyền nhiễm" đấy.   Nói về cái khoản hồn nhiên, thì tôi độ chừng dân Mỹ chắc đứng đầu thế giới.  Không thích cái gì, không vừa ý cái gì là la làng lên như bị bỏng, không biết kiêng ai, sợ ai là gì.  Mà hỏi họ sợ hãi cái gì mới được chứ?  Hình như cái từ "sợ hãi" không có trong tự điển của họ hay sao ấy. 

Bây giờ, đang nói tới đám đông, thì nhân thể xin nói tới vụ biểu tình.  Chuyện gì chứ chuyện biểu tình ở Mỹ này nó giống như chuyện đi chợ vậy, thích thì đi thôi hay cần gì thì đi mua.  Đi chợ lớn hay chợ nhỏ là tùy mình.  Đi chợ mua gì là tùy mình.  Dĩ nhiên, mua sắm gì thì cũng phải an ninh, trật tự, không chen lấn, xô đẩy, mất văn hóa.  Nhắc chừng vậy thôi, chứ đối với dân Mỹ hồn nhiên thì cái chuyện xô đẩy là cái chuyện vô cùng hiếm.  Xứ văn minh mà, ai lại cư xử như vậy, coi gì được.  Tự mình mắc cỡ thôi, chứ không cần gì ai nhắc nhở.  Người Việt ở xứ Mỹ này cũng chịu khó biểu tình thường xuyên lắm, nhất là ở những thành phố đông người Việt như ở tiểu bang California

Nhắc đến chuyện biểu tình thì những người không hồn nhiên có thể đang tự hỏi:  Không biết ở Mỹ có khi nào đàn áp biểu tình không?  Nếu nói không là nói xạo, là "giấu đầu lòi đuôi".  Nhưng thành thật mà nói, cái kiểu đàn áp biểu tình ở Mỹ cũng có vẻ "kiểu Mỹ" lắm, có nghĩa là sinh mạng và nhân phẩm của con người luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, và những lần đàn áp đó đều có lý do đặc biệt nào đó (như để đảm bảo an toàn xã hội chẳng hạn... ).  Điểm cần nhấn mạnh là các cuộc đàn áp đó không đủ "kinh hoàng" để người dân Mỹ hết... hồn nhiên, và không bao giờ có việc trả thù cá nhân.  





     
Đoàn biểu tình Chiếm Phố Wall 

Nhắc đến biểu tình của dân Mỹ, lớn nhất và gần đây nhất, thì không thể không kể đến vụ Occupy Wall Street (Chiếm đóng thị trường tài chính Wall Street).  Đây là cuộc biểu tình tự phát rất lớn, có sự tham gia của đủ mọi thành phần.  Nó phát khởi đầu tiên tại thành phố New York và sau đó, đã lan rộng ra khắp nước.  Nguyên nhân của cuộc biểu tình là:  Kể từ sau khi Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2008, cuộc sống của đại đa số người dân Mỹ rơi vào cảnh khốn khó và họ cho rằng điều đó bắt nguồn phần nào từ các chính sách bất công của chính phủ.  Các chính sách đó chỉ nhằm bênh vực lợi ích của nhóm giàu có (vốn chỉ chiếm 1%) mà lơ là lợi ích của đám đông còn lại.   

Những người tổ chức phong trào Occupy Wall Street đã kêu gọi khoảng 20.000 người tới công viên Zuccotti gần Phố Wall để cắm trại vào ngày 17/09/2011.  Những người biểu tình tuyên bố họ sẽ ở đó trong vài tháng và tuần hành liên tục trên các đường phố để phản đối cái mà họ gọi là "sự tham lam của giới doanh nghiệp".  Tuy đông đúc như vậy nhưng khu vực chiếm đóng để biểu tình đã được giữ gìn khá ngăn nắp.  Cuộc trấn ấp chỉ diễn ra và cảnh sát đã bắt khoảng 800 người (phần lớn trong số họ đã được thả sau đó) khi đám đông biểu tình đã làm tắc nghẽn giao thông trên  khu vực cầu Brooklyn của New York.  



Cảnh sát xông vào đám đông trên cầu Brooklyn để bắt người sau khi những cảnh báo của họ bị phớt lờ.

Cuộc trấn áp mãnh liệt nhất diễn ra ở thành phố Oakland vào ngày 25/10/2011.  Cảnh sát Oakland dùng hơi cay và bom khói để giải tán khoảng 1.000 người biểu tình ở khu vực trước tòa thị chính và bắt giữ khoảng 85 người.  Sau đó, người biểu tình vẫn tiếp tục được sử dụng khu vực này cho các hoạt động tuần hành hòa bình sau khi nó được dọn dẹp sạch sẽ.  Tuy nhiên, các hoạt động chỉ được diễn ra vào ban ngày.  Họ sẽ không được nấu nướng và ngủ lại đây vào ban đêm.   



Cuộc đàn áp ở Oakland

Trước mức độ lan rộng mau chóng của những cuộc biểu tình từ thành phố này sang thành phố khác, giáo sư John H. Brown, giảng dạy môn Bang giao Quốc tế và Giao tế Quần chúng tại đại học Georgetown ở thủ đô Washington, cho đây là một dấu hiệu tốt, nó cho thấy người dân Mỹ, và giới trẻ của nước Mỹ có thể vượt ra khỏi phạm vi của chiếc máy điện toán, của e-mail, của Tweeter, của Facebook để ra ngoài đường phố và nói lên rằng: "Coi đây này, chúng ta có vấn đề".  Ông cũng cho rằng những người biểu tình không những chỉ lo ngại cho tình hình kinh tế của riêng họ, cho công ăn việc làm của họ mà còn lo ngại không biết quốc gia đi về đâu khi mà họ cho rằng người giàu cứ giàu thêm còn người không giàu thì không thể nào thăng tiến được về kinh tế.  Tại một cuộc họp báo, Tổng Thống Barack Obama cũng thừa nhận các cuộc biểu tình này và ông nói đây là dấu hiệu của sự bất bình mà nhiều người Mỹ cảm thấy đối với hệ thống tài chính bị họ đổ lỗi là gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

Kể sơ sơ chuyện biểu tình ở nước Mỹ để có thể hiểu hơn rằng tại sao dân Mỹ lại... hồn nhiên.  Nếu họ muốn là họ có thể làm, chẳng ai ngăn cản họ và có muốn ngăn cản cũng không được.  Những hoạt động trấn ấp chỉ nhằm giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát của lực lượng an ninh có trách nhiệm.  Và những cuộc biểu tình của họ ít nhiều đã gây được sự chú ý đến những người lãnh đạo ở cấp bậc cao, cũng như gióng lên một tiếng trống báo động xã hội. 

Qua cái cách dân Mỹ biểu tình và cái cách chính quyền Mỹ ứng xử với các cuộc biểu tình, ta có thể thấy rằng sự hồn nhiên của người dân Mỹ là kết quả của một mối tương tác "tương kính":  Anh nói, Tôi nghe.  Một bên có quyền nói và bên kia luôn sẵn sàng nghe.  Sự hồn nhiên không thể hiện hữu nếu:  "Mày không được quyền nói.  Nếu không, Tao sẽ cho mày biết tay".  Cụ thể hơn, nếu chưa có dịp đến nơi biểu tình mà đã có vài người túc trực theo dõi, cản trở, gây khó dễ thì làm sao... hồn nhiên được.  Đến được nơi biểu tình rồi, chưa làm được gì cả, có khi đã bị còng tay, rồi có ai đó đạp thẳng vào mặt đến "hộc máu mũi" thì đố ai lại... không sợ.  Biểu tình xong rồi, thành quả chưa thấy đâu, mà cuộc đời luôn có những "bóng ma" nào đó bám sát quanh năm suốt tháng để báo thù, chẳng làm ăn gì được cả, thì có chết cũng không dám... hồn nhiên.

Càng sống lâu ở Mỹ, tôi càng nhiễm nặng cái tính hồn nhiên này:  Nghĩ sao nói vậy, điều gì tôi nghĩ là đúng sự thật thì tôi nói càng lớn.  Có một lần nói chuyện với một anh bạn học còn ở lại quê nhà qua điện thoại, tôi không biết anh ta có ganh tị với tính hồn nhiên này của tôi không mà anh ta đã thở ra một hơi thật dài và buông ra hai câu cảm thán thật thảm sầu (nghe na ná như trong truyện Kiều):

Bắt phong trần phải phong trần,
Cho hồn nhiên mới được phần... hồn nhiên.


19/08/2012
Jeffrey Thai


1 comment:

  1. Đọc bài viết của anh, em thích và em hiểu được ý nghĩa của các cụm từ "hồn nhiên, người hồn nhiên, không biết sợ hãi". Anh đã cho em hiểu rõ hơn về tính cách hồn nhiên của người dân Mỹ và sự tự do ở nước người. Em rất thích sự văn minh và mối tương tác "tương kính" trong những hoạt động ở nước Mỹ. Sau này em sẽ đi xa và dù ở đâu, em cũng mong "sinh mạng và nhân phẩm của con người luôn được coi trọng".

    Qua "Chuyện phiếm của nước Mỹ: Hồn nhiên", bỗng dưng em nhớ đến bài viết "Sống hèn" anh đăng ở Blog Tiếng Việt và em đã trân trọng ghi lại lời comment chân thật của mình: "Em thích quan niệm sống của anh: tự trọng, không sợ hãi, không đớn hèn... và thích bài viết hay, sâu sắc, đầy ấn tượng của anh".

    Em tin lúc nào anh cũng mạnh mẽ, hồn nhiên và em tin cái ác, cái xấu rồi sẽ bị đẩy lùi. Biết rằng rất khó để có một cuộc sống bình yên như ý nhưng em cầu chúc và mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến cùng anh nhé.

    ReplyDelete