Nghiệp giáo:
Đối với nhiều người đã và vẫn còn đang làm thầy giáo thì có
lẽ làm nhà giáo là một nghiệp hơn là một nghề.
Với bối cảnh xã hội VN trong suốt vài thập kỷ qua, hầu như chưa có ai có
thể sống đủ đầy với nghề này cả. Tuy vậy,
những người lái đò trên cạn ấy vẫn miệt mài đưa đón những người khách sang sông. Miệt mài như thế, nhưng nếu thử một lần hỏi họ
xem họ có thực sự hạnh phúc với nghề không, e rằng đa số sẽ trả lời là không. Thế sao họ không bỏ nghề? Đã bảo là nghiệp mà. Nghiệp làm giáo phần nào giống như nghiệp xướng
ca: Một ngày đứng trên bục giảng là vận
vào mình cái nghiệp của một kiếp tằm, cứ miệt mài nhả tơ cho đời, cho đến những
sợi tơ cuối cùng.
Tôi làm thầy giáo:
"Tôi làm thầy giáo" có lẽ khác xa rất nhiều khi so
với các anh hay các chị làm nhà giáo. Khác
không chỉ về độ dài, mà còn về cách làm.
Đa số khi đã làm nhà giáo là làm suốt cả cuộc đời, làm cho đến khi mái tóc
trên đầu trắng phau như bụi phấn. Còn tôi,
tôi chỉ làm thầy giáo một vài năm ngắn ngủi - ngắn như khoảng thời gian rơi của
một ngôi sao băng. Tôi thực sự không muốn
làm thầy giáo dài lâu. Nhưng ở trên cõi đời
này, không phải cứ không muốn là được. Vì lẽ đó, tôi xin cám ơn định mệnh đã
chiều lòng tôi. Người ta làm nhà giáo là
đạo mạo, là nghiêm trang, là cố phủ lên mình một vẻ uy quyền tối thượng, là cố tạo
ra quanh mình những cách ngăn vời vợi. Còn
tôi, tôi làm thầy giáo như một nghệ sĩ trình diễn, cùng cười, cùng khóc với những
khán giả của mình. Khi màn sân khấu đã
buông, tôi từ trên bục cao bước xuống và trở thành một người bạn, một người anh
gần gũi, chẳng còn có cách ngăn nào tồn tại.
Nói chung là tôi làm thầy giáo với những ý nghĩ và cung cách
khác xa truyền thống vốn có. Và vì thế,
bạn đừng mong sẽ đọc được trong bài viết hồi ức này những hồi kinh quen thuộc mà
các nhà mô phạm thường rao giảng. Thay vào
đó, bạn sẽ được nghe về những xúc cảm rất thật, những nỗi buồn rất sâu, những sự
thật rất đắng, và những nỗi đau rất đời.
Bài viết này không có ý định phác họa nên một chân dung thần tượng của bản
thân. Nếu có khi nào điều đó chợt thoáng
qua, xin hiểu rằng, âu chỉ vì lòng người viết quá nâng niu những dáng nét vàng
son ngày cũ.
Chưa hề bao giờ muốn làm thầy giáo:
“Lũ chúng ta đầu thai
lầm thế kỷ,
Bị quê hương ruồng bỏ
giống nòi khinh”. (Vũ Hoàng Chương)
Con người khi lớn lên thường ấp ủ cho mình nhiều mơ ước. Tôi lớn lên và không dám có một ước mơ. Không dám ước mơ không phải vì không có khả năng,
mà chỉ là vì tôi cho rằng mình "đầu thai lầm thế kỷ": Định mệnh đặt để tôi giữa hai lớp ngục tù. Lớp thứ nhất nhỏ bé, tù túng và nghiệt ngã. Nó nghiệt ngã đến mức sẵn sàng bóp nghẹt mọi ước
mơ từ trong trứng nước. Lớp thứ hai rộng
lớn hơn nhiều. Tuy rộng lớn nhưng điều
nghịch lý là nó lại chẳng có lối để đi và chẳng bao giờ có chỗ cho cái được gọi
là mơ ước. Sống giữa hai lớp ngục tù
ngạt thở ấy, tôi ý thức được rằng: Càng ước
mơ thì niềm hụt hẫng chỉ càng to lớn mà thôi, mà tuổi trẻ hồn nhiên của tôi làm
sao có thể chống chọi nổi với những đổ vỡ quá lớn.
Tôi đã không dám ước mơ.
Nhưng nếu tôi được phép ước mơ, niềm mơ ấy nhất định sẽ là một điều gì đó
rất lớn, chứ không phải chỉ là một thầy giáo. Do đó, điều trước tiên tôi cần nói ngay là: Tôi chưa hề bao giờ muốn làm thầy giáo. Với tôi, làm thầy giáo chỉ là một sự đặt để của
số phận. Tôi không có một sự lựa chọn nào
khác. Tôi vịn vào nó chỉ để thoát ly. Trong bối cảnh sống của tôi ngày ấy, đó là một
cuộc lên đường đầu tiên để tự giải phóng chính mình khỏi những giới hạn bức bối
và ngột ngạt. Chuyến đi ấy mang hình dáng
chuyến thoát ly của chàng Dũng trong tác phẩm Đôi Bạn của Nhất Linh.
Cái bước đầu có vẻ bất đắc dĩ ấy, theo lệ thường, là điềm báo
cho một mối lương duyên gượng ép và không hạnh phúc. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là, đoạn đời
làm thầy giáo ngắn ngủi sau đấy của tôi lại là đoạn đời vàng son mà tôi không
thể nào quên. Nó chứa đựng những kỷ niệm
tươi đẹp nhất của một đời người, những xúc cảm thăng hoa nhất của một tâm hồn,
một trái tim.
Ngày làm thầy đầu tiên:
Ngày làm thầy đầu tiên của tôi bắt đầu vào một buổi chiều nhạt
nắng và ở một phố thị nhỏ của một huyện lỵ êm đềm. Trước mặt nơi tôi ở là một dòng sông rất lớn,
lớn như biển cả, với màu nước đậm chất phù sa và những cơn gió còn đậm nồng hương
vị của những ngày Tết vừa qua đi. Dòng nước
ấy thật phẳng lặng và bình yên như lòng tôi lúc ấy thật bình yên:
"Ngày xưa tôi
chưa ra biển bao giờ,
Tôi thấy biển xanh màu
xanh phẳng lặng."
Tôi ngồi đấy, trên ban-công của tầng lầu thứ nhất và với một
cõi lòng thật tịnh yên, tôi bắt đầu đọc quyển tiểu thuyết Ruồi Trâu của tác giả
Ethel Lilian Voynich. Ngày tôi đọc xong
nó cũng chính là ngày từ giã, nên có thể nói, nó vô tình đã đồng hành cùng tôi
trong suốt quãng đời này. Điều đáng nói ở
đây là tôi chưa bao giờ bắt gặp một nhân vật chính nào thân quen như thế trong
vô số những tác phẩm tôi đã từng đọc qua.
Tôi đã bắt gặp trong bóng dáng của chàng Arthur Burton ấy những đường nét
tâm hồn đầy đồng cảm rất riêng: ấm ấp, sôi nổi, nồng nàn, nhưng mong manh và dễ vỡ. Cùng nhau chúng tôi đã bắt đầu những trang mặc
khải của đời mình.
Cũng chính trong buổi chiều đáng nhớ ấy, khi ngồi dùng bữa cùng
những người bạn thực tập chung trên một vỉa hè ven đường phố, lần đầu tiên tôi
và các bạn nhận ra rằng kể từ nay, việc ngồi vô tư như thế này có thể không còn
thích hợp nữa. Chúng tôi ý thức được rằng
mình đã trở thành những thầy cô giáo - một danh xưng đòi hỏi cả một hệ thống cư
xử và hành vi hoàn toàn khác.
Những tháng ngày thực tập:
Cái thuở ban đầu lưu
luyến ấy,
Ngàn năm hồ dễ mấy ai
quên. (Thế Lữ)
Hầu hết chúng ta có thể sống một đời sống khá dài nhưng
xuyên suốt cuộc hành trình qua miền nhân gian ấy, đôi khi, chỉ có một khoảnh
khắc, một khoảng thời gian (như một ngày, một tháng hay một năm...) còn đọng
lại. Những khoảnh khắc hay khoảng thời
gian ấy thường lôi kéo tâm tưởng chúng ta trở về miền quá khứ, để được sống lại
thêm một lần nữa, để được cảm nhận thêm một lần nữa, rằng trong những phút giây
ấy, mình đã thực sự sống với đúng ý nghĩa đích thực của từ này, chứ không phải
chỉ là một sự tồn tại nhạt nhòa và vô vị. Những tháng ngày thực tập làm thầy giáo của
tôi là những tháng ngày như thế.
Tôi không còn nhớ một cách chính xác, như thế nào và khi
nào, một sợi dây tình cảm vô hình đã xuất hiện và siết lấy thật chặt các em và
tôi - những con người mà trước đấy không lâu chưa hề bao giờ quen biết nhau. Nhưng theo một cách nào đó, điều đó đã thực
sự xảy ra. Trong lớp học, quan hệ giữa các em và tôi là quan hệ thầy trò, giữa
một người truyền dạy tri thức và một người lĩnh hội tri thức. Thế nhưng, khi làm các công tác lao động
ngoài xã hội, khoảng cách giữa người trao và người nhận đó dường như không còn
nữa, chúng tôi chung nhau làm cùng một công việc. Khi đi cắm trại hay dã ngoại vào những cuối
tuần, mối quan hệ ấy lại chuyển hóa thành mối quan hệ giữa những người bạn đồng
hành thân thiết. Có những đêm về, chúng
tôi cùng nhau đi uống cà phê ngoài phố huyện và tâm tình với nhau như những
người bạn thân. Những phút giây ấy đã gắn
kết âm thầm những tâm tình, những trái tim mà người trong cuộc không hề hay biết. Để rồi một giây phút kia, tất cả đều như ngỡ
ngàng khi chợt nhận ra: Sao mình gần gũi
với nhau thế, gần gũi cứ như là quen biết đã nghìn năm!
Có một điều thực sự làm tôi ngạc nhiên khi nhìn lại khoảng
thời gian ấy: Đó là sự cung kính mà các
em luôn dành cho tôi, cho dù rằng khoảng cách tuổi tác không nhiều và chúng tôi
đã gần gũi nhau như thể chẳng thể nào gần hơn thế nữa. Sự cung kính mang phần nào dáng nét cổ xưa và
sự yêu thương hồn nhiên vô bờ bến ấy đã vô tình tạo dựng nên một không khí
huyền thoại, hư ảo cho những ngày đầu tiên tôi bước vào nghiệp giáo, làm những
ngày tháng ấy trở thành cơn mơ đẹp nhất của đời tôi. Cơn mơ ấy đến nhanh và choáng ngợp, và rồi,
tiếc thay, lại chợt vụt biến đi như chưa hề bao giờ tồn tại.
Ngày ly biệt:
Buổi tạ từ thầy nào có
qua sông,
Mà sao thầy nghe sóng
ở trong lòng,
Chiếc xe nhỏ đưa thầy
rời xa bến,
Mưa lòng thầy nức nở
khóc chia phôi.
Mọi sự việc dù vui hay buồn, trước sau gì cũng phải có ngày kết thúc. Không thể thoát khỏi qui luật đó, rồi cũng đến ngày tôi buộc lòng phải nói lời từ biệt với các thiên thần bé nhỏ của mình. Dù rằng việc đó đã được hoạch định trước, sự biệt ly vẫn tác động vào lòng tôi thật mạnh và để lại một nỗi hụt hẫng quá lớn. Nỗi hụt hẫng ấy giống như cái cảm giác bạn đột nhiên rơi thật xa và thật sâu xuống phía dưới từ một đỉnh hạnh phúc thật cao. Rơi xuống và tiếp tục rơi xuống như thế, bất chấp mọi nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám víu thêm một vài giây phút nữa vào thiên đường xúc cảm vừa đánh mất.
Mọi sự việc dù vui hay buồn, trước sau gì cũng phải có ngày kết thúc. Không thể thoát khỏi qui luật đó, rồi cũng đến ngày tôi buộc lòng phải nói lời từ biệt với các thiên thần bé nhỏ của mình. Dù rằng việc đó đã được hoạch định trước, sự biệt ly vẫn tác động vào lòng tôi thật mạnh và để lại một nỗi hụt hẫng quá lớn. Nỗi hụt hẫng ấy giống như cái cảm giác bạn đột nhiên rơi thật xa và thật sâu xuống phía dưới từ một đỉnh hạnh phúc thật cao. Rơi xuống và tiếp tục rơi xuống như thế, bất chấp mọi nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám víu thêm một vài giây phút nữa vào thiên đường xúc cảm vừa đánh mất.
Đã có nhiều giọt nước mắt tuôn rơi trong ngày tiễn biệt đó. Đã có nhiều tiếng khóc nghẹn ngào, không kìm
nén được. Tôi bất lực, lặng lẽ nhìn những
bóng dáng thân yêu sắp sửa vuột ra khỏi đời mình mãi mãi. Trong trái tim tôi, dường như có một cái gì
đó vừa vỡ vụn, tan tác. Những bóng dáng ấy,
cho dẫu có thân yêu đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng chỉ đến với đời tôi ngắn
ngủi thế thôi! Cái cảm giác sẽ chẳng bao
giờ còn có lại được, sẽ chẳng bao giờ còn tìm thấy nữa đã để lại trong tôi một
nỗi giày vò thật lớn. Phải chăng có những
điều được hoạch định bởi định mệnh để chỉ xảy ra một lần thôi trong đời sống
của con người? Như thứ tình thương yêu vô
điều kiện mà các em đã dành cho tôi. Hay
như sự ngây thơ, hồn nhiên trong vắt như pha lê mà tôi đã bắt gặp ở các em thân
yêu. Đúng như dự cảm, tất cả những điều đó
tôi chẳng bao giờ còn có thể tìm lại được trong những đoạn đời về sau:
Thầy đi tìm mãi giữa
lòng thành phố vắng,
Bóng hình xưa hư ảo
tít mù khơi,
Thầy biết lắm thuở còn
chưa xa cách,
Xa các em rồi, thương
nhớ lắm, các em ơi!
Thần tượng:
Có một điều cần nói ở đây, trước khi rời khoảng thời gian thực
tập để đi vào quãng đời đi dạy chính thức của tôi, là khái niệm thần tượng. Tôi còn nhớ vào đêm cuối cùng, trên lối qua cầu
để đi vào một quán cà phê quen thuộc, một em học sinh đã nói rất chân thành với
tôi rằng: "Thầy ơi, trong những ngày qua, các em đã xem thầy như một thần
tượng." Đó là lời nói đầu tiên
về thần tượng mà tôi được nghe trong cuộc đời mình. Không khó để đoán rằng tôi đã bị tác động rất
mạnh mẽ bởi câu nói đó. Không hẳn chỉ là
niềm vui sướng. Đó là một cảm giác đương
nhiên. Bên cạnh niềm vui sướng ấy, tôi
thấy mình băn khoăn nhận ra rằng: Làm thầy
giáo không chỉ đơn thuần là làm một nghề để kiếm sống, mà còn là đang làm nhiệm
vụ của một hình mẫu. Cái trách nhiệm hình
mẫu nặng nề ấy có thể làm vinh thăng hình ảnh người thầy, nhưng cũng có thể biến
hình ảnh người thầy trở thành một "thảm họa" đời sống trong những ánh
mắt thơ ngây.
Có lẽ tôi cần cám ơn câu nói ấy của em học sinh thân yêu
kia. Câu nói ấy đã bám sát theo tôi và
trở thành một lời nhắc nhở trong suốt quãng đời đi dạy không dài của tôi. Tuy vậy, nó cũng vô tình là một trong những
nguyên nhân khiến tôi có ý nghĩ không muốn làm thầy giáo dài lâu. Tôi sợ, sợ lắm rằng vì một lý do ngoài ý muốn
nào đó, hình ảnh của mình trở thành một niềm thất vọng, hụt hẫng trong những ánh
mắt nai ngơ ngác vốn quen nhìn đời như một bài thơ. Nỗi lo sợ ấy phát sinh khi tôi đặt mình vào
trong hiện thực cuộc sống nghiệt ngã của xã hội VN vào thời điểm ấy: Đồng lương kiếm được của một giáo viên chỉ đủ
để... uống cà phê. Liệu con người có thể
giữ được hình ảnh của một hình mẫu trong
cuộc sống, vốn luôn bộn bề của thời hiện đại, khi mà mọi thứ, dù muốn hay không,
cũng thường xuyên bị chi phối bởi vật chất?
Có một điều thú vị là điều tôi vừa kể trên về thần tượng không
chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời làm thầy giáo của mình. Mãi về sau, xa lắm về sau, trong một lần gặp
gỡ vô tình với một em học sinh lớp chủ nhiệm đã từng gắn bó trong những tháng
ngày đi dạy cũ, tôi lại lặng người đi, khi được nghe lại câu nói mình đã từng
nghe một lần trước đây. Tôi lặng người đi
trước hết là vì xúc động. Không xúc động
sao được khi sau chừng ấy thời gian, đủ dài để làm nhạt nhòa màu son phấn của
cuộc đời, tôi lại được nghe những lời thố lộ quá đỗi chân tình và nồng ấm về quá
khứ ngày xưa ấy. Thêm điều nữa là lời thố
lộ ấy không phải từ cửa miệng của một đứa học trò còn ngây thơ và nông nổi, mà
là từ một con người đã xông pha và dầu dãi với cuộc đời. Một lý do khác cho động thái lặng người đi ấy
của tôi chính là cảm giác... nhẹ lòng: Tôi
đã dừng lại cuộc đời làm thầy của mình đúng thời điểm. Thêm một lần nữa, tôi muốn cám ơn định mệnh
cuộc đời tôi về sự ưu ái này.
Ngày hôm nay, sau những thăng trầm của đời sống, tôi không còn
nhìn vào khái tượng thần tượng với cái nhìn của ngày xưa nữa. Tôi cho rằng không có cái được gọi là thần tượng
trên cõi đời này và việc cố gắng sống như là một thần tượng chỉ là một điều
hoang tưởng, nếu không muốn nói là buồn cười và ngớ ngẩn. Tuy có một sự thay đổi lớn như thế trong suy
nghĩ về khái niệm này, tôi vẫn giữ cho mình một sự yêu mến mãnh liệt với cái cách
mà tôi đã làm thầy ngày ấy: lãng mạn, đam
mê, nồng nàn, kịch tích và... không hiện thực - cái cách sống mà mỗi con người chỉ
có thể có đủ khả năng để sống một lần như thế thôi trong cuộc hành trình dài trăm
năm đi qua kiếp người.
(Còn tiếp)
Jeffrey Thai
Con ve nào dạo khúc chia ly
ReplyDeleteMùa hạ cuối âm thầm muốn khóc
Những nụ xanh trên ấy nói gì?
Mắt còn ướt tiếc thời đi học.
Phượng mơ màng lim dim đôi mắt
Nghiêng vành tai đón những tiếng cười
Bỗng rơi khẽ từ đâu tiếng nấc
Sắp hết rồi một thủơ đùa vui.
Và hờn giận nhặt viên sỏi lớn
Ném thật kêu vào tiếng ve sầu
Chân giậm guốc cho mòn nỗi nhớ
Nắng hoe vàng làm ngơ đi đâu?
Mưa thong dong dạo chơi khắp phố
Trên vòm cây rũ lá dỗi hờn
Sân trường vắng một người thả bộ
Mặc cho mưa làm đau vai trơn.
Cả bài hát chia tay áo trắng
Ôm ghi ta chỉ tiếng đàn buồn
Tự dặn lòng là không được khóc
Sao có người lau nước mắt luôn...
Hãy để lòng bình yên khi nhớ về những ngày với bảng đen phấn trắng ...